Posts Tagged ‘gian lận chứng khoán’

Công ty chứng khoán: Lỗ khủng, nợ xấu

29/01/2013

Tới thời điểm này đã có 40 CTCK công bố kết quả kinh doanh đầy đủ năm 2012. Đáng chú ý 2/3 trong số này báo cáo có lãi trong năm 2012 và các CTCK tên tuổi đang trở lại dẫn đầu lợi nhuận trên thị trường. Tuy nhiên, không vì vậy mà gam màu sáng sẽ là gam màu chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh.

Lỗ vẫn “khủng”

Trong số các CTCK đã công bố BCTC, CTCK Sacombank (SBS) dẫn đầu với mức lỗ 128 tỉ đồng. SBS có thể phải đối mặt với việc hủy niêm yết bắt buộc khi mà Cty thông báo vốn chủ sở hữu âm hơn 245 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm 2012 lên đến 1.761 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 1.266 tỉ đồng. Năm 2011, Cty đã lỗ 610 tỉ đồng. Một CTCK khác cũng lỗ lớn là Phú Hưng (PHS). Trong năm 2012, PHS lỗ 101,5 tỉ đồng, tính chung cả 2 năm gần nhất, PHS lỗ 148 tỉ đồng.

Các CTCK khác có mức lỗ thấp hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số Cty có lỗ lũy kế tăng nhanh, vượt vốn điều lệ của Cty. Trường hợp của CTCK Quốc tế (VISE), Cty báo lỗ gần 23 tỉ đồng, thấp hơn khoản lỗ gần 53 tỉ đồng ở năm 2011 nhưng mức lỗ lũy kế đến hết năm 2012 là hơn 73 tỉ đồng. Lỗ nặng và “bê bối” còn phải kể đến trường hợp CTCK Tràng An (TAS). TAS chưa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV nhưng Cty này lỗ 7,4 tỉ đồng 9 tháng đầu năm. Hay như CTCK Âu Việt (AVS) báo lỗ hơn 10 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm là hơn 151 tỉ đồng. Đến nay, AVS đã ngừng hẳn các nghiệp vụ kinh doanh và đang chờ ĐHCĐ thông qua quyết định giải thể Cty.

Gian lận, bán khống

UBCKNN vừa công bố quyết định xử phạt 320 triệu đồng đối với CTCK Golden Bridge (GBS) do có nhiều vi phạm như cho khách hàng đặt lệnh mua CK khi không có đủ tiền theo quy định pháp luật; bán khống CK; không thực hiện nghĩa vụ báo cáo tỉ lệ an toàn tài chính của CTCK… Nóng nhất về sai phạm của CTCK trong tháng đầu năm 2013 có thể kể đến vụ việc ông Lê Hồ Khôi, TGĐ CTCK Tràng An (TAS) bị khởi tố và bắt tạm giam trong vài ngày qua cũng làm lộ ra một loạt các sai phạm tại Cty này. Theo đó, TAS đã cho NĐT mua CK khi không đủ tiền và đã bị Trung tâm lưu ký ngừng cung cấp các dịch vụ liên quan, HoSE ngừng giao dịch, đưa TAS vào diện chấm dứt tư cách thành viên bắt buộc.

Thanh tra UBCKNN mới đây cũng cho biết sẽ tiếp tục thanh tra về bán khống từ tuần này sau khi nhận thấy dấu hiệu hiện tượng bán khống xuất hiện trong hơn một tuần trở lại đây. Lợi dụng thời điểm thị trường tăng điểm và thanh khoản được cải thiện, một số CP đã bị bán khống với sự trợ giúp của một số tổ chức và cá nhân. Một số CTCK xác nhận, bán khống đã quay lại dưới các hình thức tinh vi hơn nhờ các nhóm khách hàng được nối ráp với nhau thông qua các môi giới. UBCK cảnh báo sẵn sàng áp dụng biện pháp nặng là đình chỉ hoạt động môi giới của CTCK nếu phát hiện bán khống có sự tiếp tay của nhân viên các Cty này bất kể quy mô bán khống ở mức độ nào.

Đau đầu với nợ xấu

Trong khi đó, nợ xấu đang là chuyện đau đầu không chỉ của hệ thống NH mà còn của các CTCK. Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 30-9-2012 nợ xấu của toàn ngành NH là 200.000 tỉ đồng, chiếm 8,82% tổng dư nợ; trong đó CK đóng góp vào tổng số nợ xấu này khoảng 12.000 tỉ đồng.

TGĐ một CTCK tại TPHCM thừa nhận, bản thân các CTCK nhỏ rất khó thực hiện các nghiệp vụ margin (cho NĐT vay thêm tiền để đầu tư tiếp vào CK), hợp tác đầu tư hay repo, vì yếu về tài chính. Các hoạt động này diễn ra chủ yếu ở các Cty lớn, đặc biệt là các CTCK con của các NH. Nên khi thị trường suy giảm, giao dịch èo uột, khách hàng khó trả nợ thì không chỉ bản thân CTCK gặp nguy mà còn kéo theo những “nhà tài trợ” phía sau là các NH, quỹ đầu tư… Bên cạnh đó, việc nhận diện khoản nào là nợ xấu giữa CTCK và khách hàng không hề đơn giản. Những điều này cho thấy các CTCK đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong việc thu hồi nợ xấu , bảo đảm tài chính trong thời gian tới.

(Theo Laodong)

Những lưu ý mới về gian lận trong báo cáo tài chính

27/01/2013

Về việc lập báo cáo tài chính kiểm toán 2012, HOSE lưu ý kiểm toán viên hành nghề không được ký báo cáo kiểm toán cho một đơn vị được kiểm toán quá 3 năm liên tục. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định về trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng giảm giá hàng tồn kho…

Nội dung mới trong báo cáo thường niên 2012

Đặc biệt, trong báo cáo thường niên năm 2012, có một số nội dung mới mà các doanh nghiệp cần phải nêu báo cáo như: các ngành nghề kinh doanh hoặc sản phẩm, dịch vụ chính và địa bàn kinh doanh chiếm trên 10% tổng doanh thu trong 2 năm gần nhất; các mục tiêu đối với môi trường, xã hội và cộng đồng của công ty; các rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đối với việc thực hiện các mục tiêu của công ty.

Về tình hình đầu tư và thực hiện các dự án, các doanh nghiệp cần nêu rõ các khoản đầu tư lớn được thực hiện trong năm (bao gồm các khoản đầu tư tài chính và các khoản đầu tư dự án) và tình hình thực hiện các dự án lớn.

Đối với trường hợp công ty đã chào bán chứng khoán để thực hiện các dự án, cần nêu rõ tiến độ thực hiện các dự án này và phân tích nguyên nhân dẫn đến đạt hay không đạt tiến độ đã công bố và cam kết.

Công ty niêm yết cũng phải tóm tắt về hoạt động và tình hình tài chính của các công ty con, công ty liên kết. Trong phần báo cáo của ban giám đốc trong báo cáo thường niên, ban giám đốc phải phân tích nợ phải thu xấu, nợ phải trả xấu, tài sản xấu, ảnh hưởng chênh lệch của tỷ giá hối đoái, ảnh hưởng chênh lệch lãi vay đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.

Nếu báo cáo tài chính không được kiểm toán chấp thuận toàn phần thì ban giám đốc phải có trách nhiệm giải trình. Các hợp đồng hoặc giao dịch với cổ đông nội bộ và người có liên quan cũng phải nêu cụ thể chi tiết.

Những lưu ý mới về gian lận trong báo cáo tài chính

Theo các chuyên gia kiểm toán, một gian lận khá mới là công ty niêm yết phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn “khống”, nghĩa là tăng vốn mà không hề tăng tài sản tương ứng đi kèm và khi đó cổ phiếu phát hành thêm không hề có giá trị thực và “biến” thành giấy lộn.

Số vốn tăng lên này không được thể hiện đầy đủ hoặc không có thực ở những chỉ tiêu bên phần tài sản như: tiền gửi ngân hàng, tài sản cố định, các khoản phải thu khác, các khoản đầu tư tài chính ngăn hạn và dài hạn (nhất là đầu tư vào các công ty con và công ty liên kết).

Ví dụ: Công ty tăng vốn góp bằng tiền mặt nhưng ngay lập tức lại chuyển tiền cho các đối tác để thực hiện dự án và treo thành khoản phải thu khác. Trên thực tế thì dự án và công trình này có thể chỉ là dự án trên giấy và nhà đầu tư có thể bị đánh lừa về giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Thứ hai, các công ty niêm yết có thể gian lận trong việc tham gia các hợp đồng ủy thác đầu tư hay đầu tư ủy thác, trong đó công ty niêm yết có thể là bên nhận ủy thác hoặc bên đi ủy thác. Trong nhiều trường hợp, hợp đồng được ký kết (với những điều khoản quy định hời hợt và lỏng lẻo) chủ yếu để nhằm một mục đích khác chứ không phải mục đích ủy thác đầu tư đích thực với .

Ví dụ, các công ty tài chính không được phép huy động tiền gửi không kỳ hạn nên đã huy động tiền gửi không kỳ hạn thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư, hoặc đơn giản chỉ là sự chuyển vốn qua lại giữa các công ty trong cùng một tập đoàn. Trong trường hợp công ty niêm yết mang vốn đi ủy thác đầu tư, rủi ro lớn nhất là khả năng trả nợ của bên nhận ủy thác.

Thứ ba là gian lận trong mục các khoản đầu tư tài chính là trích lập dự phòng giảm giá, nhất là dự phòng rủi ro đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết và đầu tư góp vốn. Nếu các khoản đầu tư được xếp vào loại đầu tư thương mại ngắn hạn thì việc lập dự phòng sẽ căn cứ vào giá giao dịch thực tế của cổ phiếu. Nhưng đến ngày 15/1/2013, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá giao dịch cho cổ phiếu chưa niêm yết để trích lập dự phòng, các doanh nghiệp vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn.

Do vậy, các công ty kiểm toán buộc phải tham khảo giá cổ phiếu chưa niêm yết từ các nguồn tin báo chí, thông tin trên thị trường và giá trị sổ sách. Khi các khoản đầu tư tài chính vào cổ phiếu chưa niêm yết và đầu tư góp vốn được xếp vào mục đầu tư dài hạn, việc lập dự phòng hay không đối với các khoản đầu tư dài hạn được căn cứ vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp được đầu tư, nếu lỗ và làm vốn chủ nhỏ hơn vốn góp thì dự phòng sẽ được trích lập.

Do vậy lập dự phòng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin tài chính từ doanh nghiệp được đầu tư mà không ít những doanh nghiệp này có thông tin khá “mù mờ”.

Gian lận nhằm “biến hóa” kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính phổ biến nhất trong 3 năm qua là nâng doanh thu khống lên, giảm chi phí xuống nhằm tăng lợi nhuận.

Cụ thể: doanh nghiệp thường hay áp dụng là việc doanh thu rơi vào tuần cuối tháng của năm trước, nhưng cố tình đưa vào năm sau (năm lập báo cáo tài chính) để tăng doanh thu, đồng thời bỏ bớt các hóa đơn chi phí ra, khiến năm báo cáo có lãi lớn (do phần lãi ảo đóng góp) hơn thực tế, nếu kiểm toán chính xác.

Nhằm tăng doanh thu, doanh nghiệp ký hợp đồng trong những tháng cuối năm 2012, không giao hàng nhưng vẫn ghi nhận các khoản phải thu vào năm 2012 làm doanh thu tăng cao, sau đó, lại hủy hợp đồng.

Riêng trong ngành bất động sản, doanh thu được ghi nhận khi khách hàng nộp tiền theo tiến độ hoặc theo hợp đồng đến ngày khách hàng phải trả tiền. Một số công ty ghi nhận doanh thu toàn bộ khi khách hàng ký hợp đồng hay khách hàng đóng tiền một đợt, nhưng các lần sau họ không đóng tiếp mà doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh thu.

(Theo TBKTVN)