Posts Tagged ‘luật sư hòa giải’

Kỹ năng hòa giải vụ án dân sự

16/01/2013

Đặt vấn đề

Hoà giải trong vụ án dân sự là một trong các thủ tục tố tụng quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ, việc về dân sự (hiểu theo nghĩa rộng: các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động) tại Toà án. Tính chất của hoà giải là tác động đến hai hay nhiều đối tượng có tranh chấp đạt đến sự thống nhất.
Việc hoà giải thật sự có hiệu quả khi Thẩm phán nắm vững các quy định của pháp luật, có kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế không phải Thẩm phán nào cũng có đầy đủ các kỹ năng trên, dẫn đến chất lượng và hiệu quả của việc giải quyết các vụ án về dân sự chưa đạt được yêu cầu của mục đích hoà giải khi giải quyết vụ án dân sự và mong muốn của chính Thẩm phán.
Nội dung của chuyên đề này nhằm hệ thống lại các quy định cơ bản về hoà giải trong Bộ luật Tố tụng dân sự, những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, là những kiến thức về kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng giao tiếp và vai trò của Thẩm phán trong quá trình thực hiện việc hoà giải.
Trong đó, kiến thức về giao tiếp cũng được coi là yếu tố quan trọng quyết định thành công của hoà giải. Thông qua chuyên đề này, Thẩm phán hiểu các kỹ năng giao tiếp cũng như việc sử dụng một cách hiệu quả các kỹ năng này trong phiên hoà giải. Các kỹ năng giao tiếp cần được hiểu là một công cụ quan trọng nhằm truyền tải và nêu bật được các nguyên tắc trong hoà giải như tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình. Xác định rõ các trách nhiệm mà người Thẩm phán cần thực hiện trong quá trình hoà giải cũng như thái độ hoà giải khách quan, tránh bênh vực hoặc cảm tình, thiên vị cho một bên đương sự nào, phải nhiệt tình khuyên giải, vận động, thuyết phục và kiên trìhoà giải giữa các bên đương sự. Nếu thấy còn khả năng hoà giải được thì nên tiến hành hoà giải nhiều lần nhằm tạo điều kiện để các đương sự có thời gian suy nghĩ để từ đó họ có được quyết định hợp lý.
I. QUY ĐỊNH CỦA BLTTDS VỀ HÒA GIẢI
. Một số nguyên tắc cơ bản về hoà giải trong tố tụng dân sự.
 Khi giải quyết vụ án dân sự, Thẩm phán phải tuân thủ triệt để các nguyên tắc cơ bản sau:
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặcthoả thuận với nhau một cách tự nguyện không trái pháp luật và đạo đức xã hội (Đ.5).
Toà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (Đ.10).
2. Những vụ án dân sự không được hoà giải và các trường hợp không tiến hành hoà giải được
Hoà giải là một thủ tục tố tụng bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nếu không thực hiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trừ các trường hợp sau:
a) Những vụ án dân sự không được hoà giải (Đ.181).
1. Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
2. Những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Những giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức được hiểu là những giao dịch không có đủ các điều kiện có hiệu lực, các giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, các giao dịch trái với đạo đức xã hội được quy định tại các Điều 122, 128 Bộ luật dân sự.
Đối với vụ án ly hôn, các trường hợp không được hoà giải là:
– Khi kết hôn, một trong hai bên hoặc cả hai bên nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn theo luật định;
– Thiếu sự tự nguyện của nam, nữ khi kết hôn như có hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc có hành vi lừa dối để kết hôn;
– Các bên nam, nữ vi phạm nguyên tắc kết hôn một vợ, một chồng;
– Các bên nam nữ đang mắc bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức hành vi của mình;
– Các bên nam nữ có quan hệ huyết thống với nhau trong phạm vi ba đời; cha mẹ nuôi kết hôn với con nuôi;
– Những người cùng giới tính kết hôn với nhau.
Cần lưu ý một số điểm hướng dẫn Điều 181 BLTTDS tại Nghị quyết số 02/2006 của HĐTP Toà án nhân dân tối cao như sau:
1. “Tài sản của Nhà nước” được hiểu là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước quy định tại Điều 200 của Bộ luật dân sự năm 2005 và được điều chỉnh theo các quy định tại mục 1 Chương XIII của Bộ luật dân sự năm 2005.
“Yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản của Nhà nước” là trường hợp tài sản của Nhà nước bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật, do hợp đồng vô hiệu, do vi phạm nghĩa vụ dân sự… gây ra và người được giao chủ sở hữu đối với tài sản Nhà nước đó có yêu cầu đòi bồi thường.
Khi thi hành quy định tại khoản 1 Điều 181 của BLTTDS cần phân biệt:
a) Trường hợp tài sản của Nhà nước được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng hoặc đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước thực hiện quyền sở hữu thông qua cơ quan có thẩm quyền, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến loại tài sản này, Toà án không được hoà giải để các bên đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
b) Trường hợp tài sản của Nhà nước được Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, góp vốn trong các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của các chủ sở hữu khác theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà doanh nghiệp được quyền tự chủ chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản và chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với tài sản đó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản đó, Toà án tiến hành hoà giải để các bên đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
2. Toà án không được hoà giải vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật (giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật) hoặc trái đạo đức xã hội, nếu việc hoà giải nhằm mục đích để các bên tiếp tục thực hiện các giao dịch đó. Trường hợp các bên chỉ có tranh chấp về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu do trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu đó.
b) Những vụ án dân sự không tiến hành hoà giải được (Đ.182)
1. Bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
2. Đương sự không thể tham gia hoà giải được vì lý do chính đáng (như ở nước ngoài, ở tù…).
3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
Một số lưu ý:
– Cần phân biệt trường hợp không được hoà giải khác với trường hợp không tiến hành hoà giải được.
– Các trường hợp không tiến hành hoà giải được thì trong hồ sơ vụ án phải chứng minh đầy đủ lý do cho từng trường hợp mà Toà án không thể tiến hành hoà giải được.
Ví dụ: Đối với bị đơn đã triệu tập hợp lệ đến hai lần để hoà giải mà vẫn cố tình vắng mặt thì tại hồ sơ phải có tài liệu thể hiện đã triệu tập hợp lệ hai lần (thủ tục triệu tập hợp lệ theo các phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng tại chương X BLTTDS) và phải lập biên bản hoà giải không được; đối với trường hợp có lý do chính đáng thì trong hồ sơ cũng phải có những tài liệu thể hiện lý do đó…
3. Trình tự, thủ tục và nguyên tắc tiến hành hoà giải
3.1. Nguyên tắc tiến hành hoà giải (Đ.180)
1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được.
2. Việc hoà giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau :
a) Tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình.
b) Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
3.2. Thành phần phiên hoà giải (Đ.184)
1. Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải.
2. Thư ký Toà án ghi biên bản hoà giải.
3. Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự.
4. Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiênhoà giải.
3.3. Nội dung hoà giải (Đ.185)
Khi tiến hành hoà giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hoà giải thành để họ tự nguyện thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
3.4. Biên bản hoà giải (Đ.186)
Biên bản hoà giải phải ghi đúng và đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 186 BLTTDS và theo mẫu của HĐTP Toàán nhân dân tối cao đã hướng dẫn.
3.5. Ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự (Đ.187)
Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sựthoả thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự.
Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
3.6. Hiệu lực của quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự (Đ.188)
1. Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay.
2. Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Khi hoà giải các vụ án dân sự, ngoài việc áp dụng các quy định của pháp luật đối với nội dung tranh chấp cụ thể đó và thực hiện thủ tục theo quy định chung của BLTTDS nêu trên, Thẩm phán còn phải căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành phần này để thực hiện.
4. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật sửa đổi, bổ sung BLTTDS về hoà giải vụ án dân sự và những vấn đề cần thống nhất áp dụng
a) Điều 184 BLTTDS đã sửa đổi, bổ sung có nội dung như sau:
“Điều 184. Thành phần phiên hoà giải
1. Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải.
2. Thư ký Toà án ghi biên bản hoà giải.
3. Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự.
Trong vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hoàgiải và việc hoà giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hànhhoà giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hoà giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hoà giải. Thẩm phán thông báo việc hoãn phiên hoà giải và việc mở lại phiên hoà giải cho đương sự biết.
4. Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiênhoà giải.
5. Người phiên dịch, nếu đương sự không biết tiếng Việt.”
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS thì ngoài các thành phần quy định tại Điều 184 của BLTTDS hiện hành, nay còn bổ sung thêm: Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể yêu cầu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên hoà giải. Quy định bổ sung này cần hiểu rằng đây không phải là thành phần bắt buộc mà chỉ khi Thẩm phán thấy cần thiết thì có thể yêu cầu tham gia (quy định tuỳ nghi).
Điều 184 còn bổ sung thêm nội dung: Thẩm phán thông báo việc hoãn phiên hoà giải và việc mở lại phiên hoà giải cho đương sự biết. Với quy định này, khi hoãn phiên hoà giải thì Thẩm phán phải có văn bản thông báo hoãn và phải ấn định lại ngày hoà giải trong văn bản đó. Vấn đề này đang được dự thảo hướng dẫn thay thế Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán.
b) Bổ sung Điều 185a như sau:
“Điều 185a. Trình tự hoà giải
1. Trước khi tiến hành hoà giải, Thư ký Toà án báo cáo Thẩm phán về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên hoà giải đã được Toà án thông báo. Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải kiểm tra lại sự có mặt và căn cước của những người tham gia phiên hoà giải.
2. Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải theo nội dung hoà giải quy định tại Điều 185 của Bộ luật này.
3. Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự trình bày ý kiến của mình về những nội dung tranh chấp và đề xuất những vấn đề cần hoà giải.
4. Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất.
5. Thẩm phán kết luận về những vấn đề các bên đương sự đã hoà giải thành và vấn đề chưa thống nhất.”
BLTTDS hiện hành tuy chưa quy định trình tự hoà giải, nhưng thực tế các nội dung này Thẩm phán đều đã thực hiện khi tiến hành hoà giải vụ án dân sự. Song việc thực hiện chưa được thống nhất và do chưa quy định cụ thể nên xảy ra nhiều sai sót đáng tiếc (ví dụ không kiểm tra chặc chẽ về căn cước nên thành phần tham gia hoà giải không đúng…). Vì thế bổ sung mới quy định này là hết sức cần thiết; vừa có ý nghĩa nhằm khắc phục những sai sót, vừa hoàn thiện pháp luật và đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Điều 185a có những nội dung mới cơ bản, Thẩm phán cần lưu ý là:
Trước khi tiến hành hoà giải, Thư ký Toà án báo cáo Thẩm phán về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên hoà giải đã được Toà án triệu tập, lý do vắng mặt, có thuộc trường hợp phải hoãn phiên hoà giải không? Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải phải thực hiện việc kiểm tra sự có mặt và căn cước của những người tham gia phiên hoà giải có đúng với thành phần và người đã triệu tập tham gia hoà giải không?
Tiếp theo, Thẩm phán phải phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc hoàgiải để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Các đương sự hoặc đại diện hợp pháp của đương sự trình bày ý kiến của mình về những nội dung tranh chấp và đề xuất những vấn đề cần hoà giải.
Trách nhiệm của Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải theo nội dung hoà giải được quy định tại Điều 185 Bộ luật Tố tụng dân sự. Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất để các bên đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất. Thẩm phán phải có trách nhiệm kết luận về những vấn đề mà các bên đương sự đã hoà giải thành hoặc chưa thống nhất.
c) Một số vấn đề cần thống nhất khi thực hiện các quy định sửa đổi, bổ sung
c1) Đối với thành phần tham gia phiên hoà giải quy định tại Điều 184 cần phân biệt như sau:
– Thành phần là các đương sự trong vụ án (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) khi hoàgiải phải triệu tập và cần phải có mặt của tất cả các đương sự (trừ trường hợp quy định tại khoản 3, điều 184 BLTTDS) mới tiến hành hoà giải. Nếu bỏ sót hoặc vắng mặt một đương sự nào đó mà vẫn thực hiện hoà giải thì được coi là vi phạm nghiêm trọng tố tụng và kết quả hoà giải đó không có giá trị pháp lý để ra quyết định công nhận.
– Trường hợp vụ án có đương sự không biết tiếng Việt thì sự có mặt của người phiên dịch trong phiên hoà giải cũng được xác định là thành phần bắt buộc.
– Đối với thành phần là cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan được quy định bổ sung tại Điều 184 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLTTDS cần được hiểu như sau: Trong trường hợp cần thiết thì Thẩm phán mới yêu cầu họ tham gia phiên hoà giải, nghĩa là đây không phải thành phần bắt buộc. Quy định này là giao quyền cho người Thẩm phán tuỳ thuộc vào từng vụ án để xem xét sự cần thiết hay không cần thiết yêu cầu cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan tham gia phiên hoà giải (yếu tố liên quan này khác với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nêu trên). Trường hợp cần thiết là nếu có sự tham gia của họ trong phiên hoà giải thì vụ án sẽ được toàn diện, khách quan hơn.
c2) Về trình tự, các bước tiến hành và kỹ năng thực hiện tại phiên hoà giải theo quy định tại Điều 185a được thực hiện như sau:
– Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải tuyên bố khai mạc phiên hoà giải,
Ví dụ: Hôm nay, ngày … tháng … năm …, Toà án nhân dân … tiến hành tổ chức hoà giải vụ án về tranh chấp … giữa các đương sự …, tôi tuyên bố khai mạc phiên hoà giải.
– Sau khi nghe Thư ký Toà án báo cáo có đương sự vắng mặt tại phiên hoà giải, Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải xem xét, quyết định việc hoãn phiên hoà giải theo quy định tại khoản 3 Điều 184 của BLTTDS.
– Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải tiến hành kiểm tra căn cước của đương sự có mặt tại phiên hoà giải như sau:
+ Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải hỏi để các đương sự khai về họ, tên, ngày tháng năm sinh; nơi cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; nơi cư trú); nghề nghiệp (nếu đương sự là cá nhân); tên, địa chỉ trụ sở chính (nếu đương sự là cơ quan, tổ chức). Đối với người đại diện hợp pháp của đương sự phải hỏi họ để họ khai về: họ, tên, tuổi; nghề nghiệp; chức vụ; nơi cư trú; quan hệ với đương sự.
+ Trong trường hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai của các đương sự về căn cước có sự khác nhau, thì cần phải xác minh chính xác về căn cước của họ.
– Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải phải phổ biến đầy đủ quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác quy định tại điều luật tương ứng của BLTTDS.
Ví dụ: Đối với nguyên đơn phải giải thích đầy đủ quyền, nghĩa vụ của họ quy định tại Điều 58 và Điều 59 của BLTTDS… Đối với người phiên dịch, người giám định chủ toạ phiên toà yêu cầu họ phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ; đối với người làm chứng là người thành niên, thì yêu cầu họ cam đoan khai báo trung thực.
– Đối với trường hợp Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải quyết định hoãn phiên hoà giải, thì phải thông báo thời gian mở lại phiên hoà giải. Nếu Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải quyết định hoãn phiên hoà giải mà trong thời gian chuẩn bị mở phiên hoà giải, có sự thay đổi, phân công lại người tiến hành tố tụng, thì Toà án thông báo cho những người quy định tại Điều 184 của BLTTDS biết.
– Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải theo nội dung hoà giải quy định tại Điều 185 của BLTTDS.
– Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự trình bày ý kiến của mình về những nội dung tranh chấp và đề xuất những vấn đề cần hoà giải.
– Thẩm phán trủ trì phiên hoà giải xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất. Trước khi kết thúc phiên hoà giải, Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải cần hỏi đương sự có thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án hay không; nếu có thì hỏi họ có hoàn toàn tự nguyện hay không, có bị ép buộc hay không và xem xét thoả thuận đó có trái pháp luật, đạo đức xã hội hay không và thông báo cho họ biết hậu quả của việc Toà án ra quyết định công nhận thoả thuận đó, thì các đương sự không được kháng cáo, Viện kiểm sát không được kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; quyết định của Toà án công nhận sự thoả thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật.
Phiên hoà giải phải được ghi biên bản theo quy định tại Điều 186 của BLTTDS, trước khi kết thúc phiên hoà giải Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải xem xét có nội dung nào đương sự đã thoả thuận mà trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội hay không; nếu có thì cần phải giải thích để họ thoả thuận lại và Thẩm phán cũng cần phải thông báo cho họ biết về thoả thuận đó không có hiệu lực công nhận và thi hành.
II. MỘT SỐ KỸ NĂNG CỦA THẨM PHÁN KHI HOÀ GIẢI
Mục đích và yêu cầu của hoạt động hoà giải là:
• Mục đích: Tác động đến đối tượng hoà giải nhằm hàn gắn những mâu thuẫn giữa hai hoặc nhiều bên đương sự và tạo cơ hội, điều kiện để họ tự thương lượng với nhau giải quyết tranh chấp tại Toà án.
• Yêu cầu: Không để xảy ra dấu hiệu tổn thương tâm lý, không khí căng thẳng, thậm chí xúc phạm lẫn nhau trong quá trình hoà giải.
Để đạt được mục đích và yêu cầu của việc hoà giải, đòi hỏi người Thẩm phán phải có những kỹ năng nhất định. Đó là kỹ năng phân vai trong từng tình huống của quá trình hoà giải để đạt đến mức cao nhất vai trò của người Thẩm phán (sự uyển chuyển của vai trò mà không cứng nhắc); Kỹ năng xây dựng kế hoạch và lựa chọn các phương án hoà giải phù hợp với từng vụ án; Kỹ năng giao tiếp với các bên đương sự khi thực hiện hoà giải…
1. Về vai trò của Thẩm phán
Là Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải, phải biết phân vai:
– NGƯỜI TRUNG GIAN: Thẩm phán luôn giữ chuẩn mực là người không thuộc về một bên.
– NGƯỜI ĐIỀU ĐÌNH: Biết tăng giảm liều lượng căng thẳng hoặc mềm dẻo, duy trì mức độ trung hoà để đạt được mục đích hoà giải.
– NGƯỜI TRỌNG TÀI: Biết lắng nghe cả hai bên, chắt lọc và gợi ý để đi đến thoả thuận chung.
Tuỳ theo loại vụ án (dân sự, kinh doanh thương mại, ly hôn…) mà Thẩm phán thể hiện từ phong thái đến phương án hoà giải và xử lý tình huống trong quá trình hoà giải; các kỹ năng chắt lọc thông tin, tổng hợp, ngôn ngữ và tư duy của Thẩm phán khi hoà giải.
2. Kỹ năng xây dựng kế hoạch hoà giải.
Để việc hoà giải có hiệu quả, thì Thẩm phán cần có nhiều công tác chuẩn bị khác nhau, trong đó có việc xây dựng kế hoạch hoà giải. Thông thường việc xây dựng kế hoạch hoà giải được tiến hành qua các bước sau:
Bước 1. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở, vật chất:
Bố trí phòng hoà giải riêng biệt, sắp xếp chỗ ngồi của Thẩm phán, Thư ký và đương sự hợp lý, vừa trang nghiêm nhưng cũng vừa cởi mở, tạo được sự thoải mái cho đương sự.
Tốt nhất nên bố trí bàn làm việc hình vuông hoặc hình chữ nhật. Thẩm phán và Thư ký ngồi cạnh nhau, trên bàn có để biển “Thẩm phán” và biển “Thư ký” ngay trước mặt; phía đối diện Thẩm phán và Thư ký là chỗ ngồi của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phía bên phải Thẩm phán và Thư ký là nơi ngồi của nguyên đơn; phía bên trái của Thẩm phán và Thư ký là chỗ ngồi của bị đơn.
Bố trí như trên thì nguyên đơn và bị đơn ngồi đối diện nhau vừa đảm bảo cho nguyên đơn và bị đơn thoải mái trình bày, nhưng cũng vừa giúp cho việc ngăn ngừa hành vi quá khích của nguyên đơn hoặc bị đơn, vì nếu họ muốn đánh nhau thì phải chồm người qua bàn làm việc.
Bước 2. Thu thập, nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, chứng cứ:
Có thời gian thích hợp để nghiên cứu kỹ hồ sơ. Nắm vững nguyên nhân tranh chấp, một hoặc nhiều quan hệ pháp luật mà các bên đương sự tranh chấp, hiểu rõ được nội dung, tính chất, mức độ tranh chấp, thái độ tâm lý của các bên đương sự trong từng vụ án, xác định các yêu cầu cụ thể của đương sự trong vụ án, những nội dung các bên thống nhất được và những nội dung còn mâu thuẫn để xác định; những yếu tố, điều kiện nào tốt nhất, có lợi cho các bên nhằm đạt đến sự thoả thuận theo kế hoạch hoà giải của Thẩm phán.
Lập phương án xử lý tình huống có khả năng xảy ra giữa các bên đương sự tại phiên hoà giải.
Có thể tiếp xúc và tác động theo hướng hoà giải tích cực đối với từng bên nhằm nắm rõ nguyện vọng, ý định của mỗi bên trước khi hoà giải.
Có thể gặp hoặc tiếp xúc với một số cơ quan có liên quan nhằm hỗ trợ tốt cho việc hoà giải.
Ví dụ: Trong các vụ ly hôn, cần thiết Thẩm phán có thể tiếp xúc với chính quyền địa phương, tổ dân phố trước khi tiến hành hoà giải để nắm được hoàn cảnh thực tế, mâu thuẫn đã xảy ra (nếu có) để có phương pháp hoà giải thích hợp đối với từng trường hợp cụ thể.
Bước 3. Lựa chọn thời điểm hoà giải:
Sau khi Thẩm phán xử lý các thông tin cần thiết cho việc tổ chức phiên hoà giải, Thẩm phán tổ chức phiên hoàgiải nếu các dữ liệu thu thập được, khi hoà giải có khả năng hoà giải thành rất cao.
Có phương án xử lý tốt nhất đối với các mâu thuẫn xoay quanh quan hệ pháp luật mà Thẩm phán phải tác động đến, giúp đương sự dễ thoả thuận.
Nắm vững điểm mạnh, điểm yếu của mỗi bên đương sự để điều đình, thương lượng, tăng giảm lợi ích của mỗi bên nhằm đạt đến sự thống nhất chung.
Ví dụ như trong vụ án ly hôn, Thẩm phán cần chú ý:
Khả năng vợ chồng đoàn tụ rất cao thì bố trí cho họ hoà giải ngay.
Khả năng có thể họ sẽ suy nghĩ lại và thay đổi ý định ly hôn. Trường hợp này không nên đưa ra hoà giải ngay, mà Thẩm phán cần tìm hiểu, đánh giá thêm họ còn vướng mắc với nhau điểm nào, cái gì có thể hàn gắn họ được. Từ đó, Thẩm phán có những biện pháp thích hợp tác động thêm đến họ cho đến khi đánh giá khả năng họ có thể đoàn tụ được, thì lúc đó mới tiến hành hoà giải.
Khả năng họ không nghe lời ai hết, họ quá cương quyết, không thể nào hàn gắn được thì Thẩm phán tiến hànhhoà giải cho đủ thủ tục để đưa ra xét xử.
Trong hoà giải, Thẩm phán cần kiên trì, tránh tình trạng đưa ra hoà giải chiếu lệ để lập biên bản hoà giải không thành cho đủ thủ tục trước khi đưa vụ án ra xét xử. Đồng thời cần phân biệt thủ tục hoà giải trong từng giai đoạn, giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm và thủ tục công nhận sự thoả thuận của các đương sự tại phiên toà. Phương pháp lựa chọn thời điểm hoà giải có ý nghĩa quyết định rất cao trong việc thành công của hoà giải, việc hoà giải có thể được tiến hành nhiều lần ở các thời điểm khác nhau trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
3. Kỹ năng giao tiếp trong hoà giải
Kỹ năng giao tiếp là tất cả các yếu tố từ ánh mắt nhìn, cử chỉ hành động, trạng thái tâm lý, ngôn ngữ ứng xử, sự hiểu biết và nắm vững kiến thức chuyên môn của người Thẩm phán… 3
Tất cả những yếu tố đó hợp thành tạo nên những ấn tượng về sự cởi mở dân chủ và niềm tin cho các bên hướng tới sự thoả thuận giải quyết tranh chấp.
 Sau đây là một số kỹ năng giao tiếp, trong hoà giải mà Thẩm phán cần phải có:
– THƯ THÁI, TỰ TIN:
Phong cách thư thái và tự tin tác động đến tâm lý đương sự khi Thẩm phán bước vào phòng hoà giải.
– SÂU SẮC NHƯNG CHIA SẺ:
– Thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về kiến thức xã hội có liên quan đến mâu thuẫn cần phải hoà giải giữa hai bên nhưng đồng thời cũng thể hiện sự chia sẻ về những tổn thất tâm lý mà mỗi bên đang phải chịu đựng.
– MỀM DẺO, QUYẾT ĐOÁN ĐÚNG THỜI ĐIỂM TÁC ĐỘNG:
 Luôn mềm dẻo trong giao tiếp để lắng nghe những điều mà bình thường họ không thể thổ lộ với người thứ ba. Chọn đúng thời điểm thích hợp để tác động đến suy nghĩ, tâm tư của mỗi bên để định hướng họ.
– VÔ TƯ  VÀ THÂN THIỆN:
Bộc lộ cử chỉ để các bên có thiện cảm với Thẩm phán, họ nhận thấy được sự vô tư và dễ gần gũi với Thẩm phán khi hoà giải.
– TẬP TRUNG VÀO MÂU THUẪN GIỮA CÁC BÊN CHỨ KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN QUAN HỆ TỐT XẤU CỦA MỖI BÊN:
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, mâu thuẫn từ một phía hay cả hai phía, mức độ mâu thuẫn. Những điểm chính của nội dung mâu thuẫn, điểm mâu thuẫn nào là quan trọng, nếu tháo gỡ được mâu thuẫn này sẽ là chìa khoá mở ra cánh cửa của sự thoả thuận giải quyết vụ án.
– TẬP TRUNG VÀO LỢI ÍCH CHUNG CHỨ KHÔNG PHẢI THÁI ĐỘ CƯ XỬ, Ý KIẾN CỦA MỖI BÊN VÀ ĐẶC BIỆT THẨM PHÁN KHÔNG ĐƯỢC DÙNG NHỮNG NGÔN NGỮ TẠO SỰ KÍCH ĐỘNG CHO CÁC BÊN:
Khi hoà giải, có thể tuỳ mỗi trường hợp mà mỗi đương sự có những cử chỉ, lời nói khác nhau: một bên chịu đựng, một bên lấn át; một bên hung hãn, một bên dịu ngọt; một bên thô lỗ, một bên tế nhị; cả hai bên to tiếng với nhau… nhưng lợi ích ở đây là thông qua hành vi của họ để tìm được mục đích, ý định của họ để Thẩm phán đưa họ đến điểm thống nhất chung.
– TÌM PHƯƠNG ÁN ĐỂ GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN:
Thẩm phán lựa chọn phương án để giải quyết mâu thuẫn trong phiên hoà giải phải nhanh, nhạy, lựa chọn phương án chung cho cả hai hoặc tổng hợp từ hai cách lựa chọn của hai bên thành phương án chung hoặc từ phương án của một bên nâng lên thành phương án chung để đạt được mục đích hòa giải.
– THOẢ THUẬN VỀ CÁC NGUYÊN TẮC XEM XÉT ĐÁNH GIÁ PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ MÀ HAI BÊN ĐƯA RA:
Lựa chọn nguyên tắc chung là dựa trên các giá trị lợi ích chung mà cả hai bên đương sự đều quan tâm đến. Vì vậy, nguyên tắc này sẽ giữ vai trò chủ đạo mà theo đó các phương án giải quyết sẽ xoay quanh các nguyên tắc này nhằm đạt được mục đích hoà giải mà người Thẩm phán mong muốn.
– NÓI CHUYỆN MỘT CÁCH TỰ NHIÊN MÀ NGHỀ NGHIỆP:
Kỹ năng này đòi hỏi Thẩm phán phải tự học hỏi thông qua cách nói chuyện với đương sự  như một kỹ năng có rèn luyện, khắc phục dần những nhược điểm, thuyết phục đương sự theo chức năng nghề nghiệp. Âm lượng kết hợp với cử chỉ tạo nên thông điệp thu hút đương sự về các thông tin mà mình định truyền đạt. Ví dụ như: âm lượng nhấn mạnh, mềm dẻo, trấn an… Đôi khi cần biết “cương đúng lúc” đối với một bên có thái độ không đúng mực.
– KỸ NĂNG LẮNG NGHE:
Lắng nghe là một kỹ năng cần thiết và quan trọng trong phiên hoà giải. Tuy nhiên, kỹ năng lắng nghe cần phải chú ý tới hai thái cực:
Một là, đừng để đương sự nói dài vượt quá nội dung cần nghe để chắt lọc thông tin hoà giải.
Hai là, không cắt ngang mạch trình bày của đương sự làm cho họ bị ức chế về tâm lý, mất sự tin tưởng đối với Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải.
– KỸ NĂNG CHẮT LỌC VÀ TỔNG HỢP:
Những thông tin mà Thẩm phán tiếp nhận từ các đương sự phải được chắt lọc và tổng hợp đúng với ý định mà họ đã trình bày. Điều này giúp cho Thẩm phán chủ động lựa chọn phương án giúp họ giải quyết vấn đề mâu thuẫn một cách có hiệu quả, đạt kết quả tích cực về lợi ích chung của các bên và cũng là mục đích của phiên hoà giải.
Một số dạng câu hỏi mang tính chất gợi ý để đương sự chia sẻ nhằm giúp cho Thẩm phán tìm hướnghoà giải có hiệu quả.
•  CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ:
Loại câu hỏi thường nhằm đánh giá suy nghĩ, thái độ của người trả lời: Ví dụ: “Anh (chị) cho biết tại sao anh (chị) nuôi con lại tốt hơn?”
•  CÂU HỎI MỞ:
Người nghe có thể trả lời tuỳ theo ý của mình. Ví dụ: “Khi ly hôn, anh (chị) ai là người nuôi con?”
•  CÂU HỎI GỢI Ý:
Người đưa ra câu hỏi thường gợi ý sự hợp tác của người trả lời. Ví dụ: “Anh (chị) có đồng ý rằng, khi vợ chồng ly hôn, con cái không thể có trọn vẹn tình cảm yêu thương từ bố mẹ?”
•  CÂU HỎI YÊU CẦU:
 Người hỏi yêu cầu người trả lời hướng đúng vào vấn đề mà người hỏi quan tâm. Ví dụ: “Yêu cầu anh (chị) nói rõ lý do vì sao anh (chị) có thái độ đối với vợ (chồng) của anh (chị) như vậy?”
•  CÂU HỎI ĐÓNG:
Dạng câu hỏi trả lời có hoặc không. Ví dụ: “Như vậy, anh (chị) có thừa nhận là mình có thái độ cư xử quá mức không?”
•  CÂU HỎI TÁC ĐỘNG SUY NGHĨ (KIỂU SOCRATES):
Dạng câu hỏi để người được hỏi tự suy nghĩ. Ví dụ: “Với thời gian hai mươi năm sống hạnh phúc với nhau, anh (chị) suy nghĩ thế nào chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà đánh đổ tất cả chuỗi ngày hạnh phúc mà anh chị đã có?”
4. Một số kỹ năng về điều hành và kiểm soát phiên hoà giải
– Kiểm soát hành vi gây hấn hoặc quá khích của các bên đương sự.
– Duy trì trật tự phiên hoà giải.
( Minh hoạ các tình huống qua VIDEO để thảo luận).
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHÚ Ý TRONG HOÀ GIẢI
1. Về xác định tư cách và kiểm tra tư cách của đương sự trước khi mở phiên hoà giải và khi tiến hànhhoà giải
Yêu cầu xác định tư cách của đương sự là phải đúng, phải đủ: Tức là trước khi bắt đầu tiến hành hoà giải phải kiểm tra căn cước của những người tham gia phiên hoà giải để xác định nguyên đơn là ai, bị đơn là ai, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ai, có bao nhiêu người và phải triệu tập đầy đủ họ tham gia phiên hoà giải, tránh bỏ sót. Có thuộc các trường hợp phải có người đại diện không? Nếu có người đại diện theo uỷ quyền, thì thủ tục pháp lý về uỷ quyền đã hợp lệ chưa, phạm vi uỷ quyền như thế nào? Đối với trường hợp đại diện đương nhiên thì người đại diện đương nhiên đó có đúng pháp luật không? Thực tế có nhiều Quyết định công nhận thoả thuận của đương sự bị giám đốc thẩm huỷ vì lý do này.
Lưu ý: Từ ngày 01-01- 2012, khi giải quyết các vụ án dân sự có thể phải huỷ các quyết định hành chính cá biệt được quy định tại Điều 32a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS thì Thẩm phán phải đưa cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định đó vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
2. Về nội dung thoả thuận và lập biên bản hoà giải thành
Trong trường hợp các bên đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì biên bản phải ghi đúng, ghi đủ, ghi cụ thể và chính xác các nội dung đã thoả thuận. Đây là căn cứ để ra quyết định công nhận sự thoảthuận của các đương sự, tuyệt đối không được thêm, bớt những nội dung đã thoả thuận khi ra quyết định. Và chỉ được ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự khi họ thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
Chú ý: Trường hợp hoà giải thành, thì biên bản đó phải gửi ngay cho đương sự để đương sự nghiên cứu và thực hiện quyền thay đổi ý kiến của họ. Nội dung và hình thức biên bản hoà giải thành phải thực hiện đúng hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán và công văn số 107/KHXX ngày 23-6-2006 của Toà án nhân dân tối cao.
Trường hợp nội dung thoả thuận có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt, thì Thẩm phán chỉ được ra quyết định công nhận khi người vắng mặt có ý kiến đồng ý xác nhận bằng văn bản.
3. Về thời hạn ra quyết định công nhận
Theo quy định, hết thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì Thẩm phán mới được ra quyết định công nhận thoả thuận của đương sự. Do đó, việc xác định chính xác thời hạn đó có ý nghĩa pháp lý quan trọng. Mọi trường hợp ra quyết định sớm hơn thời hạn này đều xâm phạm đến quyền được thay đổi ý kiến của đương sự và được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
4. Về thẩm quyền và thủ tục công nhận sự thoả thuận của các đương sự tại phiên toà
a) Tại phiên toà sơ thẩm: Tuy về mặt thủ tục không phải là phiên hoà giải, nhưng tại phiên toà HĐXX không những tạo điều kiện cho các đương sự thực hiện quyền tự thoả thuận giải quyết vụ án của họ mà còn chủ động tác động định hướng một cách tích cực cho các bên đương sự khi họ có thiện chí giải quyết vụ án bằng thương lượng,thoả thuận. Nếu tại phiên toà các đương sự tự thoả thuận được thì biên bản phiên toà cũng phải ghi rõ và đầy đủ các nội dung mà các bên đã thoả thuận tại phòng xử án. HĐXX có thẩm quyền ra quyết định công nhận theo quy định tại Điều 220 BLTTDS và hướng dẫn tại Mục 8 phần III, Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
b) Tại phiên toà phúc thẩm: Nếu đương sự tự nguyện thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, thì HĐXX có thẩm quyền căn cứ Điều 270 BLTTDS, ra bản án phúc thẩm sửa án sơ thẩm và công nhận sự thoả thuận đó bằng bản án, kể cả về việc các đương sự thoả thuận với nhau về việc chịu án phí sơ thẩm. Nếu không thoả thuận được với nhau thì Toà án mới giải quyết theo quy định của pháp luật được hướng dẫn t�i Mục 5, phần III Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 4/8/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp phúc thẩm” của BLTTDS.
Câu hỏi thảo luận:
1) Thoả thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 187 BLTTDS có bao gồm cả việc phải hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về nghĩa vụ chịu án phí không?
2) Việc chậm ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự (ngày thứ 8, ngày thứ 9 hoặc ngày thứ 10..) có được không hay bắt buộc phải đúng thời điểm sau khi hết hạn 7 ngày?
3) Trong quá trình hoà giải, nửa chừng đương sự bỏ về thì Thẩm phán phải xử lý như thế nào?
Nguồn: Tòa án nhân dân Tối Cao

Tranh chấp hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng

16/01/2013

Tranh chấp hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng được thể hiện qua nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằngthương lượng, hòa giải, tòa án, trọng tài và các nội dung khác liên quan, cụ thể như sau:

giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-jpeg-06122012113030-U1.jpeg
Tranh chấp hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng
I. Tranh chấp Hợp đồng:
Là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa các bên tham gia quan hệ Hợp đồng liên quan đến việc thực hiện (hoặc không thực hiện) các quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng.
1. Tranh chấp Hợp đồng là ý kiến không thống nhất của các bên về việc đánh giá hành vi vi phạm hoặc cách thức giải quyết hậu quả phát sinh từ vi phạm đó (trong khi vi phạm Hợp đồng là hành vi đơn phương của một bên đã xử sự trái với cam kết trong Hợp đồng).
2.  Các đặc điểm của tranh chấp Hợp đồng:
+   Phát sinh trực tiếp từ quan hệ Hợp đồng, nên luôn luôn thuộc quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp (tức các bên trong Hợp đồng).
+   Mang yếu tố tài sản (vật chất hay tinh thần) và gắn liền lợi ích các bên trong tranh chấp.
+   Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp Hợp đồng là bình đẳng, thỏa thuận.
II. Giải quyết tranh chấp Hợp đồng:
1.  Tranh chấp Hợp đồng đòi hỏi phải được giải quyết thỏa đáng bằng một phương thức chọn lựa phù hợp để nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, vừa đảm bảo trật tự pháp luật và kỷ cương xã hội, giáo dục được ý thức tôn trọng pháp luật của công dân, góp phần chủ động ngăn ngừa các vi phạm Hợp đồng.
2.  Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp Hợp đồng phải đảm bảo nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật.
3.  Quyết định giải quyết các tranh chấp Hợp đồng phải có tính khả thi cao, thi hành được và quá trình giải quyết phải đảm bảo tính dân chủ và quyền tự định đoạt của các bên với chi phí giải quyết thấp.
4.  Tranh chấp Hợp đồng có thể được giải quyết bằng các phương thức khác nhau: hòa giải, trọng tài hay Tòa án.
5.   Các bên tranh chấp có thể chọn lựa một phương thức giải quyết tranh chấp Hợp đồng phù hợp hoặc sử dụng phối hợp nhiều phương pháp.
6.  Các yếu tố tác động chi phối việc các bên chọn lựa phương thức giải quyết các tranh chấp Hợp đồng:
+   Các lợi thế mà phương thức đó có thể mang lại cho các bên.
+   Mức độ phù hợp của phương thức đó đối với nội dung và tính chất của tranh chấp Hợp đồng với cả thiện chí của các bên.
+   Thái độ hay qui định của nhà nước đối với quyền chọn lựa phương thức giải quyết của các bên.
Giải quyết tranh chấp hợp đồng theo các phương thức sau đây:
1.  Phương thức thương lượng, hòa giải:
+   Hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp xuất hiện sớm nhất trong lịch sử xã hội loài người trên nhiều lãnh vực, chứ không riêng đặc trưng gì với tranh chấp Hợp đồng.
+   Hòa giải là các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất một phương án giải quyết bất đồng giữa họ và tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận qua hòa giải.
+   Ở VN, việc hòa giải tranh chấp Hợp đồng được coi trọng. Các bên phải tự thương lượng, hòa giải với nhau khi phát sinh tranh chấp. Khi thương lượng, hòa giải bất thành mới đưa ra Tòa án hoặc trọng tài giải quyết. Ngay tại Tòa án, các bên vẫn có thể tiếp tục hòa giải với nhau. Ở VN, bình quân mỗi năm, số lượng tranh chấp kinh tế được giải quyết bằng phương thức hòa giải chiếm đến trên dưới 50% tổng số vụ việc mà Tòa án đã phải giải quyết.
+   Các ưu điểm của giải quyết tranh chấp Hợp đồng kinh tế trong thực tế bằng phương thức hòa giải:
–    Là phương thức giải quyết tranh chấp đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém.
–    Các bên hòa giải thành thì không có kẻ thắng người thua nên không gây ra tình trạng đối đầu giữa các bên, vì vậy duy trì được quan hệ hợp tác vẫn có giữa các bên.
–    Các bên dễ dàng kiểm soát được việc cung cấp chứng từ và sử dụng chứng từ đó giữ được các bí quyết kinh doanh và uy tín của các bên.
–    Hòa giải xuất phát từ sự tự nguyện có điều kiện của các bên, nên khi đạt được phương án hòa giải, các bên thường nghiêm túc thực hiện.
+   Những mặt hạn chế của phương thức hòa giải trong tranh chấp hợp đồng:
–    Nếu hoà giải bất thành, thì lợi thế về chi phí thấp trở thành gánh nặng bổ sung cho các bên tranh chấp.
–    Người thiếu thiện chí sẽ lợi dụng thủ tục hòa giải để trì hoản việc thực hiện nghĩa vụ của mình và có thể đưa đến hậu quả là bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc trọng tài vì hết thời hạn khởi kiện.
+   Các hình thức hòa giải:
–    Tự hòa giải: là do các bên tranh chấp tự bàn bạc để đi đến thống nhất phương án giải quyết tranh chấp mà không cần tới sự tác động hay giúp đỡ của đệ tam nhân.
–    Hòa giải qua trung gian: là việc các bên tranh chấp tiến hành hòa giải với nhau dưới sự hổ trợ, giúp đỡ của người thứ ba (người trung gian hòa giải). Trung gian hòa giải có thể là cá nhân, tổ chức hay Tòa án do các bên tranh chấp chọn lựa hoặc do pháp luật qui định.
–    Hòa giải ngoài thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được các bên tiến hành trước khi dưa đơn khởi kiện ra Tòa án hay trọng tài.
–    Hòa giải trong thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được tiến hành tại Tòa án, trong tài khi các cơ quan này tiến hành giải quyết tranh chấp theo đơn kiện của một bên (hòa giải dưới sự trợ giúp của Tòa án hay trọng tài). Tòa án, trong tài sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên và quyết định này có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.
2.  Phương thức giải quyết bởi Trọng tài:
Các bên thỏa thuận đưa ra những tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết tại Trọng tài và Trọng tài sau khi xem xét sự việc tranh chấp, sẽ đưa ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.
+   Phương thức giải quyết trọng tài cũng bắt nguồn từ sự thỏa thuận của các bên trên cơ sở tự nguyện.
+   Các bên được quyền thỏa thuận lựa chọn một Trọng tài phù hợp, chỉ định trọng tài viên để thành lập Hợp đồng (hoặc Ủy ban) Trọng tài giải quyết tranh chấp.
+   Khác với thương lượng hòa giải, trọng tài là một cơ quan tài phán (xét xử). Tính tài phán của trọng tài thể hiện ở quyết định trọng tài có giá trị cưỡng chế thi hành.
+   Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ kinh tế, trong đó có tranh chấp Hợp đồng (tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng thuần túy dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài).
+   Thẩm quyền của Trọng tài được xác định không phụ thuộc vào quốc tịch, địa chỉ trụ sở giao dịch chính của các bên tranh chấp hay nơi các bên tranh chấp có tài sản hay nơi ký kết hoặc thực hiện Hợp đồng.
+   Điều kiện để trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là các bên phải có thỏa thuận trọng tài.
+   Thỏa thuận trọng tài là sự nhất trí của các bên đưa ra những tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết tại trọng tài.
+   Thỏa thuận trọng tài phải thể hiện dưới hình thức văn bản và phải chỉ đích danh một trung tâm trọng tài cụ thể .
+   Thỏa thuận trọng tài có thể là một điều khoản của Hợp đồng (điều khoản trọng tài) hay là một thỏa thuận riêng biệt (Hiệp nghị trọng tài).
+   Mọi sự thay đổi, đình chỉ, hủy bỏ hay vô hiệu của Hợp đồng đều khôn glàm ảnh hưởng đến hiệu lực của thoả thuận trọng tài (trừ trường hợp lý do làm Hợp đồng vô hiệu cũng là lý do làm thoả thuận trọng tài vô hiệu).
+   Thỏa thuận trọng tài không có giá trị ràng buộc các bên khi nó không có hiệu lực hoặc không thể thi hành được.
+   Khi đã có thỏa thuận trọng tài thì các bên chỉ được kiện tại trọng tài theo sự thỏa thuận mà thôi. Tòa án không tham gia giải quyết nếu các bên đã thỏa thuận trọng tài, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài là không thể thực hiện được.
+   Trọng tài hoạt động theo nguyên tắc xét xử một lần. phán quyết trọng tài có tính chung thẩm: các bên không thể kháng cáo trước Tòa án hoặc các tổ chức nào khác.
+   Các bên tranh chấp phải thi hành phán quyết trọng tài trong thời hạn ấn định của phán quyết.
Các ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp Hợp đồng thông qua trọng tài:
a)  Thủ tục trọng tài đơn giản, nhanh chóng.
b)  Các bên tranh chấp có khả năng tác động đến quá trình trọng tài.
c)  Quyền chỉ định trọng tài viên giúp các bên lựa chọn được trọng tài viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắcvấn đề đang tranh chấp. Qua đó, có điều kiện giải quyết tranh chấp Hợp đồng nhanh chóng, chính xác.
d)  Nguyên tắc trọng tài không công khai giúp các bên hạn chế sự tiết lộ các bí quyết kinh doanh, giữ được uy tính của các bên trên thương trường.
e)  Trọng tài không đại diện cho quyền lực nhà nước nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có nhân tố nước ngoài.
Các mặt hạn chế của phương thức trọng tài:
a) Tính cưỡng chế thi hành các quyết định trọng tài không cao (vì Trọng tài không đại diện cho quyền lực tư pháp của nhà nước).
b) Việc thực hiện các quyết định trọng tài hoàn tòan phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của các bên.
3. Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng theo thủ tục tố tụng tư pháp
Khi tranh chấp Hợp đồng phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được giải quyết tại Tòa án. Tùy theo tính chất của Hợp đồng là kinh tế hay dân sự mà các tranh chấp phát sinh có thể được Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế hay thủ tục tố tụng dân sự.
Các lợi thế của việc giải quyết tranh chấp Hợp đồng qua Tòa án:
a)   Các quyết định của Tòa án (đại diện cho quyền lực tư pháp của nhà nước) có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên.
b)   Với nguyên tắc 2 cấp xét xử, những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp có khả năng được phát hiện khắc phục.
c)   Với điều kiện thực tế tại Việt Nam, thì án phí Tòa án lại thấp hơn lệ phí trọng tài.
Các mặt hạn chế của việc giải quyết tranh chấp Hợp đồng qua Tòa án:
a)   Thời gian giải quyết tranh chấp thường kéo dài (vì thủ tục tố tụng Tòa án quá chặt chẽ).
b)   Khả năng tác động của các bên trong quá trình tố tụng rất hạn chế.

Ls Phan Khắc Nghiêm