Posts Tagged ‘chủ thể’

BÀN VỀ XÂY DỰNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ CHỦ THỂ TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)

04/03/2013

1. Dẫn nhập:

Chủ thể của pháp luật dân sự ở Việt Nam rất đa dạng, bao gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác… Tuy nhiên, đây lại là một nội dung phát sinh nhiều bất cập trong thực tế. Chẳng hạn, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 lại quy định 3 loại chủ thể tham gia quan hệ tố tụng dân sự là cá nhân, cơ quan và tổ chức (không đề cập tới pháp nhân). Nhiều văn bản pháp luật lại đề cập tới khái niệm hộ kinh doanh. Trên thế giới, một hướng đi chung cho các nước là chỉ quan niệm hai chủ thể: tự nhiên nhân và pháp nhân.

2. Xử lý vấn đề “xung đột luật”

            Nhà làm luật phải làm rõ việc xử lý các vấn đề sau (phải xây dựng được một quan điểm chung khi xây dựng Bộ luật dân sự, thậm chí phải hình thành một học thuyết thống nhất) khi xây dựng các phần của Bộ luật dân sự, trong đó có phần chủ thể:

a.      Nguyên tắc xử lý xung đột giữa điều ước quốc tế và luật quốc gia

b.      Nguyên tắc xử lý xung đột pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc gia

c. Nguyên tắc xử lý xung đột giữa luật chung (Bộ luật dân sự) và luật riêng (luật chuyên ngành)

d. Nguyên tắc xử lý xung đột giữa luật và tập quán, thông lệ

đ. Nguyên tắc xử lý xung đột giữa luật hiện hành và luật trước đó.

3. Thuật ngữ “người” trong Bộ luật dân sự và các văn bản khác

Các văn bản của Việt Nam thường xuyên sử dụng thuật ngữ “người”. Nhưng thuật ngữ này lại không được hiểu thống nhất. Khái niệm “người” ở điều này liệu có thể được quan niệm bao gồm cả cá nhân và cả pháp nhân hay không? Điều này dường như chưa thật rõ. Trong khi đó, hiểu đúng thuật ngữ này lại trở nên cực kỳ quan trọng khi áp dụng pháp luật. Một ví dụ trong Bộ luật dân sự là:

 

Điều 139. Đại diện

1. Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.

2. Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

3. Quan hệ đại diện được xác lập theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền.

4. Người được đại diện có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập.

5. Người đại diện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 143 của Bộ luật này.

              Trên thế giới, thuật ngữ này đã được đề cập trong rất nhiều từ điển lớn, ví dụ ([2]):

Từ điển Luật của Niu Di Lân Butterworths (xuất bản lần thứ 5) (quan niệm người bao gồm cả tự nhiên nhân và pháp nhân) (Natural and Artificial persons)

Person 1) A human-being capable of rights also called a natural person. 2) A corporation or legal person otherwise called an artificial person.

Bộ luật Oa sinh tơn (sửa đổi) quan niệm rất rộng:

“The term ‘person’ may be construed to include the United States, this state, or any state or territory, or any public or private corporation, as well as an individual.”

Từ điển Luật học Black’s (lần xuất bản thứ 6) quan niệm khá rộng:

“In general usage, a human being (i.e. natural person), though by statute term may include labor organizations, partnerships, associations, corporations, legal representatives, trustees, trustees in bankruptcy, or receivers.”

Từ điển Luật học Black’s (lần xuất bản thứ 7) quan niệm người bao gồm tự nhiên nhân, pháp nhân và cơ thể sống của con người:

Person 1) A human being. 2) An entity (such as a corporation) that is recognized by law as having the rights and duties of a human being. 3) The living body of a human-being.

Từ điển Luật học Oran’s 1999 cũng quan niệm rất rộng:

1. A human being (a “natural” person). 2. A corporation (an “artificial” person). Corporations are treated as persons in many legal situations. Also, the word “person” includes corporations in most definitions in this dictionary. 3. Any other “being” entitled to sue as a legal entity (a government, an association, a group of Trustees, etc.). 4. The plural of person is persons, not people (see that word). –

Từ điển Luật học Duhaime’s cũng đi theo hướng tương tự khi quan niệm người gồm cả tổ chức và cá nhân:

An entity with legal rights and existence including the ability to sue and be sued, to sign contracts, to receive gifts, to appear in court either by themselves or by lawyer and, generally, other powers incidental to the full expression of the entity in law. Individuals are “persons” in law unless they are minors or under some kind of other incapacity such as a court finding of mental incapacity. Many laws give certain powers to “persons” which, in almost all instances, includes business organizations that have been formally registered such as partnerships, corporations or associations.

4. Cá nhân

Rất nhiều vấn đề liên quan tới cá nhân cần được thảo luận kỹ lưỡng trong Bộ luật dân sự, ví dụ:

Quyền tự do đi lại, cư trú của người nước ngoài có thể giống người Việt Nam không?

Năng lực pháp luật dân sự của một người chưa ra đời được xác định như thế nào? Họ có quyền gì? Phải chăng khi còn là bào thai thì chỉ có quyền thừa kế. Nếu vậy thì một người không may khi còn là bào thai bị nhiễm độc chất độc màu da cam thì người đại diện của họ có quyền khởi kiện hay không?

Một người đã là bào thai, nếu không có khiếm khuyết gì thì có quyền được sinh ra hay không?

Tham khảo Luân lý Công giáo:   

Nguyên tắc:

1. “Dù bị cưỡng hiếp cũng không có quyền tiêu diệt  mạng sống vô tội đã thành hình.

2. “Phá thai trực tiếp, hoặc cộng tác phá thai trực tiếp có hiệu quả, luôn mắc tội và mắc vạ tuyệt thông tiền kết.

3. “Phá thai gián tiếp không mắc tội vạ gì cả.

4. “Sự khám thai trước khi sinh là điều hợp pháp, nếu nhằm chữa bệnh, bảo vệ thai nhi. Nếu khám thai nhằm đích phá thai, thì phạm luân lý cách nghiêm trọng.

4. ” Sản xuất ra bào thai con người dùng để khai thác như những sinh vật học là vô luân lý.

5. ” Luân lý không chấp nhận những cuộc thí nghiệm giải phẩu nhắm vào tạo lập “con người mẫu” theo giới tính, phẩm chất được ấn định trước, vì chúng ngược lại phẩm giá con người.

6.”Người phá thai (người mẹ, người cha xúi giục) và những ai cộng tác (bác sĩ, y tá?) đều mắc tội nặng, gọi là tội cộng tác chính thức vào tội giết người vô tội, và mắc vạ tuyệt thông tiền kết theo giáo luật số 1398 ([3]).

Quyền nhân thân của cá nhân là vấn đề rất lớn, cần nhìn nhận thấu đáo. Điều 24 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Từ quan niệm này có thể rút ra hai đặc điểm cơ bản của quyền nhân thân đó là gắn liền với cá nhân và không chuyển dịch cho người khác. Tuy nhiên, hai đặc điểm này chưa đủ để phân biệt quyền nhân thân với các quyền dân sự khác, bởi lẽ một số quyền tài sản cũng có đủ hai đặc điểm này, ví dụ quyền cấp dưỡng trong Luật Hôn nhân và gia đình, hoặc quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại này được phát sinh khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm là quyền tài sản nhưng cũng gắn liền với cá nhân người bị thiệt hại và cũng không dịch chuyển được sang cho chủ thể khác ([4]).

Cũng cần cân nhắc các quy định về tuổi của cá nhân trong Bộ luật dân sự hiện hành trong sự so sánh, đối chiếu với nhiều văn bản pháp luật khác đã đề cập tới nhiều mức độ tuổi khác nhau, không chỉ là các mức tuổi được quy định trong Bộ luật dân sự, ví dụ 9 tuổi, 14 tuổi, 21 tuổi…

5. Pháp nhân

Pháp nhân là một khái niệm để chỉ một loại chủ thể quan hệ pháp luật độc lập với các chủ thể khác và thành viên của pháp nhân, pháp nhân ra đời đáp ứng điều kiện của đời sống kinh tế-xã hội và hoạt động lập pháp. Khác với các tự nhiên nhân, pháp nhân là một thực thể, có thể thực hiện chức năng của mình một cách hợp pháp, có thể kiện hoặc bị kiện và hoạt động thông qua vai trò của người đại diện. Vẫn còn nhiều cách tiếp cận, học thuyết khác nhau về pháp nhân, tuy nhiên quan điểm của tác giả bài viết cho rằng pháp nhân là một chủ thể giả tưởng, được cấu thành từ tư cách pháp lý và các quyền năng của cá nhân.

Chế định pháp nhân là chế định phức tạp trong hệ thống pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại với một hệ thống văn bản pháp luật đồ sộ:

Những luật liên quan trực tiếp đến pháp nhân

Bộ luật Dân sự;

Luật Doanh nghiệp

Luật Dầu khí

Luật Xuất bản

Luật các Tổ chức tín dụng

Luật Kinh doanh bất động sản

Luật Du lịch

Luật Đường sắt

Luật Hàng không dân dụng

Luật Xây dựng

Luật Luật sư

Bộ luật Hàng hải

Luật Giao thông đường bộ

Luật Kinh doanh Bảo hiểm

Luật Chứng khoán

Luật Viễn thông

Luật Điện lực,

Luật Hợp tác xã…

Những luật liên quan gián tiếp đến pháp nhân

Luật Thương mại

Luật Đầu tư

Bộ luật Lao động

Luật Cán bộ, công chức

Luật Viên chức

Luật Cạnh tranh

Luật Đấu thầu

Luật Dạy nghề

Luật Kế toán

Luật Kiểm toán độc lập

Luật Phòng chống tham nhũng

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Luật Sở hữu trí tuệ,

Luật Trọng tài thương mại…

           Ngoài ra, còn có các văn bản pháp luật về các Hội và Hiệp hội như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về hội có tính chất đặc thù số 68/2010 ngày 1/11/2010…, Nghị định số 101/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/11/2009 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý Tập đoàn kinh tế nhà nước, Nghị định số 111/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/6/2007 về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ – công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp…

Tư cách pháp lý của pháp nhân

              Khái niệm pháp nhân được ghi nhận trong nhiều Bộ luật dân sự các nước và có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, ví dụ:

“Nhóm người được tổ chức để tạo ra một thực thể riêng biệt và khối tài sản độc lập được xác lập với mục đích riêng biệt, được xác định là pháp nhân”.

“Pháp nhân là một đơn vị được tổ chức với mục đích xác định và gắn với hoạt động thường xuyên, theo đó có quyền sở hữu, chiếm hữu, định đoạt tài sản riêng của mình, có thể hưởng quyền và gánh vác trách nhiệm bằng tên riêng của mình, chịu trách nhiệm đối với những hậu quả phát sinh từ các hoạt động của tổ chức bằng tài sản riêng của mình, và có thể trở thành nguyên đơn hoặc bị đơn”.

Từ điển Luật học Merriam – Webster’s 1996 định nghĩa:

Legal Person: a body of persons or an entity (as a corporation) considered as having many of the rights and responsibilities of a natural person and esp. the capacity to sue and be sued.

Từ điển Luật học Black (lần xuất bản thứ 5) định nghĩa:

“Legal entity” as “[a]n entity, other than a natural person, who has sufficient existence in legal contemplation that it can function legally, be sued or sue and make decisions through agents as in the case of corporations.”

Hiệp định khung về đầu tư ASEAN cũng ghi nhận quan niệm về pháp nhân rất dễ hình dung như sau: “Pháp nhân có nghĩa là bất kỳ thực thể pháp lý nào được thành lập hoặc tổ chức một cách hợp pháp theo luật hiện hành, vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận, thuộc sở hữu tư nhân hay sở hữu nhà nước, bao gồm mọi công ty, tập đoàn, liên danh, liên doanh, công ty một chủ hoặc hiệp hội”.

Bộ luật dân sự năm 2005 quy định 4 điều kiện để một tổ chức có tư cách pháp nhân: (1) Được thành lập hợp pháp; (2) Có cơ cấu tổ chức chăt chẽ; (3) Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; (4) Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề đặt ra với việc quy định các điều kiện của pháp nhân. Chẳng hạn, Bộ luật dân sự không quy định trực tiếp về điều kiện đảm bảo tính hợp pháp của một tổ chức, và chúng ta cũng khó có thể tìm được một văn bản nào đó trong hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về điều kiện này, mặc dù nguyên tắc đảm bảo quyền tự do lập hội cần phải được tôn trọng. Cũng như khó giải thích thế nào là có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, thế nào là có tài sản độc lập với cá nhân tổ chức khác (trường hợp công ty hợp danh), hay một điều kiện không cần thiết là nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Chẳng hạn, nếu quan niệm tài sản là độc lập thì khó có sơ sở cho rằng công ty con là pháp nhân theo điều 84, vì theo định nghĩa công ty mẹ con thì:

Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó;

b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Tài sản của pháp nhân bao gồm những tài sản gì hiện tại không rõ ràng. Nhìn chung có thể quan niệm tài sản của pháp nhân gồm tất cả những gì thuộc về quyền sở hữu của pháp nhân. Tính hợp pháp của việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản về nguyên tắc được xác định theo pháp luật nơi có tài sản đó, trừ hai ngoại lệ đối với động sản trên đường vận chuyển và đối với tàu bay dân dụng và tàu biển (Điều 766 BLDS 2005). Riêng đối với tài sản vay, vẫn còn quan điểm cho rằng không phải là của pháp nhân. Tuy nhiên pháp luật dân sự đã quy định rõ rằng “bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó” (Điều 472 BLDS 2005, Điều 469 BLDS 1995). Đổi lại quyền sở hữu đối với tài sản vay, bên vay gánh vác nghĩa vụ hoàn trả tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Chính vì thế mà pháp luật kế toán xem tổng tài sản (asset) bằng tài sản nợ (debt) cộng tài sản có (equity). Thậm chí trong tổng tài sản của pháp nhân, tài sản hình thành từ nguồn vốn vay có thể lớn hơn nhiều tài sản từ nguồn vốn tự có.

Vậy phải chăng tài sản độc lập của pháp nhân gồm vốn chủ sở hữu, tài sản pháp nhân tích lũy được từ hoạt động, tài sản được tặng cho, thừa kế và tài sản vay?

Rất nhiều tổ chức được ghi nhận là pháp nhân, nhưng khó chứng minh được theo các điều kiện nêu trên, ví dụ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Trung ương Hội khuyến học Việt Nam phía Nam, Cục con nuôi (thuộc Bộ Tư pháp), Hội nạn nhân chất độc màu da cam xã, các Sở (ví dụ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Câu lạc bộ hưu trí huyện Kim Bôi, phòng Kế hoạch tài chính huyện Long Điền, Ban quản trị nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2006 (sửa đổi năm 2009)…

Hay theo Luật Khám bệnh, chữa bênh năm 2009 quy định các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm ([5]):

– Bệnh viện;

– Cơ sở giám định y khoa;

– Phòng khám đa khoa;

– Phòng khám chuyên khoa, bác sỹ gia đình;

– Phòng chẩn trị y học cổ truyền;

– Nhà hộ sinh;

– Cơ sở chẩn đoán;

– Cơ sở dịch vụ y tế;

– Trạm y tế cấp xã và tương đương;

– Các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác.

Những dạng thức trên có phải là pháp nhân hay không? Luật Khám, chữa bệnh không đưa ra câu trả lời cụ thể. Tương tự trong Luật Dạy nghề năm 2006:

Điều 39. Các loại hình trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề

1. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

2. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề tư thục do các tổ chức hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

3. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo hình thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài do tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

Điều 40. Điều kiện thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề

1. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề được thành lập khi có đề án bảo đảm các điều kiện chủ yếu sau đây:

a) Có trường sở, khả năng tài chính và thiết bị dạy lý thuyết, thực hành phù hợp với nghề, trình độ và quy mô đào tạo;

b) Có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ chuẩn và kỹ năng nghề bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình dạy nghề.

2. Điều kiện cụ thể thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương quy định.

Hay Luật Giáo dục đại học năm 2012 về các cơ sở giáo dục đại học cũng không chỉ rõ các cơ sở này có phải là pháp nhân hay không?

Điều 7. Cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm:

a) Trường cao đẳng;

b) Trường đại học, học viện;

c) Đại học vùng, đại học quốc gia (sau đây gọi chung là đại học);

d) Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

2. Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được tổ chức theo các loại hình sau đây:

a) Cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

b) Cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất.

3. Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài gồm:

a) Cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài;

b) Cơ sở giáo dục đại học liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.

Điều 8. Đại học quốc gia

1. Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

2. Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các cấp nơi đại học quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.

Đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia. Khi cần thiết, giám đốc đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia.

3. Chủ tịch hội đồng đại học quốc gia và giám đốc, phó giám đốc đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

4. Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia.

Hay Luật Bảo hiểm xã hội:

Điều 106. Tổ chức bảo hiểm xã hội

1. Tổ chức bảo hiểm xã hội là tổ chức sự nghiệp, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

2. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

Điều 107. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

1. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội do Chính phủ thành lập, có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát hoạt động của tổ chức bảo hiểm xã hội.

2. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội gồm đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, tổ chức bảo hiểm xã hội và một số thành viên khác do Chính phủ quy định.

3. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

4. Quy chế làm việc của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

Điều 108. Nhiệm vụ của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

1. Thẩm định kế hoạch hoạt động hằng năm, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của tổ chức bảo hiểm xã hội.

2. Quyết định hình thức đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo đề nghị của tổ chức bảo hiểm xã hội.

3. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, chiến lược phát triển của ngành, kiện toàn hệ thống tổ chức của tổ chức bảo hiểm xã hội, cơ chế quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.

4. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh lãnh đạo của tổ chức bảo hiểm xã hội.

Tương tự trong Luật Báo chí 1989, sửa đổi 1999:

Điều 19a. Thành lập cơ quan đại diện, cơ quan thường trú của cơ quan báo chí

1.      Cơ quan báo chí có nhu cầu thành lập cơ quan đại diện, cơ quan thường trú ở trong nước phải có đủ điều kiện về nhân sự, trụ sở và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan báo chí xin đặt cơ quan đại diện, cơ quan thường trú và phải thông báo cho Bộ Văn hóa – Thông tin biết.

2.      Chính phủ quy định cụ thể việc đặt cơ quan đại diện, cơ quan thường trú của báo chí Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan đại diện, cơ quan thường trú của báo chí nước ngoài tại Việt Nam”.

Theo kinh nghiệm các nước, những nhân tố sau đây sẽ được xét tới khi xem xét pháp nhân:

a. Có thể kiện hoặc bị kiện

b. Có tên riêng

c. Độc lập (Separate Legal Existence) (các nước sử dụng từ độc lập về phương diện tổ chức, không phải phương diện tài sản)

d. Tình bền vững (Perpetual Succession)

Phân loại pháp nhân

Bộ luật dân sự ghi nhận việc phân loại pháp nhân tại điều 100 về các loại pháp nhân:

1. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân.

2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

3. Tổ chức kinh tế.

4. Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

5. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

6. Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật này.”

Việc phân chia pháp nhân như trên dường như không theo một tiêu chí rõ rệt, hợp lý nào. Theo đó, có 3 loại pháp nhân có chung yếu tố “chính trị” là: “Tổ chức chính trị”, “Tổ chức chính trị – xã hội” và “Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp”, 3 loại pháp nhân có chung yếu tố “xã hội” là: “Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp”, “Tổ chức xã hội” và “Tổ chức xã hội – nghề nghiệp”. Bộ luật Dân sự không liệt kê một số chủ thể đã được nhắc đến trong Luật Đất đai năm 2003 (đã được ban hành trước Bộ luật Dân sự 2 năm) là “tổ chức kinh tế – xã hội” và “tổ chức sự nghiệp công”. Nhiều loại hình và tên gọi cần làm rõ về khái niệm như Đơn vị công; Đơn vị sự nghiệp công lập; Đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh; Đơn vị sự nghiệp công lập có thu; Các tổ chức kinh tế do Nhà nước quyết định thành lập là các đơn vị sự nghiệp công lập; Các tổ chức kinh tế không do Nhà nước quyết định thành lập là các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Các tổ chức lợi nhuận hay phi lợi nhuận…

Trên thế giới, nhiều Bộ luật dân sự phân chia pháp nhân thành pháp nhân tìm kiếm lợi nhuận và pháp nhân phi lợi nhuận, hoặc pháp nhân công và pháp nhân tư, hoặc pháp nhân kết hợp công và tư… Tất cả những vấn đề tồn tại nêu trên của Bộ luật dân sự về cách phân loại pháp nhân đều có thể giải quyết được thông qua cơ chế phân loại pháp nhân thành pháp nhân công và pháp nhân tư, hoặc pháp nhân tìm kiếm lợi nhuận và pháp nhân phi lợi nhuận.

Một ví dụ về phân loại pháp nhân tìm kiếm lợi nhuận và phi lợi nhuận có thể tìm thấy trong Bộ luật dân sự Liên bang Nga ([6]):

Điều 50. Pháp nhân thương mại và phi lợi nhuận

1. Các pháp nhân có thể là các tổ chức, mà tìm kiếm lợi nhuận phái sinh với tư cách là mục đích chính của tổ chức đó (tổ chức thương mại), hoặc các tổ chức mà không tìm kiếm lợi nhuận phái sinh với tư cách là mục đích chính và không phân phối lợi nhuận phái sinh giữa các thành viên của tổ chức (tổ chức phi lợi nhuận).

2. Các pháp nhân mà là các tổ chức thương mại, có thể thiết lập dưới hình thức hợp danh hoặc công ty, hoặc dưới hình thức hợp tác xã sản xuất và các doanh nghiệp địa phương hoặc và nhà nước.

3. Các pháp nhân mà là tổ chức phi lợi nhuận, có thể thiết lập dưới hình thức các hợp tác xã tiêu dùng, hoặc dưới hình thức các tổ chức (hiệp hội) công hoặc tổ chức (hiệp hội) tôn giáo, dưới hình thức các thiết chế từ thiện và các quỹ khác, và cũng như các hình thức khác do pháp luật quy định. Các tổ chức phi lợi nhuận chỉ tham gia các hoạt động kinh doanh tới mức độ giúp các tổ chức này đạt được mục đích hoạt động của mình, dưới tên gọi mà theo đó tổ chức đó được thành lập, và dưới hình thức phù hợp với mục đích hoạt động của tổ chức.

4. Việc tạo lập các liên kết của các tổ chức thương mại và phi lợi nhuận dưới hình thức các hiệp hội và các liên minh có thể được chấp nhận.

Tham khảo khái niệm phi lợi nhuận trong Luật Giáo dục đại học ([7]):

Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Vấn đề tiền pháp nhân

              Dòng đời của pháp nhân cần được nhìn nhận trong một tiến trình đầy đủ gồm: trước khi pháp nhân ra đời, khai sinh cho pháp nhân, hoạt động của pháp nhân, chấm dứt pháp nhân, hậu pháp nhân.

Bộ luật dân sự dường như chưa đi theo xu hướng làm rõ về những hành vi tiền pháp nhân. Trong khi đó, nhiều vấn đề của hoạt động tiền pháp nhân cần làm rõ như: ai khởi xướng việc thành lập pháp nhân; các hoạt động của người khởi xướng thành lập; người đăng ký thành lập pháp nhân; trách nhiệm của người khởi xướng pháp nhân; mối quan hệ giữa các hoạt động của người khởi xướng pháp nhân và pháp nhân; sự tách bạch trách nhiệm của các hoạt động tiền pháp nhân và sau khi pháp nhân được thành lập…

Khai sinh cho pháp nhân (thành lập pháp nhân và đăng ký pháp nhân)

Cả cá nhân, pháp nhân đều có thể thành lập pháp nhân. Nhà nước cũng có quyền thành lập pháp nhân để thực hiện chức năng của Nhà nước hoặc đáp ứng các nhu cầu công cộng.

Bộ luật dân sự cần ghi nhận việc đăng ký pháp nhân một cách cụ thể chặt chẽ và phải làm rõ những thông tin gì cho việc khai sinh pháp nhân. Các thông tin này có thể rất đa dạng như mục đích và phạm vi hoạt động; tên gọi; trụ sở; ngày có quyết định thành lập; thời hạn hoạt  động (nếu có); tổng giá trị tài sản; phương thức đóng góp vốn (nếu có); tên đầy đủ và nơi thường trú của người đại diện theo pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều nội dung khác cũng nên xem xét khi xây dựng phần pháp nhân trong Bộ luật dân sự như: người có thẩm quyền đăng ký pháp nhân; sự phân biệt giữa các loại pháp nhân (có thể phân biệt giữa pháp nhân tìm kiếm lợi nhuận và pháp nhân phi lợi nhuận, pháp nhân công và pháp nhân tư, ví dụ phân biệt giữa hồ sơ thành lập pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại…); thẩm quyền của cơ quan đăng ký pháp nhân; hình thức tổ chức và hình thức pháp lý của pháp nhân; trình tự đăng ký pháp nhân; nghĩa vụ của cơ quan đăng ký pháp nhân; đăng ký thay đổi thông tin của pháp nhân; đăng ký chấm dứt pháp nhân; tên, họ, quốc tịch, nơi cư trú của mỗi sáng lập viên; tên, địa chỉ, quốc tịch, nơi cư trú của những người đại diện theo pháp luật của pháp nhân…

Tên gọi của pháp nhân

Bộ luật dân sự cũng cần có một số điều khoản ghi nhận tên của pháp nhân. Ví dụ, pháp nhân có tên gọi riêng. Tên của pháp nhân có thể phản ánh mô hình tổ chức của pháp nhân và hình thức pháp lý của pháp nhân.

Tên gọi của pháp nhân đã được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành như Bộ luật dân sự, Luật Doanh nghiệp, Nghị định 43 về đăng ký doanh nghiệp… Tuy nhiên, những văn bản này còn nhiều bất cập và bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Ngoài ra, những trường hợp doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài giữ nguyên tên gọi và không chuyển đổi loại hình theo Luật Doanh nghiệp nên được xét đến trong hoàn cảnh này.

Trụ sở chính của pháp nhân

Điều 90 Bộ luật dân sự ghi nhận về trụ sở của pháp nhân và xác định trụ sở của pháp nhân là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân. Tuy nhiên, trên thực tế cơ quan điều hành của pháp nhân không hẳn đặt ở trụ sở của pháp nhân.

Thử so sánh với Luật Doanh nghiệp: Điều 35. Trụ sở chính của doanh nghiệp

1. Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

2. Doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Hoạt động của pháp nhân

Hoạt động của pháp nhân được thực hiện thông qua rất nhiều văn bản, bao gồm cả văn bản luật và các văn bản khác như điều lệ hoặc nghị quyết của đại hội thành viên, Nghị quyết của những cơ quan khác trong pháp nhân (ví dụ Hội đồng quản trị), quyết định của người đứng đầu pháp nhân, hoặc thậm chí những quy định mềm trong hoạt động của pháp nhân (ví dụ Quy tắc hành vi – Code of Conduct hoặc Code of Ethics)… Bộ luật dân sự hiện tại nhìn chung chưa đề cập gì tới hoạt động của pháp nhân.

Đại diện của pháp nhân

Bộ luật dân sự năm 2005 đã dành một chương riêng để quy định về đại diện. Theo qui định tại Bộ luật Dân sự, đại diện là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện ([8]). Ngoài ra, chế định đại diện còn được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã, Luật Luật sư; Luật Xây dựng, Luật Kế toán, Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Lao động…

Điều 91 của Bộ luật Dân sự năm 2005 về đại diện của pháp nhân đã ghi nhận đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền. Theo Điều 88 Bộ luật Dân sự thì trong trường hợp pháp luật quy định pháp nhân phải có điều lệ thì điều lệ của pháp nhân phải được các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên thông qua; điều lệ của pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong trường hợp pháp luật có quy định. Tuy nhiên, thử so sánh điều này với các văn bản pháp luật khác thì dường như quy định tại điều 91 chưa bao quát hết các trường hợp. Ví dụ, điều 86 Luật Chứng khoán về Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán ([9]) còn dự liệu thêm trường hợp Công ty quản lý quỹ dự thảo điều lệ.

              Việc đại diện cho từ hai pháp nhân trở lên cũng đang là vấn đề chưa được điều chỉnh rõ ràng. Bộ luật dân sự cũng không có quy định nào cho phép khẳng định liệu một cá nhân có thể làm đại diện theo pháp luật cho từ hai pháp nhân trở lên hay không?

Theo Bộ luật dân sự, đại diện là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Như vậy, theo Bộ luật dân sự, người đại diện chỉ có thể là một người. Tuy nhiên, dường như điều này mâu thuẫn với quy định của Luật Doanh nghiệp về công ty hợp danh khi mà có thể có nhiều thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp ([10]):

Bộ luật dân sự chưa chỉ ra sự hạn chế đối với người đại diện của pháp nhân trong những trường hợp nhất định, ví dụ trong trường hợp pháp nhân phá sản. Bộ luật dân sự đã quy định các trường hợp chấm dứt pháp nhân, trong đó có trường hợp phá sản. Tuy nhiên, Luật Phá sản chỉ quy định về doanh nghiệp và hợp tác xã, không đề cập tới các loại pháp nhân khác. Vậy các pháp nhân khác (ví dụ các Hiệp hội của doanh nghiệp) phá sản thì xử lý thế nào? Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có chịu sự hạn chế nào không?  Bộ luật Dân sự dường như chưa có phương án xử lý vấn đề này.

Thời hạn ủy quyền cũng cần làm rõ hơn trong Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự quy định không rõ ràng trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật chưa trở lại thực hiện công việc và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền có được tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật trở lại làm việc không.

Bộ luật Dân sự cũng không cho phép khẳng định liệu có thể ủy quyền cho hai người nhận ủy quyền có được không?.

Đối với điều này, có thể tham chiếu quy định của Bộ luật Dân sự Anbani ([11]):

Trong trường hợp có hai hay nhiều người được chỉ định thực hiện một giao dịch pháp lý, mỗi người trong số họ có thể thực hiện nó mà không cần sự tham gia của người đại diện khác, trừ trường hợp có quy định khác.

Bộ luật Dân sự dường như chưa làm rõ liệu một tổ chức có thể làm đại diện được không? Theo các quy định hiện hành (điều 139 Bộ luật Dân sự) thì dường như là không ([12]).

Hoặc Bộ luật Dân sự Lít va ([13]):

… 3. Pháp nhân cũng như thể nhân có đủ năng lực hành vi có thể trở thành người đại diện.

Bản thân các quy định của pháp luật Việt Nam dường như cũng đã gián tiếp ghi nhận khả năng một tổ chức có thể làm đại diện, ví dụ:

1. Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.

2. Trong trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho mình thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự ([14]).

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 ghi nhận tại nhiều điều khoản khả năng này (điều 27 về doanh nghiệp dịch vụ). ([15]). Luật Sở hữu trí tuệ cũng ghi nhận khái niệm Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan([16]). Luật Đầu tư năm 2005 cũng ghi nhận việc đại diện của tổ chức, cá nhân được giao quản lý dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước ([17]).

Những quy định về người đại diện theo ủy quyền trong Bộ luật Dân sự dường như là chưa đủ nếu so sánh với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, chẳng hạn Luật Doanh nghiệp năm 2005 đề cập tới việc chỉ định người đại diện theo uỷ quyền, việc thay thế người đại diện theo uỷ quyền, tiêu chuẩn và điều kiện của người đại diện theo ủy quyền, nghĩa vụ hành xử một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, bảo vệ tối đa lợi ích hợp pháp của thành viên và công ty… ([18]). Những vấn đề này chưa được nhắc tới trong Bộ luật Dân sự.

Bộ luật dân sự đã đề cập tới trường hợp có xung đột lợi ích tại khoản 5, Điều 14: “Người đại diện không được xác lập thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc người thứ 3 mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Bộ luật cũng nhắc tới một phương án xử lý thể hiện tại khoản 3 Điều 69: “Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ và người được giám hộ liên quan tới tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.” Tuy nhiên, giải pháp mà Bộ luật Dân sự đưa ra dường như là chưa đầy đủ nếu so sánh với quy định của Bộ Nguyên tắc của UNIDROIT ([19]):

1. Nếu việc người đại diện ký hợp đồng dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa người được đại diện và người đại diện, mà bên thứ 3 biết hoặc đáng lẽ phải biết, người được đại diện có thể huỷ hợp đồng theo quy định tại điều 3.12 và các điều từ 3.14 – 3.17.2. Tuy nhiên, người được đại diện sẽ không thể huỷ hợp đồng nếu:

a. người được đại diện đã đồng ý để người đại diện hành động khi có xung đột lợi ích, hoặc người được đại diện biết, đáng lẽ phải biết

b. người đại diện đã nói với người đại diện về việc xung đột lợi ích mà người được đại diện không phản đối trong thời gian hợp lý”.

Tổ chức lại pháp nhân, giải thể pháp nhân và chấm dứt pháp nhân

Một pháp nhân có thể được tổ chức lại thông qua hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi… bởi quyết định của chủ sở hữu, hoặc cơ quan được chỉ định hoặc tổ chức được ủy quyền bởi văn bản của thành viên sáng lập.

Do đó, Bộ luật dân sự nên xem xét có hay không các phần riêng đối với hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi… Hiện tại, Bộ luật dân sự năm 2005 không đề cập tới việc chuyển đổi pháp nhân.

Giải thể pháp nhân đã được ghi nhận trong Bộ luật dân sự với nhiều thông tin. Tuy nhiên, để điều chỉnh được phần này một cách toàn diện và bao quát, Bộ luật dân sự cần nêu được ít nhất các thông tin sau: các trường hợp giải thể pháp nhân; các hành vi bị hạn chế hoặc nghiêm cấm trong quá trình giải thể pháp nhân; cơ quan có thẩm quyền giải thể pháp nhân; thủ tục giải thể pháp nhân; hậu quả của giải thể pháp nhân.

Pháp nhân chấm dứt trong nhiều trường hợp như hợp nhất, sáp nhập, chia, giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản theo quy định của Luật phá sản. Tuy nhiên, Luật phá sản chỉ áp dụng với doanh nghiệp và hợp tác xã. Pháp luật Việt Nam chưa có quy định gì về việc phá sản của các pháp nhân phi lợi nhuận, pháp nhân công.

Ngoài ra, cũng cần xem xét lại các quy định hiện tại của pháp luật Việt Nam liên quan đến hợp nhất và sáp nhập pháp nhân (M&A). Hiện tại, khung pháp lý liên quan đến hoạt động M&A ở Việt Nam nằm ở nhiều văn bản luật khác nhau: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật cạnh tranh, Luật chứng khoán,  Bộ luật dân sự, Luật thuế, Luật kế toán, Bộ Luật lao động, Luật các tổ chức tín dụng, Luật đất đai, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các văn bản cam kết quốc tế của Việt Nam, Luật sở hữu trí tuệ, Pháp lệnh quản lý ngoại hối…

Ở Luật doanh nghiệp 2005 và Luật cạnh tranh 2004 đều có quy định khái niệm về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp. Tuy nhiên, khái niệm ở hai luật này lại có sự vênh nhau. Nếu so sánh về mặt từ ngữ thấy theo Luật doanh nghiệp 2005 thì các công ty sáp nhập, hợp nhất phải là công ty “cùng loại nhau” còn ở Luật cạnh tranh 2004 thì không quy định cụm từ này. Tuy cả hai luật này cùng điều chỉnh vấn đề sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp, thế nhưng để thực hiện vấn đề này chủ yếu phải dựa vào Luật Doanh nghiệp 2005, bởi lẽ suy đến cùng thì đây là luật gốc quy định vấn đề này. Đặc biệt là đối với thủ tục thực hiện sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hầu như phụ thuộc vào Luật doanh nghiệp 2005. Do đó, việc giải thích sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp ở Luật doanh nghiệp 2005 có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện.

Pháp luật Việt Nam chưa đưa ra một định nghĩa thống nhất và cụ thể cho hoạt động M&A. Thật vậy, M&A có nghĩa là sáp nhập và mua lại, nhưng Luật doanh nghiệp 2005 của Việt Nam chia M&A thành ba dạng đó là: Sáp nhập, hợp nhất và mua lại (cổ phần).

Mặt khác, khái niệm hợp nhất, sáp nhập pháp nhân cũng dường như khác với thông lệ quốc tế:

Khái niệm hợp nhất pháp nhân theo pháp luật Việt Nam: Điều 94 Bộ luật dân sự. Hợp nhất pháp nhân: Các pháp nhân cùng loại có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới theo quy định của điều lệ, theo thoả thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt; các quyền, nghĩa vụ dân sự của các pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.

Khái niệm sáp nhận pháp nhân theo pháp luật Việt Nam: Điều 95 Bộ luật dân sự. Sáp nhập pháp nhân: Một pháp nhân có thể được sáp nhập (pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác cùng loại (pháp nhân sáp nhập) theo quy định của điều lệ, theo thoả thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt; các quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.

Khái niệm hợp nhất theo thông lệ quốc tế: A merger happens when two firms, often of about the same size, agree to go forward as a single new company rather than remain separately owned and operated. Both companies’ stocks are surrendered and new company stock is issued in its place.

Terminating the existence of the companies being merged, Both companies’ stocks are surrendered and new company stock is issued in its place.

Khái niệm sáp nhập theo thông lệ quốc tế: An acquisition are actions through which companies seek economies of scale, efficiencies and enhanced market visibility.

Unlike all mergers, all acquisitions involve one firm purchasing another -there is no exchange of stock or consolidation as a new company. From a legal point of view, the target company ceases to exist, the buyer “swallows” the business and the buyer’s stock continues to be traded.

The target company ceases to exist, the buyer’s stock continues to be traded.

VIỆT NAM                          THÔNG LỆ QUỐC TẾ

Merger                    ≈                          Acquisition

Consolidation     ≈                                Merger

              Bộ luật dân sự cũng chưa đề cập gì tới các hành vi bị hạn chế của pháp nhân, của người quản lý pháp nhân trong quá trình chấm dứt pháp nhân và sau khi pháp nhân chấm dứt.

Nếu đối chiếu với Luật Phá sản, luật này quy định rõ về các hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã bị cấm hoặc bị hạn chế (điều 31), các giao dịch bị coi là vô hiệu (điều 43), và cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản (điều 94).

Hậu pháp nhân

              Bộ luật dân sự chưa đề cập tới vấn đề hậu pháp nhân, tuy nhiên đối với một số trường hợp đặc biệt như hợp nhất, sáp nhập pháp nhân, hậu pháp nhân là vấn đề khá phức tạp và có thể phát sinh nhiều hậu quả pháp lý.

Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân và của người đứng đầu pháp nhân

Bộ luật dân sự đã ghi nhận trách nhiệm dân sự của pháp nhân và cũng đã thử tách bạch trách nhiệm của pháp nhân và trách nhiệm của thành viên pháp nhân, nhưng quy định này dường như chưa đầy đủ.

Thử nghiên cứu phương án sau theo Bộ luật dân sự Liên bang Nga ([20]):

Trách nhiệm của pháp nhân:

Pháp nhân chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của pháp nhân bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của pháp nhân.

Trách nhiệm của người đứng đầu pháp nhân:

Người sáng lập pháp nhân hoặc chủ sở hữu của pháp nhân không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của pháp nhân, và pháp nhân không chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của người sáng lập hoặc chủ sở hữu, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Nếu việc phá sản pháp nhân bị gây ra bởi người sáng lập, bởi chủ sở hữu hoặc người khác mà có quyền điều hành pháp nhân, trong trường hợp tài sản của pháp nhân không đủ để thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm của pháp nhân con đối với các nghĩa vụ của pháp nhân mẹ có thể được áp dụng đối với các đối tượng nêu trên.


[1] Tiến sĩ Luật học, Khoa Luật, Đại học Kinh tế quốc dân.

[2] Tác giả bài viết giữ nguyên đoạn văn tiếng Anh để các độc giả dễ tra cứu.

[3] Giáo luật: “Ai thi hành việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết” (GL 1398).

[4] Về vấn đề quyền nhân thân, ngoài cá nhân vẫn được coi là đương nhiên có quyền nhân thân, liệu các chủ thể khác, đặc biệt là pháp nhân có quyền nhân thân hay không đang là câu hỏi còn nhiều tranh luận.

[5] Điều 41. Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

[6] Гражданский кодекс РФ (ГК РФ) от 30.11.1994 N 51-ФЗ – Часть 1. Статья 50. Ответственность юридического лица.

[7] Điều 4. Luật Giáo dục đại học năm 2012.

[8] Điều 139 Bộ luật Dân sự năm 2005.

[9] Điều 86 Luật Chứng khoán.

[10] Luật Doanh nghiệp năm 2005. Điều 137. Điều hành kinh doanh của công ty hợp danh.

[11] Civil Code of the Republic of Albania. Điều 68.

[12] Điều 139 Bộ luật Dân sự năm 2005.

[13] Civil Code of Lithunia. 1997. Điều 2.132. Giao kết hợp đồng bởi người đại diện.

[14] Điều 141. Đại diện cho thương nhân. Luật Thương mại năm 2005.

[15] Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ. Điều 33. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

[16] Điều 56. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

[17] Điều 71. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Luật Đầu tư năm 2005.

[18] Điều 48. Người đại diện theo uỷ quyền. Luật Doanh nghiệp năm 2005.

[19] The UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts (“UNIDROIT Principles 2010”). Điều 2.2.7.

[20] Гражданский кодекс РФ (ГК РФ) от 30.11.1994 N 51-ФЗ – Часть 1. Статья 56. Ответственность юридического лица.v

Nguồn: HỘI THẢO TỔNG KẾT THỰC TIỄN THI HÀNH VÀ GÓP Ý HOÀN THIỆN BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005. BAN PHÁP CHẾ VCCI  VÀ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ  VIỆT NAM (VIAC) TỔ CHỨC. HÀ NỘI, NGÀY 1/3/2013.

TỔ HỢP TÁC MỘT CHỦ THỂ TRONG PHÁP LUẬT DÂN SỰ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA KHI SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005

29/01/2013

Chủ trương phát triển kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Khái niệm tổ hợp tác được chính thức ghi nhận từ những năm 1950 tại thông tư của Ngân hàng Quốc gia hướng dẫn thi hành Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc ấn định mức lãi suất tiền gửi tư nhân, tiền gửi tiết kiệm, lợi suất tính vào số dư tài khoản thanh toán, lợi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng quốc gia Việt Nam[1].

Từ đó cho đến nay, tổ hợp tác được nhắc đến trong 891 văn bản[2], đặc biệt khi Bộ Luật Dân sự 1995 tiếp đó là Bộ luật dân sự 2005[3] chính thức thừa nhận tổ hợp tác là một chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự.[4] Gần đây nhất khi chúng ta tiến hành tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện mô hình kinh tế tập thể thì vấn đề Tổ hợp tác được đưa vào là một trong những nội dung của báo cáo.

Theo số liệu từ các cơ quan theo dõi, quản lý về tình hình hoạt động, phát triển mô hình kinh tế tổ hợp tác[5] cho thấy số lượng tổ hợp tác là khá lớn, phản ánh thực tiễn nhu cầu hợp tác, họp nhóm, liên kết, giúp đỡ, tương trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và được chính quyền, người dân đánh giá là một trong mô hình liên kết cộng đồng hiệu quả trong điều kiện phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay. Việc tìm hiểu về thực tiễn tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác là một trong những nội dung quan trọng được đánh giá trong quá trình khảo sát, triển khai dự án.

Từ thực tiẽn kết quả khảo sát cho thấy có tồn tại Tổ hợp tác trên thực tế. Tuy nhiên, thực tế tồn tại và hoạt động của các tổ hợp tác rất đa dạng và phong phú (có tổ chức được hình thành để trao đổi về kinh nghiệm làm ăn mà không có hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế chung, có tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở một gia đình nhỏ …). Thực tiễn khảo sát cung cấp nhiều luận cứ thực tiễn qua đó đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn cần giải quyết, đặc biệt là việc có tiếp tục thừa nhận tổ hợp tác là một chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật dân sự hay không là vấn đề quan trọng đặt ra trong việc đổi Bộ luật dân sự 2005.

 

1. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác

clip_image001Bộ luật dân sự 2005 không đưa ra định nghĩa, khái niệm thế nào là Tổ hợp tác mà chỉ đưa ra các tiêu chí, điều kiện để một chủ thể trở thành tổ hợp tác. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 110 Bộ luật Dân sự 2005“Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự”.

Theo đó, khi 3 cá nhân trở lên cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm và việc hợp tác được xây dựng trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của UBND cấp, xã phường thị trấn.

clip_image002Tuy nhiên, thực tiễn xác định một chủ thể là tổ hợp tác cũng có nhiều cách xác định khác nhau. Do không thống nhất cách xác định nên việc thống kê các tổ hợp tác cũng có sự khác nhau. Có nơi, chỉ thống kê những tổ hợp tác nào có chứng thực tại UBND cấp xã, có nơi thống kê tất cả các “tổ”, “hội”, “nhóm người” “tổ nhóm tập thể”[6] có chứng thực và không có chứng thực tại UBND cấp xã/phường như tổ thủy nông, tổ làm đất, tổ bảo vệ thực vật, tổ thu hoạch, tổ cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản, tổ chuyên ngành theo sở thích (tổ nuôi hưu, tổ nuôi cá lồng, tổ liên kết sản xuất hạt điều sạch,…), tổ tín dụng cho vay vốn,….Do đó, các con số từ địa phương báo cáo về tình hình tổ hợp tác rất lớn, không phản ánh đúng tình hình thành lập và hoạt động, phát triển của Tổ hợp tác theo các quy định của Bộ luật dân sự 2005 (được làm rõ tại phần chứng thực tổ hợp tác).

Do cách xác định tư cách chủ thể tổ hợp tác phải là chủ thể có đăng ký chứng thực hợp đồng hợp tác tại UBND cấp xã/phường nên thực tiễn tìm hiểu đối với những chủ thể được gọi là tổ hợp tác có đăng ký chứng thực này cũng rất đa dạng.

1.1. Về vấn đề tài sản: Theo quy định Điều 114 Bộ luật dân sự về tài sản của Tổ hợp tác “1. Tài sản do các tổ viên đóng góp, cùng tạo lập và được tặng cho chung là tài sản của tổ hợp tác.

2. Các tổ viên quản lý và sử dụng tài sản của tổ hợp tác theo phương thức thoả thuận.

3. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất của tổ hợp tác phải được toàn thể tổ viên đồng ý; đối với các loại tài sản khác phải được đa số tổ viên đồng ý. “

Tuy nhiên, do pháp luật không “pháp định” về vốn góp của tổ hợp tác mà chỉ là số vốn tự kê khai, thông báo trong hợp đồng hợp tác chứng thực tại ủy ban nhân dân cấp xã/phường nên việc xác định tài sản của tổ hợp tác có nhiều cách xác định khác nhau. Theo đó, “việc khai” tài sản đóng góp vào Tổ hợp tác chỉ là khai cho có mà không có tài sản chung đóng góp thực. Thực tiễn khảo sát cho thấy tổ hợp tác gần như không có riêngtài sản, tư liệu sản xuất vẫn thuộc sở hữu, quản lý của các tổ viên theo nguyên tắc của ai thì người đó sở hữu, quản lý, sử dụng. Tài sản của Tổ hợp tác rất ít, chỉ là “quỹ” để các Tổ hợp tác sinh hoạt hoặc cho 1 số tổ viên vay[7] hoặc số vốn là của riêng một tổ viên đưa ra để kinh doanh. Chính lý do này thực tế đã làm cho tổ hợp tác gặp khó khăn trong việc xác lập các giao dịch dân sự, cũng như thừa nhận tư cách chủ thể của Tổ hợp tác. Điều này cũng thể hiện thông qua khó khăn của Tổ hợp tác tiếp cận việc vay vốn do không có tài sản để thế cho khoản vay khi nhân danh tổ hợp tác vay vốn.

1.2. Về thành viên tham gia tổ hợp tác. Theo quy định Điều 110 Bộ luật dân sự 2005 tổ viên của tổ hợp tác là những người cùng góp công sức trong việc tham gia sản xuất, kinh doanh, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Thực tiễn tìm hiểu cho thấy, các tổ viên tham gia tổ hợp tác không đảm bảo tiêu chí này. Các tổ viên tham gia tổ hợp tác rất đa dạng. Đối với những người không có quan hệ huyết thống, họ hàng thì các thành viên tham gia tổ hợp tác với danh nghĩa là nơi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, cùng tìm các giải pháp để nâng cao sản xuất, đầu ra cho sản phẩm hoặc các tổ viên chỉ là “lao động” làm thuê cho tổ trưởng mà không có hoạt động sản xuất, kinh doanh chung. Trường hợp các tổ viên tham gia sản xuất chung, góp sức để sản xuất chung thì các thành viên tham gia trong tổ hợp tác có quan hệ huyết thống theo mô hình “gia đình – cha mẹ và các con (các con có thể đã lập gia đình).

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại quy định việc bầu, thay đổi tổ trưởng phải thông báo với UBND cấp xã/phường nơi chứng thực hợp đồng hợp tác. Đối với việc kết nạp mới, thay đổi, chấm dứt tổ viên thì vấn đề thông báo không đặt ra. Điều này cho thấy sự chưa công khai tư cách thành viên gây khó khăn trong việc xác định một cá nhân có phải là tổ viên của tổ hợp tác trên thực tế.

1.3. Mục đích tham gia tổ hợp tác của tổ viên và mục đích xây dựng tổ hợp tác thành chủ thể của quan hệ dân sự

clip_image003Tổ hợp tác là tổ hợp những người cùng tham gia hỗ trợ, liên kết sản xuất, kinh doanh chung. Do đó, các tổ viên tham gia tổ hợp tác mới chỉ dừng lại trong việc tìm một “tổ chức” có tư cách pháp lý để hội, họp trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh giữa các tổ viên. Trong khi đó chính sách phát triển kinh tế tập thể của Đảng, Nhà nước được nhà lập pháp đã thể chế hóa Tổ hợp tác thành một chủ thể trong giao dịch dân sự – liên kết đơn giản nhằm tạo tiền tề, điều kiện cho việc phát triển, mở rộng và “nâng” tổ hợp tác thành các chủ thể có tổ chức cao hơn như Hợp tác xã, Doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của các tổ hợp tác cho thấy không có tổ hợp tác nào hoạt động đúng với bản chất, các tiêu chí luật định. Bên cạnh đó, thực tiễn khảo sát cho thấy gần như không có trường hợp tổ hợp tác nào tiến hành chuyển đổi thành loại hình khác mà nhà xây dựng chính sách mong đợi.

1.4. Vấn đề xác lập giao dịch và đại diện trong giao dịch

Bộ luật dân sự 2005 tiếp tục thừa nhận Tổ hợp tác là một chủ thể trong các quan hệ dân sự và không có tư cách pháp nhân. Điều này thể hiện trong cơ chế chịu trách nhiệm về tài sản được quy định tại khoản 2, Điều 117, khoản 3, Điều 120 Bộ luật dân sự 2005 “Tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của tổ; nếu tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng của mình”. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định trong những điều kiện nhất định tổ hợp tác có thể chuyển đổi thành các hình thức thích hợp có tư cách pháp nhân (hợp tác xã, doanh nghiệp). Điều 12, Nghị định 151/2007/NĐ-CP quy định các quyền của tổ hợp tác có phạm vi rất rộng[8] tạo điều kiện thuận lợi để tổ hợp tác tham gia vào các quan hệ dân sự.

Tuy nhiên, như đã phân tích trên do tổ hợp tác không có tài sản, nếu có thì tài sản là tài sản của cá nhân tổ trưởng nên thực tế tổ hợp tác không xác lập giao dịch dân sự(mua bán, vay vốn,…. ) nhân danh tư cách tổ hợp tác mà nhân danh tư cách của cá nhân (tổ trưởng), cá nhân xác lập giao dịch tự chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân. Bên cạnh đó, thực tiễn khảo sát cho thấy, không có tranh chấp dân sự phát sinh nào mà một bên là tổ hợp tác.

Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật dân sự thì tổ trưởng do các thành viên bầu ra sẽ là người đại diện cho tổ hợp tác xác lập các giao dịch. Giao dịch do tổ trưởng xác lập sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ của tổ hợp tác nói chung, các tổ viên nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế do không có góp vốn, góp sức để tham gia sản xuất chung nên các thành viên tham gia tự hiểu tổ trưởng xác lập và tự chịu trách nhiệm. Điều này cũng cho thấychưa có sự tách bạch giữa tài sản, giao dịch của tổ hợp tác với tài sản, giao dịch của cá nhân tham gia giao dịch, đặc biệt khi cá nhân đó là chủ hộ của hộ gia đình[9]thì sự phức tạp trong việc xác định nghĩa vụ trong giao dịch đó.

Do chế độ chịu trách nhiệm của tổ viên là trách nhiệm liên đới và vô hạn. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng không quy định “những hạn chế” việc tham gia của một tổ viên ở nhiều chủ thể khác nhau (tổ hợp tác khác, doanh nghiệp tư nhân,….). Điều này sẽ gây khó khăn, rủi ro khi xác lập giao dịch đối với bên thứ 3, đặc biệt khi cơ chế công khai tư cách tổ viên chưa được thực hiện.

Trong thời gian qua, nhiều diễn đàn, hội thảo đánh giá về mô hình tổ hợp tác có đưa ra thực tế vướng mắc của tổ hợp tác trong việc tham gia các quan hệ dân sự, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Để tìm hiểu vấn đề này, thực tiễn khảo sát cho thấy chúng ta luôn cố gắng tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn này tuy nhiên tổ hợp tác mà chúng ta xây dựng là tổ hợp tác có tài sản. Do tổ hợp tác không có tài sản riêng. Chính điều này ảnh hưởng đến vấn đề “tài sản bảo đảm” cho quan hệ vay thì ngân hàng không thể cho tổ hợp tác vay được. Tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu tổ viên, không chuyển dịch cho tổ hợp tác. Thực tiễn khảo sát cũng cho thấy, việc xác lập giao dịch vay vốn này là do các tổ viên tự xác lập với tư cách cá nhân chứ không thông qua tư cách tổ hợp tác.

1.5. Việc chứng thực thành lập Tổ hợp tác

Theo quy định khoản 1, Điều 110 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 6 Nghị định 151/2007/NĐ-CP tổ hợp tác là một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự khi thực hiện việc chứng thực hợp đồng hợp tác tại UBND cấp xã/phường. Việc chứng thực, báo cáo về tình hình hoạt động của Tổ hợp tác được quy định khá cụ thể tại Thông tư số 04/2008/TT-BKH hướng dẫn một số quy định tại Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác. Theo số liệu tổng hợp của Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tính đến cuối năm 2011 (trên cơ sở báo cáo của 42/63 tỉnh/thành phố) thì cả nước có 139.122 Tổ hợp tác. Đây là những Tổ hợp tác có chứng tực hợp đồng hợp tác theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn[10] trong năm 2007 với 114.293 tổ hợp tác ở 55 tỉnh thành phố có 18.824 tổ có chứng thực của UBND xã, chiếm khoảng 16,47% . Số liệu Liên minh hợp tác xã Việt Nam thì lại có con số trái khác hẳn với 94.604 tổ hợp tác có đăng ký hoặc chứng thực tại UBND cấp xã/370.000 tổ hợp tác (tính đến 31/12/2011). Ở những cơ quan quản lý như Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên minh hợp tác xã đã có những con số khác nhau, lệch nhau đến gần 50 000 tổ hợp tác thể hiện có vấn đề trong công tác thống kê, báo cáo về tính chính xác về tình hình phát triển tổ hợp tác.

Thực tiễn khảo sát các 8 tỉnh/thành cho thấy tình hình chứng thực hợp đồng chưa được thực hiện đầy đủ, chưa thống nhất và chưa đồng bộ. Tỷ lệ “nhóm” được liên minh hợp tác xã gọi là tổ hợp tác với tỷ lệ đã được đăng ký chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, do hướng dẫn tại Thông tư số 04/2008/TT-BKH hướng dẫn việc thống kê số lượng tổ hợp tác được hiểu là tổ, nhóm, câu lạc bộ, hội,… mà số lượng tổ hợp tác là rất lớn nhưng số lượng chứng thực theo quy định Bộ luật dân sự 2005 rất ít. (Phú Yên: 20/2800[11]; Lạng sơn là 0/6 560 tổ hợp tác[12]; Hà Nội 99/325[13]….)

Nguyên nhân các tổ hợp tác không đăng ký hoạt động với UBND xã là do tính chất hoạt động đơn giản, sản xuất kinh doanh nhỏ, không ổn định, mang tính mùa vụ, một số hoạt động trong vùng có hợp tác xã đã trở thành bộ phận nhận thầu, nhận khoán những dịch vụ thuộc chức năng của hợp tác xã. Nhiều tổ hợp tác mang tâm lý ngại làm thủ tục đăng ký với UBND xã, sợ bị đánh thuế, hoặc sợ các cơ quan chức năng khác gây trở ngại cho việc làm ăn.

Thực tiễn khảo sát cho thấy một trường hợp Tổ hợp tác được thành lập “kép” vừa chứng thực hợp đồng hợp tác ở UBND cấp xã vừa đăng ký tại phòng kế hoạch đầu tư của UBND cấp Huyện và được cấp con dấu pháp nhân (dấu tròn)[14].

Vấn đề năng lực của cơ quan chứng thực: Việc Bộ luật dân sự 2005 trao thẩm quyền chứng thực tư cách chủ thể cho chính quyền UBND cấp xã/phường là một vấn đề cần giải quyết bởi cơ chế đăng ký, quản lý, theo dõi quá trình thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Đặc biệt khi chế độ trách nhiệm của tổ viên là “vô hạn” có quan hệ với nhiều giao dịch mà tổ viên xác lập với tư cách khác như hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân,….thì việc quản lý nhà nước đối với các chủ thể này càng chặt chẽ. Thực tiễn khảo sát cho thấy quản lý nhà nước ở chính quyền cơ sở đối với tổ hợp tác rất yếu, kém. Điều này thể hiện chính quyền cơ sở không phân biệt rõ đâu là tổ hợp tác (có địa phương báo cáo cả tổ hợp tác không chứng thực hợp đồng hợp tác tại UBND xã phường: tổ vay vốn hội phụ nữ, hội nông dân vay vốn – được xem là tổ hợp tác,….).

1.6. Việc chuyển đổi Tổ hợp tác thành tổ chức có tư cách pháp nhân

Theo quy định khoản 1 Điều 111 Bộ luật dân sự 2005 “Tổ hợp tác có đủ điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của pháp luật thì đăng ký hoạt động với tư cách pháp nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Theo báo cáo Liên minh hợp tác xã Việt Nam[15] trong 10 năm từ 2002- 2012 đã có 1.682 tổ hợp tác chuyển thành hợp tác xã. (Số liệu thống kê là 5.662)

Về mặt lý luận và thực tiễn cho thấy khi Tổ hợp tác chuyển đổi thành tổ chức pháp nhân thì Tổ hợp tác cũng sẽ chấm dứt thay vào đó là Hợp tác xã hoặc Doanh nghiệp (theo một số loại hình Luật Doanh nghiệp 2005). Như vậy, việc luật quy định như trên là điều không cần thiết. Trong khi đó tại khoản 1, Điều 120 khi liệt kê các trường hợp chấm dứt tổ hợp tác thì không đề cập đến vấn đề tổ hợp tác chuyển đổi thành pháp nhân. Thực tiễn cũng cho thấy nếu chỉ dừng lại ở mức độ liên kết nhỏ, tạm thời thì hợp đồng hợp tác giữa các bên đã đáp ứng yêu cầu của các bên trong quan hệ đó mà không cần thành lập ra một chủ thể mới.

2. Quan điểm về việc thừa nhận tổ hợp tác – chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự

Tổ hợp tác được Bộ luật dân sự 1995 chính thức thừa nhận là một chủ thể của quan hệ pháp luật và tiếp tục được khẳng định trong Bộ luật dân sự 2005. Tuy nhiên, cũng như lần sửa đổi trước, hiện cũng có hai luồng quan điểm khác nhau về việc có tiếp tục thừa nhận, duy trì tư cách chủ thể của tổ hợp tác trong lần sửa đổi bổ sung Bộ luật dân sự 2005 này.

Quan điểm thứ nhất, tiếp tục thừa nhận tư cách chủ thể của Tổ hợp tác như hiện hành. Quan điểm này cho rằng, từ những con số về số lượng tổ hợp tác, số lượng tổ viên, số vốn…. đã khẳng định tổ hợp tác đã mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội, tạo ra “lưới an sinh xã hội phi chính thức” thông qua giúp đỡ lẫn nhau trong phạm vi các tổ; hình thành các tổ chức mang tính dân chủ, phát huy khả năng sáng tạo của người dân; tạo ra sự phát triển bền vững ở nông thôn; gia tăng lợi ích kinh tế nhờ tăng quy mô sử dụng các nguồn lực tại chỗ. Và với những gì ít, nhiều đang tồn tại cũng như nó chưa có vuớng mắc, ảnh hưởng xấu gì đến các quan hệ dân sự thì việc bỏ nó là không cần thiết. Bên cạnh đó, thì trong các văn kiện về đường lối phát triển kinh tế nước ta vẫn khẳng địn mô hình kinh tế tập thể trong đó có đối tượng tổ hợp tác. Mặt khác, nhóm quan điểm này có xu hướng mong muốn thừa nhận tư cách “pháp nhân”[16] cho tổ hợp tác.

Quan điểm thứ hai, không thừa nhận tổ hợp tác là một chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật dân sự. Quan điểm này cho rằng, thực tiễn không tồn tại tổ hợp tác như các nhà làm luật xây dựng. Quan hệ giữa các tổ viên trong tổ hợp tác chỉ là sự kết hợp của các cá nhân ( tổ viên) với nhau thông qua hợp đồng hợp tác sản xuất, kinh doanh. Sự hình thành, hoạt động hay chấm dứt tổ hợp tác về cơ bản dựa trên hợp đồng.

Như vậy, thực tiễn hợp tác, liên kết hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh là môt hiện tượng xã hội và là nhu cầu tất yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng ta cũng không thể phủ nhận hoàn toàn những con số về số lượng tổ hợp tác thành lập, tổ viên tham gia, số vốn,… của cơ quan quản lý nhà nước cung cấp, trong đó con số có chứng thực hợp đồng hợp tác cũng chiếm tỷ lệ cũng khá lớn.

Thực tiễn tồn tại và phát triển của tổ hợp tác đứng từ công tác quản lý nhà nước cho thấy tổ hợp tác không đặt nhiều vấn đề cần giải quyết do tổ hợp tác không có giao dịch, không có tranh chấp (tranh chấp đến cơ quan UBND cấp cơ sở, tòa án nhân dân giải quyết). Ngoài ra đối với các tổ hợp tác có chứng thực hay không chứng thực cho thấy không có sự khác nhau, cũng như không ảnh hưởng mục đích tham gia tổ hợp tác của các tổ viên. Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác trong thời gian qua chúng tôi cho rằng, do tổ hợp tác không phát sinh giao dịch (nếu có, giá trị giao dịch rất nhỏ), giá trị tài sản tham gia ít nên không phát sinh các vấn đề, quan hệ pháp luật giải quyết. Để trả lời câu hỏi cho viêc có nên quy định tổ hợp tác trong Bộ luật dân sự 2005 sửa đổi trong thời gian tới hay không. Từ những phân tích trên,chúng tôi cho rằng, Bộ luật dân sự 2005 không nhất thiết đề cập tổ hợp tác với tư cách là một chế định, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự.

Đánh giá tác động kinh tế – xã hội khi bỏ chế định tổ hợp tác trong Bộ luật dân sự

Từ thực tiễn hoạt động của các tổ hợp tác (tổ hợp tác có chứng thực hợp đồng hợp tác và tổ hợp tác không có chứng thực hợp đồng hợp tác) cho thấy không có sự khác nhau giữa các tổ hợp tác này. Mục đích mà các tổ viên tham gia tổ hợp tác vẫn được đảm bảo. Đối với các quan hệ phát sinh trong quá trình liên kết, hỗ trợ sản xuất kinh doanh giữa các thành viên với nhau được điều chỉnh thông qua hợp đồng hợp tác và các quy chế do các bên tự thỏa thuận xây dựng lên. Do đó, pháp luật không quy định chế định tổ hợp tác thì thực tiễn nhu cầu liên kết, hỗ trợ sản xuất kinh doanh vẫn tồn tại mà không cần đặt ra vấn đề chứng thực tại UBND cấp xã/phường. Trường hợp phát sinh các quan hệ tài sản trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì có thể điều chỉnh bằng hợp đồng hợp tác. Nếu các cá nhân cần thấy rằng thành lập ra một “pháp nhân” để thuận lợi hơn cho việc sản xuất kinh doanh thì có thể lựa chọn hình thức hợp tác xã hoặc doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp (công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên….) để sản xuất kinh doanh. Do đó, nếu từ bỏ chế định tổ hợp tác thì Bộ luật dân sự cần hoàn thiện thêm chế định hợp đồng hợp tác để điều chỉnh các quan hệ pháp sinh trong quá trình hợp tác, liên kết ban đầu của các thành viên. Cũng như công tác phổ biến giáo dục pháp luật để “người dân” đang tham gia các “tổ hợp tác” không cảm thấy lo lắng về những thay đổi pháp luật này.

Đối với phương án vẫn duy trì chế định tổ hợp tác, chúng tôi cho rằng chúng ta phải có những dự đoán về tổ hợp tác đúng nghĩa, cần hoàn thiện về mặt pháp luật đối với các quy định này.

Thứ nhất, đó là cơ chế công khai tư cách thành viên: Bộ luật dân sự 2005 sửa đổi cần quy định vấn đề trong trường hợp có sự thay đổi (bổ sung, chấm dứt,…) tư cách tổ viên thì phải báo cáo, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai, cơ chế quản lý, hạn chế tham gia các quan hệ pháp luật khác khi trách nhiệm dân sự của tổ viên là trách nhiệm vô hạn. Pháp luật hiện hành trao thẩm quyền quản lý nhà nước cho chính quyền cấp cơ sở (UBND cấp xã/phường) trong khi đó pháp luật hiện hành việc, đăng ký thành lập chủ thể (Doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể…) thì cấp có thẩm quyền từ cấp Quận/huyện trở lên. Đặc biệt khi chế độ trách nhiệm của tổ viên tổ hợp tác là trách nhiệm vô hạn thì vấn đề công khai, kiểm soát thành viên của tổ hợp tác càng đặt ra để tránh rủi ro cho bên thứ ba. Pháp luật cũng cần hạn chế sự tham gia của tổ viên tổ hợp tác theo hướng mỗi tổ viên chỉ được tham gia một tổ hợp tác và không được phép thành lập doanh nghiệp tư nhân. Để thống nhất trong cơ quan quản lý nhà nước, pháp luật cần điều chỉnh theo hướng thẩm quyền chứng thực, đăng ký tổ hợp tác trao cho chính quyền UBND cấp Quận/huyện.


[1] Thông tư số 88-VP/TH ngày 17/3/1958 của Ngân hàng Quốc gia hướng dẫn thi hành Nghị định số 047-TTg ngày 14/2/1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc ấn định mức lãi suất tiền gửi tư nhân, tiền gửi tiết kiệm, lợi suất tính vào số dư tài khoản thanh toán, lợi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng quốc gia Việt Nam

[2] http://thuvienphapluat.vn/phap-luat/tim-van-ban.aspx?keyword=t%E1%BB%95%20h%E1%BB%A3p%20t%C3%A1c&area=0&type=0&status=0&lan=1&org=0&signer=0&match=False&sort=6&bdate=21/09/1932&edate=21/09/2012

[3] Nghị định số 151/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác; Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 9/7/2008 của Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn một số quy định tại Nghị định 151/NĐ-CP

[4] Trong quá trình sửa đổi Bộ luật dân sự 1995 có nhiều quan điểm về việc tiếp tục thừa nhận hay không thừa nhận Tổ hợp tác là một chủ thể của Bộ luật dân sự 2005. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, do thiếu các cơ sở lý luận và thực tiễn về sự tồn tại, hoạt động của Tổ hợp tác nên vấn đề Tổ hợp tác vẫn được giữ lại, về cơ bản kế thừa các quy định của Bộ luật dân sự 1995.

[5] Theo báo cáo chưa đầy đủ từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam của các địa phương, đến 31/12/2011 cả nước có trên 370.000 tổ hợp tác, tăng 15,6% so với năm 2006 (năm 2006 có 320.000 tổ hợp tác); trong đó có 123.506 tổ hợp tác nông lâm nghiệp (chiếm 33,38%), 47.138 tổ công nghiệp – TTCN (chiếm 12,74%), 65.675 tổ thương mại dịch vụ (chiếm 17,75%), 14.245 tổ thủy sản (chiếm 3,85%), 10.138 tổ dịch vụ điện nước (chiếm 2,74%), 83.176 tổ tín dụng cho vay vốn (chiếm 22,48%), 26.122 tổ dịch vụ cộng đồng khác (chiếm 7,06%). Những năn gần đây tổ hợp tác phát triển rộng ở khắp các vùng miền cả nước, đặc biệt phát triển mạnh ở khu vực Nam bộ (chiếm 49,9% tổng số tổ hợp tác), tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tín dụng và vay vốn, và ở những khu vực có kinh tế hàng hóa phát triển. – Nguồn: Nguyễn Minh Tuấn, Liên Minh hợp tác xã Việt Nam, tham luận Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự 2005 về chế định tổ hợp tác, (Bộ Tư pháp, Viện Khoa học Pháp lý, Tọa đàm “Thực tiễn thi hành một số chế định của Bộ luật dân sự 2005 trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 10/5/2012)

– Theo số liệu tổng hợp của Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tính đến cuối năm 2011 (trên cơ sở báo cáo của 42/63 tỉnh/thành phố) thì cả nước có 139.122 Tổ hợp tác với 1,5 triệu thành viên tham gia, doanh thu trung bình của một tổ hợp tác là 343,77 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên tổ hợp tác là 12,06 triệu đồng/năm/tổ viên. – Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo tình hình phát triển Tổ hợp tác ở Việt Nam – kỷ yếu hội thảo về phát triển Tổ hợp tác ở Việt Nam, ngày 27/6/2012.

[6] Thông tư số 04/2008/TT-BKH hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác khi quy định đối tượng áp dụng thông tư này gồm:a. Tổ hợp tác được quy định tại Điều 1 Nghị định 151/2007/NĐ-CP;b. Tổ chức có tên gọi khác như: “nhóm liên kết”, “câu lạc bộ”, “tổ tương trợ”, v.v., nhưng có tính chất tổ chức và hoạt động phù hợp với quy định về tổ hợp tác tại Điều 1 Nghị định 151/2007/NĐ-CP.

[7] Tổ hợp tác Phú Sơn, tỉnh Phú Yên: Tổ hợp tác có số vốn ban đầu do hội viên tự nguyện đóng góp 2.400.000đ (100.000đ/1 hội viên). Qua quá trình hoạt động, với sự kết nạp của các hội viên, hiện tại số vốn của Tổ là 4.300.000đồng.

[8] Điều 12, Nghị định 151/2005/NĐ-CP: Tổ hợp tác được lựachọn ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm, hoạt động khônggiới hạn theo phạm vi hành chính địa phương nơi tổ hợp tác chứng thực hợp đồnghợp tác. Tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi phải có Giấyphép hành nghề hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì phải tuân thủcác quy định về giấy phép hành nghề hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinhdoanh theo quy định của pháp luật.; Trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu hoặc liên doanh, liên kếtvới tổ chức, cá nhân trong n­ước và tổ chức, cá nhân n­ước ngoài để mở rộng sảnxuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; Được hưởng các chính sách hỗ trợ và tham gia xây dựng,thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể;kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm và xoáđói, giảm nghèo ở địa phương.; Được mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo quy định củapháp luật và theo cơ chế người đại diện được ghi trong hợp đồng hợp tác; Được ký kết các hợp đồng dân sự; Quyết định việc phân phối hoa lợi,lợi tức và xử lý các khoản lỗ của tổ hợp tác.; Các quyền khác được ghi trong hợpđồng hợp tác nhưng không trái với các quy định của pháp luật.

[9] Tổ hợp tác bánh hòa đa: Là tổ hợp tác được thành lập trên cơ sở 4 thành viên (vợ, chồng và 2 người con), có đăng ký chứng thực tại UBND xã/phường đồng thời đăng ký kinh doanh tại Phòng kế hoạch – đầu tư của Huyện và được cấp con dấu pháp nhân. Tuy nhiên, khi đi vay vốn ngân hàng thì tổ trưởng (đồng chủ hộ gia đình) để phục vụ sản xuất kinh doanh của cơ sở thì dùng giấy CNQSD đất của hộ gia đình đi thế chấp.

[10] Nguyễn Minh Tuấn, Liên Minh hợp tác xã Việt Nam, tham luận Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự 2005 về chế định tổ hợp tác, (Bộ Tư pháp, Viện Khoa học Pháp lý, Tọa đàm “Thực tiễn thi hành một số chế định của Bộ luật dân sự 2005 trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 10/5/2012)

[11] Nguồn: Liên minh hợp tác xã tỉnh Phú Yên

[12] Nguồn: Liên minh hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn

[13] http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30701&cn_id=514184

[14] Tổ hợp tác “Bánh hòa đa” tại Phú Yên.

[15]Dự thảo Báo cáo Tổng kết mười năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

[16] Trong trong những tiêu chí để xác định một tổ chức có tư cách pháp nhân hay không đó là có tài sản độc lập, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ thì Tổ hợp tác không đáp ứng được.

Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ – BỘ TƯ PHÁP