Posts Tagged ‘bất cập’

BÌNH LUẬN VỀ NHỮNG BẤT CẬP CỦA PHÁP LUẬT GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

22/06/2013

Bình luận về 30 vấn đề khó khăn, vướng mắc về giao dịch bảo đảm và liên quan đến bảo đảm nghĩa vụ dân sự, được viết theo đặt hàng của Cục Đăng ký quốc gia Giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp để tham gia Hội thảo Khoa học cấp bộ: “Nhận diện khía cạnh pháp lý của vật quyền bảo đảm và một số kiến nghị xây dựng, hoàn thiện Bộ luật Dân sự Việt Nam”.

1. Về cầm cố thẻ tiết kiệm của ngân hàng khác:

1.1. Khó khăn, vướng mắc:

Việc cầm cố thẻ tiết kiệm do ngân hàng khác phát hành chưa bảo đảm cơ sở pháp lý. Thủ tục hiện nay là, bên phát hành thẻ tiết kiệm xác nhận đồng ý phong toả tài khoản tiền gửi và xác nhận hỗ trợ bên nhận cầm cố xử lý để thu hồi nợ. Tuy nhiên, việc này dường như mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, chứ chưa rõ nghĩa vụ là của Bên phát hành thẻ tiết kiệm. Nếu có nghĩa vụ thanh toán khác, đặc biệt nếu như chính là nghĩa vụ với ngân hàng phát hành thẻ tiết kiệm, thì ngân hàng phát hành có thể ưu tiên khấu trừ số tiền gửi trước. Bên nhận cầm cố khó có cơ sở pháp lý để đòi hỏi quyền lợi.

1.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Cầm cố thẻ tiết kiệm là một trường hợp rất đặc biệt. Bên nhận cầm cố không “trực tiếp giữ tài sản”, cũng không “uỷ quyền cho người thứ ba giữ tài sản” theo quy định tại Điều 16 “Giữ tài sản cầm cố”,  Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 11/2012/NĐ-CP).

Người phát hành thẻ tiết kiệm cũng không phải là người thứ ba giữ tài sản cầm cố (càng không phải là giữ tài sản thế chấp). Do đó, bên phát hành thẻ tiết kiệm cũng không có các nghĩa vụ theo “hợp đồng gửi giữ tài sản” như quy định tại khoản 2, Điều 17 “Trách nhiệm của bên nhận cầm cố trong trường hợp tài sản cầm cố bị mất, hư hỏng, mất giá trị hoặc giảm sút giá trị”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP: “Trong trường hợp tài sản cầm cố là vật do người thứ ba giữ mà có nguy cơ bị mất, hư hỏng, mất giá trị hoặc giảm sút giá trị thì quyền và nghĩa vụ giữa người thứ ba và bên nhận cầm cố được thực hiện theo hợp đồng gửi giữ tài sản.”

 

Pháp luật chưa quy định rõ nghĩa vụ của ngân hàng phát hành thẻ tiết kiệm. Khoản 2, Điều 19 “Quyền của bên nhận cầm cố trong trường hợp nhận cầm cố vận đơn, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP chỉ quy định: “bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phong toả tài khoản tiền gửi tiết kiệm của bên cầm cố.” Và đoạn 2, khoản 3 tiếp theo thì không quy định nghĩa vụ đối với người phát hành thẻ tiết kiệm, mà chỉ quy định nghĩa vụ của người phát hành giấy tờ có giá: “Trong trường hợp người phát hành giấy tờ có giá hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán vi phạm cam kết đảm bảo quyền giám sát của bên nhận cầm cố mà gây thiệt hại cho bên nhận cầm cố thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nhận cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

1.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP theo hướng, quy định rõ việc xác nhận cầm cố thẻ tiết kiệm là một thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm và nghĩa vụ của người phát hành thẻ tiết kiệm trong trường hợp đã xác nhận việc cầm cố.

2. Về thế chấp hàng hoá luân chuyển:

2.1. Khó khăn, vướng mắc:

Tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dù đã được đăng ký thế chấp và các bên thoả thuận chỉ được bán khi có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, nhưng bên thế chấp có thể bán bất kỳ lúc nào mà không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp.

Bên nhận thế chấp chỉ có quyền “yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán.”

2.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Khoản 3, Điều 349 “Quyền của bên thế chấp tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Bên thế chấp tài sản có quyền “Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.”

Khoản 1, Điều 20 “Quyền của bên nhận thế chấp trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng quy định bên nhận thế chấp chỉ có quyền thu hồi tài sản thế chấp “trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp”.

Các quy định trên đã đương nhiên cho phép bên thế chấp được bán tài sản thế chấp và loại trừ hoàn toàn quyền của bên nhận thế chấp đối với việc thu hồi tài sản thế chấp đã được đăng ký thế chấp hợp pháp bị bán trái với thoả thuận. Như vậy bên mua tài sản thế chấp luôn được bảo vệ, không cần biết có ngay tình hay không và dù cho tài sản thế chấp có hay không được đăng ký thế chấp.

Với những quy định như trên, pháp luật đã mặc nhiên phủ nhận ý chí thoả thuận của các bên và đã vô hiệu hoá ý nghĩa, tác dụng của cơ chế đăng ký thế chấp tài sản là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

2.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP theo hướng, quy định rõ việc giải quyết hậu quả pháp lý (quyền, nghĩa vụ của bên thế chấp, bên nhận thế chấp và bên thứ ba) đối với việc bên thế chấp bán tài sản thế chấp trái với thoả thuận với bên nhận thế chấp trong hai trường hợp có và không có đăng ký giao dịch thế chấp.

3. Về thế chấp xe ô tô:

3.1. Khó khăn, vướng mắc:

Khi bên nhận thế chấp không giữ Giấy chứng nhận đăng ký xe, bên nhận thế chấp xe ô tô dễ dàng bán, gán nợ, cầm cố, thế chấp,… xe ô tô đã được thế chấp hợp pháp, vì họ giữ cả xe và Giấy chứng nhận đăng ký xe.

Tuy pháp luật vẫn bảo vệ quyền của bên nhận thế chấp, tuy nhiên đối mặt với rủi ro quá cao, vì tài sản thế chấp là phương tiện di chuyển khắp nơi trên cả nước, nên không dễ theo dõi, quản lý, nhất là ước tính có thể lên đến 40-50% số xe đang lưu hành được mua bán trao tay, không làm thủ tục sang tên.

Việc này làm cho các ngân hàng sẽ hạn chế tối đa việc nhận thế chấp xe ô tô, dẫn đến khó khăn cho giao dịch vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

3.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Điều 20a “Giữ giấy tờ về tài sản thế chấp”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định: Bên thế chấp giữ bản chính “Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”.

Thực tế nhiều năm trước đây, ngân hàng giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe, chỉ cấp cho chủ phương tiện bản sao, thì việc lưu hành vẫn diễn ra bình thường. Thậm chí còn xảy ra tình trạng, bản sao chỉ được cấp trong một thời hạn ngắn, nhưng dù đã hết thời hạn từ lâu, mà chủ xe vẫn lưu hành bình thường trong nhiều năm, tức là không cần đến cả bản chính lẫn bản sao.

3.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Nghị định số 163/2006/NĐ-CP theo hướng, cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được giữ (như Nghị định số 178/2000/NĐ-CP trước đây) hoặc cơ quan đăng ký thế chấp giữ hoặc đánh dấu trên Giấy chứng nhận để bên thứ ba nhận biết được rõ ràng việc xe ô tô đang được sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự.

4. Về thế chấp phương tiện vận tải khác:

4.1. Khó khăn, vướng mắc:

Có sự không thống nhất trong việc quy định về biện pháp cầm cố và thế chấp các phương tiện giao thông vận tải là tàu bay, tàu biển, tàu thủy, thậm chí cả tàu cả.

4.1. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Bộ luật Hàng hải năm 2006 và Luật Thuỷ sản năm 2003 chỉ quy định biện pháp thế chấp tàu biển và tàu cá. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 thì quy định cả 2 biện pháp cầm cố, thế chấp tàu bay. Luật Giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004, Luật Giao thông đường sắt năm 2005 thì không có quy định về biện pháp cầm cố, thế chấp tàu sông, tàu hoả, tức là có thể được cầm cố hay thế chấp tuỳ thuộc vào việc chuyển giao hay không chuyển giao tài sản bảo đảm.

Riêng phương tiện giao thông đường bộ không được Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về biện pháp cầm cố, thế chấp là hợp lý, vì có thể thoả thuận biện pháp cầm cố hay thế chấp.

4.2. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 theo hướng, chỉ quy định việc thế chấp tàu bay thay vì vừa thế chấp, vừa cầm cố như quy định hiện hành. Đồng thời sửa đổi quy định của Luật Giao thông đường sắt và Luật Giao thông đường thủy nội địa theo hướng, quy định rõ việc thế chấp tàu hoả và tàu sông (không cầm cố).

5. Về thế chấp nhà ở:

5.1. Khó khăn, vướng mắc:

Có ba khó khăn vướng mắc về việc thế chấp nhà ở: Thứ nhất là, nhà ở, dù giá trị lớn đến đâu cũng chỉ được thế chấp tại một TCTD, mà không được thế chấp tại nhiều TCTD. Thứ hai là, chỉ được thế chấp để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ, “nếu giá trị của nhà ở đó lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ” (đồng nghĩa với việc không được thế chấp để bảo đảm một phần nghĩa vụ). Thứ ba là, không được thế chấp cho cá nhân, tổ chức khác ngoài TCTD.[2]

Xét riêng việc quy định chỉ được thế chấp nhà ở tại một TCTD đã là một điều ngớ ngẩn, nay lại còn được giải thích theo hướng, cấm thế thấp ở chỗ khác nữa thì khác nào cấm chủ sở hữu mua bán, thế chấp tài sản đang thuộc sở hữu của họ. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, từ chỗ bị nghiêm cấm “phát canh thu tô, cho thuê, cầm cố hoặc bán nhượng đất dưới bất cứ hình thức nào”, đến nay gần như đã được tha hồ mua bán, thế chấp. Vậy mà nhà ở thuộc sở hữu tư nhân, lại bị hiểu là không được thế chấp cho cá nhân, tổ chức ngoài TCTD?

5.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Điều 114 “Điều kiện thế chấp nhà ở”, Luật Nhà ở năm 2005 quy định: “Chủ sở hữu nhà ở được thế chấp nhà ở để bảo đảm thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ nếu giá trị của nhà ở đó lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ nhưng chỉ được thế chấp tại một TCTD.

5.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Luật Nhà ở năm 2005 theo hướng, không quy định giá trị nhà ở phải lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ bảo đảm và không hạn chế việc chỉ được thế chấp tại một TCTD, đồng thời diễn đạt rõ để tránh cách hiểu rằng chỉ được thế chấp nhà ở tại TCTD. Trước mắt, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật để hoá giải cách hiểu rất vô lý: Chỉ được thế chấp nhà ở tại TCTD.

6. Về việc thế chấp bất động sản không kèm theo đất và ngược lại

6.1. Khó khăn, vướng mắc:

Bất động sản trên đất và đất là một khối tài sản chung, không thể tách rời. Nếu chỉ thế chấp một thứ, tài sản kia không thế chấp, vô cùng khó khăn trong xử lý, đặc biệt là trường hợp thế chấp ở các nơi khác nhau.

Khác với một tài sản thế chấp nhiều nơi, khi một nghĩa vụ đến hạn, thì nghĩa vụ kia cũng được coi là đến hạn và có thể xử lý tài sản bảo đảm, còn việc thế chấp nhà, bất động sản riêng, đất riêng, thì bị xung đột pháp luật, vì hai loại tài sản này tuy là một bất động sản nhưng lại có chế độ pháp lý khác nhau.

6.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Pháp luật cho phép thế chấp quyền sử dụng đất riêng và tài sản trên đất riêng. Khoản 2, Điều 716 “Phạm vi thế chấp quyền sử dụng đất”: Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Trường hợp người sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất thì nhà, công trình xây dựng khác, rừng trồng, vườn cây và các tài sản khác của người thế chấp gắn liền với đất chỉ thuộc tài sản thế chấp, nếu có thoả thuận.” Trên cơ sở đó, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã quy định rõ việc chỉ thế chấp quyền sử dụng đất hoặc chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất.

6.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự theo hướng, quy định rõ trường hợp nào được nhận thế chấp riêng và tài sản gắn liền với đất riêng (chẳng hạn một trong hai loại không được thế chấp như trong trường hợp quyền sử dụng đất không được phép thế chấp hoặc công trình xây dựng trái phép). Các trường hợp còn lại, thì việc thế chấp bất động sản phải gắn liền với đất và ngược lại.

7. Về thế chấp quyền sử dụng đất:

7.1. Khó khăn, vướng mắc:

Rất khó khăn trong việc phân biệt trường hợp nào thì được phép thế chấp đối với đất nhận chuyển nhượng, đất giao, đất thuê, nhất là đối với đất thuộc quyền sử dụng của các tổ chức. Và trong một số trường hợp, chỉ được thế chấp để vay vốn sản xuất, kinh doanh, chứ không được thế chấp để bảo đảm những nghĩa vụ khác trong hoặc phi sản xuất, kinh doanh.

7.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Luật Đất đai năm 2003 quy định không rõ về các loại đất được thế chấp và có sự nhầm lẫn với luật cũ từ những năm 1980 khi cấm mua bán, chuyển nhượng đất đai, do đó dẫn đến hệ quả là trong một số trường hợp chỉ quy định việc thế chấp đất đai tại các TCTD để vay vốn sản xuất, kinh doanh.

7.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 theo hướng, tổ chức kinh tế không chỉ được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại TCTD được phép hoạt động tại Việt Nam để vay vốn sản xuất, kinh doanh; cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất không chỉ có quyền thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn sản xuất, kinh doanh, mà được thế chấp cho mọi tổ chức, cá nhân và để bảo đảm cho mọi nghĩa vụ dân sự.

8. Về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai:

8.1. Khó khăn, vướng mắc:

Hiện nay, trừ quyền sử dụng đất, còn nhà ở và các bất động sản khác, tuy đã hiện hữu từ nhiều năm, nhưng vẫn có thể được xác định là tài sản hình thành trong tương lai. Đặc biệt là ngay cả tài sản chưa hề hình thành trên thực tế vẫn được coi là tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ.

Nhận thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai là đúng luật, nhưng không giải quyết được bản chất của giao dịch bảo đảm, vì như vậy thì có thể bảo đảm (nếu có thể quy đổi ngay thành tiền) nhưng cũng rất có thế không hề có bảo đảm (nếu chưa thể quy đổi ngay thành tiền, thậm chí tài sản không bao giờ được hình thành xong).[3] Do vậy, việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai chỉ có ý nghĩa đối với tài sản hoặc phần tài sản đã hình thành xong, nhưng chưa có giấy tờ sở hữu hoặc đang trên đường vận chuyển, còn sẽ trở lên vô nghĩa đối với các trường hợp tài sản chưa được hình thành.

Vướng mắc nữa là không công chứng, đăng ký được hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, đều được coi là tài sản hình thành trong tương lai, nhưng nhà ở đang xây dựng, thì được thế chấp, mua bán,[4] còn khi đã xây xong và bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, thì lại không được phép thế chấp, mua bán.[5]

8.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Chưa có tài sản hiện hữu thì việc bảo đảm không còn ý nghĩa thực tiễn, còn tương lai thì có thể có và có thể không có tài sản bảo đảm.

Điều 91 “Điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch”, Luật Nhà ở năm 2005 quy định giao dịch nói chung, thế chấp nhà ở nói riêng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Điều 5 “Lời chứng của công chứng viên”, Luật Công chứng năm 2006 quy định: Lời chứng của công chứng viên phải ghi rõ “mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch là có thật”.

8.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự và các đạo luật liên quan theo hướng, loại bỏ tài sản hình thành trong tương lai chưa hiện hữu ra khỏi các loại tài sản được cầm cố, thế chấp; đồng thời không gọi các bất động sản đã hình thành là tài sản hình thành trong tương lai (cần cho phép thế chấp bất động sản chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu). Chỉ nên ghi nhận cam kết hứa hẹn thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản hình thành đến đâu thì mới có giá trị bảo đảm và được thế chấp đến đó.

Đề nghị sửa Luật Công chứng theo hướng, chỉ công chứng hình thức.

9. Về tài sản bảo đảm của hộ gia đình:

9.1. Khó khăn, vướng mắc:

Tài sản bảo đảm của hộ gia đình theo quy định phải được tất cả các thành viên trong hộ gia đình đồng ý bằng văn bản. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là thành viên của hộ gia đình là điều rất khó khăn, vì hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Nguy cơ hợp đồng thế chấp (đã được công chứng và đăng ký thế chấp) bị vô hiệu là rất lớn.[6]

9.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Việc thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên trong hộ gia đình từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý theo quy định tại khoản 2, Điều 108 “Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự năm 2005: “Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.”

Khoản 2, Điều 146 “Hợp đồng về quyền sử dụng đất”, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 20-10-2004 của Chính phủ về Thi hành Luật Đất đai quy định “Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản uỷ quyền theo quy định của pháp luật về dân sự.”

9.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 theo hướng, loại bỏ chủ thể hộ gia đình ra khỏi chủ thể của Bộ luật Dân sự. Đồng thời sửa Luật Đất đai theo hướng, phải ghi rõ tên của tất cả các thành viên có quyền sử dụng (sở hữu) đất, thay vì ghi hộ gia đình.

Trường hợp có một số thành viên trong hộ gia đình không ký tên trong hợp đồng thế chấp thì hợp đồng thế chấp chỉ vô hiệu một phần.

10. Về thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của người khác (thế chấp tài sản của người thứ ba):

10.1. Khó khăn, vướng mắc:

Việc thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của người khác (thế chấp tài sản của người thứ ba) đang bị cuốn vào cuộc chiến rủi ro pháp lý rất đáng lo ngại, bị coi là trái luật và luôn có nguy cơ bị tuyên vô hiệu vì Toà án và nhiều cơ quan cho rằng phải gọi đúng là hợp đồng bảo lãnh.[7]

Trong khi đó, vì theo đúng tinh thần của Bộ luật Dân sự năm 2005, các cơ quan công chứng và đăng ký thế chấp chỉ chấp nhận hợp đồng thế chấp, chứ không chấp nhận hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản nói chung và bằng bất động sản nói riêng.

10.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Do nhận thức sai và do quy định về bảo lãnh tại Điều 361 “Bảo lãnh”, Bộ luật Dân sự năm 2005 không rõ, gần như không khác gì quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.” Trong khi đó Luật Đất đai hiện hành năm 2003, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 lại nhiều lần đề cập đến việc bảo lãnh bên cạnh việc thế chấp quyền sử dụng đất. Cuốn sách “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2005” của Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, do PGS.TS Hoàng Thế Liên chủ biên, tại trang 157 cũng giải thích Điều 361, Bộ luật Dân sự rằng: “Điều khác nhau cơ bản giữa chế định bảo lãnh và các chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nêu trên là ở chỗ bảo lãnh là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trong đó người thứ ba dùng tài sản thuộc quyền sở hữu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của người khác chứ không phải là bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của chính chủ sở hữu tài sản như các chế định bảo đảm khác.”

Khoản 1, Điều 47 “Xử lý tài sản của bên bảo lãnh”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì tài sản cầm cố, thế chấp được xử lý theo quy định tại Chương IV của Nghị định này.” đã dẫn đến cách hiểu, bảo lãnh gồm 2 trường hợp đưa trước và chưa đưa tài sản vào cầm cố, thế chấp.

10.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng, quy định rõ bảo lãnh là biện pháp bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba, nhưng không đưa tài sản vào cầm cố, thế chấp. Nếu có tài sản cầm cố, thế chấp thì áp dụng biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba.

Bãi bỏ quy định tại khoản 1, Điều 47 “Xử lý tài sản của bên bảo lãnh”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.

Trước mắt đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích rõ khái niệm bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự và đề nghị Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo xét xử theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.

11. Về uỷ quyền giao dịch bảo đảm:

11.1. Khó khăn, vướng mắc:

Nhiều người, trong đó có một số thẩm phán cho rằng, chỉ chấp nhận hợp đồng uỷ quyền giao dịch bảo đảm tại ngân hàng để vay vốn cho chính người uỷ quyền, chứ không được phép uỷ quyền cầm cố, thế chấp để vay vốn cho người được uỷ quyền hay cho người khác.[8]

11.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Điều 581 “Hợp đồng uỷ quyền”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền” đã bị nhiều người hiểu sai rằng, mọi hành động của người được ủy quyền đều phải vì lợi ích của người ủy quyền, do đó ký hợp đồng bảo đảm để vay vốn cho người khác là trái luật.

11.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Quy định, giải thích rõ việc uỷ quyền có thể bao gồm để thực hiện cả quyền và nghĩa vụ của bên uỷ quyền, tức là bên được ủy quyền hoàn toàn có quyền ký hợp đồng cầm cố, thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ cho chính người có tài sản hay cho người khác đều là hợp pháp.

12. Về một người đồng thời ký hợp đồng bảo đảm với 2 tư cách:

12.1. Khó khăn, vướng mắc:

Việc một người đồng thời ký với 2 tư cách (bên bảo đảm và bên vay vốn) trong hợp đồng bảo đảm là trường hợp khá phổ biến. Chẳn hạn chủ tịch hoặc giám đốc một công ty, là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mang tài sản cá nhân của mình để cầm cố, thế chấp bảo đảm cho khoản vay của công ty là một việc làm hoàn toàn hợp pháp, chính đáng. Hợp đồng bảo đảm được ký giữa 2 bên, chủ sở hữu tài sản là cá nhân với ngân hàng để bảo đảm cho khoản vay của công ty thì là hoàn toàn bình thường. Nếu hợp đồng bảo đảm được ký giữa 3 bên, tức là đưa thêm công ty với tư cách là bên vay vốn vào, thì càng đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và chắc chắn hơn. Tuy nhiên, nó lại dẫn đến hậu quả pháp lý nặng nề, đã có bản án tuyên vô hiệu giao dịch bảo đảm trong trường hợp này. Và hàng vạn hợp đồng bảo đảm khác luôn nơm nớp như cá nằm trên thớt trước nguy cơ bị tuyên vô hiệu.

12.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Khoản 5, Điều 144 “Phạm vi đại diện”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Đây là quy định cần thiết và hợp lý trong các giao dịch dân sự nói chung để tránh tình trạng lợi dụng trục lợi hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia quan hệ dân sự nói chung. Do chưa có “quy định khác” là thế nào, nên điều cấm này đã bị hiểu một cách quá máy móc đối với giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.

12.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng, quy định rõ một người được ký hợp đồng cầm cố, thế chấp với 2 tư cách, vừa là đại diện của bên vay vốn, vừa là đại diện của bên bảo đảm. Trong lúc chưa sửa đổi Bộ luật, thì cần phải bổ sung quy định này vào Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.

Thực tế hiện nay đành chỉ để 2 bên ký hợp đồng bảo đảm 3 bên. Hoặc lại phải lách luật bằng cách giám đốc buộc phải uỷ quyền cho phó giám đốc công ty ký hoặc chủ sở hữu tài sản đành phải uỷ quyền cho người khác ký hộ mình. Bản chất thì vẫn không có gì thay đổi, nhưng lại “qua mặt” được những người theo trường phái vô hiệu.

13. Về nội dung của hợp đồng bảo đảm:

13.1. Khó khăn, vướng mắc:

Hợp đồng bảo đảm bắt buộc phải có những nội dung nào là vấn đề chưa được pháp luật quy định rõ. Chẳng hạn giá trị của tài sản bảo đảm là một trong những nội dung trọng yếu của của hợp đồng bảo đảm, nhưng theo hướng, dẫn của Bộ Tư pháp thì lại không nhất thiết phải ghi trong hợp đồng bảo đảm, trừ thế chấp nhà ở là phải ghi rõ, do phải thực hiện quy định tại Điều 114 “Điều kiện thế chấp nhà ở, Luật Nhà ở năm 2005. Từ đó Công văn của Bộ Tư pháp khẳng định “Công chứng viên yêu cầu trong hợp đồng bảo đảm phải có điều khoản về giá trị của tài sản bảo đảm là không đúng với quy định của pháp luật.”[9] Nếu như vậy, thì chẳng hoá ra, hợp đồng mua bán tài sản, nếu không ghi giá cả và giá trị thì cũng không trái với quy định của pháp luật?

13.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Điều 402 “Nội dung của hợp đồng dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định “Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây”. Như vậy thì trừ khi pháp luật có quy định cụ thể về điều khoản bắt buộc như hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo hiểm,… các hợp đồng khác không cần biết có hay không có điều khoản chủ yếu (bắt buộc).

13.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng, quy định giá trị nghĩa vụ được bảo đảm và giá trị tài sản bảo đảm phải là những nội dung bắt buộc phải có trong các hợp đồng bảo đảm.

14. Về các thủ tục bắt buộc trong thế chấp bất động sản:

14.1. Khó khăn, vướng mắc: [10]

Việc đồng thời phải công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm gây phức tạp, tốn kém không cần thiết. Nếu như pháp luật thực sự muốn bảo vệ người ngay thật, không dung túng cho các hành vi gian lận, lừa đảo, thì chỉ cần quy định bên nào thực sự đã công chứng hợp đồng thế chấp trước là có quyền ưu tiên. Nhưng pháp luật đã gây nhiễu loạn, vô tình tiếp tay cho những kẻ giao dịch lật lọng, bội ước, thậm chí phạm tội bằng quy định bắt buộc phải công chứng, nhưng lại vô giá trị pháp lý. Giao dịch công chứng sau dù có bất hợp pháp, phủ nhận, cướp đoạt giao dịch công chứng hợp pháp, tự nguyện trước đó, nhưng nếu như nhanh tay đăng ký được thế chấp trước, thì lại trở thành hợp pháp và lại được quyền ưu tiên hơn. Đúng ra, điều này chỉ được chấp nhận duy nhất trong một trường hợp, đó là khi người nhận thế chấp trước cho phép tiếp tục được thế chấp cho người khác (sẵn sàng chia sẻ hay hy sinh vì lợi ích của người nhận thế chấp sau).

Công chứng và đăng ký thế chấp chỉ thực sự có ý nghĩa pháp lý, nếu như có giao dịch khác trùng lặp, dẫn đến xung đột quyền lợi và nghĩa vụ. Tuy nhiên trên thực tế xét xử, dù tài sản thế chấp chỉ liên quan đến một chủ nợ và một con nợ, không hề xuất hiện người thứ ba, nhưng nếu hợp đồng thế chấp không công chứng thì sẽ bị vô hiệu và không đăng ký thế chấp thì cũng bị vô hiệu.

Bắt buộc phải làm, cùng nhau thoả thuận loại trừ mọi giao dịch khác, nhưng lại bị quy định về quyền ưu tiên đăng ký thế chấp vô hiệu hoá. Không thế chấp nhận 2-3 thứ thủ tục pháp lý bắt buộc, nhưng rồi lại xung đột nhau, nhất là trường hợp bên này công chứng đúng nhưng đăng ký thế chấp sai và bên kia thì đăng ký đúng, nhưng lại công chứng sai.

14.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Theo quy định hiện hành, việc thế chấp nhà ở và quyền sử dụng đất bắt buộc đồng thời phải công chứng và đăng ký thế chấp, ngoài ra phải bàn giao bản chính giấy chứng nhận bất động sản.

14.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Luật Nhà ở năm 2005 và Luật Đất đai năm 2003 theo hướng, không bắt buộc phải công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở và quyền sử dụng đất.

Đồng thời sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng, quy định rõ hợp đồng nói chung, hợp đồng thế chấp nói riêng không bị vô hiệu trong trường hợp không công chứng và đăng ký thế chấp.

15. Về việc đăng ký thế chấp tại Bộ Tư pháp:

15.1. Khó khăn, vướng mắc:

Việc đăng ký thế chấp tại Trung tâm đăng ký giao dịch và tài sản, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), tuy rất nhanh chóng, thuận tiện, nhưng ý nghĩa tác dụng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là việc đăng ký thế chấp hàng hoá, không bảo đảm cơ sở pháp lý cũng như thực tế khi phải xử lý tài sản bảo đảm, nhất là trường hợp nhiều ngân hàng cùng nhận thế chấp một lô hàng, kho hàng cùng loại. Bên thế chấp được quyền đương nhiên bán hợp pháp, kể cả trường hợp vi phạm thoả thuận về việc bán phải có sự cho phép của bên nhận thế chấp. Do đó nguyên tắc thứ tự ưu tiên tại Điều 325 về “Thứ tự ưu tiên thanh toán”, Bộ luật Dân sự năm 2005 hầu như không còn ý nghĩa trên thực tế.

15.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Pháp luật cho phép bên thế chấp tự động được quyền bán, không cần có sự đồng ý của bên thế chấp.[11] Với môi trường pháp lý hiện nay, nếu đã cho bên thế chấp bán hàng không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, thì quyền bảo đảm của bên nhận thế chấp gần như là vô nghĩa.

15.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP theo hướng, đã đăng ký thế chấp rồi, thì mọi việc mua bán, trao đổi, tặng cho hàng hoá mà không được sự đồng ý của bên nhận thế chấp đều là bất hợp pháp.

16. Về hiệu lực của giao dịch bảo đảm:

16.1. Khó khăn, vướng mắc:

Chỉ thấy các quy định bắt buộc phải công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm tuy nhiên chưa thấy quy định nào khẳng định việc không công chứng hay không đăng ký giao dịch bảo đảm thì hợp đồng bị vô hiệu.[12] Tuy nhiên, thực tế xét xử, các hợp đồng bắt buộc phải công chứng và bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm đều bị tuyên vô hiệu, nếu như không thực hiện 1 trong 2 thủ tục này.

Thế thì không thể hiểu nổi, thủ tục bắt buộc công chứng thì có giá trị với bên nào và thủ tục bắt buộc đăng ký thế chấp thì cũng không phải là chỉ “có giá trị pháp lý đối với người thứ ba”, mà là có giá trị pháp lý đối với bên thứ nhất và bên thứ hai. Như vậy thì khác nào mọi sự thoả thuận tự do, tự nguyện ý chí của hai bên giao dịch thế chấp đều trở thành vô nghĩa, vô giá trị. Chỉ có thủ tục hành chính mới có ý nghĩa, có giá trị đối với giao dịch dân sự nói chung và giao dịch bảo đảm nói riêng.

16.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Với một loạt quy định liên quan dưới đây của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã, dẫn đến cách hiểu phổ biến là, cứ không công chứng hoặc không đăng ký giao dịch bảo đảm trong các trường hợp bắt buộc phải thực hiện thì đều là vô hiệu:

– Khoản 2, Điều 122 “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự” quy định: “Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.”;

– Điều 134 “Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức” quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”;

– Khoản 3, Điều 323 “Đăng ký giao dịch bảo đảm”, quy định: “Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký.”;

– Đoạn 2, khoản 2, Điều 401 “Hình thức hợp đồng dân sự”, quy định: “Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”.

16.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng, không bắt buộc phải công chứng hợp đồng bảo đảm, đồng thời quy định rõ việc không công chứng hợp đồng, trong trường hợp bắt buộc phải công chứng, cũng không bị vô hiệu, mà chỉ là vi phạm quy định thủ tục hành chính. Tương tự, việc không đăng ký giao dịch bào đảm thì càng không bị vô hiệu, mà chỉ không có giá trị pháp lý với người thứ ba (vẫn có hiệu lực đối với các bên tham gia giao dịch).

17. Về biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý:

17.1. Khó khăn, vướng mắc:

Về nguyên lý chung, trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã giao kết, bên nhận bảo đảm có quyền truy đòi, thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý. Tuy nhiên, do việc chuyển giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý đồng nghĩa với việc bên bảo đảm bị mất tài sản đó, nên bên bảo đảm thường có thái độ bất hợp tác, chây ỳ và tìm cách trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm.

17.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Khoản 5, Điều 63 “Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã quy định về sự hỗ trợ của UBND cấp xã và cơ quan Công an đối với hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm, nhưng chỉ có nhiệm vụ “giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm”.

17.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước (UBND, cơ quan Công an và cơ quan khác) hỗ trợ hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm trong các văn bản pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm.

18. Về thủ tục giải chấp tài sản bảo đảm:

18.1. Vướng mắc:

Trước khi ký hợp đồng mua bán, sang tên tài sản thì phải tiến hành thủ tục giải chấp tài sản bảo đảm. Trong một khoảng thời gian tương đối dài, có khi hàng năm, khoản nợ đang từ có bảo đảm trở thành không có bảo đảm, tài sản bảo đảm trở thành không bị hạn chế giao dịch, gây ra rủi ro lớn cho bên nhận bảo đảm. Thậm chí, cơ quan thi hành án có thể ra quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản trong khoảng thời gian này, thì bên nhận thế chấp sẽ mất quyền ưu tiên.

18.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Do không có quy định rõ, nên các tổ chức công chứng và các cơ quan đang hiểu theo nguyên tắc rằng, tài sản đang được bảo đảm cho nghĩa vụ, thì không được phép giao dịch, chuyển nhượng, dù chính bên nhận bảo đảm đồng ý.

18.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Hướng dẫn và quy định rõ cho phép ký hợp đồng và sang tên, đổi chủ tài sản trong thời gian chưa giải chấp, nếu bên nhận bảo đảm đồng ý hoặc quy định để bảo đảm an toàn cho khoảng trống pháp lý từ thời điểm giải chấp đến khi tài sản bảo đảm đã được xử lý xong.

19. Về thẩm quyền bán tài sản bảo đảm:

19.1. Khó khăn, vướng mắc:

Hợp đồng thế chấp có điều khoản thoả thuận về việc bên nhận thế chấp được quyền bán tài sản thế chấp, thậm chí ghi nhận rõ việc bên thế chấp uỷ quyền cho bên nhận thế chấp. Tuy nhiên, hầu hết công chứng viên, tổ chức bán đấu giá và cơ quan đăng ký sang tên bất động sản chỉ chấp nhận thỏa thuận tại thời điểm bán tài sản, mà không chấp nhận thỏa thuận từ trước trong hợp đồng bảo đảm, mà đòi hỏi bên thế chấp phải ký hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng uỷ quyền tại thời điểm xử lý tài sản thế chấp, nhất là đối với bất động sản. Việc này đã làm cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm thường phải đưa ra Toà án, bị kéo dài, tốn kém và ảnh hưởng đến việc hạch toán, nộp thuế không đúng với bản chất giao dịch.

Một số TCTD đã đối phó với việc này bằng cách: Làm hợp đồng uỷ quyền bán tài sản cùng thời điểm với việc ký hợp đồng thế chấp. Điều này là bất hợp lý và cũng chỉ một số tổ chức công chứng chấp nhận.

19.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Điều 64a “Bán tài sản bảo đảm” và các quy định khác của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cho phép bên nhận bảo đảm được bán hoặc yêu cầu tổ chức bán đấu giá bán tài sản bảo đảm theo thỏa thuận. Khoản 2, Điều 70 “Chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản được dùng để thay thế cho các loại giấy tờ này.”

Tuy nhiên do chưa có sự thống nhất với Luật Đất đai, Luật Nhà ở và chưa có quy định cụ thể.

19.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể khoản 2, Điều 70, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.

Sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng, bên nhận bào đảm được quyền đương nhiên bán bất động sản căn cứ vào hợp đồng thế chấp, không cần có văn bản đồng ý của bên thế chấp, tương tự như quy định tại Điều 70, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.

Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng, rút ngắn thủ tục các vụ việc yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm tại Toà án, cùng với việc tạo cơ chế hợp lý để tăng cường vai trò tham gia giải quyết của Trọng tài thương mại.

20. Về nhận tài sản thay thế nghĩa vụ trả nợ (gán nợ);

20.1. Khó khăn, vướng mắc:

Trong trường hợp các bên nhận chính bất động sản nói riêng, các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu nói chung, để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ (gán nợ) thì lại phải lập hợp đồng mua bán thì mới được sang tên.

20.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Điều 64b “Nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã quy định nhưng Bộ luật Dân sự thì chưa đề cập đến trường hợp này và các thông tư, thủ tục cụ thể liên quan thì chỉ hướng dẫn thủ tục mua bán, chuyển nhượng, tặng cho tài sản, mà không có trường hợp nhận chính tài sản thay thế cho nghĩa vụ trả nợ.

20.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Hướng dẫn các tổ chức công chứng và đăng ký sang tên bất động sản chấp nhận hình thức nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ, thay vì phải làm hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tài sản.

Sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 theo hướng, quy định cụ thể về việc này.

21. Về thủ tục tố tụng xử lý tài sản bảo đảm:

21.1. Khó khăn, vướng mắc:

Thực tiễn xử lý nợ cho thấy TCTD phải sử dụng nhiều giải pháp để xử lý nợ, nhưng nếu không đem lại hiệu quả thì khởi kiện ra Tòa án để thu hồi nợ sẽ là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên, quá trình này thường mất rất nhiều thời gian (Toà án giải quyết xong một vụ án thường mất một vài năm) và chi phí của TCTD. Đặc biệt, muốn xử lý tài sản thế chấp thì không được khởi kiện thẳng bên có tài sản thế chấp, mà phải kiện bên vay vốn (được cấp tín dụng)..

21.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Cơ chế, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm còn rườm rà, phức tạp và phụ thuộc quá nhiều vào ý chí của bên bảo đảm (bên có nghĩa vụ thanh toán nợ) như người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cố ý trì hoãn vắng mặt nhiều lần ở phiên toà… Có những trường hợp người vay vốn, người thế chấp, bảo lãnh vay vốn bị khởi tố, điều tra xử lý trong một vụ án hình sự khác không liên quan đến việc người vay vốn, bên thế chấp, bên bảo lãnh vay vốn tại TCTD, nhưng Tòa án vẫn ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết của cơ quan điều tra. Hoặc TCTD cũng phải chờ đợi khi Tòa án quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án để đợi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trả lời về nội dung Tòa án có văn bản hỏi.

21.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng, rút ngắn thủ tục giải quyết các vụ việc yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm tại Toà án, đặc biệt là các trường hợp mà hợp đồng thế chấp đã được công chứng, cùng với việc tạo cơ chế hợp lý để tăng cường vai trò tham gia giải quyết của Trọng tài thương mại.

22. Về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự:

22.1. Khó khăn, vướng mắc:

Thời hiệu khởi kiện ngắn và được tính “từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm” không bảo đảm quyền của người có quyền lợi bị xâm phạm.

22.1. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Điều 427 “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm”.

22.2. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng kéo dài thời hiệu khởi kiện từ 2 năm lên 3 năm, như đã từng được quy định trong Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991, đồng thời thay thế quy định “kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm” bằng quy định “kể từ ngày biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”.

23. Về trách nhiệm trả nợ sau khi bán tài sản bảo đảm:

23.1. Khó khăn, vướng mắc:

Sau khi bán tài sản bảo đảm của người thứ ba để trả nợ, nếu vẫn không đủ để trả nợ, thì bên được bảo đảm hay bên bảo đảm nghĩa vụ hay cả hai bên có nghĩa vụ trả nợ là điều không rõ ràng, dẫn đến việc tranh cãi phức tạp về nghĩa vụ trả nợ.

23.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Điều 338 “Thanh toán tiền bán tài sản cầm cố” và Điều 355 “Xử lý tài sản thế chấp”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Nếu tiền bán tài sản bảo đảm trả nợ thiếu, thì bên bảo đảm “phải trả tiếp phần còn thiếu”. Điều này chỉ đúng trong trường hợp bên bảo đảm đồng thời cũng chính là bên vay vốn, còn nếu bên bảo đảm là bên thứ ba, thì nghĩa vụ của bên bảo đảm phải được chấm dứt, chứ không thể khoác cho họ một trách nhiệm trời ơi như vậy. Trách nhiệm tiếp tục trả nợ chỉ có thể là của bên vay vốn.

23.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Điều 338 và Điều 355, Bộ luật Dân sự theo hướng, bỏ quy định, nếu tiền bán tài sản bảo đảm trả nợ thiếu, thì bên bảo đảm “phải trả tiếp phần còn thiếu”.

24. Về công khai thông tin giao dịch bảo đảm:

24.1. Khó khăn, vướng mắc:

Thông tin về giao dịch bảo đảm, đặc biệt thông tin về đăng ký giao dịch bảo đảm, phải được công khai rộng rãi thì mới phát huy được ý nghĩa, tác dụng. Tuy nhiên, hiện nay trong nhiều trường hợp đang hạn chế công khai các thông tin giao dịch ký quỹ, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh của khách hàng, vì quy định phải bảo mật thông tin của khách hàng.

24.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Khoản 2, Điều 14 “Bảo mật thông tin”, Luật Các TCTD năm 2010 quy định: “ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.” Khoản 1, Điều 6 “Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng”, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.” Như vậy, trong nhiều trường hợp, thông tin về giao dịch bảo đảm có thể là thông tin mật, do đó không được phép cung cấp, phổ biến rộng rãi.

24.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng, quy định rõ việc phải công khai thông tin về giao dịch bảo đảm, không thuộc loại thông tin phải giữ bí mật theo quy định tại Luật Các TCTD năm 2010 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Đồng thời, đề nghị nhanh chóng xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu chung trong cả nước về giao dịch bảo đảm giúp truy cập, đăng ký nhanh và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tài sản bảo đảm

25. Về trường hợp tài sản thế chấp bị tịch thu:

25.1. Khó khăn, vướng mắc:

Tài sản thế chấp bị thu giữ hoặc tịch thu theo tố tụng hành chính hoặc hình sự, dẫn đến bên nhận cầm cố, thế chấp mất quyền ưu tiên xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nợ.

25.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thu giữ và xử lý sung công các tài sản là công cụ, phương tiện phạm tội, vi phạm hành chính.

25.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự (hoặc Luật riêng về giao dịch bảo đảm), Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tố tụng hành chính theo hướng, xử lý xung đột trong trường hợp này. Về nguyên tắc, phải ưu tiên cho bên nhận bảo đảm, cũng như chủ sở hữu tài sản nếu họ không vi phạm pháp luật và rơi vào trường hợp bị tịch thu tài sản.

26. Về thuế giá trị gia tăng khi bán tài sản bảo đảm:

26.1. Khó khăn, vướng mắc:

Việc bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ, tuy không phải là một hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn phải nộp thuế GTGT (không được miễn thuế như đã từng thực hiện nhiều năm trước đây). Quy định này là không hợp lý và không tạo điều kiện cho việc xử lý nợ của các TCTD, nhất là trong giai đoạn này và trên thực tế đa số các trường hợp, số tiền bán tài sản bảo đảm không đủ để trả nợ.

26.1. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Luật và Nghị định về Thuế giá trị gia tăng (GTGT) không quy định cho miễn thuế GTGT đối với việc bán tài sản bảo đảm. Tvà các văn bản hướng dẫn, đặc biệt tại điểm a, khoản 8, Điều 4 “Đối tượng không chịu thuế GTGT”, Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11-01-2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định: “Tài sản sử dụng để đảm bảo tiền vay của người nộp thuế GTGT hoặc đã được chuyển quyền sở hữu sang bên cho vay khi bán phải chịu thuế GTGT, trừ trường hợp là hàng hoá không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 4 Thông tư này”

26.2. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Đề xuất với Bộ Tài chính và Chính phủ về việc miễn thuế giá trị gia tăng khi bán tài sản bảo đảm như đã từng quy định trước đây tại khoản 7, Điều 4 “Đối tượng thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng”, Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10-12-2003. Việc bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ chỉ nên thu thuế đối với phần giá trị vượt quá nghĩa vụ trả nợ. Quy định về việc thu thuế giá trị gia tăng bán tài sản bảo đảm là không hợp lý, gây khó khăn cho việc xử lý nợ của các TCTD, nhất là trong giai đoạn này hầu hết các trường hợp, số tiền bán tài sản bảo đảm không đủ để trả nợ.

27. Về phí thi hành án:

27.3. Khó khăn, vướng mắc:

Với thời gian xét xử quá dài, cách tính lãi suất chậm trả và lãi suất chậm thi hành án như lâu nay (chỉ phải trả lãi lãi quá hạn theo lãi suất cơ bản, thấp hơn lãi suất nợ gốc), bên được thi hành án còn phải nộp phí thi hành án thì quá bất hợp lý. Như vậy, là khuyến khích bên phải thi hành án chây ỳ, kéo dài, không tự nguyện thi hành án. Dù con (khách) nợ có thừa khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm có thừa giá trị, nhưng người được thi hành án cũng không bao giờ thu đủ số tiền nợ (luôn bị thiếu từ 1 – 200 triệu đồng phải trả phí thi hành án).

27.4. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Điều 60 “Phí thi hành án dân sự”, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự.” Trên cơ sở đó, khoản 1, Điều 33 “Mức phí, thủ tục thu nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án”, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13-7-2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự quy định: “Mức phí thi hành án là 3% (ba phần trăm) trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án.”

27.5. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Luật Thi hánh án dân sự theo hướng, yêu cầu bên phải thi hành án chịu toàn bộ phí thi hành án, đồng thời nên áp dụng thêm những chế tài đối với các trường hợp cố tình kéo dài thời gian thi hành án như buộc phải trả lãi suất trả chậm bằng 150% lãi suất vay vốn, phạt thêm một khoản tiền,… phí thi hành án. Trước mắc cần sửa Nghị định 58/2009/NĐ-CP theo hướng, chỉ tính phí thi hành án không quá 1% và mức tối đa là 20 triệu đồng.

28. Về cầm giữ tài sản:

28.1. Khó khăn, vướng mắc:

Trong quá trình nhận và xử lý tài sản bảo đảm, xuất hiện một số trường hợp tài sản bảo đảm bị người khác cầm giữ. Do đó phải đặt ra vấn đề thanh toán và ưu tiên thanh toán như thế nào cho người cầm giữ tài sản, không chỉ tiền bảo quản, giữ gìn tài sản, mà còn bao gồm cả các nghĩa vụ khác của bên có tài sản đối với bên đang cầm giữ tài sản. Tuy nhiên quyền quyền ưu tiên của bên cầm giữ tài sản như thế nào, thì pháp luật không quy định rõ.

28.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Điều 325 “Thứ tự ưu tiên thanh toán”, Điều 338 “Thanh toán tiền bán tài sản cầm cố” và Điều 355 “Xử lý tài sản thế chấp”, Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định: Tiền bán tài sản cầm cố, thế chấp được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố, thế chấp sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, mà không có mối liên hệ với Điều 416 “Cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ”.

27.6. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Chuyển Điều 416 “Cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ” nói trên chương mục “Hợp đồng dân sự” sang chương mục “Giao dịch bảo đảm”, vì nó tương tự như một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ. Đồng thời cần có những quy định để giải quyết về thứ tự ưu tiên thanh toán liên quan đến việc cầm giữ tài sản.

29. Về biện pháp tín chấp:

29.1. Khó khăn, vướng mắc:

Bảo đảm nghĩa vụ bằng biện pháp tín chấp của các tổ chức chính trị – xã hội hoàn toàn vô nghĩa về tài sản và giá trị pháp lý.

29.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Điều 372 “Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị – xã hội”, Bộ luật Dân sự quy định: “Tổ chức chính trị – xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc TCTD khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ.

29.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng, loại bỏ tín chấp khỏi các biện pháp bảo đảm (nếu cần áp dụng cho tín dụng chính sách thì chỉ cần quy định trong các văn bản dưới luật) và không coi đây là một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ. Hãy dành khái niệm này cho các giao dịch cho vay không có tài sản bảo đảm như trước khi có Bộ luật Dân sự năm 2005.

30. Về hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm:

30.1. Khó khăn, vướng mắc:

Hệ thống các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm hiện nay còn tản mạn, chồng chéo, phức tạp, mâu thuẫn, khó cho việc theo dõi, thực hiện.

30.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc:

Quy định về giao dịch bảo đảm được quy định tại nhiều văn bản như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng,…

30.3. Đề xuất, kiến nghị giải pháp:

Xem xét lựa chọn 1 trong 3 phương án quy định và sửa đổi về giao dịch bảo đảm theo thứ tự ưu tiên lần lượt như sau:

– Sửa đổi tập trung các quy định về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật Dân sự năm 2005, đồng thời loại bỏ các quy định về giao dịch bảo đảm trong các đạo luật khác;

– Ban hành một đạo luật riêng về giao dịch bảo đảm ;

– Sửa đổi Bộ luật Dân sự, đồng thời với việc sửa đổi các đạo luật liên quan (giữ nguyên như hiện nay).

 

Bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật hợp đồng ở Việt Nam

26/02/2013

Hợp đồng là hành vi thỏa thuận nhằm phục vụ lợi ích của các bên. Ngoài việc thỏa thuận vì lợi ích này, hợp đồng còn là sự thỏa thuận nhằm chia sẻ rủi ro. Lợi ích và rủi ro chính là tiền đề làm các quan hệ xã hội ngày càng phát sinh nhiều biến thể. Chính vì thế mà hợp đồng trở nên phổ biến và bao quát trong đời sống xã hội[1]và ký kết hợp đồng – hay còn gọi là cách thức để sự thỏa thuận có giá trị pháp lý nhất định – được pháp luật bảo vệ. Trên thực tế, tranh chấp hợp đồng có thể phát sinh bất cứ lúc nào, từ hành vi thực hiện hợp đồng hay từ những điều khoản ký kết trong hợp đồng. Cũng vì thế mà pháp luật hợp đồng phải ngày càng được hoàn thiện và minh bạch.

 

1. Bất cập của pháp luật hợp đồng hiện nay

Pháp luật hợp đồng Việt Nam chủ yếu do hai nguồn luật điều chỉnh là Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) và Luật Thương mại năm 2005 (LTM 2005), bên cạnh đó, chế định hợp đồng còn tồn tại trong các quan hệ pháp lý khác được điều chỉnh theo những luật chuyên biệt như: Luật Sở hữu trí tuệ (LSHTT), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Kinh doanh bảo hiểm… Cá biệt, có những quan hệ đặc thù tưởng chừng như không có bóng dáng của hợp đồng nhưng thực tế vẫn tồn tại khá nhiều, như trong quan hệ hôn nhân gia đình.

Ở Việt Nam, BLDS 2005 – với tư cách là luật chung – đã có những quy định về chế định hợp đồng, nên những luật còn lại – với tư cách là luật chuyên ngành – phải tuân theo và dựa trên các quy định của BLDS 2005. Tuy nhiên, cách thức áp dụng thì lại ưu tiên cho luật chuyên ngành nếu luật chung có quy định khác với luật chuyên ngành. Câu chuyện này thực tế đã gây ra sự bất cập lớn trong pháp luật hợp đồng ở Việt Nam, vì quy định của BLDS 2005 với các luật chuyên ngành khác hầu như không tiệm cận với nhau, và ngay cả trong những luật chuyên ngành vẫn còn nhiều khác biệt vì một quan hệ hợp đồng có thể sử dụng đến nhiều quan hệ pháp lý. Do đó, những hạn chế cơ bản trong pháp luật hợp đồng Việt Nam hiện nay là tản mát, thiếu tính thống nhất và có khả năng dẫn đến tình trạng xung đột pháp luật.

Có thể nhận thấy sự thiếu tính thống nhất của pháp luật hợp đồng khi xem xét về tính thương mại của hợp đồng. Điều 388 BLDS 2005 quy định: Hợp đồng dân sự (HĐDS) là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Theo khái niệm này và dựa trên phạm vi điều chỉnh của BLDS 2005, có thể hiểu HĐDS còn có nghĩa rộng là bao quát luôn cả quan hệ thương mại. Nhưng thực tiễn giải quyết tranh chấp ở Tòa án và Trọng tài lại có sự phân biệt tính thương mại hay tính dân sự của hợp đồng và thực tiễn giải quyết các vụ việc cũng đã chứng minh rằng, sự phân biệt tính thương mại hay tính dân sự chỉ gây ra nhiều bất cập mà thôi.

Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 (LTTTM 2010) quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài là: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. Quy định này có nghĩa rằng, Trọng tài Việt Nam khi thụ lý đơn khởi kiện phải xem xét tính thương mại của tranh chấp, tuy rằng, sự tiến bộ của LTTTM 2010 đối với Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 là ở chỗ, không cần phải xác định tính thương mại là trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng. Giả sử ngay cả trong hợp đồng, nếu tranh chấp không phát sinh từ hoạt động thương mại thì Trọng tài không được thụ lý đơn khởi kiện ngay cả khi có một thỏa thuận Trọng tài hợp pháp.

Khoản 1 Điều 3 LTM 2005 quy định: Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lời, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác.

Nếu xét về thẩm quyền giải quyết tranh chấp các hợp đồng thương mại (HĐTM) của Trọng tài hiện nay thì tính thương mại được xét dựa trên yếu tố sinh lời của các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác. Như vậy, một trường hợp tranh chấp phát sinh trong hợp đồng, đã có thỏa thuận trọng tài nhưng tính thương mại không thể xác định được, liệu rằng Trọng tài có thẩm quyền để giải quyết hay không? Chắc chắn Trọng tài sẽ rất lúng túng trong vấn đề này. Mặt khác, theo LTTTM 2010 thì thẩm quyền của Trọng tài có thể mở rộng ở những tranh chấp thương mại không phát sinh trong hợp đồng, và tương tự như trường hợp trên, Trọng tài cũng thật khó trong việc xác định thẩm quyền của mình. Bên cạnh đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2011 về kinh doanh thương mại[2] cũng đang mang tính liệt kê (khác với liệt kê mang tính loại trừ) và dựa vào mục đích lợi nhuận làm căn cứ tiên quyết.

Đối với Trọng tài Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp HĐTM đều vận dụng các quy phạm về HĐTM được điều chỉnh trong BLDS 2005, LTM 2005 và các chế định hợp đồng đặc thù trong Luật Đầu tư (LĐT), Luật Xây dựng (LXD), LSHTT… Những quy định này về hợp đồng vẫn nằm rải rác trong các văn bản pháp luật, đã gây nên sự chồng chéo, làm hạn chế hoạt động áp dụng pháp luật của Trọng tài.

Sự thiếu tính thống nhất của pháp luật hợp đồng còn thể hiện ở mâu thuẫn giữa BLDS 2005 và LTM 2005 liên quan đến chế định phạt hợp đồng. Khoản 2 Điều 422 BLDS 2005 quy định: mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên tự thỏa thuận. Tự thỏa thuận có nghĩa là các bên được phép tự do ấn định mức phạt mà không bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật, điều này thể hiện nguyên tắc tự do thỏa thuận đã được quy định trong pháp luật dân sự nhưng điều đáng lưu tâm là LTM lại quy định về mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Ở quy định khác trong LXD, mức phạt vi phạm tối đa là 12%. Cùng điều chỉnh về một vấn đề nhưng lại có sự khác biệt giữa các văn bản. Điều đó đòi hỏi các bên phải phân biệt rạch ròi xem quan hệ nào do BLDS 2005 điều chỉnh và quan hệ nào được điều chỉnh bởi LTM hoặc các luật khác điều chỉnh và điều này là rất khó phân biệt khi BLDS 2005 được xem là luật chung với đối tượng điều chỉnh là các quan hệ về tài sản, nhân thân trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động[3]. Sự khác biệt về mức phạt vi phạm dẫn đến sự khác biệt trong việc quy định mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Điểm 2 khoản 3 Điều 422 BLDS 2005 quy định: Trong trường hợp các bên thỏa thuận phạt vi phạm mà không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm. Trong khi đó, khoản 2 Điều 307 LTM 2005 lại quy định: Trong trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm mà không có thoả thuận bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Theo chúng tôi, sự khác biệt giữa các quy định liên quan đến phạt vi phạm trong hai văn bản pháp luật nêu trên có nguyên nhân từ: (i) có sự phân biệt rõ ràng giữa HĐDS thông thường và HĐTM; (ii) quy định về hợp đồng tản mát trong các văn bản pháp luật nhưng lại không thống nhất giữa luật chung và luật chuyên ngành; (iii) một hệ thống văn bản dưới luật đồ sộ có giá trị áp dụng cao hơn cả văn bản luật.

Ngoài ra, sự thiếu thống nhất, xung đột pháp luật hợp đồng còn thể hiện ở các quy định về tài sản mua bán phải đăng ký quyền sở hữu. Khoản 2 Điều 439 BLDS 2005 quy định: Đối với tài sản mua bán mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu, quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó. Tương tự khi quy định về đăng bộ nhà đất, Luật Đất đai 2003 (LĐĐ 2003) quy định thời điểm chuyển quyền sử dụng đất là từ khi người nhận chuyển nhượng hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Khoản 2 Điều 127 LĐĐ 2003 quy định: Trong thời hạn không quá mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, các bên tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi đã nộp hồ sơ.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở (LNO) và Nghị định hướng dẫn lại quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu sớm hơn nhiều so với quy định của BLDS 2005. Khoản 3 Điều 93 Luật LNO  quy định: Hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của UBND xã đối với nhà ở tại nông thôn… Khoản 1 Điều 63 NĐ90/NĐCP/2006 ngày 6/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn LNO quy định: Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở đối với trường hợp mua bán nhà ở tính từ ngày hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực.

Thực tế khi đi đăng bộ, bên mua và bên bán còn phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và lệ phí trước bạ, thời gian từ lúc công chứng xong cho đến lúc hoàn tất thủ tục sang tên nhanh nhất cũng trên 10 ngày. Do đó, trong Luật LNO, thời gian từ lúc ký hợp đồng công chứng đến thời điểm đăng bộ đã có một “khoảng trống pháp luật”, như thế, các quy định pháp luật đã xung đột nhau. Khi đã xung đột pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) 2008[4] đã giải quyết vấn đề này bằng cách sẽ áp dụng văn bản có giá trị cao hơn, hoặc là theo luật chuyên ngành, trường hợp có giá trị ngang nhau về thứ bậc của văn bản và tính chuyên ngành thì áp dụng văn bản được ban hành sau. Vì vậy đối với trường hợp này, LNO được ban hành sau BLDS (2005) nên có giá trị áp dụng. Giả sử trong trường hợp sau này, khi BLDS 2005 sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn giữ nguyên quy định như cũ thì BLDS mới lại có giá trị áp dụng vì lúc này BLDS được ban hành sau LNO.

Như vậy, khi xung đột xảy ra thì chủ thể của hợp đồng phải hứng chịu hậu quả. Họ là bên chịu tất cả mọi phí tổn do sự xung đột pháp luật dẫn đến. Các nhà làm luật không tính đến tính thống nhất của pháp luật, không cân nhắc kỹ lưỡng đến phạm vi điều chỉnh của VBQPPL, khiến cho phạm vi của VBQPPL này chồng lên phạm vi của VBQPPL khác. Vì vậy, để tránh sự tản mát của pháp luật hợp đồng, tránh những xung đột pháp luật gây khó khăn cho các chủ thể hợp đồng thì pháp điển hóa pháp luật hợp đồng Việt Nam thành Luật Hợp đồng thống nhất là một trong những giải pháp khả thi vì tự thân quan hệ hợp đồng đã hình thành một quan hệ pháp luật có phạm vi điều chỉnh độc lập.

2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật hợp đồng  

2.1. Định hướng hoàn thiện pháp luật hợp đồng  

Một trong những mục tiêu quan trọng của công cuộc cải cách pháp luật ở Việt Nam được xác định tại Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 là “xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch”. Nhằm thực hiện việc công khai, minh bạch hoá hệ thống pháp luật, đảm bảo để mọi cơ quan, tổ chức, công dân đều có thể tiếp cận hệ thống pháp luật một cách dễ dàng, giảm bớt thời gian, chi phí cho việc tìm kiếm VBQPPL cũng như xác định hiệu lực của văn bản, thì một trong những giải pháp đặt ra là pháp điển hóa hệ thống quy phạm pháp luật.

Thứ nhất, hoàn thiện[5] các quy định nội dung về hợp đồng trong BLDS như: khái niệm hợp đồng, giao kết hợp đồng, phạt hợp đồng, các loại hợp đồng…; thống nhất sự tản mát bằng những quy định cụ thể trong BLDS trở thành luật chung cho các luật chuyên ngành. Các quy định có tính chất chung chỉ nên quy định trong BLDS 2005. Trong Bộ luật này cần có những quy định chung có tính khái quát cao, thể hiện rõ quyền tự do hp đồng để bảo đảm tính ổn định cao của BLDS sau lần sửa đổi, bổ sung này. Không nên đưa vào BLDS các quy định về các loại hợp đồng chuyên biệt mà để cho các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định. Nếu có đưa một loại hợp đồng nào đó vào trong BLDS 2005 thì không nên quy định ở văn bản pháp luật khác nữa để tránh trùng lặp, chồng chéo[6]. Một số học giả khác cũng chung quan điểm về thống nhất hợp đồng trong BLDS 2005, ví dụ[7] sớm thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hợp đồng bằng cách bỏ các quy định từ Điều 292 đến Điều 316 của LTM và hoàn thiện các quy định trong BLDS 2005 (trong đó có kế thừa ưu điểm của LTM) về xử lý vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Thứ hai, vẫn hoàn thiện quy định hợp đồng trong BLDS nhưng chỉ hoàn thiện những nền móng cơ bản, còn lại các quy định khác trong BLDS và những quy định tản mát thì xây dựng một đạo luật riêng biệt điều chỉnh.

Thứ ba, kết hợp pháp điển hóa nội dung pháp luật hợp đồng với việc bóc tách quan hệ hợp đồng trong BLDS và thống nhất sự tản mát bằng cách tập hợp các quy định trong các luật chuyên ngành, văn bản dưới luật, sau đó hệ thống và xây dựng thành một đạo luật riêng biệt điều chỉnh quan hệ hợp đồng tiến bộ và phù hợp với thông lệ thế giới cũng như các quy định của UNIDROIT (Viện Thống nhất Tư pháp Quốc tế – nghiên cứu, tìm kiếm các quy định chung để điều chỉnh hợp đồng sao cho có thể thích hợp trong nhiều hệ thống pháp luật của những nước khác nhau), gọi là “Luật Hợp đồng thống nhất”.

2.2. Xây dựng Luật Hợp đồng thống nhất  

Ở Việt Nam, đa số các nhà khoa học pháp lý đều cho rằng, giữa ngành luật công và luật tư có sự phân biệt rõ ràng về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, trong đó ở ngành luật tư thì BLDS đóng vai trò là luật gốc. Từ những quy định chung trong BLDS, họ tiếp tục phát triển các chế định chuyên ngành như: Luật Hôn nhân gia đình, LTM, LĐĐ, LSHTT, Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động… Chúng tôi không thừa nhận quan niệm này, bởi lẽ nếu đã là “gốc” thì vai trò của Hiến pháp nằm ở đâu trong một xã hội pháp trị? Và bởi lẽ, một cây không thể sống bằng hai gốc, cũng không thể có “gốc chính” hay “gốc phụ”. Vì vậy, cần coi quan hệ hợp đồng là một quan hệ đặc thù và rộng lớn, nên nó phải được điều chỉnh trong một đạo luật riêng biệt, bởi một người dân bình thường không thể làm thay công việc của luật sư hay thẩm phán khi chỉ ra rằng hợp đồng này thuộc về dân sự, về thương mại hay đầu tư…

Công việc cố gắng hoàn thiện các chế định hợp đồng trong BLDS 2005 và các đạo luật khác hiện nay có thể được ví von như một ngôi nhà “ọp ẹp” và không đủ không gian sống, nhưng thay vì xây một ngôi nhà mới cho nó thì người ta cố gắng dùng những chất liệu kết dính để tu sửa nó. Vấn đề ở chỗ là càng cố gắng tu sửa bao nhiêu người ta càng phải cố gắng tính đến khả năng chịu được sự tồn tại của những đổi thay sắp đến mà đây là công việc gian truân đối với cả những kỹ sư lành nghề. Vì vậy, để thuận tiện cho xã hội khi mà quan hệ hợp đồng vốn dĩ đã chi phối hầu hết các quan hệ trong đời sống xã hội, phát sinh mỗi ngày một đa dạng, phức tạp thì việc thống nhất điều chỉnh bằng “Luật Hợp đồng thống nhất” là điều hết sức cần thiết. Theo đó, BLDS sẽ được giản lược, nhẹ đi, chỉ làm nhiệm vụ điều chỉnh những vấn đề chung về tài sản và nhân thân mà không điều chỉnh quan hệ hợp đồng nữa.

“Luật Hợp đồng” là luật chỉ điều chỉnh về tất cả các quan hệ hợp đồng. Xét về khía cạnh hợp đồng, dù các quốc gia khác[8] cố gắng định nghĩa hợp đồng như thế nào đi chăng nữa thì đều dựa vào một bản chất duy nhất nói lên sự tồn tại của hợp đồng, đó là sự thỏa thuận. Từ sự thỏa thuận, các quốc gia cố gắng điều chỉnh nó bằng những kỹ thuật lập pháp của riêng mình. Ví dụ ở Trung Quốc, cũng là một quốc gia đang trên đà xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng theo trường phái pháp luật thành văn đã xây dựng thành công Luật Hợp đồng riêng biệt vào năm 1999. Trước đây, các chế định về hợp đồng của Trung Quốc được quy định tại Luật Hợp đồng kinh tế, Luật Hợp đồng kinh tế có yếu tố nước ngoài, Luật Công nghệ… Tuy nhiên khi gia nhập WTO, để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, tránh những bất tiện cho các chủ thể gặp khó khăn khi tìm hiểu chế định hợp đồng để tiến hành ký kết HĐTM, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng Luật Hợp đồng dựa trên nội dung của UNIDROIT; nó là sự kết nối tất cả quy định hợp đồng nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau trước đây. Điều này tạo hành lang pháp lý thuận tiện và an toàn cho các nhà đầu tư cũng như các thương nhân Trung Quốc. Hay như UCC (Luật Thương mại thống nhất) của Hoa Kỳ đã quy định luôn cả vấn đề hợp đồng ở trong đó, hoặc ở các quốc gia khác như: Đức (châu Âu) và Indonesia (Đông Nam Á)… đã ban hành hẳn một đạo Luật Hợp đồng riêng biệt.

 

Bảng: Nguồn pháp luật hợp đồng ở một số quốc gia trên thế giới

 

Việt Nam BLDS  2005, LTM 2006, LĐT 2006, LSHTT 2009, LNO 2006, LXD…
Pháp Án lệ, BLDS …
Đức Án lệ, Luật về những Điều khoản chung hợp đồng…
Anh Án lệ, Luật Hợp đồng 1999, Luật Bán và cung cấp hàng hóa 1994…
Eu Nguyên tắc HĐTM quốc tế …
Indonesia Luật Hợp đồng
Thái Lan BLDS  (Thái Lan đã thống nhất LTM vào LDS)
Hoa Kỳ Án lệ, UCC, BLDS của một số bang như Louisiana, Califonia, hoặc trong các luật liên bang (như: Luật về Chữ ký số trong thương mại quốc tế và trong nước…) và luật của các bang trong từng lĩnh vực cụ thể (như: Luật Thống nhất về giao dịch điện tử…)
Nhật Bản BLDS
Trung Quốc Luật Hợp đồng

Công việc pháp điển hóa pháp luật hợp đồng ở Việt Nam cần quán triệt những quan điểm sau đây:

Một là, phạm vi của pháp luật hợp đồng tương đối rộng, là đạo luật điều chỉnh hành vi thỏa thuận giữa các bên, là công cụ đại diện cho mưu cầu lợi ích kinh tế của cá nhân và tổ chức. Vì vậy, xét về phạm vi và đối tượng điều chỉnh thì chúng ta nên ưu tiên xây dựng một Luật Hợp đồng riêng biệt. Với xu hướng giản lược BLDS 2005, các nguyên tắc và các vấn đề chung của hợp đồng sẽ được quy định chung cho tất cả các hợp đồng không phân biệt dân sự, thương mại hay hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

Hai là, trên thực tế, ngày càng xuất hiện các loại hợp đồng[9] với nhiều chủng loại khác nhau. Tuy nhiên, việc phân chia các loại hợp đồng trong BLDS 2005 và các đạo luật chuyên ngành khác lại dựa trên đối tượng của hợp đồng. Cách phân loại như thế không có cơ sở khoa học và dẫn đến nhiều hệ lụy[10]. Do đó, nội dung tiếp theo của hoạt động pháp điển hóa pháp luật hợp đồng là rà soát trên thực tế các loại hợp đồng, quy định các loại hợp đồng theo phân nhóm chủng loại hợp đồng để tránh trường hợp Luật lạc hậu so với thực tiễn. Việc sắp xếp chủng loại hợp đồng phải dựa trên hành vi và mục đích giao kết chứ không dựa trên đối tượng hợp đồng.

Ba là, về kỹ thuật lập pháp, những vấn đề chung và chủng loại của hợp đồng cần được sắp xếp trong một đạo luật hoàn chỉnh và thống nhất. Việc những chủng loại của hợp đồng là vấn đề có thể phát sinh nhất, tuy nhiên, nếu dựa trên mục đích của hành vi thỏa thuận thì các nhà làm luật có thể phân biệt và dự liệu được. Do đó, tuổi thọ của Luật Hợp đồng sẽ được kéo dài.

Ngoài ra, việc pháp điển hóa pháp luật hợp đồng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế cần đảm bảo hai đặc tính cơ bản: (i) tính thống nhất, tiện dụng thể hiện trong việc tập hợp các chế định hợp đồng trong BLDS, kết hợp với tất cả các quy định hợp đồng trong LTM và các luật khác liên quan như: LSHTT, LĐT, LXD… sau đó xây dựng thành một Luật Hợp đồng thống nhất trên cơ sở kế thừa những chế định sẵn có, quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến các loại hợp đồng bao gồm: chủ thể ký kết, đối tượng hợp đồng, đồng tiền thanh toán, phương thức thanh toán, quyền nghĩa vụ của các bên, phạt vi phạm, lãi suất, cơ quan tài phán tranh chấp và những quy định khác về dung sai; (ii) tính tương thích, hội nhập thể hiện qua việc nghiên cứu tiếp thu pháp luật nước ngoài như: các nguyên tắc của UNIDROIT về HĐTM quốc tế 2004, các quy định trong Công ước viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 1980 (CIGS), các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, các tập quán về điều kiện chuyển rủi ro sở hữu hàng hóa (Incoterm 2010), về thanh toán quốc tế (UCP.600)… trong đó cũng cần cân nhắc loại giao dịch thông qua người làm chứng của Công ước Viên 1980 đưa vào Luật Hợp đồng nhằm đảm bảo tính tương thích với các tập quán, điều ước khi hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Việc kế thừa những tinh hoa của pháp luật hiện hữu và tiếp thu pháp luật nước ngoài trong quá trình xây dựng Luật Hợp đồng thống nhất cần phải đảm bảo ba nội dung cơ bản là: phù hợp với thể chế chính trị và bản sắc riêng của Việt Nam; thuận tiện cho các chủ thể liên quan; đáp ứng được sự tương đồng pháp luật trong giao thương quốc tế để có xử sự phù hợp, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO.

Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hành lang pháp lý để các chủ thể có thể ứng xử đúng theo pháp luật nên việc pháp điển hóa hệ thống pháp luật là hòn đá tảng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Pháp luật hợp đồng cần được thống nhất cũng không thể nằm ngoài yêu cầu chung đó. Pháp luật hợp đồng ngày càng được thống nhất sẽ tạo mọi điều kiện cho các chủ thể xử sự với nhau ngày càng phù hợp hơn, các thỏa thuận được các bên tôn trọng và thực hiện ngày càng tốt hơn, tranh chấp sẽ bớt đi trên cơ sở các quy định của pháp luật hợp đồng./.


[1] Tuy nhiên, ở nghĩa hẹp (theo khía cạnh pháp lý) thì không phải bất kỳ sự thỏa thuận nào cũng là hợp đồng.

[2]Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).

[3]Điều 1 BLDS 2005.

[4]Khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành VBQPPL quy định: Trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

[5]Xem thêm: Dương Anh Sơn (2001), Vấn đề hoàn thiện pháp luật hợp đồng kinh tế ở nước ta hiện nay, Tạp chí Khoa học pháp lý số 4 – 2001

[6]Phạm Hữu Nghị, Vấn đề cải cách hợp đồng – BLDS 2005 2005. Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=3036.

[7]Đỗ Văn Đại (2011), Hướng tới sự thống nhất về xử lý vi phạm hợp đồng ở Việt Nam, Hội thảo hoàn thiện các báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp, LĐT, LTM – 2011.

[8]Ví dụ: Luật Hợp đồng 1999 của Trung Quốc quy định tại Điều 2: “For purposes of this Law, a contract is an agreement between natural persons, legal persons or other organizations with equal standing, for the purpose of establishing, altering, or discharging a relationship of civil rights and obligations. An agreement concerning any personal relationship such as marriage, adoption, guardianship, etc. shall be governed by other applicable laws”. Tạm dịch: “Trong Luật này, một hợp đồng được hiểu là một thoả thuận giữa các thể nhân, pháp nhân hoặc các tổ chức khác có địa vị bình đẳng, nhằm thiết lập, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ về các quyền và nghĩa vụ dân sự. Một thoả thuận liên quan đến quan hệ cá nhân như hôn nhân, nhận nuôi con nuôi, giám hộ v.v…. sẽ do các luật liên quan khác điều chỉnh.”

 Nguồn download: http://www.novexcn.com/contract_law_99.htm.

[9] Hiện nay theo quy định của BLDS 2005, có 13 loại hợp đồng thông dụng. Mỗi đạo luật chuyên ngành sau đó ra đời thì lại có những quy định khác cho loại hợp đồng của đạo luật đó.

[10]Vì theo từng đối tượng hợp đồng là yếu tố dễ thay đổi trong môi trường kinh tế hiện nay, do đó phải phân loại hợp đồng dựa trên mục đích giao kết hợp đồng, lấy yếu tố này để phân loại hợp đồng là hợp lý. Việc phân loại hợp đồng dựa trên mục đích giao kết sẽ giúp pháp luật hợp đồng có tính dự liệu cho những đối tượng hợp đồng có thể phát sinh sau này mà không cần phải dẫn chiếu đến văn bản pháp luật khác hướng dẫn.

 Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Đề xuất bỏ quyền khởi tố của tòa án

22/01/2013

Để khởi tố vụ án hình sự cần có căn cứ vững chắc, phải qua quá trình xác minh, thu thập tài liệu, lời khai…, song tòa án không có lực lượng cũng như nghiệp vụ về việc này.

Điều 13 Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành quy định khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án… Điều 104 cũng quy định HĐXX ra quyết định khởi tố nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.

Tuy nhiên, nhiều luật sư, kiểm sát viên cho rằng trong thực tiễn xét xử từ trước đến nay chưa có trường hợp nào tòa án lại chủ động thực thi quyền khởi tố vụ án. Thông thường, gặp trường hợp có dấu hiệu tội phạm hoặc người phạm tội mới, các tòa chỉ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Một thẩm phán TAND TP Đà Nẵng lý giải, để khởi tố một vụ án hình sự thì cần phải có căn cứ vững chắc, phải qua một quá trình xác minh, thu thập tài liệu, đồ vật, lời khai… ban đầu. Tòa án không có lực lượng, cũng không có nghiệp vụ này. Do đó, dù luật cho quyền nhưng các tòa đều không bao giờ chủ động khởi tố vụ án.

Một thẩm phán TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho rằng tòa khởi tố vụ án hình sự sẽ dẫn đến việc xét xử không đảm bảo tính khách quan. Ông ví dụ: Tòa khởi tố vụ án, sau đó cơ quan điều tra ra kết luận điều tra, VKS ra cáo trạng truy tố. Ra phiên xử, bị cáo kêu oan. Lúc này, thay vì là cơ quan tài phán, phân định có tội hay không dựa trên kết quả xét hỏi, tranh luận và các chứng cứ thì tòa rất dễ bị thiên kiến bị cáo có tội vì những quan điểm mà chính tòa mặc định ngay từ khi ra quyết định khởi tố ban đầu. Thêm nữa, việc tòa khởi tố vụ án dễ gây sự bất bình, mất niềm tin của người tham gia tố tụng. Họ sẽ cho rằng tòa đã khởi tố thì mặc nhiên tòa cũng sẽ kết án bị cáo.

Theo thẩm phán Nguyễn Thành (Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng), một điều bất ổn khác là quy định chưa có sự thống nhất. Ở một số quy định chung thì ghi nhận tòa là một trong những cơ quan tố tụng có quyền khởi tố vụ án. Nhưng trong các quy định cụ thể về chức năng của tòa lại nêu nhiệm vụ của tòa là người tài phán, điều khiển để các bên buộc tội, bào chữa và những người tham gia tố tụng khác làm rõ các vấn đề của vụ án.

Theo bà Võ Thị Kim Oanh (Trưởng khoa Luật hình sự, ĐH Luật TP HCM), đa số nhà nghiên cứu pháp luật đều cho rằng giao cho tòa quyền khởi tố vụ án hình sự là không phù hợp. Về nguyên tắc, chức năng của tòa là xét xử. Nếu cho tòa quyền khởi tố vụ án, không những làm mất tính khách quan trong xét xử mà còn là trái với chức năng thực tế và tạo sự chồng chéo về chức năng giữa các cơ quan tố tụng.

Chính vì vậy, kiểm sát viên Trần Hồng Sơn (VKSND quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho rằng cần phải bỏ quy định tòa có quyền khởi tố vụ án ở Điều 13 và Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Chức năng này nên giao hẳn cho cơ quan điều tra và VKS, là các bên buộc tội. Còn tòa chỉ nên tập trung làm tốt công tác xét xử mà thôi.

Luật tố tụng hình sự có nhiều quy định nêu rõ trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có tòa án. Nhiệm vụ chứng minh tội phạm này hoàn toàn không phù hợp với chức năng của tòa. Nhiệm vụ này là của các cơ quan tố tụng thực hiện chức năng buộc tội. Về nguyên tắc, chức năng của HĐXX chỉ là tài phán, tức thẩm tra các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, lắng nghe các quan điểm buộc tội – gỡ tội, tranh luận tại phiên tòa để làm cơ sở nghị án và ra bản án. Vì vậy, luật cần phải tách bạch nhiệm vụ chứng minh tội phạm ra khỏi chức năng của tòa án.

Thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà, Chánh tòa Hình sự TAND thành phố Đà Nẵng.

 Nguồn: Pháp luật TP HCM

Những bất cập và các kiến nghị hoàn thiện pháp luật đấu thầu

20/01/2013

Luật Đấu thầu ban hành năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu đã thể hiện rõ mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong quá trình lựa chọn nhà thầu và tăng cường hiệu quả kinh tế trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng pháp luật đấu thầu trong cả nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn và không hiệu quả. Bài viết chỉ ra một số bất cập và kiến nghị hướng sửa đổi những bất cập đó trong pháp luật đấu thầu hiện hành.

1. Phạm vi áp dụng chưa rõ ràng, chưa tạo được môi trường pháp lý thống nhất

Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu[1] quy định: “Luật này quy định về các hoạt động đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp đối với gói thầu thuộc các dự án sau đây: 1. Dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển, bao gồm:

a) Dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các dự án đã đầu tư xây dựng;

b) Dự án đầu tư để mua sắm tài sản kể cả thiết bị, máy móc không cần lắp đặt;

c) Dự án quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn;

d) Dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật;

đ) Các dự án khác cho mục tiêu đầu tư phát triển”.

Nhưng vấn đề đặt ra là, Luật chưa định nghĩa rõ ràng, chưa xác định thế nào là “dự án đầu tư phát triển”. Bên cạnh đó, điểm đ khoản 1 lại sử dụng cụm từ “Các dự án khác cho mục tiêu đầu tư phát triển”. Đây là một cụm từ rộng và không thể xác định được cụ thể phạm vi áp dụng, nó mâu thuẫn trong chính nội tại của văn bản pháp luật, dẫn đến việc thực thi lúng túng, thiếu thống nhất trong thực tiễn. Thực chất về “vốn nhà nước” cũng không được pháp luật định nghĩa rõ ràng, thậm chí cho phép hiểu là nó quá rộng, bao gồm một số nguồn vốn cụ thể và “các vốn khác do Nhà nước quản lý”[2]. Trong các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không ghi rõ thế nào là “các vốn khác do Nhà nước quản lý” và do vậy, rất khó để xác định một số nguồn vốn cụ thể có được coi là vốn do Nhà nước quản lý hay không. Ví dụ, một dự án được cấp vốn vay bởi các ngân hàng quốc doanh thì có bị coi là sử dụng vốn nhà nước hay không?

Luật Đấu thầu cũng chưa quy định rõ cách xác định về phần vốn nhà nước tham gia từ 30% trở lên. Tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 85/2009/NĐ-CP – văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu – chỉ nêu đơn giản là việc xác định sẽ dựa trên phần vốn nhà nước tham gia trong tổng mức đầu tư hoặc tổng vốn đầu tư của dự án đã phê duyệt. Nghị định này cũng không quy định rõ để xác định thì phải làm như thế nào, nếu doanh nghiệp nhà nước thành lập công ty con và công ty con này dùng vốn chủ sở hữu của mình để thực hiện dự án đầu tư phát triển, thì có thể coi dự án của công ty con này có sử dụng 100% vốn nhà nước hay không? Câu trả lời sẽ thay đổi như thế nào nếu trong vốn chủ sở hữu của công ty con có cả vốn góp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh? Hay nói một cách khác, nếu trong một công ty có doanh nghiệp nhà nước góp 30% vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp khối tư nhân góp 70% vốn chủ sở hữu, và khi công ty này dùng vốn chủ sở hữu của mình đầu tư vào một dự án, thì dự án đó có chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu hay không? Tiếp theo nữa, nếu sau này vốn chủ sở hữu của công ty được bổ sung từ các nguồn khác – có thể là vốn thuộc lợi nhuận kinh doanh do công ty để lại – thì việc xác định vốn nhà nước thực hiện như thế nào?

Việc chưa tạo được môi trường pháp lý thống nhất để áp dụng và vận dụng trong công tác đấu thầu là do các quy định về đấu thầu có liên quan đến sử dụng vốn nhà nước còn tản mạn, không tập trung, thiếu sự thống nhất. Các quy định về đấu thầu hiện hành nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như: đấu thầu lựa chọn nhà thầu được quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật số 38/2009/QH12[3]; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất; thực hiện hợp đồng BOT, BTO, BT được quy định tại Luật Đầu tư 2005; đấu thầu theo phương thức mua sắm tập trung được quy định tại Quyết định 179/2007/QĐ-TTg, Thông tư 22/2008/TT-BTC; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, dạy nghề, y tế, thể thao, môi trường được quy định tại Nghị định 69/2008/NĐ-CP; đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công được quy định tại Quyết định 39/2008/QĐ-TTg; đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được quy định tại Quyết định 256/2006/QĐ-TTg. Thực trạng này gây tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản và gây khó khăn cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân khi triển khai thực hiện, vì vậy, việc thống nhất các quy định về đấu thầu trong một luật chung là rất cần thiết.

Có thể nói, ngoài việc sử dụng vốn ngân sách, đầu tư có sử dụng tài sản công như đất đai, nước, biển… đã được xác định rõ và yêu cầu đương nhiên phải áp dụng Luật Đấu thầu, các quy định của Nhà nước, còn các nguồn vốn và tiền chi khác đều có những đối tượng cụ thể khác quản lý như lĩnh vực ngân hàng, cơ quan quản lý bảo lãnh vay, đơn vị tài trợ tiền, vốn… nhưng hình thức quản lý lại rất đa dạng phụ thuộc vào nguồn tiền huy động và mục tiêu đầu tư, chi tiền cho mỗi đối tượng. Ví dụ như các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã ban hành các quy chế và quy định nội bộ trong đó có quy chế về đấu thầu bao trùm toàn bộ việc sử dụng tất cả các nguồn vốn, kể cả mục đích đầu tư và chi tiêu cho hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Để xác định phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu một cách rõ ràng, mang tính khoa học cao, thúc đẩy công tác đấu thầu có hiệu quả, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu theo hướng:

Đưa ra một danh sách rõ ràng các dự án được coi là cho mục tiêu đầu tư phát triển và bỏ đi các từ chung chung như “các dự án khác cho mục tiêu đầu tư phát triển” tại khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu.

Điều 4.1 của Luật Đấu thầu nên liệt kê các nguồn vốn được coi là “vốn nhà nước” và bỏ đi các từ chung chung như “các vốn khác do nhà nước quản lý”.

Luật nên quy định rõ làm thế nào để xác định được tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng vốn đầu tư của một dự án, ví dụ trong dự án có doanh nghiệp nhà nước góp vốn liệu có cần truy tìm nguồn gốc của phần vốn do doanh nghiệp nhà nước đó dùng để góp vào dự án hay không (ví dụ doanh nghiệp nhà nước đó dùng nguồn vốn đầu tư phát triển của mình để góp vốn thì sẽ coi là phần vốn nhà nước trong dự án, còn nếu doanh nghiệp dùng vốn vay thương mại để góp vốn thì không), và việc này có khả thi hay không?

Luật cần khẳng định các dự án quy định tại khoản 2 và 3 Điều 1 có luôn phải tuân thủ theo Luật Đấu thầu hay không? Sử dụng vốn nhà nước và vốn tư nhân để cùng đấu thầu chiếm tỷ trọng bao nhiêu phần trăm thì được áp dụng Luật Đấu thầu, hoặc trong trường hợp các dự án không dùng vốn nhà nước thì có được áp dụng luật này để điều chỉnh hay không?

2. Nguyên tắc quản lý hợp đồng và thương thảo hợp đồng không rõ ràng, thiếu sự nhất quán trong nguyên tắc quản lý và quy định thực hiện

Việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu được quy định tại Điều 42 Luật Đấu thầu, phải dựa trên cơ sở: Kết quả đấu thầu được duyệt; Mẫu hợp đồng đã điền đủ các thông tin cụ thể của gói thầu; Các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu; Các nội dung nêu trong hồ sơ dự thầu và giải thích làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu trúng thầu (nếu có); Các nội dung cần được thương thảo, hoàn thiện hợp đồng giữa bên mời thầu và nhà thầu trúng thầu.

Khoản 2 của Điều này cũng chỉ rõ “Kết quả thương thảo, hoàn thiện hợp đồng là cơ sở để chủ đầu tư và nhà thầu tiến hành ký kết hợp đồng”. Song trong trường hợp việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng không thành thì chủ đầu tư phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét việc lựa chọn nhà thầu xếp hạng tiếp theo. Trường hợp các nhà thầu xếp hạng tiếp theo cũng không đáp ứng yêu cầu thì báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định (Khoản 3).

Hợp đồng là văn bản pháp lý quan trọng để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đã cam kết với nhau. Hợp đồng chính là sản phẩm của quá trình đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tuy vậy khi sử dụng vốn sở hữu chung, vốn nhà nước, việc quy định cơ chế kiểm soát, thủ tục trình duyệt rối rắm đã làm cho việc quản lý hợp đồng hiện nay đang là một trong những khâu yếu nhất trong quản lý dự án đầu tư.

Với phạm vi áp dụng nhằm vào việc quản lý vốn nhà nước, cần có sự phân biệt rõ trong quy định Luật Đấu thầu nguyên tắc quản lý liên quan đến 3 cặp khái niệm sau:

Một là, giữa “Quản lý biến đổi, điều chỉnh trong hợp đồng” với “Điều chỉnh, bổ sung hợp đồng”: tức là phân biệt giữa một mảng là các quy định về điều chỉnh trong hợp đồng, gồm những nội dung điều chỉnh đã quy định sẵn trong hợp đồng mà khi thực hiện không cần phải thương thảo, ký kết hoặc xin ý kiến cấp có thẩm quyền nào khác, với mảng vấn đề phát sinh mới, ngoài quy định đã có trong hợp đồng, phải thương thảo để ký phụ lục hiệu chỉnh, bổ sung thì mới có cơ sở thực hiện tiếp theo.

Hai là, giữa dự toán, là ước tính chi phí, tức là trần để quản lý của dự án để chủ đầu tư kiểm soát hiệu quả đầu tư cũng như kiểm soát việc quản lý chi phí của các đơn vị quản lý nhà nước, và phạm trù liên quan giá hợp đồng cùng nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng.

Ba là, giữa quản lý chất lượng, nghiệm thu công việc, với quy định về thanh toán kèm theo hồ sơ, thủ tục thanh toán. Từ yêu cầu quá cụ thể kiểm soát nghiệm thu để thanh toán trước đây, như hóa đơn thực tế, nghiệm thu tất cả các công việc kể cả nội dung biện pháp thi công đơn giản, công trình tạm, đến một thái cực hoàn toàn trái ngược của một số chuyên gia hiện nay đã bộc lộ những quan niệm sai thực tế, cần có phân tích và tiếp cận khoa học hơn là bỏ việc cần thiết phải giám sát, nghiệm thu cụ thể với hợp đồng EPC vì hợp đồng EPC chính là “hợp đồng trọn gói”.

Đối chiếu các quy định có liên quan đến vấn đề này, chúng ta nhận thấy Điều 57 Luật Đấu thầu và Điều 109 Luật Xây dựng đều mang tên “Điều chỉnh hợp đồng…” nhưng nội dung và cách diễn giải không nhất quán, chưa phân biệt được rõ nguyên tắc ký bổ sung, hiệu chỉnh để “Điều chỉnh hợp đồng”. Ví dụ, tại khoản 1 Điều 57 Luật Đấu thầu quy định: Việc điều chỉnh hợp đồng chỉ áp dụng đối với hình thức hợp đồng theo đơn giá, hình thức hợp đồng theo thời gian và được thực hiện theo quy định sau đây: a. Trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách về thuế,… b. Trường hợp có khối lượng, số lượng thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng nhưng trong phạm vi của Hồ sơ mời thầu và không do lỗi của nhà thầu gây ra…

Các nội dung quy định trên đây có cần thiết phải điều chỉnh hợp đồng dưới hình thức phải ký các bổ sung, hiệu chỉnh hợp đồng hay không? Vấn đề này đang là một trong những tranh cãi không thống nhất giữa các nhà tổ chức xét thầu và tham gia đấu thầu, bởi vì thực tế các điều chỉnh trên thường chỉ là những tính toán mang tính kỹ thuật, có thể quy định ngay trong hợp đồng để kiểm soát, không yêu cầu thủ tục ký kết bổ sung hợp đồng. Trong khi đó, tại văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể Điều 52 của Nghị định 85/2010/NĐ-CP và Mục 5 Nghị định 48/2010/NĐ- CP về điều chỉnh giá và điều chỉnh hợp đồng quy định các nội dung hòa trộn giữa các nội dung tính toán điều chỉnh phục vụ cho việc nghiệm thu, thanh toán hợp đồng đã ký với những nội dung cần phải có sự thỏa thuận, ký bổ sung hợp đồng để xác lập cơ sở pháp lý cho các bên được thực hiện và chỉ khi hai bên được bổ sung hợp đồng thì mới có thể thực hiện.

Bên cạnh đó, Điều 37 khoản 1 Nghị định 48/2010/NĐ-CP lại quy định điều chỉnh hợp đồng bao gồm điều chỉnh khối lượng, điều chỉnh giá hợp đồng, điều chỉnh tiến độ thực hiện và các nội dung khác (nếu có) mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Việc các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng thì không cần phải điều chỉnh hợp đồng nữa nếu đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 34 về nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng quy định: “Đối với hợp đồng trọn gói, thì chỉ được điều chỉnh hợp đồng cho những khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng đã ký…” Như vậy, đã có sự thiếu nhất quán trong phân loại vấn đề và cách diễn đạt luật, mặc dù chính Luật 38/2009/QH12 tại khoản 17 Điều 2 đã có điều chỉnh Điều 57 Luật Đấu thầu 61/2005/QH11 bằng bổ sung thêm hai khoản 2 và 3 để làm rõ hơn nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng để ký phụ lục bổ sung hợp đồng nhưng vẫn chưa giải quyết được toàn diện vấn đề.

Có thể viện dẫn một ví dụ tiếp theo để minh họa về điều khoản “biến đổi và điều chỉnh” (Viriations and Ạdjustments) quy định trong mẫu hợp đồng FIDIC theo bản dịch của Nhà xuất bản Xây dựng – Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam 2009, đây là các quy định của điều khoản hợp đồng có thể nói rất khoa học và có tính khả thi cao, gồm có 8 mục: Quyền được biến đổi; Tư vấn giá trị công trình; Thủ tục biến đổi; Thanh toán bằng tiền quy định; Tiền dự chi; Ngày làm việc; Điều chỉnh do các thay đổi luật lệ; Điều chỉnh do thay đổi về cho phí.

Các thủ tục liên quan đến quy định này được thực hiện qua công văn trao đổi hoặc biên bản hiện trường nhằm đơn giản thủ tục và kịp thời xử lý tình huống, nếu không kịp thời có thể sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên. Tuy vậy, trong điều kiện quản lý vốn nhà nước và quy định nhiều cấp kiểm soát, quy định phải phê duyệt trước như hiện nay tại Việt Nam thì một số nội dung trên đã bị lỗi thời do không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là các gói thầu có yếu tố nước ngoài tham gia. Thông thường khi xảy ra sự kiện như quy định tại điều khoản này, các hợp đồng với nhà thầu nước ngoài thường quy định trong vòng 7 ngày chủ đầu tư phải có phản hồi, trả lời chính thức về điều kiện thanh toán và chi phí cho các biến đổi. Nếu không, nhà thầu có quyền từ chối thực hiện hoặc nhà thầu tự thực hiện theo phương án của nhà thầu và thanh toán theo yêu cầu của nhà thầu. Cơ chế yêu cầu Ban quản lý dự án (QLDA) phải trình lên rất nhiều cấp như hiện nay (tuy đã có cải tiến nhờ chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong những năm gần đây) cũng sẽ không thể đáp ứng yêu cầu này.

Vì các quy định chưa rõ ràng nên cần phải bóc tách các trường hợp cụ thể yêu cầu phải phê duyệt của cấp có thẩm quyền để phân loại thành yêu cầu “Điều chỉnh hợp đồng” và thể hiện điều chỉnh này dưới dạng ký “Bổ sung, hiệu chỉnh hợp đồng” để phân biệt với các trường hợp còn lại. Bởi vì, nhà thầu luôn giữ nguyên tắc chỉ tuân thủ theo hợp đồng đã ký và biết đối tác duy nhất làm đầu mối đã ghi trong hợp đồng mà thôi.

Tóm lại, cách diễn đạt trong các luật và văn bản dưới luật không có sự phân loại rõ nội dung và không nhất quán. Việc quản lý vốn nhà nước cần có các cấp phê duyệt kiểm soát nhưng lại không có sự phân loại vấn đề rõ ràng để phân cấp thực hiện sẽ gây khó khăn trong quá trình thực thi đối với các chủ đầu tư, nhiều tình huống bị nhà thầu nước ngoài phạt chỉ do chủ đầu tư Việt Nam lúng túng trong thủ tục quyết định, ai được quyền quyết định. Nếu hiểu điều chỉnh hợp đồng là những điều chỉnh cho những khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết thì cần tách phần này ra để quy định riêng và áp dụng thống nhất cho tất cả các hình thức hợp đồng, tức là quy định sẽ phải thương thảo có cơ chế trình duyệt trước khi ký bổ sung hợp đồng…, các trường hợp còn lại thuộc phạm vi các biến đổi, điều chỉnh được quy định rõ ngay trong hợp đồng để thực hiện. Luật chỉ nên quy định cụ thể cho nội dung điều chỉnh hợp đồng như trên, còn về các biến đổi, điều chỉnh trong hợp đồng thuộc phần kỹ thuật trong soạn thảo, thương thảo hợp đồng. Bởi vì hợp đồng trước khi ký đã có cơ chế kiểm soát thông qua quy trình đấu thầu.

 Để đảm bảo nguyên tắc quản lý hợp đồng, thương thảo hợp đồng rõ ràng và có sự nhất quán trong nguyên tắc quản lý, quy định thực hiện, chúng tôi đề xuất:

Thứ nhất, lấy quy định trong Bộ luật Dân sự là nền tảng cho quy định chung về quản lý hợp đồng. Bằng cách thức tổ chức soạn thảo lại toàn bộ các điều khoản trong Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng liên quan đến hợp đồng để đảm bảo sự thống nhất với Bộ luật Dân sự, giữa các luật với nhau và sao cho phù hợp với nguyên tắc quản lý của cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, cần xác định và phân loại rõ theo hướng “Điều chỉnh hợp đồng” là điều chỉnh đối với những phát sinh ngoài quy định trong hợp đồng đã ký và phải được kiểm soát chặt qua thẩm định, phê duyệt rồi ký bổ sung hợp đồng thì mới đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Tất cả các điều chỉnh khác có thể xác định rõ nguyên tắc quản lý (bao gồm cả quản lý một số rủi ro) có thể phân loại mang tên là “Biến đổi và điều chỉnh” sẽ quy định trong hợp đồng cụ thể kèm theo nguyên tắc quản lý, trao đổi thông tin và thanh toán các chi phí liên quan. Như vậy, hình thức hợp đồng chỉ nên phân thành hai nhóm là “hợp đồng giá trọn gói” và “hợp đồng có giá điều chỉnh”. Tổng giá hợp đồng của hình thức “hợp đồng có điều chỉnh giá” sẽ phải gồm cả phần dự phòng để có nguồn cho công tác thanh toán và kiểm soát mức trần chi phí cho từng gói thầu, hợp đồng.

Thứ hai, các văn bản hướng dẫn dưới luật, trong đó có Nghị định 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng đã có nhiều điều chỉnh phù hợp với thực tiễn cũng như các khiếm khuyết như phân tích ở phần trên, cần phải xem xét để hiệu chỉnh nội dung của Luật mới.

Thứ ba, rà soát, tổng hợp các văn bản hướng dẫn về hợp đồng vào một văn bản luật để thống nhất hướng dẫn thực hiện, ngoài ra khi ban hành văn bản hướng dẫn dưới luật cần chuyển các nội dung mang tính chất kỹ thuật tính toán, xử lý nghiệp vụ thành các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, cẩm nang cho người sử dụng.

3. Tiêu chí xác định tính độc lập của nhà thầu chưa tính tới các nhà thầu nước ngoài

Để hướng dẫn xác định tính độc lập của nhà thầu, Điều 3 Nghị định 85/2009/NĐ-CP chia ra các trường hợp áp dụng cho nhà thầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhà thầu là đơn vị sự nghiệp, nhà thầu là doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi. Điều khoản này không đề cập tới trường hợp các nhà thầu là các tổ chức nước ngoài thì không biết việc xác định tính độc lập sẽ thực hiện như thế nào. Đây rõ ràng là một khiếm khuyết của pháp luật đấu thầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang tính toàn cầu như hiện nay. Tức là khi chúng ta hội nhập, việc cần phải chuẩn bị có tính tiên quyết, đó là tạo hành lang pháp lý đầy đủ bảo đảm cho việc tham gia đấu thầu của các thành phần kinh tế một cách bình đẳng và minh bạch. Bên cạnh đó, trong các quy định này chưa phân biệt rõ được quy định độc lập để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu và độc lập để đảm bảo khách quan trong thực hiện. Việc quy định tư vấn kỹ thuật cũng cần được làm rõ và phân biệt theo 2 mảng công việc ở chỗ:

– Tư vấn kỹ thuật cần khuyến khích tính liên tục, kế thừa nhưng không làm giảm tính cạnh tranh trong trường hợp nhà tư vấn phải thông qua đấu thầu cạnh tranh để chọn.

– Mảng công tác tư vấn thẩm định, giám định, kiểm định yêu cầu tính độc lập hoàn toàn để đảm bảo tính khách quan thực hiện như thẩm định các bước thiết kế, thẩm định dự toán, kiểm định chất lượng chi tiết, hạng mục…

Vấn đề đặt ra ở đây là khái niệm “tham gia đấu thầu” cần đưa vào Luật Đấu thầu như thế nào cho rõ ràng, làm cơ sở pháp lý cho việc tham gia đấu thầu cũng như việc xét chọn nhà thầu mang tính thống nhất cao hơn. Ngoài ra, việc quy định tư vấn lập thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công công trình thì không được giám sát thi công như khoản 7 Điều 36 Nghị định 12/2009/NĐ- CP là chưa hợp lý, cần làm rõ để pháp luật thể hiện sự thông thoáng hơn trong việc quy định các điều kiện về năng lực và hoạt động của các tổ chức, cá nhân tư vấn xây dựng, các nhà thầu hoạt động xây dựng trong phạm vi cả nước, kể cả nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

Chỉ tiêu đánh giá độc lập và quy định về cơ sở, chứng cứ xác định các chỉ tiêu này trong Luật chưa nêu cụ thể và cũng thiếu các tài liệu hướng dẫn chi tiết.

Pháp luật đấu thầu cần có hướng dẫn thêm về tính độc lập giữa các nhà thầu nước ngoài, trong đó chú trọng đến tính độc lập giữa nhà thầu nói chung và chủ đầu tư. Có thể tham khảo ý kiến kiểm soát do WB, ADB đang quy định cho các khoản vay ở Việt Nam để áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài.

Đối với các nhà thầu trong nước, trong điều kiện hiện nay, về cơ bản quy định như hướng dẫn tại Nghị định 85/2009/NĐ-CP là hợp lý. Đồng thời bổ sung điều kiện chỉ định thầu cho các đơn vị có vốn góp trên 50% của nhau mà sản phẩm đầu ra của đơn vị này đang là yêu cầu mua sắm của đơn vị kia.

Phân biệt rõ quy định điều kiện độc lập để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu và quy định độc lập thực hiện công việc để thẩm định, giám sát nhau theo hai nhóm riêng như phân tích ở trên.

4. Cách thức xác định một số gói thầu được phép chỉ định thầu chưa rõ ràng

Trong thực tiễn áp dụng, các công việc không đấu thầu chưa được quy định trong Luật Đấu thầu một cách cụ thể nên khi lập kế hoạch đấu thầu rất lúng túng, từ đó tạo ra cách hiểu không giống nhau, thiếu nhất quán. Các công việc này thường nằm trong phạm vi công việc tự thực hiện hoặc chỉ định thầu cho các đơn vị chuyên ngành thực hiện, nhất là công việc giám định và công tác thẩm định thầu. Nếu như điều kiện chỉ định thầu trong Luật Đấu thầu đưa thêm các đối tượng nêu trên vào để thống nhất quy trình và thủ tục thực hiện thì không còn bàn cãi trong việc thực hiện đối với các đơn vị chuyên ngành tổ chức chỉ định thầu. Như vậy, việc thừa nhận công tác này hiện nay đang gặp một trở ngại không nhỏ, có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện đấu thầu khi mà quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng công trình được chỉ định thầu bao gồm một số mục, trong đó có “gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia; gói thầu thuộc dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia” và “gói thầu do yêu cầu đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ”[4]. Ngoài ra, Điều 40 Nghị định 85/2009/NĐ-CP quy định thêm một trường hợp là “các trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Theo chúng tôi, Luật Đấu thầu chưa có quy định rõ ràng về thủ tục và khung pháp lý kiểm soát để làm cơ sở yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một gói thầu được coi là thuộc vào các trường hợp nêu trên. Do vậy, chủ đầu kiến nghị tràn lan, thủ tục thiếu nhất quán và không phân định rõ được trách nhiệm của từng cấp quyết định. Hạn mức giá gói thầu được chỉ định thầu hiện nay quá cao, cho dù mức giá này luật pháp có tính đến tình huống lạm phát nên một số chủ đầu tư nghĩ ngay đến việc chia nhỏ để chỉ định thầu với số lượng gói thầu rất lớn, một cách lách luật làm lợi cho chủ đầu tư và tất nhiên ảnh hưởng lớn đến việc chỉ định thầu.

Luật Đấu thầu cần có quy định về tiêu chí, thủ tục để xác định một gói thầu được phép chỉ định thầu kể cả khung pháp lý để xác định và kiểm soát trong trường hợp đặc biệt một cách rõ ràng hơn, không nên phiến diện như quy định hiện hành.

Nên giảm mức giá trị gói thầu được chỉ định thầu để việc áp dụng hình thức đấu thầu này được linh hoạt hơn, phù hợp với thực tiễn của nó. Bỏ điều kiện chứng minh chỉ định thầu hiệu quả hơn đấu thầu và thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu phải nhỏ hơn 18 tháng.

Nên bổ sung điều kiện chỉ định thầu cho đơn vị có vốn góp của nhau trên 50% nếu sản phẩm đầu ra của đơn vị này là nhu cầu mua sắm của đơn vị kia.

5. Nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa cụ thể trong hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu EPC

Vấn đề này được đề cập tại khoản 5 Điều 12 Luật Đấu thầu 2005, nếu nhìn nhận vấn đề này ở thực tiễn, chúng ta có thể khẳng định, nó thiếu nhất quán và thiếu đồng bộ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức hoặc tham gia đấu thầu theo các hình thức đấu thầu do chính Luật Đấu thầu đã quy định. Bởi vì, khi tiến hành đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế, việc đưa ra nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá cụ thể trong hồ sơ mời thầu chắc chắn làm cho cuộc đấu thầu mang rõ tính hình thức, mặt khác, nó còn triệt tiêu cơ hội cạnh tranh của các hàng hoá khác. Riêng đối với hình thức chào hàng cạnh tranh thường áp dụng cho hàng hoá sản xuất hàng loạt, ở đó theo thông lệ, việc phân phối thông qua hệ thống đại lý, siêu thị. Vì thế, nếu người mua có yêu cầu mua một mặt hàng nào đó với nhãn mác cụ thể thì vẫn đảm bảo sự cạnh tranh nhất định giữa các đơn vị phân phối nhưng xét về chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật cho sản phẩm hàng hoá nó cũng dễ dàng quản lý hơn.

Đối với đấu thầu cạnh tranh rộng rãi và hạn chế không được phép nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa trừ một số trường hợp đặc biệt nếu nêu nhãn hiệu hàng hóa cụ thể thì phải quy định: (i) nhà thầu được phép chào hàng hóa có nhãn mác khác nhưng phải chứng minh có chất lượng tương đương hoặc cao hơn; (ii) nêu tiêu chí đánh giá cụ thể trong hồ sơ mời thầu.

Đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu khác thì được phép nêu cụ thể nhãn mác, xuất xứ./.

 


[1] Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực ngày 01/7/2006.

[2] Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2005.

[3] Luật số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

[4] Theo Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2005.


Nguồn: TCNCLP