ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA BÀO CHỮA TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

18/04/2024

Tóm tắt: Trong vụ án hình sự, luật sư tham gia với vai trò là người bào chữa cho người bị buộc tội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, trợ giúp họ chứng minh mình vô tội hoặc khai thác tối đa các tình tiết có lợi nhằm giúp họ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, luật sư còn góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra sự thật khách quan của vụ án; khắc phục tình trạng truy tố, kết án oan sai, bỏ lọt tội phạm đem lại cho nền tư pháp Việt Nam sự công bằng, dân chủ, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa  tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới. Trong quá trình hành nghề của mình, chúng tôi và các đồng nghiệp tại Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế đã tham gia bào chữa trong nhiều vụ án hình sự với nhiều loại tội danh khác nhau từ nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia; Tội xâm phạm quyền sở hữu; Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…vv. Thậm chí có những vụ án hình sự mà luật sư tham gia bào chữa, người bị buộc tội bị điều tra, truy tố, xét xử với nhiều tội danh khác nhau cùng một lúc mà các tình tiết, hoản cảnh, không gian và thời gian phạm tội khác nhau. Trong quá trình hành nghề đã mang đến cho luật sư trải qua những thăng trầm cùng các cung bậc cảm xúc khó quên, khi là niềm vui, lúc là nỗi buồn cũng như những trăn trở nghề nghiệp… Bài viết dưới đây, chúng tôi xin khái quát qua về đặc điểm tâm lý của luật sư khi tham gia bào chữa cho người bị buộc tội trong các vụ án hình sự.

1. Hoạt động bào chữa trong vụ án hình sự

    Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa “Bào chữa là hoạt động dùng lý lẽ, chứng cứ để bênh vực một việc(1).  Còn dưới góc độ pháp lý, bào chữa được hiểu là việc dùng lý lẽ, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo. Bào chữa là quyền hiến định của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự. Đây cũng là quyền của bị can, bị cáo được đưa ra các chứng cứ, lý lẽ, được đặt câu hỏi, được tranh luận trong giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ người bào chữa, hay nhờ luật sư bào chữa cho mình. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định tại Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Người bào chữa có thể là luật sư; Người đại diện của người bị buộc tội; Bào chữa viên nhân dân; Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Trong những người bào chữa nêu trên, luật sư được coi là người bào chữa chuyên nghiệp nhất vì họ được đào tạo cơ bản, chỉ được hành nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện và là người có thể tham gia bào chữa đối với mọi vụ án hình sự bởi  hành lang pháp lý rõ ràng đối với luật sư được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Luật sư và Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư.

    Trong quá trình hành nghề và tìm hiểu, chúng tôi đã tham vấn một số mô hình tố tụng trên thế giới như mô hình tố tụng tranh tụng có nguồn gốc từ mô hình tố tụng tố cáo và phát triển mạnh mẽ ở các nước theo hệ thống thông luật (Common Law) như Anh, Mỹ, Canada, Australia…) thì án lệ là nguồn chủ yếu và quan trọng được dẫn chiếu khi xét xử(2). Tố tụng tranh tụng chỉ ra rằng, sự thật khách quan vụ án sẽ được mở ra thông qua việc tranh luận tự do và cởi mở giữa hai bên (một bên là Cơ quan tiến hành tố tụng và bên kia là người bị buộc tội) có các dữ kiện chính xác về vụ việc. Tố tụng tranh tụng đề cao luật hình thức (thủ tục tố tụng) hơn luật nội dung. Thủ tục tố tụng tại phiên toà được thực hiện công khai, bằng miệng và tuân thủ triệt để nguyên tắc tranh tụng. Bên buộc tội và bên bào chữa tham gia phiên tòa với tư cách là đối tụng có trách nhiệm chứng minh về sự có tội hay vô tội của bị cáo. Tố tụng tranh tụng không có giai đoạn điều tra, mọi chứng cứ hoàn toàn do các bên tự thu thập và chỉ được đưa ra tranh luận tại phiên xét xử. Bên buộc tội và bên bào chữa sử dụng quyền kiểm tra chéo đối với người làm chứng để xác định tính trung thực hay sự thiên vị trong các lời khai của họ. Hoạt động bào chữa được thực hiện xuyên suốt trong cả quá trình giải quyết vụ án mà không đơn thuần chỉ giới hạn trong việc bào chữa tại các phiên điều trần. Đối với mô hình tố tụng tranh tụng thì hoạt động tranh tụng được diễn ra ngay từ khi khởi tố vụ án. Hồ sơ được thu thập cả từ hai phía (bên buộc tội và bên gỡ tội). Đặc điểm nổi bật của mô hình tố tụng tranh tụng là bên buộc tội và bên gỡ tội có quyền năng như nhau, họ cùng thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ độc lập và tranh tụng công khai tại phiên tòa, thẩm phán và bồi thẩm đoàn sẽ không biết trước được hồ sơ của hai bên cho đến khi mở phiên điều trần. Tòa án chỉ là trọng tài để xem xét những chứng cứ buộc tội và những chứng cứ gỡ tội qua các phiên điều trần. Việc điều tra được thực hiện công khai tại các phiên điều trần. Việc quyết định bị cáo có tội hay không căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và do bồi thẩm đoàn quyết định. Đây chính là đặc điểm thể hiện rất rõ vai trò của luật sư bào chữa trong tố tụng hình sự theo mô hình tranh tụng. Trong mô hình tố tụng tranh tụng, vai trò của luật sư hết sức quan trọng và không thể thiếu. Họ không tham gia vào quá trình tố tụng với vai trò hỗ trợ, bổ sung mà là một trong những chủ thể chính tiến hành tố tụng. Luật sư là chủ thể bình đẳng, cùng với công tố viên sẽ cùng tham gia giải quyết để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Chính vì vậy, yếu tố công bằng, bình đẳng, dân chủ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo được đảm bảo rất cao.

    Mặc dù không phải là người có quyền quyết định trong vụ án, nhưng luật sư bào chữa lại là người có vai trò rất lớn trong việc thuyết phục thẩm phán và bồi thẩm đoàn (Jury) đưa ra quyết định. Để thực hiện hoạt động bào chữa, Luật sư phải tiến hành thu thập các chứng cứ quan trọng, thuyết phục nhất, phát triển các bằng chứng đó để xuất trình và tranh luận trước Tòa án. Luật sư phải có lý lẽ sắc bén, dự liệu trước được những tình huống sẽ diễn ra trong phiên tòa để chuẩn bị những lập luận có lợi nhất cho thân chủ của mình. Hoạt động bào chữa của Luật sư được thực hiện độc lập, công khai và được các cơ quan tố tụng tạo điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, không có nghĩa là luật sư không bị giới hạn về quyền hạn hay tự do làm bất kỳ việc gì có lợi cho thân chủ. Luật pháp các nước đều có quy định những gì Luật sư không được phép làm. Ví dụ, luật pháp Mỹ quy định Luật sư bào chữa không được phép dùng những từ ngữ gây kích động bồi thẩm đoàn, không được yêu cầu bồi thẩm đoàn cho rằng họ đang là bị cáo, không được xúc phạm cá nhân công tố viên(3).

    Còn tại Việt Nam, theo chúng tôi mô hình tố tụng có sự pha trộn giữa xét hỏi thiên về thẩm vấn nhưng có thêm yếu tố tranh tụng. Theo đó, hoạt động tố tụng sẽ theo tuần tự từ điều tra, truy tố, rồi đến xét xử. Khi xét xử thì hồ sơ có thể được trả lại cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Trong hoạt động tố tụng hình sự như vậy đôi khi có thể không cần đến người bào chữa, thực tế trước đây cho thấy có rất ít vụ án hình sự có người bào chữa. Trường hợp bị can, bị cáo thiếu hiểu biết pháp luật hoặc đang bị giam giữ thì rất ít có cơ hội để gỡ tội cho mình. Hoạt động xét xử theo “trục dọc” từ Điều tra, Truy tố đến Xét xử đều do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện bị đặt trước thách thức đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có tài đức vẹn toàn, phải công tâm, công bằng thì mới đảm bảo được quyền lợi của người bị buộc tội, bị can, bị cáo, đảm bảo lẽ phải để  công lý được thực thi.

    Mặc dù tiến trình cải cách tư pháp luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng quan tâm để cụ thể hóa thành luật và trai trò của người bào chữa ngày càng đi vào “thực chất” hơn. Tuy nhiên, do nền kinh tế của đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, nhiều ngành nghề mới ra đời, các quan hệ xã hội mới phát sinh thường xuyên chưa kịp điều chỉnh, sự dấp dính từ giao dịch kinh doanh, thương mại, hành chính bị “hình sự hóa” dẫn đến thách thức không chỉ cho các cơ quan tiến hành tố tụng, mà luật sư cũng chịu áp lực không kém trong việc trau dồi kiến thức, kỹ năng hành nghề để bảo vệ thân chủ của mình. Đây được coi là rào cản lớn trong quá trình tham gia bào chữa trong nhiều vụ án hình sự đối với các nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…trong thời gian gần đây làm cho tâm lý luật sư không khỏi hoang mang và ảnh hưởng đến định hướng đối với nghề mình đã chọn.

    1. Tâm lý của luật sư khi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự

    Tâm lý là tất cả các hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc con người, nó gắn liền và điều hành mọi hành vi, hoạt động của con người. Thuật ngữ “tâm lý học” (psychology) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, là sự kết hợp của “psyche” (tâm hồn) và “logos” (khoa học). Như vậy, tâm lý học có nghĩa là ngành khoa học nghiên cứu về tâm hồn, tâm trí và các hoạt động, tinh thần và tư tưởng của con người (cụ thể đó là những cảm xúc, ý chí và hành động). Tâm lý học cũng chú tâm đến sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý và các yếu tố bên ngoài lên hành vi và tinh thần của con người. Hiện nay, người ta định nghĩa Tâm lý học như một khoa học nhân văn có mục đích diễn giải các hành vi và ứng xử của con người trên cơ sở tâm trí bình thường hoặc bệnh lý. Nói cách khác, mục tiêu nghiên cứu của Tâm lý học là sự phối hợp của tư tưởng, cảm xúc và hành động ở con người(4).

    Qua đó chúng ta có thể thấy tâm lý con người là rất phức tạp, bản thân mỗi cá nhân đều có những quy trình diễn biến, sắc thái tâm lý khác nhau. Quá trình diễn biến của tâm lý cũng chính là những hoạt động nội tại bên trong của mỗi con người, để rồi là sự lựa chọn thể hiện bằng hành vi ra bên ngoài.

    Trong khoa học pháp lý, tâm lý tội phạm là trạng thái tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của tội phạm có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện tội phạm, sự hình thành tâm lý phạm tội, ý đồ phạm tội và những biện pháp, phương thức thực hiện tội phạm.

    Ở mức độ nào đó, tâm lý tội phạm vô cùng phức tạp và có phần bí ẩn. Chuỗi hành vi phạm tội không tách rời nhau, mà chúng tác động, ảnh hưởng chi phối lẫn nhau. Nó chứa đựng cả hành vi thao túng tâm lý đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…. trong vụ án hình sự. Không những vậy, tâm lý tội phạm ở chừng mực nào đó còn có thể tạo ra những lầm tưởng và đánh lạc hướng cho cơ quan tiến hành tố tụng bằng những thủ đoạn rất tinh vi. Như đã trình bày ở trên cho thấy mô hình tố tụng của Việt Nam được thực hiện theo “trục dọc” xuyên suốt từ điều tra, truy tố cho đến xét xử, do đó, nếu bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức và sự công tâm của người tiến hành tố tụng bị dao động, lung lay dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan sẽ có thể tạo ra một “hồ sơ” không đúng bản chất sự việc. Và khi đó, luật sư với tư cách chỉ là người tham gia tố tụng nhưng lại thực hiện chức năng bào chữa để gỡ tội cho người bị buộc tội mà phải đi theo một “lối mòn” của hồ sơ vụ án thì thử hỏi luật sư còn giữ được vai trò đúng nghĩa của người bào chữa nữa hay không?.

    Với mô hình tố tụng đặc thù cộng với những tình tiết phạm tội phát sinh trên thực tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội được pháp luật hình sự điều chỉnh, luật sư khi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự luôn phải trăn trở khi đứng “giữa dòng” mà một bên bờ là bảo vệ thân chủ và bên bờ còn lại là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

    Tuy nhiên, không thể không nhắc đến điểm tích cực trong thực tiễn xét xử  thời gian qua là nếu không có vai trò của Viện kiểm sát cũng như vai trò của các luật sư, thì việc xét xử của Tòa án khó đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan vụ án. Có một  điều mà giới luật sư chúng tôi cũng suy nghĩ, trước đây chúng ta thường có quan niệm giữa Kiểm sát viên với Luật sư thường có một khoảng cách xa cách, có nhiều khi không thể lấp đầy, rồi mỗi bên nhận thức không đúng thì sinh ra quyền anh, quyền tôi, dẫn đến những va đập, ứng xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực tại phiên tòa. Xuất phát từ thực trạng như thế thì trong thời gian vừa qua, nhất là khi đất nước bước vào tiến trình cải cách tư pháp sâu rộng, thì trong nhiều phiên tòa hình sự, ngoài hai chức năng rất cơ bản của kiểm sát viên là chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa ra thì kiểm sát viên đã thể hiện đúng vai trò đối tụng để đối đáp, tranh luận đến cùng từng vấn đề với luật sư nhằm làm rõ bản chất vụ án và bảo vệ quan điểm truy tố của mình.

    2.1. Đặc điểm tâm lý tích cực của luật sư khi tham gia bào chữa vụ án hình sự.

    Trong hoạt động tố tụng, luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa hình sự, sứ mệnh của luật sư được xem như là “người gỡ tội” cho bị can, bị cáo vì thế luôn đối lập với chức năng buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng, thế nhưng về mặt ý nghĩa pháp lý lại đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan công bằng, đúng pháp luật, tránh cách nhìn phiến diện một chiều luôn buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng. Mỗi người luật sư đều mang trên mình sứ mệnh bảo vệ sự độc lập của nền tư pháp nói chung và bảo vệ thân chủ của mình nói riêng. Trong quá trình hành nghề của mình, chúng tôi đã tham gia rất nhiều vụ án hình sự về nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp ….với những số phận pháp lý khác nhau của những phận người là chủ doanh nghiệp hoặc người có chuyên môn và trình độ cao được đào tạo bài bản trót mang lầm lỡ, không may vướng vào vòng lao lý, là luật sư bào chữa cho họ, chúng tôi đã trải qua biết bao cung bậc cảm xúc để tìm tòi, khám phá, tham vấn và học hỏi cả chuyên môn và những đặc thù của các lĩnh vực mới mẻ đó. Với những vụ án này, dù tình tiết vụ án rất phức tạp, trong đó có cả những chứng cứ và nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử nhưng lại phải tuân thủ quy trình thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Đây có thể được coi là điểm mạnh đối với những luật sư hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực liên quan thì luôn có một tâm lý tự tin để bào chữa cho người bị buộc tội.

    Khi một người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam trong các vụ án hình sự thì họ thường có những tâm trạng hoang mang, lo lắng, luôn tỏ ra bất ổn, mất niềm tin và không biết trông cậy vào đâu để có thể giúp mình được minh oan hoặc có thể giúp mình giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi họ nhận thức được những hành vi của mình là hành vi phạm pháp luật. Lúc này, giống như tâm lý của một người có bệnh tìm đến bác sỹ, họ tìm đến và đặt niềm tin vào luật sư, họ tìm đến luật sư với mong muốn luật sư giúp họ tìm lại công bằng, lẽ phải khi bị oan sai và có cảm giác được “bảo vệ” và “che chở”, đưa đường chỉ lối cho mình thoát khỏi những bế tắc. Có không ít trường hợp là cha mẹ, vợ hoặc chồng, anh em ruột thịt, đồng nghiệp tìm đến luật sư khi người thân hoặc đồng nghiệp của họ đang là người bị tạm giam, bị can, bị cáo họ tìm đến luật sư không phải để nhất nhất yêu cầu luật sư phải “cãi trắng án” hay tìm cách thoát tội cho người thân của mình mà chỉ mong muốn luật sư bào chữa để người thân của họ được vô tội, được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, dựa trên các tình tiết của vụ án, luật sư phân tích, giải thích dưới góc độ pháp lý để người thân của họ biết và nhận ra những sai lầm của mình, giúp họ giác ngộ để làm lại cuộc đời.

    Có những bị cáo mang án tử, hoặc những bị cáo không có điều kiện mời luật sư thì vẫn được chỉ định luật sư bào chữa, hoặc được là trường hợp trợ giúp pháp lý miễn phí thì đối với họ cũng là một niềm an ủi, họ sẽ cảm nhận được dù họ có mắc sai lầm, có phạm tội thì cũng vẫn nhận được sự nhân văn của pháp luật, vẫn có luật sư đồng hành cùng mình. Từ đó, các bị cáo từ cảm giác buông xuôi, bất lực, tự ti, phẫn uất, nhưng khi được tiếp xúc luật sư, được giải thích, được đưa ra những lời khuyên hữu ích, họ đã tự giác, hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án, chấp hành án, cố gắng cải tạo và làm lại cuộc đời khi chấp hành xong hình phạt tù.

    Chính những thái độ tích cực, niềm tin từ những bị can, bị cáo và người thân của họ dành cho luật sư sẽ là động lực giúp luật sư cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng hành nghề và thêm tin yêu về nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Tạo cho luật sư một tâm lý thoải mái, cảm nhận được niềm vui, nhận thức rõ được vai trò và ý nghĩa của việc bào chữa của mình cho thân chủ trong vụ án hình sự.

    Bằng tất cả sự kiên trì và đầy nhiệt huyết, những cảm xúc của sự hài lòng và tự hào được tạo ra từ việc trợ giúp  thân chủ là điều mà chúng tôi không thể phủ nhận. Mỗi khi đóng góp vào việc tạo ra kết quả tích cực và nhận được sự cảm kích và biết ơn từ phía thân chủ, chúng tôi cảm thấy phấn khích và hạnh phúc với vai trò bào chữa của mình. Sự tự hào khi thân chủ tin tưởng vào kiến thức chuyên môn và kỹ năng của mình để thực hiện đúng trách nhiệm là một phần không thể tách rời trong hành trình làm nghề luật sư. Đồng thời, việc cảm thấy tự tin và vững vàng trong kiến thức chuyên môn cũng là một nguồn động viên lớn cho luật sư. Sự cam kết và đam mê trong việc tìm hiểu và áp dụng các nguyên tắc pháp lý vào từng vụ án mình được tham gia. Luật sư làm việc bằng cả sự chân thành và đam mê nhất với nghề, luật sư không chỉ làm theo đuổi sứ mệnh cá nhân của mình mà còn đóng góp vào sự công bằng và công lý trong xã hội.

    2.2. Đặc điểm tâm lý tiêu cực của luật sư khi tham gia bào chữa vụ án hình sự.

    Bên cạnh những niềm vui, niềm tự hào về nghề nghiệp của mình thì quá trình tham gia bào chữa trong vụ án  hình sự, luật sư cũng đã gặp không ít những khó khăn, những cảm xúc, tâm trạng tiêu cực khi tham gia hành nghề.

    2.2.1. Đặc điểm tâm lý của luật sư trong giai đoạn điều tra, truy tố trước khi đưa vụ án ra xét xử

    Khi thân chủ thuộc nhóm tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

    Đối với những tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thường là những tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn, đa phần là những tội danh liên quan đến các nhóm tội an ninh quốc gia; Tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người; Tội xâm phạm quyền sở hữu; Tội phạm về chức vụ …Do đó, những người phạm tội này thường phải chịu mức hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình. Tâm lý của những người phạm tội này đều rất phức tạp khó đoán, thường chuyển từ trạng thái căng thẳng, lo lắng, run sợ sang thái độ hung hãn và bất cần vì thế khi tiếp xúc với thân chủ trong tình huống này tại các giai đoạn tố tụng từ giai đoạn điều tra, khởi tố và xét xử vụ án tâm lý của luật sư cũng có những cảm xúc khác nhau kèm theo những áp lực ghê gớm. Thường thì những người bị buộc tội này, sẽ bị tạm giam trong quá trình điều tra và không được tại ngoại, luật sư tham gia bào chữa cho họ là do được cơ quan tố tụng chỉ định hoặc do người thân của bị can mời để bào chữa. Khi chưa gặp, chưa tiếp xúc với họ, hay tại buổi tiếp xúc đầu tiên tại Cơ quan cảnh sát điều tra, luật sư sẽ chưa nắm được thái độ của “thân chủ” mình ra sao, có hợp tác không? có nhận tội hay không hay cố tình chối tội? Liệu thân chủ của mình có phạm tội hay không hay bị oan? Bởi khi chưa tiếp xúc trực tiếp với thân chủ mà chỉ qua thông tin của người nhà hoặc một vài tài liệu mà được người nhà cung cấp thì lúc này, tâm lý luật sư cũng sẽ lo lắng, và áp lực.

    Đối với những người bị buộc tội “giết người” rất hay thể hiện cái tôi và có diễn biến tâm lý cực kỳ phức tạp và bất hợp tác, những lý do giết người đều không giống nhau, có thể vì sự ảo tưởng trong việc bảo vệ kẻ yếu, “tìm lại công bằng” và cũng chính vì lý do đó mà họ có thể thực hiện những hành vi giết người man rợ, hoặc giết người chỉ vì sự thù hằn ghen tuông, thậm chí có những hành vi côn đồ chỉ để thể hiện bản thân. Những người phạm tội này, thường có những suy thoái về mặt cảm xúc, tâm lý bất ổn, khó khăn trong việc xác lập mối quan hệ với luật sư, không cởi mở, có sự đề phòng chưa tin tưởng luật sư (bởi đó là luật sư được chỉ định hoặc người nhà mời chứ không phải đích thân họ được lựa chọn). Do đó, luật sư rất khó khăn trong việc giúp họ lĩnh hội được những chuẩn mực đạo đức pháp lý, hiểu được những quy định của pháp luật và hiểu được vai trò của luật sư bào chữa cho mình trong vụ án vì thế họ sẽ không hợp tác, thậm chí là từ chối luật sư, hoặc coi luật sư như “tàng hình”. Với những luật sư trẻ, chưa có kinh nghiệm với các tội phạm như vậy, sẽ cảm thấy chán nản, lo lắng và có những luật sư đã từ chối bào chữa  hoặc “mặc kệ” thân chủ, để cơ quan tố tụng tiến hành như bình thường, luật sư chỉ có mặt ở các buổi làm việc để “diễn cho tròn vai” để kết thúc vụ án.

    Khi luật sư đối mặt với việc bào chữa cho những thân chủ thuộc nhóm tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tâm lý của luật sư thường phải chịu nhiều áp lực và xung đột nội tâm. Mặc dù luật sư cam kết bảo vệ quyền lợi của thân chủ và đảm bảo rằng thân chỉ được đối xử công bằng trong hệ thống pháp luật, nhưng việc bào chữa cho những vụ án đặc biệt nghiêm trọng có thể đặt ra những thách thức lớn đối với đạo đức và lương tâm của luật sư. Tuy nhiên, với cam kết bảo vệ quyền lợi của thân chủ và tinh thần kiên định, luật sư luôn cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa việc thực hiện nghề nghiệp và giữ vững giá trị đạo đức của mình. Bằng cách tôn trọng nguyên tắc và quyền lợi pháp lý của thân chủ, hy vọng có thể đóng góp vào công bằng và công lý trong hệ thống pháp luật, dù đó là trong những tình huống khó khăn nhất.

    Theo một chút kinh nghiệm hành nghề của chúng tôi, đối với những vụ án hình sự, nếu gặp phải những tình huống như vậy, luật sư cần phải bình tĩnh để xem xét và nhìn nhận vấn đề, phân tích tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến thái độ của thân chủ mình thông qua nghiên cứu hồ sơ, qua người thân để biết được những “điểm yếu” của họ, gợi lòng trắc ẩn của họ qua những hành động tác động tâm lý khi nhắc về gia đình, bố mẹ, con cái, doanh nghiệp, đồng nghiệp của họ để thay đổi và có cái nhìn tích cực hơn về luật sư bào chữa cho mình, để họ hiểu rằng luật sư là người đang cố gắng gỡ tội, cố gắng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình, thậm chí là minh oan cho mình nếu thực sự mình bị oan.

    Một trong những việc khiến luật sư tham gia bào chữa vụ án hình sự cảm thấy căng thẳng, có những luật sư cảm thấy sợ hãi đó là khi luật sư tham gia một số hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra như: chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét các dấu vết trên cơ thể, hung khí gây án…vv. Theo qui định của BLHS 2015, thì người bào chữa (luật sư) sẽ được phép tham dự (Khoản 2 Điều 201). Đây được coi là một trong những điểm mới hữu ích của BLHS 2015, giúp luật sư vừa thu thập được những thông tin cần thiết về vụ án vừa giám sát được những người tham gia tố tụng có đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ qui định của pháp luật hay không. Tuy nhiên, không phải luật sư nào cũng tham gia đầy đủ hoạt động trên, bởi như đã nêu trên, có người sẽ lo lắng, hoảng sợ, sợ ám ảnh (đặc biệt là những luật sư nữ) khi khai quật tử thi, hay kiểm tra hung khí gây án khi vẫn còn những vết máu tanh hôi…

    Khi luật sư bào chữa vụ án hình sự cho bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội

    Người dưới 18 tuổi là đối tượng thân chủ tương đối phổ biến của luật sư dưới 02 hình thức: bào chữa chỉ định và được người thân mời. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi là người ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, chủ yếu là học sinh ở các cấp giáo dục phổ thông khi phạm tội thường chưa nhận thức được đầy đủ tính chất hành vi cũng như hậu quả sẽ xảy ra. Đặc biệt, xuất phát từ những suy nghĩ đơn giản, bồng bột, người dưới 18 tuổi dễ có những hành động bộc phát, không kiềm chế, dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, ví dụ như những lời châm chọc, hay kích bác của những bạn đồng trang lứa.

    Khi tham gia tố tụng, đối với trường hợp là trẻ em dưới 18 tuổi là người bị buộc tội, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự đa phần thường có tâm lý sợ hãi, e dè, không dám bộc lộ hết suy nghĩ mong muốn của bản thân nhưng cũng không ít trường hợp lại tỏ ra bất chấp, bất cần, không hợp tác với luật sư bào chữa cho mình, bởi chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc, hậu quả mà mình gây ra khiến cho luật sư cũng như người tiến hành tố tụng rất khó khăn trong việc lấy lời khai, xác minh vụ việc, luật sư cũng khó thu thập thêm được tài liệu, thông tin chứng cứ để giúp thân chủ (dưới 18 tuổi) giảm nhẹ tội hoặc chứng minh họ vô tội.

    Khi tham gia phiên tòa hình sự để bào chữa cho bị cáo là người dưới 18 tuổi, nỗi trăn trở, áp lực của luật sư sẽ tăng lên bởi luật sư vừa phải đi tìm hiểu sâu vào tâm lý của bị cáo, luôn phải suy nghĩ và tìm ra những phương án bào chữa sao cho phù hợp, tránh làm ảnh hưởng tâm lý của họ, vừa đảm bảo áp dụng đúng các qui định dành riêng cho người dưới 18 tuổi phạm tội.

    • Đặc điểm tâm lý của luật sư khi tham gia bào chữa tại Tòa án

    Tâm lý lo ngại khi những tài liệu, chứng cứ mà luật sư thu thập được nhằm mục đích minh oan hoặc làm tình tiết giảm nhẹ tội cho thân chủ không được HĐXX chấp nhận.

    Khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định người bào chữa (luật sư) có các quyền sau: “Thu thập, đưa chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản”. Cũng theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 73 BLTTHS năm 2015 thì: “Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người bào chữa cung cấp, cơ quan tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo qui định và những tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do người bào chữa thu thập được có giá trị như những tài liệu, đồ vật do cơ quan điều tra thu thập”. Thế nhưng tại khoản 4 Điều 88 BLTTHS 2015 quy định: “Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này”.

    Có thể thấy, BLHS 2015 trao quyền và trách nhiệm cho luật sư trong việc tìm và thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, coi những chứng cứ mà luật sư cung cấp được có giá trị như những tài liệu, đồ vật mà cơ quan điều tra thu thập được nhưng khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu… có liên quan đến vụ án từ luật sư thì vẫn phải chịu sự kiểm tra, giám sát và đánh giá từ cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì vậy, tại phiên Tòa hình sự, khi luật sư cung cấp những chứng cứ, tài liệu mới mà luật sư thu thập được mà chứng cứ này có giá trị quan trọng trong vụ án để có tác dụng trong việc minh oan cho thân chủ, hay là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sư cho thân chủ của mình thì lại bị qui định “kiểm tra, đánh giá” của cơ quan tiến hành tố tụng quyết định. Vì thế, chứng cứ mà luật sư cung cấp có được coi là có giá trị hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm cơ quan tiến hành tố tụng – thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Nếu trường hợp HĐXX cùng quan điểm với luật sư, chấp nhận tài liệu chứng cứ do luật sư cung cấp, thì sẽ có lợi cho thân chủ, trường hợp không cùng quan điểm mà bác đi những chứng cứ mà luật sư cung cấp, vô  hiệu hóa chứng cứ mà luật sư cung cấp khiến cho giá trị chứng minh của luật sư cho thân chủ không còn. Ngoài ra, luật sư cũng rất lo ngại đối với những vụ án “bỏ túi” khi mà HĐXX chỉ dựa vào toàn bộ hồ sơ mà cơ quan tiến hành tố tụng thu thập và đã định sẵn được “Bản án” sẽ ban hành như thế nào. Việc tại phiên tòa, luật sư cung cấp thêm những tài liệu, chứng cứ rất có thể là là tình tiết quan trọng làm thay đổi bản chất vụ án khiến cho HĐXX phải xem xét trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung vì thế để không làm thay đổi “Bản án” đã được định sẵn, HĐXX sẽ bác tài liệu chứng cứ mà luật sư cung cấp, để tuyên một bản án đã được định sẵn thống nhất của cơ quan tố tụng từ trước khi diễn ra phiên Tòa.

    Tâm trạng của luật sư khi nghe những bản án như thế cảm xúc khó diễn tả thành lời, đó là nỗi buồn cứ ảm ảnh mãi không nguôi, xen lẫn những bức xúc, những sự bất công khi những “Bản án” không đúng như những gì mà luật sư đã cố gắng tranh tụng tại phiên tòa, xét xử công khai nhưng diễn biến thực tế tại phiên Tòa và Bản án được tuyên không dựa vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, không đúng với với tinh thần của Chỉ thị 08 và Nghị quyết 49 rằng: “Bản án phải là kết quả của sự tranh tụng tại phiên tòa”. Tinh thần đó đã được pháp điển hoá thành một nguyên tắc cơ bản trong Điều 26 Bộ luật TTHS năm 2015: “Bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.

    Việc mâu thuẫn trong qui định của pháp luật nêu trên khiến cho vai trò của luật sư trong việc thu thập tài liệu chứng cứ trong vụ án hình sự không được coi trọng, trao quyền nhưng chưa có cơ chế đảm bảo cho các quyền đó, quyền quyết định vẫn thuộc về cơ quan tiến tiến hành tố tụng, xem xét, đánh giá xem có chấp nhận hay không?. Điều này vô tình tạo ra những kẽ hở pháp luật dẫn đến việc cơ quan tiến hành tố tụng xét xử thiếu khách quan, quyền quyết định duy nhất vẫn thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng (HĐXX – người quyết chính vẫn là thẩm phán chủ tọa phiên Tòa) với những lý do đưa ra không khiến cho luật sư phải tâm phục khẩu phục như “ Không có căn cứ”, “không có cơ sở để xem xét” hay “mặc dù….nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”…là những kết luật quen thuộc có phần “chua chát” đối với luật sư khi tham gia bào chữa các vụ án hình sự.

    Tâm lý chán nán, thất vọng và có cả sự ám ảnh đối với những vụ án khi HĐXX tuyên một bản án như được “soạn sẵn, có sẵn” từ trước khi diễn ra phiên Tòa, thường được gọi miệng là “án bỏ túi”.

    Khi tham gia phiên tòa hình sự, về nguyên tắc, tranh luận phải đi đến cùng của sự thật mới đúng theo tinh thần của BLTTHS 2015 về việc xác định sự thật của vụ án để đảm bảo xét xử vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Thế nhưng, trong khá nhiều vụ án hình sự, việc tranh luận chỉ mang tính chất một chiều, chỉ là hình thức.

    Trong không ít phiên tòa hình sự, để chuẩn bị bào chữa cho bị cáo, tôi và các luật sư đồng nghiệp đã mất rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, thu thập tài liệu chứng cứ và chuẩn những câu hỏi, luận cứ bào chữa có vụ án lên đến cả trăm trang giấy, trong đó có thể hiện đầy đủ các quan điểm pháp lý rõ ràng của tôi để sẵn sàng đối đáp, tranh luận, bào chữa tại phiên Tòa để bào chữa cho thân chủ. Thế nhưng, thế tế phiên Tòa, Bản luận tội (cáo trạng) của đại diện viện kiểm sát cũng là những nội dung cô đọng tương đồng với Bản kết luận Điều tra của cơ quan CSĐT từ trước, rồi nêu những nhận định chung chung, đại diện viện kiểm sát chỉ cầm một bản cáo trạng rồi đọc thật nhanh cho xong chứ không đúng bản chất của một bản luận tội, không có đầy đủ các căn cứ buộc tôi. Việc đối đáp từ viện kiểm sát cũng chỉ mang tính hình thức, không có bất cứ tranh luận, đối đáp nào với bản luận cứ của luật sư. Không những vậy, trước khi luật sư trinh bày luận cứ bào chữa, HĐXX còn đưa ra ý kiến rất vô lý rằng: “luật sư trình bày ngắn gọn thôi để chuyển qua phần khác” những lần như vậy, đối với một người luật sư thì đó là sự thiếu tôn trọng của HĐXX dành cho mình, để những người có mặt tại phiên tòa, đặc biệt là thân chủ và người nhà của thân chủ có những hoài nghi về “vị trí của luật sư tại phiên tòa”,  làm mất đi nguồn cảm hứng của luật sư, khiến cho luật sư rơi vào trạng thái suy nghĩ “mình trình bày luận cứ, nhưng không biết HĐXX có lắng nghe không?” sự nhiệt huyết, tinh thần đấu tranh sẽ bị lung lay nếu như luật sư không giữ được tinh thần vững chắc.

    Trong thời gian hành nghề của mình, không ít lần chúng tôi gặp phải những vụ án thường được gọi là “án bỏ túi” nên cảm xúc buồn vui, thấy vọng hay chán nản rồi cũng sẽ trôi qua và sẽ không còn bị “Sốc” khi gặp phải những vụ án tương tự. Thế nhưng, đối với các luật sư trẻ, mới bước vào nghề, thực tế những luật sư được chúng tôi hướng dẫn đã tâm sự về việc trước khi diễn ra phiên tòa hình sự, họ tham gia với một tâm thế tự tin, sẵn sàng “chiến đấu” để “bảo vệ công lý” “bảo vệ lẽ phải” thế nhưng khi kết thúc phiên tòa thì họ lại cảm thấy day dứt, mặc cảm, không dám đối diện với thân chủ cũng như người nhà của họ khi kết thúc phiên tòa vì cho rằng mình đã không hoàn thành trách nhiệm cũng như giúp được thân đạt được kết quả mà mình mong muốn, không bảo vệ được điều mà mình tin rằng đúng, đã cố gắng chứng minh bảo vệ tại phiên tòa, nhưng kết quả là bị HĐXX bác bỏ.

    Từ tâm trạng đó, nhiều luật sư đã muốn bỏ nghề tranh tụng, không muốn theo nghề luật sư tranh tụng nữa, mà chỉ muốn làm luật sư tư vấn để quên đi cái cảm giác day dứt và ám ảnh trong những phiên tòa hình sự mà mình đã tham gia nhưng kết quả không được như mong đợi. Có thể thấy, đó là một trạng thái tâm lý tiêu cực, mất niềm tin vào nền tư pháp không nên có từ phía luật sư. Thế nhưng, nhìn nhận vào thực trạng xét xử tại các cấp tòa án tại Việt Nam thì sẽ thấy quyền hạn và vị thế của luật sư chỉ được thể hiện trong các điều khoản luật định, chứ trên thực tế thì các luật sư đều rơi vào tình cảnh không thể thay đổi được bản án sau khi Tòa đã tuyên.

    Một điều đáng buồn thêm nữa đó là mọi “cố gắng” của luật sư tại phần tranh tụng, xét hỏi, trình bày quan điểm, luận cứ của luật sư trong phiên tòa hình sự đều không được ghi nhận đầy đủ tại bản án.

    Căn cứ Điều 322 BLTTHS 2015 về tranh luận tại phiên tòa cũng quy định: “… Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án…”. Điều 260 BLTTHS 2015 quy định: “Bản án sơ thẩm phải ghi rõ…c) Ý kiến của người bào chữa… đ) Phân tích lý do mà Hội đồng xét xử không chấp nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự và người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đưa ra;…”

    Quy định thì rõ ràng là vậy, thế nhưng trong các vụ án hình sự mà chúng tôi bào chữa thì phần ý kiến của luật sư chỉ được ghi ngắn gọn 1,2 dòng, thậm chí còn không được ghi nhận mà chỉ được nêu ở phần đầu của bản án về việc luật sư có mặt hay vắng mặt. Mặc dù sau khi kết thúc phiên tòa luật sư đã gửi Bản luận cứ bào chữa của mình cho HĐXX để trường hợp tại Phiên tòa, thư ký không ghi kịp lời luật sư trình bày thì có thể căn cứ vào Bản luận cứ mà luật sư nộp để ban hành bản án cho đầy đủ. Tuy nhiên, thì HĐXX chỉ nhận cho có, chứ cũng không ghi nhận những đóng góp tích cực từ phía luật sư.

    3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý luật sư khi tham gia phiên tòa hình sự.

      • Áp lực từ phía thân chủ là bị cáo, người nhà bị cáo

      Đối với luật sư, tham gia những vụ án hình sự khi thân chủ là bị cáo mang những tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có thể đối mặt với án tử hình. Thì bị cáo và người nhà đặt niềm tin cuối cùng vào luật sư, như là “chiếc phao cứu cánh cuối cùng” của họ, của người thân họ. Vì thế, áp nặng đè nặng lên vai luật sư, mặc dù đã cố gắng hết mức có thể tại phiên tòa để đưa ra những căn cứ, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, với bản luận cứ lập luận sắc bén tại phiên tòa để cố gắng gỡ tội, giảm bớt trách nhiệm hình sự hay thoát án tử cho thân chủ của mình. Nhưng trước khi phiên tòa diễn ra, nhìn những ánh mắt đau khổ, lo lắng, thất thần của người thân bị cáo, ánh mắt “cầu cứu của thân chủ” càng làm tâm lý luật sư trở lên nặng nề hơn.

      • Áp lực từ phía dư luận xã hội

      Luật sư tham gia những vụ án hình sự bào chữa cho các bị cáo bị buộc tội giết người bằng những hành vi, thủ đoạn man rợ, được báo chí, dư luận xã hội quan tâm theo dõi thì đó thực sự là một lựa chọn khó khăn cho luật sư bởi khoản 1, Điều 76 BLTTHS 2015 quy định:“trong trường hợp bị can, bị cáo phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; Người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

      Trong trường hợp người bị buộc tội, người đại diện, người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chỉ định người bào chữa cho họ”.

      Đối với những luật sư bào chữa được cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định cho bị can, bị cáo thuộc các trường hợp nếu trên, nếu không bị từ chối hoặc bị thay đổi người bào chữa theo qui định của pháp luật thì thì việc bào chữa cho người bị buộc tội trên là nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư được chỉ định. Nếu không có lý do chính đáng hay trở ngại khách quan nào cản trở việc bào chữa của mình thì luật sư: “Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan” (điểm b, khoản 2, Điều 73, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

      Khi không có sự lựa chọn nào khác theo luật qui định, nhưng cũng vì tâm đức của một người luật sư khi không được bỏ rơi thân chủ của mình, thì vượt qua áp lực dư luận để bảo vệ thân chủ luôn làm cho tâm lý luật sư bị đè nặng và áp lực bởi khi luật sư tham gia phiên tòa hình sự, trước và sau khi diễn ra phiên tòa đều sẽ bị những phản ứng tiêu cực từ phía dư luận xã hội, thậm chí cả người thân khi biết mình là luật sư bào chữa cho “kẻ giết người”. Khi họ nói rằng: “Tại sao phải đi bảo vệ kẻ giết người? Chứng cứ rõ ràng rồi sao phải bào chữa? Sao đứng về bên sát nhân mà không nghĩ tới nỗi đau của người bị hại?

      Với những phiên tòa như trên, thì việc có sự tham gia của báo chí, ghi âm, ghi hình rồi đăng tải trên mạng xã hội công khai là điều đương nhiên. Điều đó có nghĩa là từng câu, từng lời nói, những lập luận phản biện của luật sư đều được đông đảo mọi người theo dõi. Vì thế, không chỉ áp lực khi là luật sư bào chữa cho “tên sát nhân” mà luật sư còn là tiêu điểm cho dư luận bàn tán, soi xét. Những yếu tố này, khiến cho luật sư bị áp lực, lo lắng, khi mà phải bào chữa thế nào để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ, nhưng cũng không làm kích động, gây phản ứng mạnh trong dư luận xã hội.

      3.3. Áp lực từ chính luật sư

      Trong hành trình tham gia vào các vụ án hình sự, luật sư không chỉ phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài mà còn phải đối diện với những tác động tâm lý mà chính mình tự tạo ra. Nghề luật sư đã là một công việc khó khăn, đầy thách thức, và khi kết hợp với các vụ án hình sự mang đặc thù riêng, tâm lý của luật sư thường trở nên phức tạp hơn.

      Luật sư thường tự áp lực do mong muốn làm tốt nhất có thể để giúp thân chủ. Chính mình cảm thấy nhiệm vụ của mình không chỉ là bảo vệ quyền lợi pháp lý của thân chủ mà còn là đảm bảo rằng họ được xử đúng người, đúng tội. Từ đó, tâm trạng căng thẳng và lo lắng có thể xuất hiện khi phải đối mặt với những quyết định khó khăn và trách nhiệm lớn.

      Sự cạnh tranh trong ngành cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của luật sư. Luật sư luôn mong muốn được chứng minh khả năng và năng lực của mình trước mọi người, cũng như mong muốn có vị thế vững chắc trong lĩnh vực luật pháp. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ và có thể làm mất cân bằng trong cuộc sống và công việc của họ.

      Cuối cùng, việc quản lý thời gian và lịch trình là một thách thức lớn đối với luật sư tham gia vào các vụ án hình sự. Họ thường phải làm việc dưới áp lực thời gian và lịch trình căng thẳng, phải di chuyển thường xuyên để phục vụ cho công việc. Điều này có thể gây ra mệt mỏi và stress, ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc của họ.

      Trong tình hình này, việc duy trì sự cân bằng và tinh thần mạnh mẽ là rất quan trọng đối với luật sư để vượt qua những thách thức và áp lực từ nghề nghiệp của mình.

      4. Một số những giải pháp nhằm hoàn thiện qui định pháp luật hình sự nhằm nâng cao vị trí, vai trò của luật sư bào chữa trong phiên tòa hình sự

        Thứ nhất, cần có những qui định cụ thể về quyền được: Thu thập, đưa chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu (Khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015) của người bào chữa (luật sư) đối với tổ chức, cơ quan Nhà nước khi được yêu cầu cung cấp thông tin, hoặc các tài liệu có liên quan đến vụ án mà đó là những chứng cứ quan trọng để luật sư bảo vệ thân chủ của mình để các cơ quan, tổ chức được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin hoặc nếu trường hợp từ chối thì phải thực hiện bằng văn bản. Bởi trên thực tế, quá trình đi thu thập tài liệu, chứng cứ của luật sư từ các tổ chức, các cơ quan Nhà nước đều rất khó khăn và không được đáp ứng và phản hồi với lý do “chúng tôi chỉ cung cấp khi có văn bản yêu cầu từ Tòa án”. Như vậy, vì lý do nào đó mà Tòa án không xác minh, luât sư không khai thác được các thông tin, tài liệu mà mình cần thì sự việc cần làm rõ sẽ không được sáng tỏ, ảnh hưởng rất lớn tới sự thật, bản chất thật của vụ án.

        Thứ hai, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành các văn bản hướng dẫn và qui định cụ thể về việc ghi nhận ý kiến tranh tụng cũng như luận cứ bào chữa của luật sư vào Bản án đầy đủ, khách quan, đảm bảo sự công bằng, tôn trọng các ý kiến của luật sư bào chữa tham gia phiên tòa.

        Thứ ba, thường xuyên thanh tra, kiểm tra giám sát các hoạt động tố tụng, xét xử của phiên tòa các cấp để tránh trường hợp xảy ra tình trạng “án bỏ túi”. Nếu HĐXX cho rằng thời gian nghị án là quá ngắn để có thể đưa ra những phán quyết công bằng, cần thời gian để ghi nhận các ý kiến tranh tụng của những người tham gia phiên tòa thì, của luật sư thì không nên tuyên án luôn mà nên chuyển thời gian tuyên án vào một buổi khác, để có thời gian xem xét đánh giá vụ án khách quan, nhiều chiều hơn. (thực tế việc nghị án kéo dài cũng có, phần tuyên án được chuyển vào một buổi khác, tuy nhiên đó không phải để thực hiện các nội dung mà tôi nêu trên, mà lý do đa phần là do phần tranh tụng của luật sư và viện kiểm sát kéo dài, nên hết giờ làm việc, buộc HĐXX mới phải chuyển phần nghị án tuyên án vào buổi khác).

        Với việc hoàn thiện các qui định pháp luật nêu trên, vai trò của luật sư trong hoạt động TTHS nói chung và vai trò của luật sư trong việc bào chữa tại phiên tòa hình sự nói riêng sẽ được nâng cao và phát huy hiệu quả, quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ được đảm bảo, giúp luật sư cảm thấy yên tâm, giảm bớt những gánh nặng tâm lý trong quá trình hành nghề để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình là bảo vệ thân chủ, góp phần đảm bảo công lý được thực thi trên thực tế.

        (1) Từ điển Tiếng Việt Viện Ngôn ngữ học, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr.133.

        (2) Án lệ ở Anh quốc: Lịch sử, khái niệm và nguyên tắc thực hiện, Nguyễn Đức Lam, Tạp chí Tòa án.

        (3) Hoạt động bào chữa của Luật sư trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở mô hình tố tụng thẩm vấn và mô hình tố tụng tranh tụng.Ths. Ngô Thị Ngọc Vân, Tạp chí Nghề Luật số 5, năm 2015.

        (4) Tâm lý học lâm sàng, Dana Castro, NXB Tri thức 2016, tr15

        Danh mục tài liệu tham khảo:

        1. Định danh tội phạm và quyết định hình phạt, PGS, TS Dương Tuyết Miên, NXB Tư pháp 2021;
        2. Phương pháp hùng biện luật sư, TS, LS Liêu Chí Trung, NXB Lao động 2022;
        3. Bình luận Bộ luật hình sự 2015, Đinh Văn Quế, NXB Thông tin và truyền thông 2022;
        4. Kỹ năng bào chữa trong vụ án hình sự, Luật sư, Ths Phạm Thanh Bình, NXB Công an nhân dân 2020;
        5. Tâm lý học tội phạm, quyển 1, NXB Đại học kinh tế quốc dân 2021;
        6. Tâm lý học lâm sàng, Dana Castro, NXB tri thức 2016;
        7. Nhân từ với quỷ dữ, Bryan Stevenson, NXB Đà Nẵng 2017;
        8. Giáo trình Kỹ năng của luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự, NXB Tư pháp;
        9. Criminal Psychology, Volume III, Violent Crimes, David Canter, SAGE Publication Ltd 2014;
        10. Tạp chí luật học số 2/2023;
        11. Tập chí luật học số 12/2022;
        12. Tạp chí Khoa học pháp lý số số 2/2023.

        Nguồn: Bài viết được luật sư Phan Khắc Nghiêm tham luận tại Diễn đàn nghiên cứu tư pháp do Trường Đại học kiểm sát Hà Nội – Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức ngày 16/4/2024.

        Mổ xẻ “bẫy tài chính” mà doanh nghiệp đa ngành thường gặp khi thế chấp tài sản để vay vốn

        18/03/2024

        Nên hiểu như thế nào là một doanh nghiệp hoạt động đa ngành?

        Mô hình doanh nghiệp kinh doanh đa ngành (Diversified Company) đã xuất hiện trên thế giới vào khoảng những năm 1950 tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… Loại hình này kinh doanh trên nhiều lĩnh vực với các sản phẩm và dịch vụ khác nhau tại thời điểm mà khách hàng và thị trường chưa có sự khắt khe về chất lượng, bản quyền và dịch vụ sau bán hàng.

        Tuy nhiên, khi các quốc gia công nghiệp phát triển có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng chính sách tốt, trình độ chuyên môn, sự chuyên nghiệp cao theo từng ngành, dẫn đến điều kiện gia nhập ngành của doanh nghiệp đa ngành rất khó vì không đáp ứng được Điều kiện tiên quyết (Condition Precedent) do thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu cũng như khả năng về tài chính, tích lũy kinh nghiệm của mỗi ngành.

        Mổ xẻ “bẫy tài chính” mà doanh nghiệp đa ngành thường gặp khi thế chấp tài sản để vay vốn - Ảnh 1
        Mở rộng ngành nghề kinh doanh ở các lĩnh vực mới hiện đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp. Nguồn: internet

        Theo quy luật của thị trường, khi nền kinh tế phát triển đến một trình độ nhất định thì thị trường bắt đầu bão hòa về sản phẩm, dịch vụ. Để tạo sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ có đủ sức cạnh tranh, các doanh nghiệp trước khi thành lập phải có chiến lược chuẩn bị kỹ, đủ các nguồn lực để tập trung kinh doanh cho sự tồn tại và phát triển một ngành. Với các khó khăn hiện hữu như rào cản đến từ các đối thủ cạnh tranh, những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của khách hàng. Nên họ buộc phải tái cấu trúc để tập trung mọi nguồn lực cho phát triển mạnh một ngành.

        Ngoài ra, để doanh nghiệp hoạt động trong ngành đặc thù đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán, nhiều quốc gia trao cho hiệp hội ngành đó quyền năng để đưa ra những yêu cầu khắt khe trong việc công khai thông tin doanh nghiệp cho các nhà đầu tư để tránh các thủ thuật gây “ảo giác” cho các nhà đầu tư nhằm thao túng cổ phiếu.

        Ví dụ, CRIRSCO quy định, các doanh nghiệp khai khoáng để đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán thì trước hết phải là thành viên của CRIRSCO (là một cơ quan tự nguyện có các thành viên bao gồm các Tổ chức Báo cáo Quốc gia chịu trách nhiệm phát triển các quy tắc, tiêu chuẩn và hướng dẫn báo cáo khoáng sản). Các quy định dựa trên CRIRSCO  được tích hợp trong các quy tắc niêm yết trên sàn chứng khoán với ba nguyên tắc cơ bản: (i) Minh bạch (Transparency), (ii) Thực chất (Materiality) và (iii) Có năng lực (Competence).

        Báo cáo công khai của doanh nghiệp khai khoáng được chuẩn bị nhằm cung cấp thông tin cho các nhà thầu tư hoặc nhà đầu tư tiềm năng và đơn vị tư vấn, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các thông tin về Mục tiêu thăm dò; Kết quả thăm dò; Tài nguyên khoáng sản; Trữ lượng quặng; Mục tiêu hàng năm. Ngoài ra, còn phải công khai Báo cáo năm và quý, thông cáo báo chí, báo cáo kỹ thuật, thuyết minh và phát biểu trước công chúng…vv. Với sự khắt khe đó nên doanh nghiệp đa ngành khó mà đáp ứng cho những ngành chuyên sâu nhất định.

        Tại Việt Nam, do sự đặc thù của nền kinh tế bao cấp bao trùm trong suốt thời gian dài nên doanh nghiệp đa ngành xuất hiện từ khi nào là điều rất khó xác định. Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI đưa ra mục tiêu xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

        Chính sách Đổi Mới (Reform Policy) ra đời từ đây và là một chương trình cải cách toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội được thực hiện tại Việt Nam  từ cuối thập niên 1980. Quyết định số 91-TTg ngày 7 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh, một số Tập đoàn kinh tế nhà nước được hình thành. Hàng loạt các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ra đời.

        Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động chuyên ngành như Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT), Tập đoàn điện lực (EVN), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)…..

        Có lẽ doanh nghiệp đa ngành tại Việt Nam được xuất hiện chính thức khi nền kinh tế được “cởi trói” từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh được khai sinh và hành lang pháp lý thực thi đường lối Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI chính là Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty 1990. Tại khoản 1 Điều 3 Luật Công ty 1990 quy định “Kinh doanhlà việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Khoản 2 Điều 3 quy định  “Doanh nghiệplà đơn vị kinh doanh được thành lập nhằm mục đích chủ yếu là thực hiện các hoạt động kinh doanh”.

        Với quy định trên cho thấy doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty) đã được tự chủ lựa trọn các ngành nghề kinh doanh, trừ các ngành nghề buộc phải xin giấy phép hoặc bị cấm (Điều 11 Luật Công ty 1990). Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động với các ngành nghề đơn lẻ với quy mô nhỏ và sau khi tích lũy được chút vốn liếng đã mở rộng quy mô và tiến sang các ngành nghề kinh doanh khác. Loại hình doanh nghiệp đa ngành tại việt Nam thường được bắt nguồn từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tại các địa phương mang dấu ấn quản trị kiểu gia đình. Phạm vi hoạt động thường gắn với các lợi thế đặc thù của vùng miền có làng nghề truyền thống hay có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, thắng cảnh du lịch. Sự hoạt động của loại hình doanh nghiệp này lớn mạnh dần theo thời gian và chủ yếu kinh doanh bằng vốn tự có do tích lũy được chứ ít huy động vốn qua kênh ngân hàng. Có hai lý do chính mà mô hình doanh nghiêp đa ngành mang tính địa phương này ít sử dụng vốn vay ngân hàng là: (i) cách quản trị mang tính “nồi đồng cối đá” gia đình trị và hạch toán lỗ lãi theo kiểu “hàng sáo” chứ không theo một mô hình quản trị chuyên nghiệp nào và (ii) do không có kinh nghiệm về quản trị dòng vốn nênkhông đáp ứng được tiêu chí do ngân hàng cho vay đặt ra.

        Qua thời gian, nhiều mô hình doanh nghiệp đa ngành đã cho thấy sức mạnh của mình cả về quy mô và lĩnh vực hoạt động. Tại không ít địa phương, có doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án lên đến hàng ngàn tỷ từ khai khoáng, Bất động sản, nuôi trồng thủy hải sản cho đến trồng rừng dược liệu… . Tuy nhiên, để có triển khai các dự án đã được cấp phép đúng tiến độ, áp lực về nguồn tài chính đã xuất hiện nên doanh nghiệp không thể không tiếp cận dòng vốn vay qua ngân hàng nhằm tạo ra mối quan hệ “cộng sinh” giữa doanh nghiệp và ngân hàng để triển khai các phương án kinh doanh của mình.

        Sự khác nhau giữa quyền năng của chủ sở hữu doanh nghiệp đa ngành với doanh nghiệp đơn ngành

        Khác với các doanh nghiệp đa ngành như đã nêu ở trên, các doanh nghiệp đơn ngành ra đời chủ yếu là các doanh nghiệp dự án (Project Company) thuộc hệ sinh thái (Business Ecosystem) của một công ty mẹ nào đó. Mô hình này xuất hiện bởi hai yếu tố chính. Thứ nhất, do công ty mẹ chuyên kinh doanh một ngành nghề cụ thể, nhưng tầm hoạt động rộng trên địa bàn tại nhiều tỉnh, thành nên khi muốn thực hiện một dự án đầu tư tại một tỉnh, thành nào đó, họ lập ra các công ty con mà họ có thể sở hữu 100% hay đa số vốn điều lệ. Thứ hai là do quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của tỉnh, thành đó để được hưởng các ưu đãi về đầu tư và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương thì pháp nhân thực hiện dự án buộc phải là một pháp nhân được thành lập tại địa phương triển khai dự án.

        Mổ xẻ “bẫy tài chính” mà doanh nghiệp đa ngành thường gặp khi thế chấp tài sản để vay vốn - Ảnh 2
        Ảnh minh họa.

        Mô hình doanh nghiệp đơn ngành này có ưu điểm là họ kế thừa năng lực, thương hiệu và tầm ảnh hưởng của công ty mẹ. Ngoài ra, doanh nghiệp này thực hiện việc xin cấp phép và triển khai dự án dựa trên một quy trình bài bản của công ty mẹ nên tiến độ triển khai luôn nhanh như vũ bão. Vốn thưc hiện dự án do công ty mẹ thu xếp qua mạng lưới ngân hàng mà họ đã có quan hệ lâu dài và bên cạnh đó còn huy động qua các nhà đầu tư đã từng có quan hệ với họ từ các dự án trước đây.

        Tài sản thế chấp vay vốn chính là các tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án. Về bản chất thì nguồn vốn đối ứng chủ dự án chính là vốn điều lệ của doanh nghiệp. Chủ sở hữu doanh nghiệp (cổ đông với mô hình Công ty CP hay thành viên góp vốn với mô hình công ty TNHH) chỉ phải chịu trách nhiệm về nợ hay nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp (Điều 50, Điều 119 LDN 2020) nhưng họ lại được hưởng mọi lợi ích phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi cũng như tài sản tích lũy được của doanh nghiệp theo tỷ lệ vốn góp.

        Trong quá trình triển khai dự án, chẳng may phát sinh các nguyên nhân khách quan và/hoặc chủ quan mà dự án về đích không đúng hạn hoặc bị thất bại dẫn đến việc doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay cho ngân hàng đúng hạn. Ngân hàng có thể khởi kiện ra Tòa án hoặc áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội quy định về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để thu hồi nợ. Hậu quả mà mô hình doanh nghiệp này phải chịu chỉ là liên quan đến vốn điều lệ và dự án đầu tư của chính mình chứ không bị hiệu ứng domino lây lan sang hệ sinh thái của công ty mẹ khi bị ngân hàng xếp vào nhóm nợ xấu.

         Còn đối với doanh nghiệp đa ngành, một khi đã bị ngân hàng xếp vào nhóm nợ xấu cao (nhóm 3, 4, 5) được công khai trên hệ thống CIC thì mặc nhiên doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn bổ sung từ các ngân hàng khác nữa cho dù doanh nghiệp vẫn còn tài sản để thế chấp đảm bảo cho khoản vay. Đó là nhược điểm và là tử huyệt của các doanh nghiệp đa ngành sở hữu nhiều dự án nhưng chưa tách hoặc không thể tách vì vướng mắc trong giấy phép của một số lĩnh vực mà pháp luật quy định.

        Một số “bẫy tài chính” mà doanh nghiệp đa ngành gặp phải khi thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng

        Trong quá trình hành nghề tư vấn, chúng tôi thấy không ít doanh nghiệp đa ngành tại một số địa phương gặp phải một số vấn đề mà chúng tôi cho là “bẫy tài chính” trong quá trình thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng, cụ thể là:

        Bẫy thứ nhất: Do thiếu thông tin và kinh nghiệm về vay vốn ngân hàng, không ít doanh nghiệp đa ngành đã không ngần ngại tin theo những cam kết bằng “miệng” của cán bộ ngân hàng về kế hoạch tài trợ vốn toàn diện cho các dự án. Sở dĩ có hiện tượng trên là do cán bộ ngân hàng nắm được thóp văn hóa kinh doanh của chủ doanh nghiệp mô hình này. Họ biết rằng các ông chủ này thường dựa theo thói quen làm việc bằng cam kết bất thành văn nên rất tin vào những gì ngân hàng nói.

        Khi doanh nghiệp đã dốc lòng tin theo, ngân hàng thường yêu cầu các chủ sở hữu công ty (thanh viên góp vốn/cổ đông) thế chấp toàn bộ phần vốn góp vốn điều lệ nhưng quy định LTV là 0% (Loan to Value Ratio – Tỷ lệ khoản vay so với giá trị tài sản thế chấp). Khi được hỏi tại sao đã thế chấp tài sản để bảo đảm khoản vay rồi mà lại yêu cầu thế chấp phần vốn góp vốn điều lệ? ngân hàng thường lý giải rằng vì là đối tác chiến lược để tài trợ vốn toàn diện cho các dự án về lâu dài nên doanh nghiệp làm thủ tục thế chấp luôn một lần để sau đỡ phải mất thời gian thẩm định giải ngân cho các dự án tiếp theo.

        Mổ xẻ “bẫy tài chính” mà doanh nghiệp đa ngành thường gặp khi thế chấp tài sản để vay vốn - Ảnh 3
        Ảnh: Internet.

        Bẫy thứ hai: Có trường hợp dự án bất động sản của doanh nghiệp đa ngành đang triển khai, nhưng quyền sử dụng đất và/hoặc các tài sản hình thành trên dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ căn cứ được coi là tài sản hình thành trong tương lai để trở thành đối tượng của hợp đồng thế chấp theo quy định của pháp luật.

        Có ngân hàng đã yêu cầu các chủ sở hữu doanh nghiệp thế chấp phần vốn góp vốn điêu lệ và cam kết “mồm” rằng khi nào các tài sản thuộc dự án đã thế chấp được “khai sinh” về mặt pháp lý rõ ràng thì sẽ giải chấp phần tài sản thế chấp là vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp.

         Nhưng trên thực tế lại không hề như vậy vì trong hợp đồng thế chấp tài sản, nghĩa vụ của bên thế chấp không chỉ được xác định cho một hợp đồng tín dụng cụ thể, mà còn có nghĩa vụ bảo đảm cho tất cả các khoản vay của doanh nghiệp nên cho dù tài sản thế chấp thuộc dự án vẫn đảm bảo an toàn cho khoản vay nhưng ngân hàng vẫn phòng từ xa bằng cách duy trì hợp đồng thế chấp phần vốn góp vốn điều lệ của các chủ sở hữu doanh nghiệp.

        Bẫy thứ ba: Các khoản vay của doanh nghiệp thường không chỉ tập trung cho một kỳ hạn vay giống nhau do mục đích sử dụng vốn vay khác nhau. Để vay vốn lưu động cho một phương án kinh doanh có chu kỳ thực hiện ngắn, ngân hàng và doanh nghiệp thường thiết lập hợp đồng vay ngắn hạn (Short term).

         Để vay vốn cho viêc hoàn thiện hạ tầng dự án đến lúc bán hàng trong thời hạn theo quy định của Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hay Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp và ngân hàng lại thiết lập hợp đồng vay trung, dài hạn (long or medium term).

        Mặc dù khoản vay ngắn hạn đã tất toán, nhưng tài sản thế chấp cho khoản vay đó lại chưa được giải chấp vì hợp đồng thế chấp có quy định tài sản thế chấp thực hiện cả nghĩa vụ cho khoản vay khác chưa tất toán mặc dù tài sản thế chấp cho khoản vay khác vẫn đang được định giá đủ hoặc thậm chí là thừa giá trị so với LTV được quy định trong hợp đồng.

        Bẫy thứ tư: Khi có nguy cơ cho thấy doanh nghiệp không thể thanh toán gốc và lãi vay đúng hạn, không ít ngân hàng đã gợi mở nước đôi kèm theo các điều kiện mập mờ rằng cho phép doanh nghiệp huy động vốn từ các nhà đầu tư đối với một số bất động sản thuộc dự án đang thế chấp. Ngân hàng sẽ thu nợ tối thiểu một khoản tiền và phần còn lại sẽ xem xét cấp cho doanh nghiệp để hoàn tất hạ tầng kỹ thuật.

        Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng phân phối với một số sàn bất động sản do chính ngân hàng đồng ý hoặc trực tiếp chỉ định xong và toàn bộ dòng tiền góp vốn của nhà đầu tư được chuyển trực tiếp vào tài khoản của doanh nghiệp mở tại ngân hàng thì ngân hàng lại không thực hiện đúng cam kết với các lý do lãng xẹt như “bố đời”. Thậm chí có ngân hàng không ngần ngại cắt cả thông tin thông báo về số dư của chủ tài khoản trên điện thoại di động.

        Hậu quả là doanh nghiệp không có tiền để hoàn tất hạ tầng kỹ thuật dự án để quyết toán dự án đủ điều kiện bán hàng. Không những vậy, trách nhiệm và nguy cơ vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư góp vốn lại đè nặng lên vai doanh nghiệp. Có doanh nghiệp vì tin theo ngân hàng mà huy động vốn của nhà đầu tư từ khi chưa có thông báo đủ điều kiện huy động vốn từ Sở Xây dựng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản dẫn đến bị lao đao trong vòng vây lao lý. Trong khi đó, dự nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng giảm nhưng tài sản bảo đảm vẫn không được giải chấp theo tỷ lệ.

        Bãy thứ năm: Có ngân hàng biết được doanh nghiệp đa ngành sở hữu một số giấy phép khai thác khoáng sản và đang trong tình trạng khát vốn cần giải ngân gấp, nên đã không ngần ngại yêu cầu doanh nghiệp thế chấp cả quyền khai thác khoáng sản mà Luật khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức, cá nhân được sử dụng quyền KTKS làm “tài sản đảm bảo” để thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, đồng thời cũng chưa có quy định về xử lý tài dản đảm bảo là Quyền KTKS để thu hồi nợ.

        Do nhiều nguyên nhân khách quan không thể lường trước được, nhất là do dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên diện rộng đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong suốt thời gian dài.

        Mặc dù Ngân hàng đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn nhưng không ít ngân hàng vẫn không áp dụng chính sách miễn giảm lãi suất vay, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho một số doanh nghiệp.

        Có ngân hàng không ngần ngại ủy quyền cho công ty AMC của mình để rao bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp mà hành lang pháp lý chính là các điều khoản quy định trong hợp đồng và Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội quy định về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

        Hệ lụy mà các “bẫy tài chính” này có thể gây ra cho doanh nghiệp đa ngành

        Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu doanh nghiệp có trách nhiệm với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp, nhưng lợi ích của họ tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đa ngành là vô cùng lớn nếu doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án và việc kinh doanh thuận lợi theo kế hoạch thì tài sản doanh nghiệp tích lũy được cũng chính là tài sản của họ theo tủy lệ vốn góp.

        Mặt khác, các chủ sở hữu doanh nghiệp có tỷ lệ góp vốn cao cũng chính là những người trong ban lãnh đạo công ty để tham gia vào HĐTV/HĐQT. Một trong số họ còn giữ vai trò là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Đó cũng chính là lý do một doanh nghiệp đa ngành hạn chế tối đa việc thể chấp phần vốn góp vốn điều lệ của thành viên góp vốn/cổ đông cho ngân hàng bởi nếu mất quyền sở hữu tức là mất doanh nghiệp. Mà mất quyền kiểm soát doanh nghiệp đồng nghĩa với việc mất toàn bộ các dự án của doanh nghiệp.

        Ngoài ra, các “bẫy tài chính” này còn bất cập ở chỗ nếu các tài sản thế chấp của doanh nghiệp đa ngành luôn được duy trì đúng tỷ lệ LTV mà ngân hàng quy định thì hà cớ gì bắt chủ sở hữu doanh nghiệp phải thế chấp cả phần vốn góp vốn điều lệ nhưng lại quy định LTV là 0%? Đây có phải là thủ đoạn thế chấp chồng thế chấp không? tài sản thế chấp nhưng không được định giá để cho vay theo tỷ lệ LTV thì có ý nghĩa gì?

        Việc các tài sản thế chấp thuộc dự án vẫn đảm bảo duy trì an toàn cho số dư nợ của khoản vay nên ngân hàng không thể đặt doanh nghiệp xếp vào nhóm nợ xấu nhóm 5 được bởi nếu xếp đánh giá như vây thì khác gì việc ngân hàng đã đơn phương ngồi xổm lên pháp luật để “khai tử” doanh nghiệp.

        Không những vậy, việc chủ sở hữu doanh nghiệp phải thế chấp phần vốn góp vốn điều lệ của mình thì đồng nghĩa với việc họ bị hạn chế các quyền theo quy định của luật doanh nghiệp đối với việc tham gia biểu quyết tại các biên bản họp HĐTV/ĐHĐCĐ về các vấn đề hợp tác kinh doanh với đối tác hay để tăng giảm vốn điều lệ, chia tách hoặc sáp nhập doanh nghiệp nhằm thực hiện các biện pháp tái cấu trúc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp để đóng góp một phần không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân.

        Một điều cần bàn nữa là việc ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp đa ngành thế chấp cả quyền khai thác khoáng sản nhưng không định giá để cho vay đã phần nào nói lên sự tùy tiện trong việc đơn phương áp đặt với doanh nghiệp. Việc pháp luật hiện hành về khoáng sản chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức, cá nhân được sử dụng quyền khai thác khoáng sản làm “tài sản đảm bảo” để thế chấp tại ngân hàng, đồng thời cũng chưa có quy định về xử lý tài đảm bảo là quyền khai thác khoáng sản để thu hồi nợ nhưng có ngân hàng đã không ngần ngại phối hợp với công ty đấu giá để rao bán mỏ là vi phạm nghiêm trọng quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản 2010.

        Rõ ràng các “bẫy tài chính” này mà không được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để xác minh, điều tra thì số phận của không ít doanh nghiệp đa ngành trở thành mục tiêu của sự thôn tính đang ngày càng hiện hữu.

        Các khế ước chứa đựng “bẫy tài chính” có vi phạm luật không?

        Điều 1 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bênvề việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay, mượn, tặng cho tài sản; làm hoặc không làm một việc, dịch vụ hoặc các thoả thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng”.  

        Trong các giao dịch hợp đồng của từng lĩnh vực cụ thể cũng được các luật chuyên ngành như Luật Thương mại 2005, Luật các tổ chức tín dụng 2010, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Luật Du lịch 2017…kế thừa và cụ hóa nguyên tắc trên Bộ luật dân sự.

        Nhưng trên thực tế cho thấy giao dịch hợp đồng giữa ngân hàng, đơn vị kinh doanh bảo hiểm với khách hàng có tồn tại sự thỏa thuận bình đẳng không? chắc là không, bởi chủ thể tham gia hợp đồng là ngân hàng là một chủ thể đặt biệt vì họ là bên “cho vay” tiền nên chủ thể còn lại luôn là bên yếu thế.

        Lý lẽ về việc bảo toàn vốn luôn được họ đề cao và cụ thể hóa vào các khế ước được soạn trên các template có sẵn. Họ luôn đưa ra các điều khoản mang tính một chiều để khéo léo áp đặt lên khách hàng kèm theo các quyền miễn trừ nhiều nghĩa vụ cho phía họ.

        Xét ở góc độ vĩ mô, họ đương nhiên được hưởng lợi từ các chính sách nhằm bảo bảo sự an toàn trong hệ thống tiền tệ quốc gia. Quyền năng đó là chính đáng với các ngân hàng tại tất cả các quốc gia chứ không riêng gì tại Việt Nam.

        Nhưng khi mà đâu đó vẫn còn hiện tượng sở hữu chéo của các ông chủ ngân hàng, khi mà đâu đó vẫn còn những doanh nghiệp sân sau “hớp” hết các nguồn vốn từ ngân hàng thì thử hỏi cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động đa ngành mang tính địa phương nói riêng có được hưởng các chính sách về miễn giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ hay giữ nguyên nhóm nợ như chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong thời gian qua mới là điều đáng bàn.

        Chúng tôi đã chứng kiến không ít chuyên viên của các công ty AMC không ngần ngại công khai nói rằng tài sản thế chấp của doanh nghiệp là bất động sản hay quyền khai thác khoán sản thì ngày càng có giá trị, còn khoản nợ của doanh nghiệp đã được ngân hàng trích lập dự phòng từ lợi nhuận hàng năm nên chẳng ảnh hưởng gì.

        Các “bẫy tài chính” này cho thấy nó không khác là cái bẫy ẩn treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp đa ngành nên rất khó có thể phát hiện ra lỗi của ngân hàng để có chế tài xử lý kịp thời. Và một khi đâu đó có cơ quan tiến hành tố tụng còn phải luôn ấn tượng rằng hồ sơ khởi kiện của ngân hàng là “Perfect” thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc số phận doanh nghiệp đa ngành sớm muộn cũng là bên thất thế mà thôi.

        Đề xuất hướng thoát “bẫy tài chính” cho doanh nghiệp đa ngành

        Thiết nghĩ việc đầu tiên doanh nghiệp đa ngành cần làm là tự mình phải tái cấu trúc từ chính các lỗ hổng quản trị tài chính của mình. Chiến lược kinh doanh luôn phải gắn liền với kế hoạch về quản trị tài chính. Hạn chế tối đa việc sử dụng các nguồn vốn vay ngắn hạn để phục vụ cho các dự án có nhu cầu vốn trung và dài hạn, bởi vô hình chung nếu đến hạn trả nợ gốc và lãi nhưng doanh nghiệp chưa có doanh thu vì sản phẩm, dịch vụ của dự án chưa đủ điều kiện bán hàng ắt sẽ dẫn đến trễ hạn. Nếu điều đó xảy ra thì việc ngân hàng kích hoạt tự động các chế tài là đương nhiên. Nợ xấu phát sinh và nhảy nhóm nợ nhanh lẹ.

        Việc tái cấu trúc doanh nghiệp khi có nợ xấu cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan và đôi khi cần phải biết hy sinh một phần lợi ích để chia sẻ “phần lợi nhuận theo phương án kinh doanh đã lập” để hợp lực với các các đối tác có năng lực cùng ngành nghề nhằm “bơm” tiền vào để giải quyết các tồn tại từng bước thoát khó khăn.

        Nhưng giải pháp triệt để về lâu về dài là cần kiên trì đàm phán với chính ngân hàng mà mình có nợ xấu để có hướng thanh lý hợp đồng chịu mức tổn thất thấp nhất để lựa chọn các đơn vị mua nợ phù hợp tiếp quản. Thậm chí là M&A bớt dự án không phải là thế mạnh và ưu tiên của doanh nghiệp đa ngành.

        Tuy nhiên, để có thể thực hiện tái cấu trúc thành công, doanh nghiệp đa ngành vẫn phải chủ động sử dụng các biện pháp pháp lý để kịp thời ngăn chặn các hành vi tự ý bán đấu giá tài sản của ngân hàng khi các bên chưa đạt được thỏa thuận, bởi hành vi này có thể là tiền đề gây hiệu ứng lan rộng ra các chủ nợ khác (nếu có).

        Khi đã “quarantine” được hành vi này thì cần tiến hành các biện pháp kêu cứu đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động cho vay của ngân hàng đối với các “bẫy tài chính”.

        Để các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp đa ngành nói riêng có điểm tựa thực hiện việc tái cấu trúc, thiết nghĩ Quốc hội cần thiết phải thành lập ra cơ quan giám sát chuyên trách để đánh giá lại hiệu quả của các chính sách miễn giảm lãi vay, giãn nợ vay và giữ nguyên nhóm nợ mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong thời gian qua do tác động của đại dịch Covid-19 và sự suy thoái của thị trường bất động sản ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

        Luật sư Phan Khắc Nghiêm
        Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế

        Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/mo-xe-bay-tai-chinh-ma-doanh-nghiep-da-nganh-thuong-gap-khi-the-chap-tai-san-de-vay-von-86176.html

        CHUYỆN TẾT LÀNG TRÊN QUỐC LỘ CÓ…TRẠM BOT

        29/02/2024

        Làng tôi nằm “bên này” sông Đuống theo cách gọi mà thi sỹ Hoàng Cầm coi quê mình là “bên kia” trong bài thơ Bên kia sông Đuống. Là giao điểm của 3 huyện Tiên Du, Thuận Thành (nay là thị xã Thuận Thành) và Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh. Giao thông nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm do cánh tài xế xe tải, xe container đi tắt qua con đê làng để tránh vé cái Trạm thu phí BOT Cầu Hồ mọc lên trong sự tranh cãi bấy lâu nay của báo chí và người dân.

        Huyết mạch làng tôi không giống như nhiều làng quê Bắc Bộ khác bởi do Quốc lộ 38 cắt ngang làng. Chính vì thế mà các nhánh đường làng đều bắt nguồn từ QL 38 kéo sang hai bên. Làng được phân bổ giống như bàn cờ tướng, một bên là xóm Đông, bên còn lại là xóm Bàng và xóm Sau. Xóm Đông giáp với con đê sông Đuống mà theo ông nội tôi kể lại trước thuộc Tổng Chi Nê có cái đình Đông bề thế được dựng từ thời nhà Lý.

        Theo dân gian kể lại thì vào một đêm nhà vua đi vi hành qua làng tôi, khi quân lính chở nhà vua qua sông thì bất ngờ sấm chớp giật đùng đùng, nước sông cuồn cuộn dâng cao từng nhịp như hình đầu rồng ngoi lên khỏi mặt nước nên nhà Vua đã ban chỉ cho quần thần xây đình.

        Ông tôi còn kể lại rằng, vào những năm kháng chiến chống Pháp, để không cho người Pháp dùng đình lập căn cứ nên cách mạng đã chỉ thị du kích quấn rơm vào các cột đình để tiêu hủy. Do các cột đình to đến mấy người ôm mới hết nên việc tiêu hủy phải mất đến hàng tuần mới xong.

        Xóm Đông sau này không hiểu sao mà con cháu cư dân thường thành danh về đường học hành và quan lộ, mà có người làm đến chức Bí thư tỉnh ủy.

        Ngược lại với xóm Đông, xóm Bàng và xóm Sau bên này QL38 chỉ chủ yếu phát về con đường kinh doanh, có một vài ông chủ doanh nghiệp nghe nói chuyên về sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và có nhà máy tại nhiều tỉnh thành nay đã phát triển thành một hệ sinh thái khép kín.

        Do QL38 cắt qua nên làng tôi có nhiều cổng làng, tôi thi thoảng về quê nghe dân nói Cổng làng xóm Đông do ông quan chức hàng tỉnh nào nào đó kêu gọi các doanh nghiệp hảo tâm công đức, còn Cổng làng xóm Bàng và xóm Sau do ông chủ hệ sinh thái vật liệu xây dựng tài trợ.

        Theo  hiểu biết của tôi thì Cổng làng là sản phẩm kiến trúc cổ của người Việt. Cổng làng phân chia phần đất thổ cư (đất làm nhà ở, vườn) và phần đất canh tác (đất trồng lúa, trồng khoai, hoa màu). Người sống thì sống sau cái cổng làng (Cổng tiền), người chết thì chôn bên ngoài cổng làng (Cổng hậu). Cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh của người dân trong làng. Còn người trước và sau Cổng làng tôi đều vẫn sống cả nên tôi không thể hình dung được đâu là Cổng tiền, đâu là Cổng hậu. Còn cái Nghĩa địa của làng tôi nằm mãi ngoài cánh đồng bám với QL38 mà phía trên là nhà máy sản xuất băng vệ sinh và bỉm mang thương hiệu Diana của hãng Unicharm ngoại quốc kia.

        Giống như bao làng quê khác, làng tôi cũng được bê tông hóa tối đa cho các khối nhà hình ống, nhà hình chữ L bám sát các nhánh đường làng và cùng có hai thứ đặc trưng không thể thiếu là mái nhà màu đỏ và đèn trang trí nhấy nháy lòe loẹt trông như phố huyện.

        Ngoài Cổng làng chính của các xóm ra, các ngõ nhỏ cũng thấy có Cổng ngõ. Tôi thấy có sự định danh vai thứ giữa các ngõ bởi vào những ngày giáp tết nguyên đán, cư dân các ngõ tổ chức tất niên có treo cả Pano ghi rõ xóm nào không khác gì tiệc Year End Party của các doanh nghiệp. Vào đêm giao thừa, pháo hoa bay vun vút qua các ngọn cây nhìn không khác gì Giàn Pháo phản lực Katyusha do Liên Xô chế tạo từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

        Tết năm nay, ngoài đèn nhấp nháy phát ra từ các hộ dân, cung đường làng tôi còn có cả các giàn ánh sáng được trang hoàng rất hiện đại được tài trợ bởi doanh nhân có hệ sinh thái vật liệu xây dựng. Chỉ khác là sau mỗi nhịp nháy, lại hiện lên dòng chữ “tập đoàn” của doanh nhân chuyên về vật liệu xây dựng nhưng lại đặt tên giống với một cơ sở sản xuất bánh đậu xanh nổi tiếng ở Hải Dương. Phải chăng sản phẩm bánh đậu xanh và vật liệu xây dựng cũng được nghiền từ bột mà ra.

        Dù tôi xa quê đã lâu, nhưng cách sống vẫn như thủa nào, tức chỉ thích những cái gì thuộc về hoài niệm nên khi thấy những cái biển quảng cáo trong làng mà thấy lòng không vương khỏi chút buồn.

        Vì với tôi, làng luôn là một điều gì rất gần gũi những cũng quá đỗi là thiêng liêng giống như bất kỳ ai sinh ra từ làng. Cộng đồng dân cư mỗi làng được kết nối từ các dòng họ nên người này không có mối quna hệ họ hàng bên nội thì cũng có thể có họ bên ngoại. Vì lẽ đó mà bất kỳ người con nào của làng lập nghiệp xa quê và thành danh muốn cung đức hay tài trợ gì cho làng thì trưởng thôn chắc cũng phải tham vấn cụ thượng làng và những người cao tuổi có uy tín trong làng xem có nên nhận hay không chứ đừng nói đến chuyện tự ban phát mấy thứ đã lỗi thời dở hơi nửa phố, nửa quê để áp đặt lên làng kèm theo tính cơ hội để quảng bá sản phẩm như chốn ngã ba đường lộn xộn đông người qua.

        Theo tập quán, sáng mồng một Tết, tôi cũng ăn mặc chỉnh tề đi chúc Tết họ hàng như ai. Khổ nỗi thi thoảng lại có xe ô tô biển số ngoại tỉnh mở cửa kính hỏi thăm.

        Lúc đầu tôi cứ ngỡ họ hỏi đường vào chúc Tết nhà ông quan nào trong làng, ai ngờ tất cả các xe đều hỏi chung một câu: “Anh ơi cho em hỏi đường lên cầu Hồ đi lối nào?”. Có lẽ đây là câu “chúc Tết” quen thuộc có từ ngày trạm thu phí BOT cầu Hồ mọc lên của khách thập phương dành cho cư dân làng tôi mỗi sáng mồng một Tết.

         Là người con sinh ra từ làng, sau đó thoát ly kiểu “nửa vời” và nay tuổi cũng thuộc U mà cặp số gắn sau là thập niên đầu của nửa sau mỗi thế kỷ mà tôi không thể mường tượng ra làng tôi đang ở đâu trong cộng đồng làng xã của người Việt? Bảo nó là làng trong phố hay phố trong làng thì cũng không rõ nghĩa, còn bảo làng tôi giờ trông như phố huyện cũng không hẳn, bởi phố huyện thì phải kết hợp hài hòa cả giá trị tinh thần và giá trị vật chất, còn làng tôi nó cứ nửa nạc nửa mỡ thế nào ý.

        Đi bộ trên con đường tránh dưới chân đê ngày mồng 2 tết, quăng ánh mắt ngắm nhìn những cây đào còn lại trong vườn đào của chú tôi bị bụi của xe tải, xe container trốn vé Trạm thu phí BOT Cầu Hồ bủa vây mà thị giác tôi không còn nhận ra đâu là đào bích, đâu là đào phai nữa.

        Tôi cảm nhận trong màu đào được pha trộn bởi màu máu, nước mắt cộng với màu biến đổi của thời thế đã lan tỏa đến làng tôi.

        Ghi chép của Luật sư Phan Khắc Nghiêm

        Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tet-lang-tren-quoc-lo-co-tram-bot-85290.html

        KHOẢNG TRỐNG SAU TẾT

        29/02/2024

        Để lấp đầy những ‘khoảng trống’ sau Tết mà người lao động gặp phải, cũng cần lắm sự kích hoạt các quỹ về việc tạo công ăn việc làm để hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống sau Tết.

        Theo phong tục, các gia đình tại các làng quê thường làm lễ hóa vàng vào ngày mồng 3 Tết. Dù Tết Nguyên đán năm nay đến muộn hơn một tháng vì năm 2023 nhuận vào tháng 2 âm lịch. Nhưng dòng người lao động về quên ăn tết vẫn bắt đầu trở lại nơi làm việc khi mà cây bưởi trước nhà vẫn chưa kịp nở hoa và tỏa hương thơm ngát lưu luyến với người ở lại như mọi năm. Phải chăng hương bưởi có ý đến muộn hơn nhằm níu kéo người lao động thư thái hơn để nghĩ suy cho những mục tiêu KPI (viết tắt của cụm từ Key Performance Indicator – là một công cụ đo lường để đánh giá hiệu quả của công việc) năm mới.

        Theo quan sát của cá nhân tôi thì năm 2023 mới là năm mà đại đa số các doanh nghiệp đến từ các ngành nghề kinh doanh khác nhau “lãnh đủ” hậu quả do bị ảnh hưởng sâu rộng từ đại dịch Covid-19 so với chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng, Logistics… gặp khủng hoảng và suy thoái vào năm 2021 và năm 2022. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu đặt ra thì cũng đồng nghĩa với việc KPI của người lao động khó mà hoàn thành vì nhiều doanh nghiệp hiện nay đều đang dùng chỉ số KPI để đánh giá hiệu quả công việc của người lao động, mà trước kihi xây dựng KPI, doanh nghiệp đã phải căn cứ vào tình kinh doanh của mình, cũng như vị trí công việc của từng cá nhân, phòng ban để đưa ra chỉ số KPI rõ ràng, cụ thể, phù hợp. KPI có thể bao gồm lợi nhuận, số lượng bán hàng, doanh thu, chi phí trung bình hàng năm…

         Khi các cành đào không còn rực rỡ khoe sắc, bị bỏ chỏng chơ ngoài đường, trên xe rác thì cũng là lúc người lao động bước vào cuộc mưu sinh sau mỗi dịp Tết Nguyên đán.

        Khi các cành đào không còn rực rỡ khoe sắc, bị bỏ chỏng chơ ngoài đường, trên xe rác thì cũng là lúc người lao động bước vào cuộc mưu sinh sau mỗi dịp Tết Nguyên đán.

        Thước đo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là doanh thu. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 14, doanh thu được định nghĩa như sau: “Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu.”. Hiểu một cách đơn giản, doanh thu là toàn bộ khoản thu, có thể là tiền mặt, tài sản thu từ các hoạt động sản xuất, buôn bán, cung cấp sản phẩm/dịch vụ. Là khoản thu nhập của doanh nghiệp thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành của mình. Lợi nhuận là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Do đó, doanh thu là cơ sở để tính toán lợi nhuận. Tuy nhiên, do ảnh hưởng sâu rộng từ đại dịch Covid-19 nên ít doanh nghiệp đạt được mục tiêu doanh thu như đã đề ra. Không những vậy chí chí phí về lãi vay, nguyên vật liệu đầu vào, vận tải và nhân công…. tăng đột biến dẫn đến doanh nghiệp không tích lũy được lợi nhuận để tái sản xuất và phát triển. Cụ thể, doanh nghiệp không có nguồn để trích lập các khoản dự phòng theo quy định tại Thông tư 48/2019/TT-BTC.

        Kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp luôn tỷ lệ thuận với thu nhập của người lao động. Điều 104 Bộ luật lao động 2019 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.Nên khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả thi dẫn đến khoản thưởng (hay thường gọi là lương tháng thứ 13) của một năm miệt mài lao động cũng khó mà thành hiện thực. Đấy là còn chưa nói nhiều doanh nghiệp khó khăn đến mức trong năm mới chỉ tạm ứng một phần lương cho người lao động nên họ gặp muôn vàn khó khăn trong việc chi trả cho các chi phí tối thiểu để duy trì cuộc sống như tiền thuê nhà, tiền học phí cho con cái đi học…. đối với đa số người lao động phổ thông đến từ các làng quê.

        Không những vậy, nhiều doanh nghệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như khai thác hầm lò, sản xuất hóa chất…còn giữ chân người lao động để họ trở lại làm việc sau tết bằng cách giữ lại một số khoản tiền phụ cấp, tiền thưởng của người lao động.

        Đối với người lao động xa quê, cuối năm còn phải lo nhiều khoản tiền để về quê ăn Tết vì với người ở quê, họ không cần biết con em mình làm gì? Cho doanh nghiệp nào? Nhưng chả lẽ xa quê cả năm trời mà về ăn tết lại không có đồng quà, tấm bánh cho người thân? Với hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như vậy dẫn đến họ tất yếu phải chạy vạy mọi nguồn để “tất toán” cho chuyến về quê ăn Tết. Hậu quả là sau Tết người lao động phải duy trì cuộc sống không khác gì mùa “giáp hạt”.

         Sau Tết Nguyên đán, lượng người lao động ngược dòng vào các thành phố lớn để mưu sinh.

        Sau Tết Nguyên đán, lượng người lao động ngược dòng vào các thành phố lớn để mưu sinh.

        Theo Liên Hợp quốc thì “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”. Còn Ngân hàng thế giới (the World bank) cho rằng: nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp… của mỗi cá nhân. Tại Tuyên bố ba bên về các Nguyên tắc liên quan đến Doanh nghiệp đa quốc gia và Chính sách xã hội (Tuyên bố DNĐQG) được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thông qua vào năm 1977 và được sửa đổi đáng kể vào năm 2017 nêu rõ “ Tuyên bố DNĐQG đã và đang nhằm mục đích khuyến khách các DNĐQG đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội và việc làm bền vững cho tất cả mọi người cũng như làm rõ trách nhiệm phòng tránh và giải quyết các tác động bất lợi từ quá trình hoạt động của các doanh nghiệp này”. Như vậy, có thể thấy nguồn lực con người được coi như một nguồn vốn bên cạnh các loại vốn vật chất khác: vốn tiền tệ, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên. Pháp luật về lao động của Việt Nam cũng đã cụ thể hóa rất nhiều biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

        Thiết nghĩ, trong bối cảnh “bình thường mới” sau đại dịch Covi-19 (sự kiện Bất Khả Kháng), Nhà nước cần xem xét điều chỉnh một cách mềm dẻo có thời hạn để đảm bảo việc duy trì thu nhập ổn định và thường xuyên cho người lao động như quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải trích lập khoản dự phòng về phân bổ quỹ lương cho người lao động để đối phó với tình huống Bất ngờ, Sự kiện Bất Khả Kháng và Trở ngại khách quan xảy ra một cách khách quan mà doanh nghiệp không thể lường trước được. Ngoài ra, cần xem xét điều phối các khoản lãi vay quá hạn, lãi suất phạt quá hạn của các Ngân hàng thương mại (NHTM)…mà nhiều doanh nghiệp phải gánh chịu như một chi phí chính yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến việc không có lợi nhuận bởi suy cho cùng thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và NHTM là quan hệ “cộng sinh” chứ không phải là mối quan hệ để một bên thì luôn có báo cáo lãi khủng, bên còn lại đâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

        Ngoài ra, để lấp đầy những “khoảng trống” sau tết mà người lao động gặp phải, cũng cần lắm sự kích hoạt các quỹ về việc tạo công ăn việc làm để hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống sau tết. Sự ổn định cuộc sống của người lao đồng cũng đồng nghĩa với việc góp phần thực hiện các mục tiêu KPI cho doanh nghiệp – là chủ thể có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

        Luật sư Phan Khắc Nghiêm – Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế

        Nguồn: https://baomoi.com/khoang-trong-sau-tet-c48320069.epi

        ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA NGÂN HÀNG VÀ DOANH NGHIỆP NHÂN DỊP XUÂN VỀ

        29/02/2024

        Mùa Xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, là suối nguồn tươi mát tuôn chảy vào kiếp sống nhân sinh. Quy luật đó có vẻ đã được mặc định cho mọi mặt của đời sống xã hội, từ lĩnh vự văn hóa, giáo dục cho đến công cuộc phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

        Mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, là suối nguồn tươi mát tuôn chảy vào kiếp sống nhân sinh. Quy luật đó có vẻ đã được mặc định cho mọi mặt của đời sống xã hội, từ lĩnh vự văn hóa, giáo dục cho đến công cuộc phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Một quốc gia muốn hưng thịnh thì luôn phải dựa trên sự phát triển tổng hòa giữa vai trò điều phối của bộ máy quản trị với các chủ thể cấu thành để thực thi nhằm tạo nên kết quả khả thi cho các chiến lược quản trị đã đặt ra.

        Sự hưng thịnh của một quốc gia trong thời đại 4.0 nó không còn chỉ còn dựa trên thước đo mang tính định tính chung chung như kiểu nói quen thuộc bấy lâu nay như duy trì và phát triển văn hóa đậm đặc bản sắc dân tộc hay thành tựu về phổ cập giáo dục…mà cần phải thực tế dựa trên các chỉ số mang tính định lượng mà phát triển kinh tế là nòng cốt. Chỉ số tăng tưởng kinh tế. Tức đánh giá sự gia tăng sản lượng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế của năm này so với năm trước đó. Chỉ số đó chính là Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) hoặc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

        Trong mối bang giao với các quốc gia, chúng ta không thể mãi mở đầu bằng “điệp khúc” rằng chúng ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nguồn nhân lực dồi dào, có một chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nhất quán nhưng lại mời chào quốc gia bạn hỗ trợ không hoàn lại cái này hay ưu đãi cho cái khác. Điệp khúc này nếu còn tiếp tục lặp đi lặp lại thì e rằng bộ mặt của chúng ta sẽ khó mà “cùng phân khúc” chứ nói gì đến việc mong sớm “sánh vai” với các cường quốc được.

        Nói rộng ra, để kinh tế quốc gia phát triển, Nhà nước phải đầu tư hạ tầng đồng bộ và tạo hành lang pháp lý nhất quán để tạo sân chơi bình đẳng cho các chủ thể, mà trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp tham gia vào. Còn hẹp hơn, thì các doanh nghiệp khi tham gia vào vào hoạt động sản xuất kinh doanh, yếu tố Vốn luôn được coi là điều kiện tiên quyết. Nếu doanh nghiệp chỉ luôn biết sử dụng duy nhất nguồn vốn tự có để kinh doanh thì chắc có lẽ người ta chỉ mãi gọi là “lều doanh nghiệp” chứ không thể trở thành công ty này hay tập đoàn kia được. Vai trò của các Tổ chức tín dụng, hay nói ngắn gọn hơn là các Ngân hàng thương mại (NHTM) thực sự quan trọng trong việc đồng hành cùng “nhịp thở” với doanh nghiệp. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa NHTM và Doanh nghiệp chỉ được coi là “Cộng sinh” khi hoạt động cho vay phải thực sự thấu hiểu và chia sẻ được với quy mô, đặc trưng, triết lý kinh doanh, văn hóa kinh doanh doanh mang tính vùng miền của mỗi doanh nghiệp. Khi đã thấu hiểu thì việc NHTM điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ, tái cơ cấu khoản vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tổng tài sản thế chấp lớn hơn so với khoản vay có thể tái cấu trúc chứ không vô cảm để nhảy sang nhóm nợ xấu. Chỉ có vậy, NHTM mới tạo ra các dòng vốn phù hợp để không chỉ nuôi dưỡng cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn làm giảm áp lực lên nền kinh tế vĩ mô, bởi doanh nghiệp chính là xương sống của nền kinh tế vĩ mô như tinh thần của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành. Lâu nay, NHTM vẫn luôn đề cập rằng doanh nghiệp muốn vay được vốn thì điều kiện tiên quyết là phải có phương án kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhưng khổ nỗi khi có phương án kinh doanh rồi mà không có tài sản cầm cố, thế chấp để bảo đảm cho khoản vay thì cũng chẳng mấy NHTM nào mặn mà. Thực trạng này, hầu như dập tắt mọi sự khởi nghiệp (Start-up) của các ý tưởng kinh doanh mới mẻ.

        Một thực trạng nữa đang là rào cản hiện hữu với không ít các doanh nghiệp đia phương có quá trình hình thành và phát triển qua hàng thập kỷ khi họ hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Có doanh nghiệp hoạt động từ mảng Bất động sản, nuôi trồng thủy hải sản, chế biến cát silic chất lượng cao cho đến trồng rừng tạo ra không biết bao việc làm cho người dân địa phương, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương và làm thay đổi bộ mặt của khu kinh tế mà Chính phủ đã thí điểm thành lập để từng bước nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác trong cả nước. Nhưng khi tham gia huy động vốn từ NHTM để triển khai một dự án thuộc một trong các lĩnh vực của mình thì ngoài tài sản bảo đảm là các tài sản của dự án ra thì NHTM còn yêu cầu doanh nghiệp thế chấp cả phần vốn góp của các thành viên sáng lập và các tài sản khác là quyền khai thác khoáng sản từ Giấp phép khai thác..nhưng Tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp (LTV- Loan to value ratio) lại định giá bằng 0%. Vậy bản chất của các tài sản thế chấp nhưng quy định LTV bằng 0% của NHTM là gì? Có phải đây là ý đồ để can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà Luật các tổ chức tín dụng nghiêm cấm hay thậm chí không muốn nói là có sự toan tính để làm vô hiệu hóa sự quản trị của ban lãnh đạo doanh nghiệp nhằm từng bước thôn tính toàn bộ tài sản khi doanh nghiệp chẳng may sảy chân?. Rõ ràng, các doanh nghiệp địa phương có bề dày hoạt động, có sự đóng góp thường xuyên cho ngân sách Nhà nước nhưng lại đang bị NHTM đối xử một cách bất bình đẳng so với nhiều doanh nghiệp mới thành lập thuộc hệ sinh thái của các Tập đoàn mới nổi để thực hiện một dự án nhất định với vòng quay sử dụng vốn ngắn cho duy nhất một ngành nghề kinh doanh (Project Company), bởi với mô hình Công ty dự án thì tài sản và vốn chủ sở hữu đôi khi chỉ là một mà thôi.

        Một rào cản nổi cộm ngáng đường để các doanh nghiệp khởi nghiệp và DNNVV tiếp cận nguồn vốn từ NHTM bấy lâu nay chính là vấn đề tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức là cổ đông và hoặc thành viên góp vốn trong một NHTM. Bởi các nguồn vốn “ngon ngọt, bổ rẻ” bằng cách này hay cách kia đã lọt qua nhiều lớp để các doanh nghiệp sân sau hưởng thụ, các nguồn vốn “rơi vãi” như những miếng vá của đoạn săm lốp vốn đã có nhiều miếng vá được tùn đẩy ra doanh nghiệp.

        Dù đã có nhiều biện pháp để hạn chế khả năng một cá nhân hoặc một tổ chức (là chủ sở hữu hoặc kinh doanh bất động sản chẳng hạn) có thể ảnh hưởng tới quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các quy định giảm sở hữu chéo, giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tín dụng quy định tại Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua vẫn chưa dự liệu hết các tình huống xảy ra dẫn đến sự lách luật để những người quản lý, điều hành doanh nghiệp khác có tầm ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng. Bởi như chúng ta biêt Thành viên HĐQT và HĐQT của tổ chức tín dụng được bổ nhiệm có thời hạn theo quy định của điều lệ và pháp luật. Giả sử một tổ chức nắm giữ một tỷ lệ vốn điều lệ lớn của NHTM đủ quyền chi phối để tham gia thành viên HĐQT và thời điểm đó tổ chức đó ủy quyền/cử cá nhân của mình tham gia làm đại diện tại tổ chức tín dụng đó và người đó không phải là người quản lý, điều hành của doanh nghiệp khác thì liệu cá nhân đó có được tham gia là thành viên HĐQT hay ứng cử chức Chủ tịch HĐQT, TGĐ, Phó TGĐ không?

        Ngoài ra, thời điểm cá nhân, tổ chức chiếm một tỷ lệ cổ phần tương đối lớn tại NHTM không tham gia các chức vụ trên tại NHTM nhưng vì là cổ đông lớn nên họ có tiếng nói “phía sau” đối với HĐQT và Ban tổng giám đốc/Ban kiểm soát của NHTM để can thiệp đến hoạt động tín dụng, trừ khi họ là những cổ đông thiểu số. Do đó, vẫn cần xem xét để giới hạn trong cả trường hợp các cá nhân, tổ chức không tham gia vào các chức danh trên của NHTM thì chỉ được sở hữu tối đa bảo nhiêu phần trăm vốn điều lệ của NHTM để tránh sự ảnh hưởng của họ, tốt nhất họ chỉ là cổ đông thiểu số. Mặt khác, đây cũng là biện pháp thắt chặt tính toàn tâm toàn lực của họ khi tham gia vào NHTM và phụng sự vì sự phát triển của NHTM chứ không dùng NHTM như là tấm bình phong để phục vụ cho những toan tính đối với công ty sân sau…

        Dù hành lang pháp lý đối với hoạt động cho vay của NHTM vừa được Cơ quan lập pháp thông qua đã thắt chặt thêm nhiều biện pháp đồng bộ để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay. Tuy nhiên, vẫn cần phải nhắc lại rằng, dù luật có quy định như thế nào đi chăng nữa thì mối quan hệ giữa NHTM và doanh nghiệp vẫn luôn cần sự bình đẳng đúng nghĩa, tức nếu coi nguồn vốn là vấn đề “sống còn” với doanh nghiệp, thì cho vay cũng là hoạt động “sống còn” với NHTM. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật “cộng sinh” khi đất trời vào xuân. Mong lắm đạo đức và cái tâm với nghề cho vay của nhiều NHTM luôn thường trực hiện hữu với cộng đồng doanh nghiệp khi xuân về…

        Luật sư Phan Khắc Nghiêm

        Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/doi-dieu-tan-man-ve-moi-quan-he-giua-ngan-hang-va-doanh-nghiep-nhan-dip-xuan-ve-85294.html

        MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN

        29/02/2024

        Dự thảo vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề cần thiết phải đưa ra mổ xẻ để kịp sửa đổi, bổ sung trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

        Được biết, tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2024, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (Dự thảo Luật ĐC&KS) tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

        Nhằm góp thêm tiếng nói, ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, khoa học, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường xin đăng tải nội dung của luật sư Phan Nghiêm (Đoàn luật sư Hà Nội) xung quanh vấn đề trên.

        Dự thảo lần 4 Luật ĐC&KC được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương (tăng 01 chương và 31 điều so với Luật khoáng sản 2010).

        Nhận thấy, về cơ bản Dự thảo luật ĐC&KC đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế và bất cập không còn phù hợp với thực tiễn sau 13 năm thực hiện theo Luật khoáng sản 2010.

        Điển hình là các bất cập về thủ tục hành chính phức tạp như chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng các thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp; Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng được phê duyệt dẫn đến một mặt gây gánh nặng cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản, mặt khác không đảm bảo tính chính xác dẫn đến các cơ quan quản lý Nhà nước phải tính và phê duyệt lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có sự thay đổi về trữ lượng trong quá trình khai thác khoáng sản, gây tốn kém nguồn lực và phát sinh các hệ lụy khác…

        Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 10NQ/TW của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và đưa ra các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.

        Tuy nhiên, theo cá nhân tôi thì Dự thảo vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề cần thiết phải đưa ra mổ xẻ để sửa đổi, bổ sung trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Cụ thể là các vấn đề sau:

        1. Bổ sung trách nhiệm quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản của Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 112 Dự thảo lần 4)

        Các đối tượng (Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân) được cấp phép khai thác khoáng sản (gọi tắt là “Chủ đầu tư” hay “Tổ chức, cá nhân”) phải tuân thủ nghiêm ngặt các chế tài của pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản.

        Ngoài ra, để triển khai được hoạt động khai thác khoáng sản, các chủ thể phải huy động vốn đầu tư rất lớn cho việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật mỏ, trang thiết bị công nghệ khai thác, các giải pháp về bảo vệ môi trường và nộp tiền cấp quyền, thuế, phí theo quy định của pháp luật.

        Tuy nhiên, Điều 112 của Dự thảo luật mới chỉ đề cập đến việc Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng thanh tra, giám sát, tuyên tuyên, giáo dục pháp luật và xử lý vi phạm về khoáng sản theo thẩm quyền đối với các chủ thể  mà chưa có khoản, mục quy định rõ về:

        (i) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp khi có dấu hiệu lạm quyền để nhũng nhiễu, hạch sách Chủ đầu tư trong quá trình khai thác;

        (ii) Trong trường hợp Chủ đầu tư tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong quá trình khai thác mà người dân vùng lân cận mỏ có nhiều đơn từ khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo Chủ đầu tư không có căn cứ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác và gây thiệt hại cho Chủ đầu tư thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương bị xử lý ra sao?

        (iii) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi ban hành Quyết định chủ trương đầu tư Dự án khai thác khoáng sản lại quy định:Khoáng sản chính và các loại khoáng sản đi kèmtrong quá trình khai thác, phân loại, chế biến cho các dự án, nhà máy chế biến và nhu cầu sử dụng trong tỉnh;

        (iii) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và nạn mua bán hóa đơn tài chính nhằm hợp thức hóa cho việc khai thác trái luật.

        (iv) Để xảy ra tình trạng Chủ đầu tư tự ý khai thác vượt trữ lượng, vượt ranh giới của hồ sơ thiết kế được quy định trong Giấy phép khai thác.

        Bởi trên thực tế, không thiếu trường hợp xảy ra khi không hiểu do vô tình hay cố ý mà nhiều đơn khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo của người dân có sự tiếp tay của không ít tổ chức, cá nhân thuộc các cơ quan Nhà nước tại địa phương hòng thực hiện các mưu đồ hạch sách các Chủ đầu tư.

        Ngoài ra, việc buông lỏng quản lý dẫn đến làm ngơ trước việc để nạn khai thác khoáng sản trái phép tràn lan tại địa phương mình hoặc để xảy ra tình trạng Chủ đầu tư tự ý khai thác vượt trữ lượng, vượt ranh giới và hồ sơ thiết kế được quy định trong Giấy phép khai thác, vô hình chung đã gây ra một hệ lụy xấu trong việc làm “chảy máu” nguồn tài nguyên khoáng sản, gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước và gây thiệt hại cho chính các Chủ đầu tư khai thác đúng Giấy phép khai thác.

        Xét thấy việc cấp phép và khai thác khoáng sản là lĩnh vực đặc thù và nhạy cảm nên nếu không quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với việc tuyên truyền, bổ phiến pháp luật đến người dân địa phương thì việc lạm quyền khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo không có căn cứ có thể gây ra sự đình trệ trong hoạt động khai thác dẫn đến thiệt hại cho Chủ đầu tư.

        Việc bảo hộ cho Nhà đầu tư cần được đưa và quy định cụ thể tại luật này (ngoài các chính sách bảo hộ Nhà đầu tư được quy định chung trong Luật đầu tư).

        Do đó cần thiết phải quy định bổ sung và chi tiết vào Dự thảo luật ĐC&KC các vấn đề sau:

        (i) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với trường hợp không tuyên truyền và phổ biến pháp luật kịp thời, khách quan và đầy đủ đối với người dân địa phươngthì phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Chủ đầu tư;

        (ii) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh khi ban hành Quyết định chủ trương đầu tư Dự án khai thác khoáng sản lại quy định:Khoáng sản chính và các loại khoáng sản đi kèmtrong quá trình khai thác, phân loại, chế biến cho các dự án, nhà máy chế biến và nhu cầu sử dụng trong tỉnh.

        Đây là vấn đề bất cập đi ngược lại với tinh thần tạiVăn bản số 10369/VPCP-KTN ngày 18/12/2012 của Văn phòng Chính phủ về việc bãi bỏ các quy định cấm, tạm cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phươngdẫn đến những rào cản cho việc tiêu thụ sản phẩm khoáng sản cho các dự án ngoài tỉnh;

        (ii) Nếu để xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc đơn vị mình quản lý mà gây khó khăn, sách nhiễu cho Chủ đầu tư trong quá trình khai thác khoáng sản thì cần có chế tài xử lý thích đáng;

        (iii) Trách nhiệm của Chính quyền địa phương – Cơ quan thuế – Bộ đội biên phòng – Công án đối khi để xảy ra tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản “tặc” và nạn mua bán hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc trên địa phương mình;

        (iv) Công tác thanh, kiểm tra của chính quyền địa phương cần được tăng cường và có kiến nghị kịp thời đối với Cơ quan điều tra để xử lý hình sự khi có tình trạng Chủ đầu tư tự ý khai thác vượt công suất, ranh giới và hồ sơ thiết kế được quy định trong Giấy phép khai thác.

        2. Quy định hạn chế, lộ trình dừng việc cấp phép và khai thác cát, sỏi lòng sông (Điều 90 đến Điều 92 Chương VIII của Dự thảo lần 4)

        Qua các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua cho thấy việc khai thác cát, sỏi lòng sông đã để lại một hệ lụy lâu dài do làm ảnh hưởng đến môi trường, biến đổi dòng chảy, sạt lở để điều.

        Ngoài ra, việc khai thác cát, sỏi lòng sông quá mức dẫn đến mất môi trường sống ven sông và thủy sinh, phá hủy hệ động thực vật địa phương, mất nơi lưu trú và lớp che phủ cho lòng sông.

        Hơn nữa, khai thác cát, sỏi trực tiếp từ lòng sông đang chảy làm ảnh hưởng đến mật độ của các quần thể động vật không xương sống và cá ở đáy sông.

        Trong khi đó cát biển được coi là xu thế tất yếu để thay thế cát sông bởi các lý do sau:

        Thứ nhất: Nguồn tài nguyên sản xuất vật liệu thay thế cát sông ở Việt Nam rất phong phú, từ cát mỏ đá, đất đồi đặt biệt các vùng miền núi cao, nguồn chất thải từ các ngành công nghiệp khác cơ bản được hoàn thiện hành lang tiêu chuẩn kỹ thuật để sử dụng thay thế cát tự nhiên.

        Thứ hai, về cơ bản cát biển và cát sông đều có nguồn gốc phong hóa giống nhau từ các đá trong lục địa, có chung thành phần khoáng vật chính (khoáng vật thạch anh). Nguồn gốc của cát biển bản chất cũng giống cát sông, trên những hạt cát có những vết nứt tạm thời, có những tạp chất hữu cơ lẫn trong cát, khi xử lý được thì loại cát ra được cũng như cát sông. Thậm chí nhiều nhà khoa học uy tín có những kiến cứu cho thấy cát biển còn tốt hơn cát sông.

        Thứ ba, Việt Nam đã khoanh định được 9 vùng biển có tiềm năng khai thác với trữ lượng khoảng 196 tỷ m3, trong khi tổng trữ trữ lượng của của 330 mỏ cát sông chỉ khoảng 2,3 tỷ m3.

        Với trữ lượng cát biển trên thì mới có thể đáp ứng được cho các Dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm quốc gia như Cao tốc Bắc Nam, các trục giao thông liên tỉnh…vì lượng cát sông ngày càng khan hiếm và sự.

        Thứ tư, cát biển có ưu điểm là có thể khai thác bằng tàu công suất lớn, cơ khí hóa cao nên giá thành thấp hơn, an toàn lao động cao hơn, giảm thiểu việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc xử lý, bồi hoàn môi trường sau khai thác. Nếu khai thác đúng luồng lạch sẽ hạn chế sạt lở bờ biển, cát tại các cồn ở biển có ít tạp chất hữu cơ.

        Thứ năm, theo kinh nghiệm quốc tế, để đảm bảo an toàn không sạt lở bờ biển như bờ sông thì chỉ nên khai thác cát biển ở vùng biển có độ sâu, khoảng cách xa bờ biển, đảo và độ sâu khai thác vào đáy biển theo tỷ lệ đảm bảo.

        3. Hoàn thiện quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển (Điều 11 đến Điều 16 Dự thảo lần 4 về quy hoạch Địa chất, Khoáng sản)

        Nước ta có bờ biển dài hơn 3.200 km, có tiềm năng cát biển lớn. Theo số liệu điều tra, đến nay các cơ quan đã khoanh định được 9 vùng triển vọng cát biển làm vật liệu xây dựng loại A và 58 vùng loại B. Nhưng không phải cả 9 vùng này có thể khai thác được ngay. Bởi mỗi vùng biển muốn khai thác cát trước tiên phải nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động đến môi trường sinh thái.

        Trong đó, cần đánh giá rõ biến đổi địa hình đáy biển, xói lở bờ biển, ô nhiễm nước biển, hệ sinh thái vùng biển trước khi khai thác. Tuy nhiên, hiện nay nước ta chưa có đủ hành lang pháp lý dẫn tới các đơn vị, doanh nghiệp chậm hoặc không thể thăm dò, khai thác cát biển do chưa có một quy trình kỹ thuật chuẩn hướng dẫn điều tra, thăm dò khoáng sản ở biển…

        Do đó cần hoàn thiện trong Dự thảo Luật này đối với nội dung về quy hoạch khai thác cát biển để khoanh định các vùng khoáng sản cát biển mới phục vụ nhu cầu cát tăng cao trong những năm tơi, có cơ chế khuyến khích để tập trung quy hoạch khai thác các vùng biển mở rộng từ các mỏ được cấp phép khai thác và có nhà máy chế biến khoáng sản.

        4. Cần xây dựng cơ chế đặc thù cho các Chủ đầu tư khai thác và có nhà máy chế biến khoáng sản không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 104 Dự thảo lần 4)

        Cần có sự phân định rõ ràng hơn về việc chỉ yêu cầu bắt buộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thô tại khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ; khu vực khai thác tận khu khoáng sản dù quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép.

        Đối với các tổ chức, cá nhân khai đã từng được cấp phép khai thác, có nhà máy chế biến sâu và đã được phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TNMT thì không thuộc đối tượng phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

        Ngoài ra, trong quá trình tổ chức, cá nhân thăm dò, khảo sát và khai thác theo quy hoạch khoáng sản mà phát hiện ra các các loại khoáng sản khác ngoài giấy phép thì cần ưu tiên áp dụng việc chỉ định cho họ khai thác mà không cần thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

        Ví dụ đối với cát biển thì tại các khu vực đã được quy hoạch, bổ sung thăm dò, khai thác cát biển có nhà máy tuyển rửa chế biến thành cát xây dựng, cát thủy tinh, cát kỹ thuật, cát phủ bề mặt…. cần có chính sách không áp dụng quy định về đấu giá quyền khai thác cho tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, có nhà máy tuyển rửa chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là cát nhiễm mặn; Ưu tiên cấp mỏ cho các tổ chức, cá nhân có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản.

        5. Cần có chính sách linh hoạt cho tổ chức, cá nhân được lựa chọn khai thác chủng loại khoáng sản và công suất khai thác của từng chủng loại theo nhu cầu của thị trường tại từng thời điểm nhưng vẫn đảm bảo nằm trong tổng trữ lượng và thời gian khai thác theo giấy phép khai thác.

        Các giấy phép khai thác khoáng sản được cấp hiện đang hơi cứng nhắc trong việc quy định về tỷ lệ chủng loại và công suất khai thác của mỗi loại khoáng sản hằng năm. Việc quy định này dẫn đến các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sẽ bị động về nhu cầu thì trường.

        Ví dụ Giấy phép khai thác cho hai chủng loại cát là Cát trắng thủy tinh và cát san lấp theo một tỷ lệ nhất định cho mỗi chủng loại hằng năm nhưng có năm nhu cầu thị trường của lại ngược lại với tỷ lệ từng chủng loại cát được quy định trong giấy phép nên tổ chức, cá nhân bị động, mất khách hàng, mất doanh thu, tức thất thu cho Ngân sách Nhà nước.

        Việc cho phép tổ chức, cá nhân được linh hoạt khai thác từng chủng loại cát nhưng vẫn đảm bảo công suất khai thác tổng các chủng loại hàng năm được quy định trong giấy phép và đảm bảo tổng trữ lượng khai thác trong toàn bộ thời gian khai thác được quy định trong giấy phép.

        6. Bổ sung trong dự thảo Luật quy định để đồng bộ hóa với pháp luật hình sự trong việc xử lý nghiêm các chủ đầu tư sử dụng khoáng sản (cát) cho Dự án hạ tầng của mình có nguồn gốc từ việc khai thác trái phép, mua bán hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc cát.

        Nguyên nhân chính của việc khai thác khoáng sản (cát) trái phép xảy ra tràn lan tại các địa phương trong thời gian qua là do nhiều chủ đầu tư dự án lớn có nhu cầu về khoáng sản (cát) và lại muốn mua với giá rẻ nên đã tiếp tay cho không ít tổ chức, cá nhân không có giấy phép khai thác nổi lòng tham để khai thác trái phép gây hủy hoại môi trường, làm “chảy máu” nguồn tài nguyên, làm gia tăng việc mua bán hóa đơn tài chính để hợp thức hóa nguồn gốc, làm thất thu ngân sách Nhà nước và đặt biệt là làm thiệt hại nghiêm trọng cho các tổ chức, cá nhân khai thác hợp pháp theo giấp phép được cấp.

        Cần rà soát, thanh tra lại các Dự án hạ tầng lớn có dấu hiệu sử dụng khoáng sản (cát) trái phép để gắn trách nhiệm của cơ quan chức năng, truy thu và xử lý nghiêm hành vi sử dụng khoáng sản (cát) từ các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép để ngăn chặn kịp thời việc khai thác khoáng sản trái phép trên nhiều địa phương trong cả nước.

        Ngoài ra, về vấn đề mỏ đất, đá thải tại một số địa phương đang gây nhức nhối trong dư luận gần đây nên cần đánh giá lại khu vực khai thác mỏ đất, đá thải trong việc cung cấp cho các dự án lớn có sử dụng ngân sách nhà nước, có nguy giảm chất lượng công trình, gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn được quyết toán theo định mức giá nguyên liệu chuẩn theo đơn giá Nhà nước ban hành để có những điều chỉnh kịp thời trước khi Dự thảo luật ĐC&KS chính thức được thông qua.

        Luật sư Phan Khắc Nghiêm – Công ty luật TNHH NPK Quốc tế

        Nguồnhttps://kinhtemoitruong.vn/mot-so-y-kien-gop-y-du-thao-luat-dia-chat-va-khoang-san-85359.html

        Vì sao doanh nghiệp Việt thích “nhảy” sang lĩnh vực bất động sản?

        29/02/2024

        Theo dõi KTMT trên

        Dù là doanh nghiệp mà khi thành lập chỉ chuyên kinh doanh một lĩnh vực cụ thể với quy mô nhỏ, nhưng qua năm tháng có lực một chút…lực đẩy thì kiểu gì cũng nhảy sang lĩnh vực bất động sản. Có phải đây là…”quỹ đấng…cứu thế” hay không?

        Có một thực tế hiện nay đa phần các doanh nghiệp Việt, dù là doanh nghiệp mà khi thành lập chỉ chuyên kinh doanh một lĩnh vực cụ thể với quy mô nhỏ, nhưng qua năm tháng có lực một chút…lực đẩy thì kiểu gì cũng nhảy sang lĩnh vực bất động sản. Có phải đây là…”quỹ đấng…cứu thế” hay không?

        Đấy là chưa nói đến một “lực lượng hùng hậu” doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa sở hữu nhiều nhà máy, xí nghiệp và kho bãi…. đã từng bước chuyển mục đích sử dụng đất sang kinh doanh bất động sản.

        Hệ sinh thái kép mang lại nhiều lợi ích và cả rủi ro

        Hệ sinh thái kinh doanh (Business Ecosystem) ra đời từ đây để liên kết, tương tác linh hoạt thế mạnh của mỗi chủ thể trong Hệ sinh thái với nhau.

        Các sản phẩm BĐS ngày càng đa dạng, trong đó có cả những sản phẩm BĐS mà luật hiện hành chưa KỊP “đặt tên” và cấp “giấy khai sinh” những vẫn được “phọt” ra ầm ầm trong sự hoan ca của các nhà đầu tư.

        Vì sao doanh nghiệp Việt thích "nhảy" sang lĩnh vực bất động sản? - Ảnh 1
        Doanh nghiệp bất động sản có xu hướng tăng lên? Ảnh minh họa

        Theo thống kê hiện nay, thì để vận hành ngành kinh doanh BĐS, có khoảng 35 ngành nghề, lĩnh vực khác nhau cùng “chung lưng đấu cật” mà nòng cốt trong đó phải kể đến ngành Tài chính – Ngân hàng; Xây dựng; Du lịch và Lưu trú.

        Sự tồn tại song hành này không riêng gì ở nước ta, mà bất kỳ quốc gia nào cũng vậy.

        Và BĐS là lĩnh vực thứ 2 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm. Mặc dù, theo thống kê ngành kinh doanh BĐS chỉ đóng góp khoảng 3,58% (2021), 3,6% (2022) và 3,24% (2023) cho GDP, nhưng 04 ngành nghề nòng cốt liên quan là Tài chính – Ngân hàng; Xây dựng; Du lịch và Cứ trú đóng góp trung bình mỗi năm cho GDP khoảng trên 20%.

        Những tưởng ngành kinh doanh BĐS cứ vượng phát mãi vậy, nhưng có ai ngờ rằng đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trên diện rộng đã làm suy yếu, thậm chí không muốn nói là tê liệt ngành kinh doanh siêu “hot” này.

        Thị trường đóng băng một mặt dù nguồn cung dư thừa nhưng trong trạng thái pháp lý dở dang vì thiếu vốn, mặt khác, nhu cầu của nhà đầu tư chững lại do khó khăn trong luân chuyển dòng vốn đầu tư khi chưa kịp “tiêu” bớt các sản phẩm BĐS  đã đầu tư trước đó.

        Các dự án BĐS không cán đích đúng tiến độ dẫn đến hệ quả tất yếu là nợ quá hạn và sau nữa được các Ngân hàng “gọi tên” và không ngừng “nâng hạng” lên nhóm nợ xấu cao nhất (Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn) cho dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

        Vì sao doanh nghiệp Việt thích "nhảy" sang lĩnh vực bất động sản? - Ảnh 2

        Theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN thì việc xếp hạng tín dụng được thực hiện theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Dù hiện nay, pháp luật chưa có quy định nào cụ thể về việc doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng nợ xấu thì sẽ không được phép vay vốn để sản xuất kinh doanh.

        Tuy nhiên, trên thực tế, khi xếp hạng nợ xấu theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ thì nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5 sẽ không được ngân hàng, tổ chức tín dụng xét duyệt cho vay vốn trước khi được xóa thông tin nợ nấu.

        Ngoài ra, cũng theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì trong thời điểm dịch Covid-19, các doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

        Tuy nhiên, điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn (Điều 13 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg) cũng là không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2019.

        Mối quan hệ… “cộng sinh” hiểu như thế nào cho đúng và phải?

        Ngẫm thấy mối quan hệ giữa Ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ “cộng sinh”, “nhân quả”, nên phải đặt mình vào địa vị của người khác để lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. Bởi nếu voi Nguồn vốn là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp, thì cho vay cũng là hoạt động “sống còn” của ngân hàng.

        Tham dự Hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ từng chia sẻ “Đây là mối quan hệ “cộng sinh” cùng có lợi, nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

        Doanh nghiệp, người dân là hệ sinh thái không thể thiếu được của ngân hàng, “trong anh có tôi, trong tôi có anh, tuy hai mà một, tuy một mà hai”.

        Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh quá nhiều rào cản từ khâu cam kết cung cấp tín dụng, thẩm định, định giá tài sản bảo đảm, giám sát việc sử dụng vốn vay của ngân hàng chưa sát với hoạt động sản xuất kinh doanh đặc thù của từng doanh nghiệp dẫn đến mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp trở nên xung khắc.

        Không ít ngân hàng cứng nhắc chiểu theo các điều khoản của Hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp được soạn theo format của mình để “phang phập” doanh nghiệp một cách không thương tiếc được che đậy bằng tấm bình phong bấy lâu nay vẫn thường hay sử dụng: bảo toàn vốn.

        Còn doanh nghiệp, khi không được ngân hàng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thì cũng phải gồng mình để chống đỡ trước việc các “lực lượng” AMC hùng hậu do ngân hàng ủy quyền để rao bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp mà hành lang pháp lý chính là các điều khoản quy định trong hợp đồng và Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội quy định về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

        Theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội, thì Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hết hạn áp dụng vào 31/12/2023.

        Việc dừng áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 là điều đáng mừng hay lo vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Thiết nghĩ, ở chừng mực nào đó thì lợi ích mang lại sẽ tích cực hơn là tiêu cực, bởi ngân hàng và doanh nghiệp khi bắt tay tham gia “cuộc chơi” sẽ tỉnh táo, khách quan, bình đẳng và minh bạch hơn để đi chung đường dài.

        Vì sao doanh nghiệp Việt thích "nhảy" sang lĩnh vực bất động sản? - Ảnh 3

        Dẫu sao đó cũng chỉ là thì tương lai chưa được định hình cụ thể và trước mắt thì ngân hàng đang nắm lợi thế hơn so với doanh nghiệp vì có nguồn để trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 12/2021/TT-NHNN.

        Còn doanh nghiệp phải hứng chịu khoản lãi suất phạt quá hạn tăng theo cấp số nhân bởi hệ thống phần mềm được cài đặt và kích hoạt “chạy như ngựa hoang” của ngân hàng.

        Thận trọng với các “công ty hai ngón” 

        Khi nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đang ở thế tiến thoái lưỡng nan về nguồn vốn thì cũng đồng nghĩa với việc các “công ty hai ngón” ra đời hoạt động theo ngành nghề mới tinh mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh.

        Nắm được thời cơ, các nhóm môi giới, các “chuyên da” về tài chính vẽ ra đủ kiểu để “dẫn” bằng được các nguồn vốn ngoài ngân hàng về cho doanh nghiệp. Họ nắm khá chắc tâm lý và điểm yếu của nhiều chủ doanh nghiệp đang khát vốn để “bài binh bố trận” như những “đấng tối cao” đại diện cho “một thế lực vô hình” nhằm ban phát và cứu thế.

        Trong quá trình hành nghề tư vấn về tái cấu trúc doanh nghiệp, nhiều luật sư đã được dự khán rất nhiều cuộc “đàm phán chui” giữa các nhóm thuộc “Công ty hai ngón” với nhiều ông chủ doanh nghiệp vì chẳng ai muốn công khai các cuộc gặp này vì chẳng may gặp phải “hàng lởm” thì lại sợ mang tiếng.

        Dù thấy nhiều bất cập trong quá trình họ thuyết trình về dòng vốn, nhưng với lương tâm nghề nghiệp thì người tư vấn vẫn luôn phải thận trọng và kiên trì lắng nghê để nắm bắt. Thâm chí, là không ít lần họ cũng bị cảm xúc chi phối nghề nghiệp khi thấy sự “nhăng cuội” của họ logic một cách đến kinh ngạc. Câu mở miệng đầu tiên là họ không quan tâm đến việc doanh nghiệp có nợ xấu hay không? Doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu hay đa ngành nghề?. Điều duy nhất họ đề cao và coi là điều kiện tiên quyết đó chính là hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo cách của họ.

        Nguồn vốn lúc thì qua quỹ này, ngân hàng kia từ hải ngoại với phương thức và quy trình giải ngân thông qua hợp đồng vay vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa dự án.

        Còn với các doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu (Công ty dự án) thì mô hình ưu chuộng họ đưa ra không khác gì của một thương vụ M&A.

        Nhiều nhóm còn không ngần ngại thuê cả một số công ty tư vấn luật để “dựng” danh mục hồ sơ cần cung cấp để thẩm định, soát xét (DD- Due Diligence). Chỉ khác một điều là phí và đơn vị thực hiện DD về pháp lý, tài chính, thẩm định giá do họ chỉ định và doanh nghiệp phải chi trả.

        Dù rót vốn thông qua phương thức nào thì phí cho mỗi bộ hồ sơ vẫn dao động từ 100.000 đến 200.000 đô la Mỹ là bất biến kèm theo quyền miễn trừ như…“Non-refundable”. Nếu doanh nghiệp nào có nhiều dự án thì mỗi dự án phải tách ra một bộ hồ sơ riêng chứ không có chuyện chung đụng để được hưởng chế độ giảm phí.

        Hình thức này được thực hiện thông qua sự kết nối với một công ty được mở bên trời Tây có quy mô siêu nhỏ dạng Micro – Entity với số vốn đăng ký vài USD hay EURO kèm theo một số ngành nghề tư vấn vô thưởng vô phạt kiểu có cụm từ “Finance – Banking” để dễ bề tạo sự lầm tưởng cho các doanh nghiệp đó là một Quỹ, Tổ chức tài chính hay ngân hàng quốc tế nhưng thực chất chỉ là một nhóm tư vấn chung chung chẳng đại diện thay ủy thác đầu tư cho bất kỳ thể chế tài chính hoạt động hợp pháp nào.

        Một số trường hợp tinh vi hơn còn lập ra một số pháp nhân tại Việt Nam với cái tên thật “kêu” để câu kết với một số doanh nghiệp siêu nhỏ ở hải ngoại công khai trên website chính thức như cổ đông góp vốn điều lệ và bổ nhiệm một giám đốc quốc gia/vùng là người bản địa.

        Tuy nhiên, khi kiểm tra thông tin thì đúng là công ty có đăng ký cổ đông ngoại thật nhưng lại là của một cá nhân nào đó tạm trú lại Việt Nam dài hạn chả có mối quan hệ nào đến công ty nước ngoài kia.

        Một số nhóm hạ đẳng hơn thì hoạt động theo nhóm cá nhân chứ không nhân danh cho một “quỹ” nào cụ thể. Họ thường dựng lên một ai đó không tên tuổi kiểu như rất bí ẩn được Thái tử vương quốc giàu có nào đó cử vào Việt Nam để ban phát các dòng vốn lên đến cả ngàn tỷ đô la Mỹ.

        Nếu doanh nghiệp nào hoài nghi và chất vấn nhiều về quy trình đi của dòng vốn theo thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả không có bảo lãnh của Chính phủ được quy định tại Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp thì “đấng tối cao” không ngần ngại tuyên bố xanh rờn rằng, tôi có tiền muốn cho ai vay là việc của tôi, cần thiết tôi đề nghị bộ này, ngành kia sửa luật để cho dòng vốn được tuôi chảy…

        Doanh nghiệp nào chần chừ thì họ không ngần ngại bồi thêm câu chốt rằng nguồn vốn đã có sẵn tại Việt Nam và có thể giải ngân ngay, nếu doanh nghiệp không quyết nhanh thì họ chuyển sang phân bổ cho doanh nghiệp khác đang xếp hàng mỏi mòn chờ đợi.

        Để giữ dòng vốn không có nguy cơ bị tuột tay, không ít ông chủ doanh nghiệp đã phải “lót tay” các khoản tiền ngoài cho các “đấng tối cao”. Cứ mỗi lần ông chủ đại diện Quỹ sang thì nhóm tay chân bên này đã kịp lùa được khoảng vài chục doanh nghiệp để tiếp kiến. Cuộc đua săn đón các quỹ chưa bao giờ sôi động và quyết liệt như lúc này.

        Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, có một Phương pháp xử lý khoản nợ mà luật sư đã đọc ở đâu đó, Phương pháp Quả cầu tuyết (Debt Snowball) là một phương pháp được phát triển bởi Dave Ramsey. Theo phương pháp Quả cầu tuyết, những khoản nợ được ẩn dụ như hình ảnh các quả cầu tuyết nhỏ. Những quả cầu tuyết nhỏ này khi lăn từ trên cao xuống sẽ cuộn dần thành một quả cầu lớn.

        Tương tự như vậy, trong việc trả nợ, nếu doanh nghiệp bắt đầu thanh toán theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, từ nợ ngắn hạn đến trung, dài hạn, số tiền hoàn thành trả nợ sẽ tăng dần theo thời gian, đồng nghĩa với việc số lượng các khoản nợ giảm dần.

        Mấu chốt của phương pháp Quả cầu tuyết chính là cảm giác vui sướng, thỏa mãn khi chinh phục từng cột mốc, tạo “đòn bẩy” để doanh nghiệp tiến lên phía trước. Nếu là một doanh nghiệp đang xoay sở trong nhiều khoản nợ lớn bé khác nhau, phương pháp Quả cầu tuyết sẽ cho bạn một định hướng trả nợ chủ động, tích cực hơn.

        Và các ma trận…quỹ

        Thiết nghĩ, để tái cấu trúc doanh nghiệp thì chẳng có ai có thể giúp mình bằng chính việc các chủ doanh nghiệp nên nhìn thẳng vào nội tại của mình để từng bước tháo gỡ thay vì cứ mộng tưởng theo quỹ này quỹ kia để chờ đợi sự ban phát để đến nỗi không những “tiền mất, tật mang” mà còn làm mất đi định hướng và triết lý kinh doanh sau bao năm gây dựng và tích lũy.

        Bởi suy cho cùng thì khi đã tham gia vào “cuộc chơi” trong khuôn khổ pháp luật thì luôn phải có niềm tin vào các chính sách điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền tại từng thời điểm cũng như khả năng tự cân bằng thông qua các cuộc “đấu não” với các bên liên quan kiểu “nước nổi, bèo nổi”.

        Đất trời đang vào xuân, cây cối đang lột xác để những mầm non mơn mởn được ngoi lên. Mong lắm một sự rà soát và ngăn chặn kịp thời của cơ quan có thẩm quyền đối với các “công ty hai ngón” nhằm tránh gây thêm thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp – một thực thể có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế của đất nước.

        Luật sư Phan Khắc Nghiêm Công ty luật TNHH NPK Quốc tế

        Nguồn: Vì sao doanh nghiệp Việt thích “nhảy” sang lĩnh vực bất động sản? (kinhtemoitruong.vn)

        Bàn về hành vi vi phạm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do sự kiện bất khả kháng

        29/02/2024

        Theo dõi KTMT trên

        Các nguyên nhân thuộc sự kiện bất ngờ, trở ngại khách quan và sự kiện bất khả kháng đã gây ảnh hưởng và tác động đến hoạt động khai thác khoáng sản cho không ít doanh nghiệp trong khai thác khoáng sản.

        Bàn về hành vi vi phạm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do sự kiện bất khả kháng - Ảnh 1

        1-Dẫn nhập

        Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (Luật Xử lý VPHC) là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động xử lý các hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

        Trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài nguyên Nước và Khoáng sản có vai trò vô cùng quan trọng đối với quốc kế dân sinh. Bởi nước là nguồn tài nguyên quý giá, nước rất cần thiết cho hoạt động sống của con người cũng như các sinh vật, còn Khoáng sản là thành phần tạo khoáng vật của lớp vỏ Trái đất, mà thành phần hóa học và các tính chất vật lý của chúng cho phép sử dụng chúng có hiệu quả và lợi ích trong lĩnh vực sản xuất ra của cải vật chất của nền kinh tế quốc dân.

        Khoáng sản có ích được tích tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, biển. Ví dụ: Thạch anh (silic dioxide, SiO2), khoáng vật fenspat, canxit, lưu huỳnh và các khoáng chất đất sét như kaolinit, sắt, mangan, selen và canxi,… . Khoáng sản thường được chia làm 4 loại: khoáng sản năng lượng, kim loại, khoáng sản xây dựng và khoáng sản công nghiệp.

        Tài nguyên nước và khoáng sản không phải là vô tận như nhiều người lầm tưởng, nên các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều có chiến lược, quy hoạch rõ ràng để ban hành khung pháp lý quản lý hoạt động cấp phép từ công tác thăm dò đến khai thác tài nguyên nước và khoáng sản kèm theo các chế tài xử lý hành vi vi phạm. Hành lang pháp lý chính là Luật Khoáng sản 2010; Luật Tài nguyên nước 2012 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật.

        Để quản lý hiệu quả tài nguyên nước và khoáng sản trong giai đoạn mới, ngày 24 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP (Nghị định 36) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản để thay thế cho Nghị định số 33/2017/NĐ-CP (Nghị định 33). Tuy nhiên, tại thời điểm Nghị định 36 được ban hành và có hiệu lực thi hành lại trùng đúng vào thời điểm Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trên diện rộng dẫn đến Thủ tướng Chính phủ phải ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Vậy đại dịch Covid-19 có phải là một Sự Kiện bất Khả Kháng hay không? và nếu đúng vậy thì cần kích hoạt quy định về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 3, 4 Điều 11 Luật Xử lý VPHC như thế nào đối với hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 36?.

        Trong phạm vi bài viết, tác giả muốn tập trung bàn về một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, cụ thể là hành vi vi phạm quy định về nộp Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với tổ chức, cá nhân (Doanh nghiệp) do hậu quả của Sự Kiện Bất Ngờ và Sự Kiện Bất Khả Kháng tác động và ảnh hưởng trực tiếp.

        2-Một số bất cập về quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong luật so với thực tế

        Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành hầu như chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Tiền cấp quyền KTKS) cũng như chưa làm rõ mục đích của nó khi áp dụng. Nghị định số 203/2013/NĐ-CP và sau được thay thế bởi Nghị định số 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mới chỉ đưa ra căn cứ tính tiền cấp quyền KTKS (Điều 5 Nghị định 67) theo công thức T = Q x G x K1 x K2­­x R trong đó, T là Tiền cấp quyền KTKS; Q là trữ lượng tính tiền cấp quyền KTKS; G là Giá tính tiền cấp quyền KTKS; K là Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác; K2 là hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và R là Mức thu tiền cấp quyền KTKS.

        Với quy định trên, chúng ta có thể hiểu rằng đây mới chỉ là biện pháp kỹ thuật mang tính tính toán để ra một con số phải nộp Tiền cấp quyền KTKS khi doanh nghiệp được cấp Giấp phép KTKS. Hơn nữa, đối với Giá tính tiền cấp quyền KTKS lần đầu (G) được cơ quan có thẩm quyền tự áp giá trên trữ lượng được phê duyệt theo hồ sơ thiết kế nên Tiền cấp quyền KTKS mới chỉ là tạm tính. Khi có bảng giá tính thuế tài nguyên của Ủy ban nhân dân tỉnh nơi có mỏ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Khoáng sản Việt Nam) mới tính toán lại Tiền cấp quyền KTKS. Một bất cập nổi cộm là tiền cấp quyền KTKS được tính và chia ra các các lần doanh nghiệp phải nộp cho toàn bộ thời hạn khai thác được quy định trong Giấy phép KTKS.

        Bên cạnh đó, quyết định phê duyệt nộp Tiền cấp quyền KTKS tạm tính lần đầu của cơ quan thẩm quyền thường mặc định áp cho không dưới 50% thời hạn khai thác mỏ đã tạo nên áp lực vô cùng ghê gớm cho doanh nghiệp, bởi vừa mới được cấp mỏ doanh nghiệp phải đợi thêm thời gian để hoàn thành các thủ tục để nhận bàn giao ranh giới, mốc giới khu vực khai thác, đồng thời phải đầu tư xây dựng hạ tầng, trang thiết bị khai thác, sàng tuyển, chế biến và vận chuyển khoáng sản.

        Bàn về hành vi vi phạm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do sự kiện bất khả kháng - Ảnh 2
        Khai thác khoáng sản: Nguồn internet.

        Trước những bất cập trên, đã từng có nhiều ý kiến cho rằng quy định hiện hành về tiền cấp quyền KTKS của nước ta là “lợi bất, cập hại” do chỉ vì muốn tăng thu cho ngân sách Nhà nước nhưng lại tạo ra hệ lụy lãng phí một nguồn tài nguyên chất lượng trong lòng đất có giá trị cao bởi Tiền cấp quyền KTKS được tính theo trữ lượng phê duyệt, còn thuế tài nguyên được tính theo sản lượng kháng sản khai thác được mà không cần quan tâm doanh nghiệp đã tiêu thụ được hay chưa. Chi phí để khai thác được khoáng sản có chất lượng tốt phải mất nhiều công sức hơn, đỡ tổn hại đến môi trường hơn nên nếu tính theo cách này thì doanh nghiệp khai thác sẽ chỉ khai thác những vị trí sẵn có chứ không thể đầu tư thêm trang thiết bị để khai thác ở những vị trí khó khăn.

        Thiết nghĩ, theo quy định hiện hành thì Tiền cấp quyền KTKS theo Luật Khoáng sản 2010 đang bị dấp dính và trùng lập với thuế tài nguyên đối với khoáng sản khai thác theo Luật Thuế tài nguyên. Đã thế thì việc tăng thuế tài nguyên lên cao thì số tiền doanh nghiệp phải nộp lại tiếp tục bị thuế chồng thuế. Khoản 2 Điều 77 Luật Khoáng sản 2010; Nghị định 67/2019/NĐ-CP cho thấy Tiền cấp quyền KTKS và thuế tài nguyên về bản chất thì nó là một. Thực chất đây cùng là giá trị thặng dư và là lợi nhuận siêu ngạch tức địa tô chênh lệch do sự thuận lợi về điều kiện tự nhiên mà có. Cùng đánh vào một đối tượng và với những căn cứ, phương pháp tính toán tương tự nhau và đều nộp cho chủ sở hữu Nhà nước. Như vậy, có thể khẳng định rằng, Tiền cấp quyền KTKS là đánh thuế tài nguyên lần thứ hai.

        Bên canh đó, sản lượng khoáng sản khai thác có được dựa trên việc khai thác ở nhiều vị trí khác nhau với chi phí, sự bất lợi, khó khăn khác nhau nhưng lại vẫn áp một loại giá theo giá tính thuế tài nguyên của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định là sự bất cập. Thực tế cho thấy thuế tài nguyên không những không giảm mà còn tăng lên làm cho thuế tài nguyên vốn dĩ đã cao nhất thế giới lại cao thêm, đi ngược lại với tinh thần của chính sách coi tài nguyên khoáng sản là nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, cần phải khai thác tận thu tối đa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chất thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh giá cả các loại khoáng sản đang trong trình trạng suy giảm do nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp giảm, trong khi chi phí cho chuỗi cung ứng logistics lại tăng cao do dịch bệnh Covid-19 tác động và ảnh hưởng trực tiếp.

        Không những vậy, với cách tính tiền cấp quyền KTKS như hiện nay thì nhiều mỏ có quy mô nhỏ tại nhiều địa phương thay vì giá khoáng sản để tính tiền cấp quyền KTKSphải là giá tính thuế tài nguyên thì người ta có thể quy định một loại giá với tên gọi khác thấp hơn nhiều so với giá tính thuế tài nguyên, ví dụ như cái gọi là giá khoáng sản theo trữ lượng phê duyệt dẫn đến giảm thu từ thuế tài nguyên.

        Điều này tạo ra sự bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp đươc Bộ TNMT cấp phép khai thác cho mỏ có trữ lượng lớn so với các doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp mỏ với trữ lượng nhỏ. Bởi trữ lượng mỏ càng lớn, doanh nghiệp đầu tư khai thác bài bản, tuân thủ đúng luật thì lại phải nộp một khoản tiền cấp quyền KTKS lần đầu lớn hơn cho thời hạn khai thác dài hơn, tiền cấp quyền KTKS các kỳ sau cũng lớn hơn do việc áp giá theo giá tính thuế tài nguyên biến đổi theo hướng tăng dần của mỗi năm.

        3-Nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong cả nước chưa nộp đầy đủ tiền cấp quyền KTKS trong thời gian vừa qua

        Như đã phân tích ở trên cho thấy nhiều bất cập về quy định tiền cấp quyền KTKS của luật so với thực tế dẫn đến việc doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ tiền cấp quyền KTKS trong năm theo Thông báo của cơ quan thuế địa phương. Tôi cho rằng với bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy chứ không chỉ với lĩnh vực khai thác khoáng sản.

        Bởi giai đoạn đầu của thời hạn khai thác, hiếm có một doanh nghiệp nào có thể khai thác và tiêu thụ được đúng sản lượng hàng năm được quy định trong Giấy phép KTKS do việc triển khai khai thác, chế biến khoáng sản trên thực tế phát sinh nhiều vấn đề bất lợi về trự lượng, vị trí khai thác, chất lượng khoáng sản so với Hồ sơ đánh giá trữ lượng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt khi cấp phép KTKS nên không đáp ứng được yêu cầu làm nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp, ví dụ có doanh nghiệp được cấp mỏ khai thác cát trắng silic được cấp Quyết định chủ trương đầu tư và hồ sơ cấp phép khai thác có hàm lượng SiO2 từ 99 – 98; Fe2O3; 0,1-0,05, nhưng khi khai thác trên thực tế và kiểm định thì hàm lượng các thành phần hóa học trên lại thấp hơn nhiều dẫn đến không đảm bảo làm nguyên liệu đầu vào cho nhành sản xuất kính, pin năng lượng mặt trời… dẫn đến sản lượng khai thác thấp hơn rất nhiều so với công suất khai thác đã nộp tiền cấp quyền KTKS. Có doanh nghiệp khai thác đại trà với số lượng lớn nhưng bị tồn kho vì không tiêu thụ được nhưng vẫn phải kê khai và nộp thuế tài nguyên.

        Ngoài gánh nặng do những bất cập theo quy định của pháp luật hiện hành gây áp lực cho doanh nghiệp ra thì trong thời gian qua không thể không nhắc đến những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hoạt động khai thác, tiêu thụ khoáng sản của doanh nghiệp.

        3.1. Sự kiện bất khả kháng

        Do ảnh hưởng và tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trong các năm 2020, 2021 và 2022, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh thành trong cả nước đã ban hành liên tiếp hàng loạt Chỉ thị, Quyết định, Công điện khẩn, điển hình như tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng chục văn bản (tham vấn tại đường link https://covid19.quangninh.gov.vn/van-ban-chi-dao-cua-tinh-uy/) để siết chặt việc kiểm soát bệnh dịch trong toàn tỉnh. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Tỉnh và huyện dẫn đến hoạt động sản xuất, khai thác, tiêu thụ sản phẩm khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm tại mỏ gặp khó khăn, chịu thiệt hại nặng nề; sản xuất bị đình trệ, tạm dừng khai thác.

        Từ cuối năm 2021 đến năm 2022, nhiều địa bàn có hoạt động khai thác khoáng sản còn chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 với sự xuất hiện của biến chủng Virus Delta mới nguy hiểm nên là tâm dịch trong thời gian dài phải thực hiện phong tỏa, cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến hoạt động sản xuất, khai thác, tiêu thụ sản phẩm khoáng sản của không ít doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn mà chúng tôi được chia sẻ trong quá trình hành nghề tư vấn, cụ thể:

        Thứ nhất, do tính chất đặc thù của hoạt động khai thác mỏ phải tập trung nguồn nhân lực lớn tham gia, phải thay đổi ca kíp và thường xuyên có sự điều động từ các địa phương khác đến công trường nhưng do ảnh hưởng và tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid -19 và các chính sách siết chặt của Chính phủ và nhiều tỉnh thành tăng dần theo thực trạng từ cấp độ hạn chế đi lại đến giãn cách và sau cùng là cách ly toàn xã hội nên các doanh nghiệp không thể thuê các phương tiện tàu bè và các trang thiết bị, người lao động tại các địa phương khác để tổ chức khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ khoáng sản được. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí phát sinh thường xuyên rất lớn như khấu hao trang thiết bị, chi phí thuê tàu bè và chi phí thuê nhân công trông coi bảo vệ mỏ và nhà máy chế biến khoáng sản….

        Thứ hai, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên diện rộng, các đối tác tiêu thụ sản phẩm khoáng sản trong và ngoài nước đều có văn bản hoặc gọi điện, nhắn tin đề nghị tạm dừng hoặc chấm dứt thực hiện các hợp đồng cung cấp khoáng sản đã ký do Sự kiện bất khả kháng là dịch bệnh Covid-19 xảy ra trong thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp không có doanh thu để trang trải nhưng vẫn phải gánh chịu các chi phí cố định rất lớn.

        +Một số đối tác nước ngoài đơn phương chấm dứt Hợp đồng xuất khẩu khoáng sản:

        Thiết nghĩ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản luôn nhận thức được sứ mệnh của mình khi sản lượng khai thác theo Giấy phép khai thác nên ngay từ những ngày đầu được cấp phép, họ phải ưu tiên chú trọng đầu tư tài chính, thời gian, sức lực để tập trung làm thị trường, hợp tác công nghệ chế biến khoáng sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu theo định hướng của Chính phủ nhằm mục tiêu, một mặt để quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả, mặt khác tăng thu cho ngân sách Nhà nước từ các sản phẩm khoáng sản chất lượng cao sau chế biến được quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ xây dựng về việc hướng dẫn việc xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

        Mặc dù, các doanh nghiệp đã nỗ lực cố gắng triển khai đồng bộ mọi giải pháp để tiếp cận với các khách hàng, đối tác nước ngoài lớn đến từ nhiều quốc gia có nhu cầu nhập khẩu khoáng sản chất lượng cao phục vụ cho các ngành sản xuất như kính, đồ thủy tinh, Pin năng lượng mặt trời, mỹ phẩm, công nghiệp nặng…vv nhưng qua nhiều lần gửi mẫu giám định các thành phần hóa học trong khoáng sản tại mỏ được cấp phép cho thấy hàm lượng của nhiều thành phần hóa học cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn yêu cầu đầu vào cho các lĩnh vực có nhu cầu sử dụng trên.

        Bàn về hành vi vi phạm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do sự kiện bất khả kháng - Ảnh 3
        Trước những bất cập trên, đã từng có nhiều ý kiến cho rằng quy định hiện hành về tiền cấp quyền KTKS của nước ta là “lợi bất, cập hại”. Ảnh minh họa.

        Cụ thể, hàm lượng nhiều loại tạp chất tại nhiều vị trí mỏ cao hơn rất nhiều so với Báo cáo kết quả thăm dò của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia; Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh đối với dự án khai thác khoáng sản. Hàng loạt kết quả thử nghiệm (Test result) do Viện vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng, Vinacontrol, SGS, CICC… thực hiện cho thấy thành phần hóa học tạo nhiều vị trí mỏ cao hơn rất nhiều so với hàm lượng nêu tại Quyết định chủ trương đầu tư.

        Trước sự việc bất thường trên, nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải triển khai các phương án hợp tác công nghệ với nhiều hãng sản xuất, chế tạo dây chuyền công nghệ tuyển rửa khoáng sản trên thế giới để tiếp tục thực hiện các thí nghiệm nhằm tìm ra giải pháp làm giảm tối đa hàm lượng tạp chất tồn tại trong khoáng sản tại mỏ. Trong quá trình tư vấn cho một số doanh nghiệp, chúng tôi đã chứng kiến các giải pháp mà Tập đoàn đa quốc gia Terex (Terex Minerals Processing Systems) đưa ra để thực hiện nhiều thí nghiệm qua các phương pháp trục vít (Screw machine), máy phân tách dải hạt và khoáng vật nặng, máy tuyển từ (Magnetic sorting machine)…vv. Tuy nhiên, kết quả phân tích sau khi tuyển tách khoáng vật nặng đều cho thấy hàm lượng tạp chất trong thân cấu tạo của nhiều loại khoáng sản vẫn cao và các chuyên gia còn nghi ngờ có sự tộn tại của Tuamalin hoặc clorit trong nhiều loại khoáng sản.

        Có nhiều doanh nghiệp mới chỉ được cấp phép khai thác trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 một thời gian ngắn, và sau một thời gian đầu tư công nghệ khai thác, chế biến và làm thị trường đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu đầu tiên. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19 nên đối tác không thể thuê được tàu vận tải đến nhận hàng, không thể cử cán bộ sang để giám sát bốc hàng (loading), Ngân hàng nước ngoài không mở được Thư tín dụng thanh toán (L/C), đơn vị giám định chất lượng hàng hóa không cử cán bộ đến để giám định… dẫn đến Hợp đồng không thể thực hiện được.

        Sau khi tham vấn nội dung Hợp đồng xuất khẩu, chúng tôi thấy các bên có quy định “Không bên nào phải chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ do đình công, bạo loạn, bão, hỏa hoạn, chiến tranh, bão, lũ lụt, thiên tai, động đất, dịch bệnh – Neither partty shall be liable for delays caused by strikes, riots, burricanes, fires, wars, floods, natural dissaters, earthquakes, pandemic”.

        Ngoài ra Hợp đồng xuất khẩu còn quy định “Nếu một bên không thể khắc phục được vi phạm do sự kiện bất khả kháng trong vòng 60 ngày, Bên còn lại có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trừ khi có thỏa thuận khác… – If a partty can not fix thê breach occurred due to force majeure within 60 days, the another party may terminate the contract unless otherwise agreed…”.

        Khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhiều doanh nghiệp và đối tác nước ngoài đã phối hợp thực hiện mọi biện pháp để khắc phục nhưng do dịch bệnh Covid-19 (Covid-19 pademic) là sự kiện khách quan, không thể lường trước được kéo dài nên về cơ bản các doanh nghiệp và đối tác không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Hệ quả là các bên được miễn nhiệm mọi trách nhiệm nhưng doanh nghiệp khai thác phải gánh chịu một sự thiệt hại vô cùng lớn khi đã bỏ ra nhiều chi phí để tập kết chân hàng về nhà máy và kho bãi phục vụ xuất khẩu cho hợp đồng đã ký.

        + Đối với các đối táctiêu thụ khoáng sản đi kèm cho các dự án trong và ngoài tỉnh có mỏ cũng gặp trở ngại khách quan như đối tác nước ngoài nên các hợp đồng đã ký đều phải tạm dừng và chấm dứt.

        Tại website chính thức của Tổ chức y tế Thế giới (tại đường link https://www.who.int/director-general/speeches/detail/who-director-general-s-opening-remarks-at-the-media-briefing-on-covid-19—11-march-2020) ngày 11/3/2020, Tổng giám đốc WHO phát đi tuyên bố khẩn cấp rằng “WHO has been assessing this outbreak around the clock and we are deeply concerned both by the alarming levels of spread and severity, and by the alarming levels of inaction. We have therefore made the assessment that COVID-19 can be characterized as a pandemic. – WHO đã và đang đánh giá đợt bùng phát này suốt ngày đêm và chúng tôi quan ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng đáng báo động cũng như mức độ không hành động đáng báo động. Do đó, chúng tôi đưa ra đánh giá rằng COVID-19 có thể được coi là một đại dịch.”

        Còn tại Việt Nam, với các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các tỉnh thành trong cả nước đã ban hành liên tiếp và được công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống cho thấy dịch bệnh Covid-19 là một đại dịch chứ không chỉ còn là một dịch bệnh thông thường nên nó đương nhiên được coi là một sự kiện Bất Khả Kháng được quy định tại khoản 1, Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015.

        Tại khoản 14 Điều 2 của Luật xử lý vi VPHC có quy định  “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Mặt khác, theo quy định tại Điều 11 “Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính” Luật xử lý VPHC đã xác định các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

        “(1). Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;(2). Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;(3). Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;(4). Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng..”.

        Bên cạnh đó, tại khoản 9 Điều 2 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản cụ thể hóa khoản 14 Điều 2 Luật xử lý VPHC như sau “ 9. Bất khả kháng trong hoạt động khoáng sản là sự kiện khách quan, không thể lường trước; là sự việc mà tổ chức, cá nhân đã áp dụng mọi biện pháp mà không thể tránh, không thể khắc phục, dẫn đến không thể thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản”.

        Sau khi tham vấn hồ sơ, tài liệu mà một số doanh nghiệp cung cấp và đề nghị cho ý kiến về dịch bệnh Covid-19 có được coi là sự kiện Bất khả kháng ảnh hưởng và tác động đến họat động khai thác, tiêu thụ khoáng sản của họ hay không? Chúng tôi cho rằng với các quy định hiện hành của pháp luật thực định như nêu trên, cụ thể với dịch bệnh Covid-19 cho thấy nó có đủ căn cứ để xác định  là  một “Sự kiện bất khả kháng” bởi nó: (i) Xảy ra một cách khách quan đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng; (ii) doanh nghiệp và đối tác hông thể lường trước được; (ii) Các bên không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép và (iv) Các bên đã quy định cụ thể về Sự Kiện Bất Khả Kháng và căn cứ chấm dứt hợp đồng.

        3.2. Sự kiện bất ngờ và trở ngại khách quan mà không ít doanh nghiệp gặp phải trong quá trình khai thác, tiêu thụ khoáng sản

        Thứ nhất, tại nhiều quyết định phê duyệt tiền cấp quyền KTKS của cơ quan có thẩm quyền quy định tổng số tiền cấp quyền KTKS mà doanh nghiệp phải nộp thường được tính cho nửa thời gian khai thác đầu theo giấy phép.

        Vào thời điểm năm 2019, có doanh nghiệp chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện văn bản pháp lý để khai thác gồm: bàn giao khu vực biển, ranh giới mốc giới khai thác…., nhưng doanh nghiệp đã phải nộp tiền cấp quyền KTKS lần đầu với số tiền tương ứng với hơn 20% tổng số tiền phải nộp trong toàn bộ thời hạn khai thác và tương đương với sản lượng của ¼ tổng trữ lượng mỏ. Nhưng doanh nghiệp mới chỉ khai thác đạt khoảng 10-15% của khối lượng đã nộp tiền cấp quyền KTKS. Như vậy, theo logic thì thực chất doanh nghiệp không nợ tiền cấp quyền KTKS do chưa khai thác, tiêu thụ được khối lượng cát tương ứng với số tiền đã nộp, cũng như chưa khai thác được đúng công suất cho phép.

        Thứ hai, khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách tiêu thụ khoáng sản. Theo đó, tại nhiều Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định “Sản phẩm, dịch vụ cung cấp: Cung cấpnguồn nguyên liệu khoáng sản chínhkhoáng sản đi kèmtrong quá trình khai thác, phân loại, chế biến cho các dự án, nhà máy chế biến và nhu cầu sử dụng trong tỉnh” là có phần chưa đúng với tinh thần tại Văn bản số 10369/VPCP-KTN ngày 18/12/2012 của Văn phòng Chính phủ về việc bãi bỏ các quy định cấm, tạm cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương dẫn đến những rào cản cho việc tiêu thụ sản phẩm tận thu là cát san lấp cho các dự án ngoài tỉnh.

        Ngoài ra, việc tiêu thụ trong nhiều tỉnh còn rất nhiều bất cập, cụ thể là có doanh nghiệp địa phương có nguồn khoáng sản hợp pháp được Bộ TN&MT cấp phép, có lợi thế về chi phí thấp trong khai thác, vận chuyển song doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong việc cung cấp khoáng sản cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh do không cạnh tranh được về giá so với các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép, mua hóa đơn hợp thức đầu vào. Tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ vật liệu xây dựng trái phép trong phạm vi cả nước nói chung và trên một số địa bàn tỉnh nói riêng vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi ảnh hưởng đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị có nguồn khoáng sản hợp pháp.

        Thứ ba, đối với việc tiêu thụ khoáng sản chính (ví dụ mỏ có trữ lượng khoáng sản chính là cát trắng silic, cát vàng khuân đúc) hiện nay chưa có cơ chế tiêu thụ xuất khẩu rõ ràng (đây là sản phẩm cát chiếm phần lớn trữ lượng của mỏ); do nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm khoáng sản đã qua chế biến ở thị trường trong nước là rất thấp so với sản lượng, quy mô công suất khai thác, chế biến của mỏ và nhà máy, nên không ít doanh nghiệp và Hội các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay không ít tỉnh vẫn chưa có văn bản báo cáo đề xuất với Bộ Xây dựng để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

        Ngoài ra, do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm khoáng sản chính đã qua chế biến ở thị trường trong nước là rất thấp so với sản lượng, quy mô công suất khai thác của nhiều mỏ, nên trong các năm qua vì lợi ích kinh tế – xã hội lâu dài cho đất nước và doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến khoáng sản để chuẩn bị cho quá trình sản xuất ổn định nhằm tạo ra sản phẩm tinh có giá trị kinh tế cao, làm giàu và tăng giá trị tài nguyên từ đó làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương nên đã phải đầu tư một khoản tiền rất lớn nhưng chưa thôi hồi lại được.

        Thứ tư, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng việc khai thác khoáng sản theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh mặc mặc dù trong quá trình khai thác không để xảy ra bất cứ sai phạm nào song thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, có không ít huyện nơi có mỏ đã ban hành văn bản về việc tạm dừng Dự án khai thác của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải tạm dừng Dự án khai thác khoáng sản trong một thời hạn dài. Vấn đề này đã phát sinh thiệt hại to lớn do dừng khai thác đối với không ít các doanh nghiệp.

        Thứ năm, quy định bất cập về việc phải khai thuế, nộp thuế ngay đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ sau đó vận chuyển về Nhà máy chế biến và địa điểm tập kết để làm nguyên liệu, lưu kho chuẩn bị cho quá trình sàng tuyển, chế biến.

        Theo quy định tại Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài Chính về việc hướng dẫn về thuế tài nguyên thì người nộp thuế phải thực hiện kê khai, nộp thuế đối với toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng không phân biệt tồn kho hay đang trong quá trình chế biến. Đây là quy định rất bất cập, vướng mắc đối với hoạt động khai thác khoáng sản để lưu kho tại nhà máy hoặc địa điểm tập kết. Cụ thể:

        Để chuẩn bị cho việc thực hiện các hợp đồng tiêu thụ khoáng sản với khối lượng lớn, doanh nghiệp buộc phải thi công khai thác mỏ với khối lượng lớn khoáng sản nguyên khai mang về nhà máy, địa điểm tập kết để lưu kho chuẩn bị cho quá trình sản xuất chế biến; sản phẩm này sau khi tập kết lưu kho phải mất nhiều thời gian, chi phí để xử lý rửa mặn, sàng tuyển rồi mới đưa vào dây chuyền chế biến thành khoáng sản tinh. Mặt khác, trong khối lượng khoáng sản chính nguyên khai còn chứa nhiều tạp chất không tận thu được và khoáng sản đi kèm, do đó phải trải qua quá trình sàng tuyển phân loại và tiêu thụ ra thị trường mới xác định được cụ thể, chính xác khối lượng của từng loại tài nguyên để kê khai, nộp thuế.

        Bên cạnh đó do đặc thù hoạt động thi công khai thác mỏ, nhất là với các mỏ ngoài biển phụ thuộc nhiều vào điều thời tiết sóng gió, thủy triều nên không diễn ra được thường xuyên liên tục. Khi có điều kiện thuận lợi doanh nghiệp buộc phải tổ chức thi công khai thác ngay để tập trung sản phẩm về các địa điểm tập kết, lưu kho, dự trữ khi có hợp đồng với khách hàng, doanh nghiệp mới sàng tuyển, chế biến, vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ.

        Như vậy, có thể thấy hoạt động khai thác khoáng sản nguyên khai để tập kết, lưu kho là rất cần thiết và ở giai đoạn này chưa phân loại được cụ thể chính xác từng loại tài nguyên để kê khai nộp thuế. Ở giai đoạn này hoàn toàn mới là quá trình sản xuất, chưa tiêu thụ nên chưa phát sinh doanh thu, thậm chí doanh nghiệp khai thác đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí song doanh nghiệp lại phải kê khai, nộp thuế ngay trong tháng (nếu chưa nộp đủ thì bị tính tiền chậm nộp theo quy định của luật Quản lý thuế) là rất bất cập và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc phải hạn chế khai thác theo công xuất cho phép.

        Về vấn đề này, không ít doanh nghiệp đã có vă bản báo cáo với Cục thuế và chính quyền địa phương để kiến nghị với Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT xem xét trình Chính phủ để sửa đổi chính sách về Tiền cấp quyền KTKS và thuế tài nguyên.

        Thứ sáu, vấn đề cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác liên quan tới các tổ chức tín dụng tài trợ cho vay vốn khi dùng Quyền KTKS làm tài sản bảo đảm cho khoản  vốn vay để đầu tư hạ tầng mỏ và nộp Tiền cấp quyền KTKS.

        Trên thực tế, không ít doanh nghiệp phải thế chấp tài sản phát sinh từ giấy phép khai thác khoáng sản để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản.

        Mặc dù là các khoản vay ngắn hạn và nhiều doanh nghiệp đã được tất toán và dư nợ vay là 0 đồng, nhưng một số ngân hàng vẫn chưa giải chấp các tài sản này cho doanh nghiệp vì ngân hàng luôn “cài cắm” thêm điều khoản để tài sản bảo đảm cho các khoản vay trung, dài hạn khác. Mặc cho việc Ngân hàng quy định tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm (LTV – Loan to Value ratio) của Hợp đồng vay trung hạn luôn duy trì ở mức 60% và khi định giá lại các tài sản đảm bảo khác vẫn còn trên cả tỷ lệ LTV như vậy, tuy nhiên Ngân hàng vẫn tìm mọi cách “chiếm giữ trái phép” tài sản thế chấp là quyền KTKS của doanh nghiệp.

        Không những vậy, không ít Ngân hàng và các công ty AMC của mình đã gửi nhiều văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm thu giữ để bán đấu giá tài sản đảm bảo là Quyền KTKS của doanh nghiệp. Nội dung trả lời của cơ quan có thẩm quyền thường nêu rõ “Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức, cá nhân được sử dụng Quyền KTKS làm “tài sản đảm bảo” để thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, đồng thời cũng chưa có quy định về xử lý tài dản đảm bảo là Quyền KTKS để thu hồi nợ”.

        Do đó, những kiểu hành động như trên của Ngân hàng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của một số doanh nghiệp dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khai thác và tiêu thụ khoáng sản, không có doanh thu để trang trải cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

        4-Đề xuất hướng xem xét có lợi cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản khi chưa thực hiện đầy đủ tiền cấp quyền KTKS do Sự kiện bất ngờ và Sự kiện bất khả kháng

        Theo quy định tại khoản 13 Điều 2 của Luật xử lý VPHC quy định “Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra”. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 156 của Bộ luật Dân sự có quy định “trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.

        Mặt khác, tại điểm c, khoản 3 Điều 9 Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức tiền thu tiền cấp quyền KTKS quy định “c) Trường hợp phải tạm dừng khai thác khoáng sản do yêu cầu hoặc được xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì thời điểm nộp số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phát sinh trong kỳ (nếu có) được lùi bằng thời gian phải tạm dừng khai thác khoáng sản, nhưng không vượt quá thời gian khai thác còn lại của giấy phép. Tổ chức, cá nhân thuộc những trường hợp này sẽ phải tiếp tục thực hiện việc nộp số tiền phát sinh trong kỳ sau 30 ngày kể từ ngày bắt đầu được hoạt động khai thác trở lại và không phải tính tiền chậm nộp trong thời gian tạm dừng khai thác khoáng sản”.

        Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật cho thấy các nguyên nhân trên thuộc sự kiện bất ngờtrở ngại khách quan và sự kiện bất khả kháng đã gây ảnh hưởng và tác động đến hoạt động khai thác khoáng sản cho không ít doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Ngoài ra, cần phải xem xét, đánh giá từ thời điểm doanh nghiệp được cấp phép khai thác đến nay, doanh nghiệp đã vi phạm hành chính dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản chưa.

        Do đó cơ quan có thẩm quyền cần cẩn trọng nghiên cứu, tổ chức thực địa đặc thù những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản gặp phải để có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét:

        (i) Cho doanh nghiệp được giãn, gia hạn thời gian nộp Tiền cấp quyền KTKS, miễn giảm tiền chậm nộp  để hỗ trợ doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng và tác động trực tiếp củaSự Kiện Bất Khả Kháng là dịch bệnh Covid-19 và các Sự kiện bất ngờ, Trở ngại khách quan;

        (ii) Kiến nghị cho các doanh nghiệp được nộp tiền cấp quyền KTKS và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm để giảm áp lực về việc nộp ngân sách tiền cấp quyền KTKS theo trữ lượng được cấp phép khi mà doanh nghiệp chưa có doanh thu. Vấn đề nộp tiền cấp quyền KTKS theo sản lượng khai thác hàng năm hiện nay đã được Chính phủ quy định trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (dự thảo lần 4) để phù hợp với thực tế cũng như tạo điều kiện để Doanh nghiệp đầu tư công nghệ khai thác, chế biến, thu hồi tối đa khoáng sản theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị được nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 cũng như chính sách của Nhà nước được quy định trong Luật Khoáng sản.

        (iii) Cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thường xuyên quan tâm, hướng dẫn các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhất là có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân một số tỉnh thực hiện nghiêm Văn bản số 10369/VPCP-KTN ngày 18/12/2012 của Văn phòng Chính phủ về việc bãi bỏ các quy định cấm, tạm cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương.

        Thiết nghĩ, chỉ có vậy mới có thể xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện đối với từng doanh nghiệp cụ thể gặp phải khó khăn trong việc chưa thực hiện đầy đủ việc nộp Tiền cấp quyền KTKS để làm căn cứ xem xét, đối chiếu và áp dụng khoản 3 và khoản 4 Điều 11 Luật xử lý VPHC để không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 6, Điều 36 Nghị định 36/2020/NĐ-CP đối với nhiều doanh nghiệp. Nếu không, hàng loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn cả nước đang gặp phải nguy cơ đứng bên bờ vực thẳm của sự phá sản và đây cũng có thể là mầm mống phát sinh các vụ án hành chính khởi kiện về các Quyết định hành chính cá biệt về tước, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản kéo dài, gây ra sự bất ổn, gián đoạn và đình trệ cho chiến lược khoáng sản trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

        Luật sư Phan Khắc Nghiêm
        Công ty luật TNHH NPK Quốc tế

        Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ban-ve-hanh-vi-vi-pham-nop-tien-cap-quyen-khai-thac-khoang-san-do-su-kien-bat-kha-khang-85662.html

        Điều kiện để IPO theo Luật chứng khoán 2019

        23/11/2021

        IPO được xem là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp. IPO và trở thành đại chúng là chỉ dấu ghi nhận sự phát triển về “chất” trong hoạt động quản trị điều hành công ty. Với những tác động tích cực của IPO, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến nhiều thương vụ IPO của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, bất động sản,… Tuy vậy, để nâng cao chất lượng hàng hóa của các thương vụ IPO, đảm bảo sự lành mạnh của TTCK và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, Luật Chứng khoán 2019 đã có nhiều quy định mới nhằm siết chặt điều kiện IPO và tăng cường quản lý đối với hoạt động này.
        IPO là gì?
         IPO là viết tắt của thuật ngữ tiếng Anh “Initial Public Offering”, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Lần đầu tiên phát hành ra công chúng”. Luật Chứng khoán 2019 sử dụng thuật ngữ “chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng” (khoản 1 Điều 15) cũng với ý nghĩa tương đồng với thuật ngữ IPO. Đây là hoạt động của các doanh nghiệp lần đầu tiên mở bán công khai cổ phiếu, hay còn gọi là huy động vốn từ công chúng một cách phổ biến, rộng rãi, bằng việc niêm yết cổ phiếu lần đầu tiên trên sàn chứng khoán. Sau khi hoàn tất IPO, doanh nghiệp đó sẽ chính thức trở thành một công ty cổ phần với vốn góp từ đại chúng và là một thành viên của TTCK tập trung.

        Điều kiện IPO theo Luật Chứng khoán 2019 so với Luật Chứng khoán 2006, Luật Chứng khoán 2019 đã có nhiều quy định mới siết chặt hơn các điều kiện IPO nhằm nâng cao chất lượng cổ phiếu của các doanh nghiệp IPO, chuẩn hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của TTCK, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà đầu tư khoản 1 Điều 15), cụ thể như sau:
        Một là, doanh nghiệp IPO phải có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên theo giá trị sổ sách (so với mức 10 tỷ đồng trước đây). Quy định này nhằm hạn chế các công ty có quy mô nhỏ, manh mún tham gia TTCK.
        Hai là, doanh nghiệp IPO phải hoạt động kinh doanh có lãi 02 năm liên tục liền trước năm thực hiện IPO (trước đây chỉ cần có lãi 1 năm), đồng thời không có lỗ lũy kế. Quy định này nhằm lựa chọn những công ty có tăng trưởng ổn định, năng lực tài chính tốt tham gia TTCK, qua đó nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường.
        Ba là, doanh nghiệp phải có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
        Bốn là, doanh nghiệp phải bán tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của doanh nghiệp từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì tỷ lệ này là 10%. Quy định này nhằm hạn chế các thương vụ IPO mang tính “hình thức” khi các doanh nghiệp IPO chỉ nhả một lượng cổ phiếu rất nhỏ cho các cổ đông bên ngoài nắm giữ, còn lại quyền sở hữu tuyệt đại đa số cổ phiếu và quyền quản trị doanh nghiệp vẫn nằm trong tay một số ít cổ đông lớn.

        Năm là, các cổ đông lớn phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt IPO.

        Sáu là, doanh nghiệp không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích. Quy định này nhằm sàng lọc và lựa chọn những doanh nghiệp làm ăn uy tín, tuân thủ pháp luật tham gia TTCK, ngăn ngừa nguy cơ lừa đảo đối với nhà đầu tư.

        Bảy là, có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ IPO, trừ trường hợp doanh nghiệp IPO là công ty chứng khoán. Quy định này nhằm đảm bảo chất lượng và tính tuân thủ của các hồ sơ IPO và nâng cao tính chuyên nghiệp của TTCK.

        Tám là, doanh nghiệp phải có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt IPO. Quy định này nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp IPO trong việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK, bảo đảm điều kiện thanh khoản của cổ phiếu, qua đó bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời tạo nguồn cung liên tục các hàng hóa có chất lượng cho sự phát triển của TTCK.

        Chín là, doanh nghiệp phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu từ đợt IPO, số tiền trong tài khoản này chỉ được giải tỏa khi doanh nghiệp được xác nhận là đã thực hiện thành công đợt IPO. Quy định này nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc huy động vốn qua IPO, đồng thời đảm bảo sự an toàn đối với các khoản vốn đầu tư vào doanh nghiệp.

        Theo khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán 2019, trường hợp đủ điều kiện IPO, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong đó phải chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ theo khoản 1 Điều 18 Luật Chứng khoán 2019. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ IPO đầy đủ và hợp lệ, UBCKNN cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 25 Luật Chứng khoán 2019.
        IPO có còn hấp dẫn các doanh nghiệp?
        Việc Luật Chứng khoán 2019 siết chặt các điều kiện IPO sẽ tạo thêm lớp “màng lọc” để loại bớt các doanh nghiệp nhỏ lẻ, chưa đủ điều kiện tham gia TTCK, qua đó hạn chế tình trạng IPO ồ ạt như thời gian trước đây. Việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng các cổ phiếu được đưa vào thị trường, tăng tính an toàn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà đầu tư. Việc siết chặt các điều kiện IPO cũng góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng, tính minh bạch của TTCK Việt Nam  để tiệm cận với tiêu chuẩn của các TTCK trên thế giới theo lộ trình đã đề ra.

        Về phía các doanh nghiệp, việc siết chặt các điều kiện IPO sẽ khiến việc gia nhập TTCK của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi sự chuẩn bị dài hơi và công phu hơn. Tuy nhiên, điều đó không làm cho sân chơi IPO trở nên kém hấp dẫn. Ngược lại, sự kiểm soát khắt khe sẽ càng tăng thêm độ hấp dẫn của TTCK và kích thích các doanh nghiệp làm ăn chân chính và có triển vọng phát triển dài hạn mong muốn IPO. Nói cách khác, IPO vẫn là mục tiêu và đích đến mà nhiều doanh nghiệp muốn chinh phục do những lợi ích to lớn mà nó mang lại.

        Thứ nhất, thông qua IPO, doanh nghiệp có thể thu được nguồn vốn dồi dào từ công chúng (thay vì giới hạn số ít cổ đông như chào bán cổ phần riêng lẻ), đồng thời không tạo ra cho công ty những khoản nợ phải trả cùng các khoản lãi kèm theo (như khi phát hành trái phiếu). 

        Ngoài ra, sau khi IPO và trở thành đại chúng, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với các hình thức huy động vốn đa dạng với chi phí hợp lý. Các doanh nghiệp IPO có thể đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM hoặc niêm yết cổ phiếu tại các sở giao dịch chứng khoán, nơi có rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp với nguồn lực tài chính rất phong phú sẵn sàng đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết có chiến lược đầu tư kinh doanh rõ ràng, hiệu quả hoạt động tốt và quản trị một cách minh bạch. TTCK sẽ là một kênh huy động vốn rất tiềm năng và thuận lợi, với chi phí thấp hơn so với nguồn vốn tín dụng để phục vụ chiến lược đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

        Thứ hai, IPO giúp nâng cao tính minh bạch, chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp. 

        Để thực hiện IPO, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về công ty đại chúng, đặc biệt là điều kiện về năng lực tài chính và quản trị doanh nghiệp. Sau khi trở thành công ty đại chúng, công ty sẽ phải tuân thủ các chuẩn mực về quản trị công ty đại chúng, trong đó đặt ra yêu cầu rất cao về tính minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả, tăng cường tính tuân thủ, trách nhiệm báo cáo, giải trình và bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, nhà đầu tư. Hoạt động của công ty đại chúng cũng chịu sự quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên của UBCKNN, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đặc biệt là của hàng vạn cổ đông, nhà đầu tư trên thị trường. Do vậy, tính minh bạch, chuẩn mực và hiệu quả trong quản trị công ty sẽ được nâng cao, qua đó sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty, đảm bảo sự lành mạnh về tài chính và các hoạt động đầu tư, đồng thời quyền lợi của các cổ đông cũng được bảo vệ tốt hơn.

        Thứ ba, tạo cơ hội làm gia tăng giá trị tài sản của Công ty, qua đó làm làm tăng giá trị cổ phiếu của các cổ đông.
        Đối với các doanh nghiệp thông thường, giá trị doanh nghiệp chủ yếu được xác định theo giá trị sổ sách. Trong khi đó đối với các doanh nghiệp IPO, giá trị doanh nghiệp được phản ánh thông qua giá cổ phiếu trên TTCK. Do đó, đối với những doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt, uy tín trên thị trường thì giá cổ phiếu thường được thị trường định giá cao hơn giá trị sổ sách. Qua đó làm tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp và giá trị cổ phiếu do các cổ đông nắm giữ. 

        Ngoài ra, việc IPO và niêm yết cổ phiếu trên TTCK còn là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, uy tín của mình với các đối tác, cổ đông, nhà đầu tư và với các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó đem đến các cơ hội đầu tư, kinh doanh lớn hơn cho doanh nghiệp.

        Những thách thức đối với doanh nghiệp IPO
        Bên cạnh những lợi ích to lớn kể trên, IPO và trở thành công ty đại chúng cũng mang đến những thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp.
        Thứ nhất, về mô hình quản trị doanh nghiệp
        Mô hình quản trị công ty đại chúng đòi hỏi rất khắt khe về tính chuẩn mực và minh bạch so với các công ty chưa đại chúng. Chẳng hạn, trong Hội đồng quản trị công ty đại chúng phải có ít nhất 1/3 là thành viên độc lập. Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên của công ty đại chúng cũng được quy định rất chặt chẽ và yêu cầu cao hơn so với các công ty chưa đại chúng, đặc biệt là yêu cầu về công bố thông tin cá nhân và thông tin về những người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Ngoài ra, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bầu lại, bầu bổ sung, thay thế các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty đại chúng cũng đòi hỏi phải tuân theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với công ty đại chúng. Thủ tục này rất chặt chẽ và đòi hỏi nhiều thời gian. Chẳng hạn, theo điểm a khoản 4 Điều 8 Mẫu Quy chế hoạt động của hội đồng quản trị áp dụng cho các công ty đại chúng, trường hợp số thành viên Hội đồng quản trị bị giảm quá 1/3 so với số thành viên quy định tại điều lệ, Hội đồng quản trị không có quyền thông qua việc bổ nhiệm tạm thời thành viên Hội đồng quản trị thay thế, mà việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị phải được tiến hành tại Đại hội đồng cổ đông bất thường hoặc tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của năm tiếp theo.

        Thứ hai, về trình tự, thủ tục thông qua, quyết định những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp.
        Do yêu cầu đảm bảo tính minh bạch nên việc triệu tập và tổ chức các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị của công ty đại chúng phải thực hiện theo trình tự, thủ tục rất chặt chẽ được pháp luật quy định. Do vậy, việc thông qua những vấn đề quan trọng của công ty đại chúng sẽ không thể linh hoạt như đối với các công ty chưa đại chúng. 

        Mặt khác, công ty đại chúng còn chịu sự giám sát chặt chẽ của UBCKNN để đảm bảo sự quản lý nhà nước trong hoạt động chứng khoán. Do vậy, quyền chủ động của công ty đại chúng sẽ bị hạn chế hơn so với công ty chưa đại chúng trong một số lĩnh vực. Chẳng hạn, trong việc phát hành tăng vốn điều lệ, ngoài nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn, công ty đại chúng còn phải nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu tại UBCKNN và công ty chỉ được chào bán cổ phiếu khi có văn bản chấp thuận của UBCKNN. 

        Thứ ba, yêu cầu về báo cáo và công bố thông tin. Theo quy định của Luật Chứng khoán 2019 (Điều 20) và Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, công ty đại chúng phải thực hiện công bố thông tin định kỳ và bất thường. Công ty phải lập website và thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin qua website, thiết lập hệ thống và thực hiện công bố thông tin qua hệ thống công bố thông tin của UBCKNN, bố trí người ủy quyền thực hiện công bố thông tin…

        Ngoài ra, công ty đại chúng còn phải thực hiện hàng loạt nghĩa vụ tài chính và các chi phí bắt buộc như: phí quản lý công ty đại chúng, phí lưu ký chứng khoán và quản lý chứng khoán lưu ký, chi phí kiểm toán các báo cáo tài chính bán niên và thường niên, v.v…

        IPO là cú huých để các công ty có “thực lực” tăng trưởng và phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, TTCK cũng cần có những đợt IPO thành công để tạo nguồn cung cổ phiếu có chất lượng cho thị trường. Mặc dù vậy, IPO không phải “chìa khóa vạn năng” cho mọi doanh nghiệp, mà chỉ những doanh nghiệp có chiến lược bài bản, tầm nhìn dài hạn, tiềm năng phát triển tốt và làm ăn nghiêm chỉnh, đúng pháp luật có uy tín trên thị trường thì mới hứa hẹn những thương vụ IPO thành công và được TTCK chào đón.

        Công ty luật TNHH NPK Quốc tế/NPK International Law Firm

        Share this:

        Hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng và vấn đề bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán

        23/11/2021

        Để có một thị trường chứng khoán minh bạch, công bằng, phát triển bền vững lấy được niềm tin của nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp, các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài), trở thành công cụ tài chính hữu hiệu cho nền kinh tế, đòi hỏi phải có các chế định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên thị trường nói chung và trong hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng nói riêng.

        Tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng

        Theo số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ngày càng được mở rộng. Mức vốn hóa TTCK tính đến hết tháng 9/2018 đạt 5,340 triệu tỷ đồng, tương đương 106,65% GDP. Cũng tính đến hết quý III/2018, đã có 739 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn và 778 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

        Công bố thông tin (CBTT) là một trong những hoạt động quan trọng nhất mà doanh nghiệp và cổ đông nội bộ phải thực hiện để đảm bảo tính công bằng, minh bạch của TTCK, tạo niềm tin với nhà đầu tư. Vậy nhưng, dù thị trường đang tăng trưởng, các vi phạm liên quan đến CBTT vẫn không ngừng gia tăng.

        Theo kết quả khảo sát năm 2018 của Vietstock thực hiện với 686 công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam, có 266 công ty đạt chuẩn công bố thông tin theo các tiêu chí khảo sát đề ra, chiếm 38,78%, tăng vọt so với con số 16,96% của năm 2017. Tuy nhiên, như vậy, vẫn có hơn 60% công ty niêm yết không đạt chuẩn công bố thông tin.

        Trong khi đó, theo thống kê của UBCKNN, giai đoạn 2010 – 2016, cơ quan này đã ra hơn 1.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK. Trong năm 2017, con số này là 214 quyết định xử phạt 80 cá nhân và 134 tổ chức. Riêng từ đầu năm 2018 đến hết ngày 16/7/2018, đã có 57 cá nhân và 64 tổ chức bị UBCKNN xử phạt. Trong đó, phần lớn lỗi vi phạm liên quan đến CBTT, những vi phạm này ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

        Quy định pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trong hoạt động công bố thông tin

        Tại Việt Nam, các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng ngày càng hoàn thiện hơn. Văn bản đầu tiên về chứng khoán và TTCK là Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11/07/1998 của Chính phủ đã có một điều khoản quy định riêng về việc “Bảo vệ quyền lợi của người đầu tư”.

        Tiếp đó, Nghị định số 44/20103/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về chứng khoán và TTCK thay thế  Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11/07/1998 của Chính phủ ngay trong căn cứ ban hành Nghị định này đã ghi nhận nguyên tắc: “Tạo môi trường thuận lợi cho việc phát hành và kinh doanh chứng khoán, khuyến khích việc huy động các nguồn vốn dài hạn trong nước và nước ngoài, đảm bảo cho TTCK hoạt động có tổ chức, an toàn, công khai, công bằng và hiệu quả, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người đầu tư” và có rất nhiều các quy định rải rác tại các điều khoản gián tiếp ghi nhận việc bảo vệ nhà đầu tư trên TTCK nói chung và trong hoạt động CBTT của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết nói riêng.

        Luật Chứng khoán 2006 ra đời và được sửa đổi bổ sung năm 2010 đã luật hóa các quy định về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng (Điều 4). Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư…”.

        Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 của Chính phủ (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán) và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này đã ghi nhận cụ thể việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng: “Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ CBTT và các trường hợp mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc UBCKNN xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư” (Điều 60).

        Thông tư số 155/2015/TT/BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn CBTT trên TTCK ra đời đã có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng từ các quy định về phương tiện CBTT (Điều 5), đến CBTT theo yêu cầu (Điều 10)…

        Một số bất cập và tồn tại của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư

        Hoạt động CBTT của hàng loạt các chủ thể của công ty đại chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên TTCK. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư chứng khoán trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, cụ thể:

        Thứ nhất, các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng đã ngày càng hoàn thiện so với trước đây, tuy nhiên, các quy định này mới chỉ dừng lại ở việc nỗ lực điều chỉnh và trật tự hóa hoạt động CBTT của công ty đại chúng chứ chưa đảm bảo khung pháp lý ổn định, có tính định hướng thị trường và chưa bảo vệ đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp thực tế của nhà đầu tư.

        Thứ hai, các quy định pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh các hành vi xảy ra trên thị trường trong nước mà thiếu sự tương thích với các thông lệ quốc tế, đặc biệt là theo các mục tiêu và nguyên tắc do Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) khuyến nghị: “xây dựng một thị trường công bằng, minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và giảm rủi ro hệ thống”.

        Để thực hiện mục tiêu xây dựng một thị trường công bằng, minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và giảm rủi ro hệ thống, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng theo hướng trao thẩm quyền rộng để điều tra và xử lý các vi phạm pháp luật chứng khoán cho cơ quan quản lý thị trường, đưa ra được những chế tài đủ mạnh đối với hành vi gian lận, giao dịch không công bằng, yêu cầu CBTT đầy đủ, minh bạch.

        Thứ ba, các quy định của pháp luật chứng khoán của Việt Nam hiện chưa có quy định về quản lý CBTT của công ty đại chúng trên thị trường UPCom và thị trường OTC. Trong khi đó, số lượng các vi phạm pháp luật xảy ra trên 2 thị trường này ngày càng tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, khiến quyền và lợi ích của các nhà đầu tư trên thị trường không được đảm bảo.

        Với những bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành một văn bản pháp luật thống nhất về bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán giúp tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động CBTT của công ty đại chúng được diễn ra minh bạch và hiệu quả hơn là cần thiết, đòi hỏi các nhà lập pháp phải xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch và hoàn thiện hơn.

        Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng

        Nhằm đảm bảo sự an toàn trên TTCK cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, các công ty đại chúng cần phải công khai, minh bạch thông tin, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ cam kết với cổ đông, áp dụng hệ thống kế toán, kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế. Khi hoàn thiện pháp luật CBTT của công ty đại chúng trên TTCK, cần có các quy định về bảo vệ nhà đầu tư trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng trên TTCK trong Luật Chứng khoán sửa đổi, cụ thể như sau:

        Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật về CBTT theo hướng dễ hiểu, đơn giản trong việc áp dụng và thực thi; Cần có quy định rõ các khái niệm về người có liên quan và quy định về nhóm người có liên quan, trách nhiệm CBTT đối với cổ đông lớn sở hữu từ 5% trở lên đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư; Nhóm người có liên quan và người nội bộ công ty; Quy định tiêu chuẩn CBTT theo nhóm công ty dựa trên quy mô vốn và tính đại chúng.

        Thứ hai, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng. Đồng thời, cần nâng cao mức xử phạt, đảm bảo đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm, thậm chí có quy định cá thể hóa trách nhiệm cá nhân thực hiện hoạt động CBTT của công ty đại chúng. Tùy theo mức độ vi phạm trong việc chậm CBTT, UBCKNN có thể xử phạt hành chính đối với tổ chức và cá nhân nặng hơn thay vì mức phạt tối đa hiện nay là 100 triệu đồng (quy định tại Nghị định số 108/2013/NĐ-CP).

        Thứ ba, bổ sung các quy định, các trường hợp công ty đại chúng được quyền chủ động thực hiện CBTT do các yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp. Trên thực tế, tại Việt Nam và trên thế giới, hoạt động của nhiều doanh nghiệp mang đậm dấu ấn người lãnh đạo, thậm chí tên tuổi cá nhân gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp.

        Mỗi phát ngôn, hành động của lãnh đạo doanh nghiệp đều được nhà đầu tư quan tâm cũng như tác động mạnh đến giá cổ phiếu. Cách ứng xử chủ động, truyền thông kịp thời của lãnh đạo doanh nghiệp đến nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện, kịp thời, chính xác về sự kiện để ra quyết định đầu tư.

        Đặc biệt, với thị trường tài chính Việt Nam, nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế, giao dịch bị chi phối mạnh bởi tâm lý đám đông, việc chủ động minh bạch thông tin sẽ đẩy lùi được những tin đồn bất lợi cho doanh nghiệp, tránh thiệt hại không đáng có cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

        Thứ tư, cần có các quy định về cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thông qua quy định pháp luật cụ thể trong việc lập và điều hành Quỹ đền bù bảo vệ nhà đầu tư của các công ty đại chúng; thiết lập cơ quan thường trực đóng vai trò quản trị và điều hành quỹ với các thành viên được các bên có quyền lợi liên quan chỉ định.

        Mặt khác, cần có cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể, qua đó một tổ chức có thể được ủy quyền bởi các thành viên của mình để chủ động tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ điều kiện cần thiết… Đây là các giải pháp hữu hiệu mà các nước có TTCK phát triển như Mỹ, Nhật Bản… đã áp dụng.

        Thứ năm, rà soát các quy định CBTT định kỳ, thông tin bất thường, thông tin theo yêu cầu tránh công ty đại chúng bỏ sót nghĩa vụ CBTT. Đồng thời, nghiên cứu các quy định về đảm bảo tính kịp thời về thời hạn công bố các loại thông tin của công ty đại chúng trên TTCK.

        Thứ sáu, nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin. Mỗi nhà đầu tư có thể tìm kiếm, thông tin của công ty đại chúng trước khi quyết định đầu tư hoặc kiểm soát hoạt động đầu tư của mình qua rất nhiều các kênh phương tiện. Đồng thời, bản thân mỗi nhà đầu tư cũng cần thường xuyên tìm hiểu và cập nhật thông tin thị trường để tự bảo vệ quyền lợi ích của mình cũng như nhanh chóng tiếp cận được các thông tin mới nhất của thị trường, từ đó có quyết định đầu tư đúng đắn, hiệu quả nhất.

        Hoạt động CBTT của công ty đại chúng có vị thế quan trọng trên TTCK và có ảnh hưởng rất lớn tới các chủ thể khác tham gia thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư. Nhằm thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững, khách quan, pháp luật liên quan đến hoạt động CBTT của công ty đại chúng trên TTCK cũng cần không ngừng được hoàn thiện để phù hợp với từng giai đoạn, nhằm hướng tới xây dựng TTCK Việt Nam ngang tầm với các TTCK trong khu vực và trên thế giới.

        Tài liệu tham khảo:

        1. Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi và Thông tư số 73/2013/TT-BTC hướng dẫn về niêm yết chứng khoán tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;
        2. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2017 ngày 20/12/2017của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội;
        3. https://www.iosco.org/;
        4. http://www.ssc.gov.vn; http://www.FiLi.vn.