Posts Tagged ‘luật sư chuyên sau’

Các lỗi thường gặp khi đàm phán, ký kết hợp đồng thông dụng

29/10/2013

Đã từ lâu pháp luật về hợp đồng chiếm một vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bởi vì, hầu hết các giao dịch trong xã hội, dù có mục đích kinh doanh hay nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt thông thường, đều liên quan đến hợp đồng. Chính vì lẽ đó mà các chế định về hợp đồng và các vấn đề liên quan đến hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005 chiếm một vị trí nòng cốt với hơn 300 điều trên tổng số 777 điều. Mục đích của pháp luật về hợp đồng là nhằm bảo vệ quyền tự do ý chí của các bên. Quyền tự do ý chí này chỉ bị hạn chế bởi một số ngoại lệ nhằm bảo vệ trật tự công hoặc nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba.

Pháp luật về hợp đồng của Việt Nam hiện nay được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật kinh doanh bảo hiểm…, tuy nhiên, Bộ luật dân sự được coi là luật gốc quy định các vấn đề chung về hợp đồng, là nền tảng cho pháp luật về hợp đồng, điều chỉnh các quan hệ hợp đồng được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm. Các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự được áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh tế, hợp đồng có mục đích kinh doanh hay hợp đồng nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Trên cơ sở các quy định chung về hợp đồng của Bộ luật Dân sự, tuỳ vào tính chất đặc thù của các mối quan hệ hoặc các giao dịch, các luật chuyên ngành có thể có những quy định riêng về hợp đồng để điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vưc đó, ví dụ như các quy định về hợp đồng mua bán hàng hoá trong Luật Thương mại, hợp đồng bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm … Các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự được coi là các quy định chung còn các quy định về hợp đồng trong các luật chuyên ngành được coi là các quy định chuyên ngành và các quy định này được ưu tiên áp dụng.

Pháp luật hợp đồng của Việt Nam hiện nay, tuy có một số hạn chế nhất định đang được các nhà làm luật tiếp tục sửa đổi, bổ sung để bắt kịp với thực tiễn xã hội nhưng nhìn chung được xem là khá tiến bộ và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ hiện nay. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung các chế định về hợp đồng đã phần nào quán triệt, thể chế hoá các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế – xã hội của nhà nước, cụ thể hoá các quyền về kinh tế, dân sự của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 1992 và đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các quy định về giao kết, thực hiện hợp đồng đã thể hiện quan điểm tăng cường quyền tự do hợp đồng thông qua việc các bên được toàn quyền quyết định về đối tác tham gia ký kết hợp đồng, hình thức hợp đồng, nội dung của hợp đồng và trách nhiệm của các bên khi có vi phạm.

Bộ luật Dân sự quy định những vấn đề chung về hợp đồng như khái niệm hợp đồng, giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng … còn các luật chuyên ngành thì chỉ quy định các vấn đề mang tính đặc thù của hợp đồng trong các lĩnh vực khác nhau. Trong phạm vi bải nghiên cứu này, tác giả chỉ đề cập đến các vấn đề liên quan đến lỗi thường gặp trong quá trình tham gia, đàm phán, ký kết hợp đồng của doanh nghiệp, nhất là trong một số loại hợp đồng thông dụng:

A. NHỮNG LỖI CHUNG

Thứ nhất, lỗi về hình thức hợp đồng

Về nguyên tắc, các bên có quyền tự do quyết định hình thức của hợp đồng. Hình thức hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, trừ một số trường hợp pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng hình thức nhất định nhằm đảm bảo trật tự công, ví dụ như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản.

Doanh nghiệp cần biết rằng, để phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, pháp luật cũng ghi nhận hình thức của hợp đồng có thể được thể hiện thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu và hình thức này được coi là hợp đồng bằng văn bản[1]. Trong trường hợp pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó. Ví dụ như Hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất, bất động là là nhà chung cư, mua bán câc phương tiện như ôtô, tàu thủy… đều phải được lập thành văn bản và phải có công chứng (trường hợp mua bán câc phương tiện như ôtô, tàu thủy mà bên bán không xuất hóa đơn đỏ). Nhiều trường hợp mua bán quyền sử dụng đất, tài sản quy định phải có công chứng… nhưng không có công chứng thì khi giao dịch khác được thiết lập song song với giao dịch này thì giao dịch có công chứng theo quy định của pháp luật được bảo vệ.

Thứ hai, về ký kết hợp đồng và việc uỷ quyền ký kết hợp đồng

BLDS xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trên cơ sở công nhận hiệu lực của cam kết, thoả thuận của các bên, không phụ thuộc vào hình thức của hợp đồng. Do đó, về mặt nguyên tắc, hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết của bên được đề nghị. Hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận đề nghị vẫn im lặng, nếu các bên có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết. Trên cơ sở hình thức của hợp đồng, pháp luật cũng quy định cụ thể đối với từng trường hợp, ví dụ, đối với hợp đồng được giao kết bằng lời nói thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thoả thuận về nội dung của hợp đồng; đối với hợp đồng được giao kết bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản[2].

Về mặt nguyên tắc, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được tính từ thời điểm giao kết, tuy nhiên doanh nghiệp cần biết rằng vẫn có các ngoại lệ đó là khi các bên có thoả thuận khác, ví dụ hợp đồng được các bên ký vào ngày 1/1/2009 nhưng các bên thoả thuận là hợp đồng được coi là ký kết vào ngày 1/2/2009 hoặc khi pháp luật có quy định khác, ví dụ theo pháp luật về đất đai thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thế chấp là thời điểm đăng ký chứ không phải là thời điểm các bên ký hợp đồng và công chứng xác nhận. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp không biết rõ quy định này và vì một lý do nào đó mà không đăng ký nên rủi ro pháp lý là rất lơn.

Vấn đề uỷ quyền ký kết hợp đồng không được BLDS quy định cụ thể, tuy nhiên, vì hợp đồng là một dạng của giao dịch dân sự cho nên có thể áp dụng các quy định về việc uỷ quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự[3]. Theo đó cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện hợp đồng theo chế định người đại diện.

Thứ ba, về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự[4]

Theo quy định hiện hành, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác bị xâm phạm. Ví dụ, A và B ký hợp đồng mua bán hàng hoá vào ngày 1/1/2007, sau đó có tranh chấp xảy ra, quyền lợi của A bị vi phạm vào ngày 1/3/2007. A chỉ có thể khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết trong khoảng thời gian kể từ khi quyền lợi bị xâm phạm là từ ngày 1/3/2007 đến hết ngày 1/3/2009 (là 2 năm kể từ ngày quyền lợi của A bị vi phạm). Thực tế nhiều doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh thường không biết về quy định này đẫn đến việc hết thời hạn khởi kiện, khi nộp đơn ra Tòa án trả lại đơn kiện do hết thời hạn khởi kiện mới biết thì đã muộn.

B. LỖI ĐỐI VỚI CÁC DẠNG HỢP ĐỒNG CỤ THỂ

I. Lỗi thường gặp trong ký kết, thực hiện hợp đồng thương mại

1. Lưu ý chung:

– Về nguồn pháp luật điều chỉnh và có liên quan đến nội dung của hợp đồng: Ví dụ, nếu là hợp đồng mua bán hàng hoá, thì pháp luật có liên quan là những văn bản pháp luật về thương mại, dân sự, cụ thể là Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại (LTM), Luật Đầu tư, Luât doanh nghiệp v.v.. các văn bản pháp luật hướng dẫn các Luật nêu trên; Nghị định hướng dẫn LTM về mua bán hàng hoá, Nghị định quy định danh mục các mặt hàng hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện hoặc cấm kinh doanh. Nếu là hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thì kiến thức về thói quen thương mại, thông lệ, tập quán quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các cam kết Quốc tế song phương, đa phương, và cam kết trong khu vực của Việt Nam, pháp luật liên quan đến địa vị pháp lý của các bên cũng là những kiến thức và thông tin rất quan trọng liên quan trực tiếp đến nội dung cũng như tính hợp pháp, hợp lệ của hợp đồng. Bên cạnh đó, những người liên quan trực tiếp đến quá trình soạn thảo, đàm phán hợp đồng còn phải rà soát, lưu ý đến toàn bộ những văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung, lĩnh vực của hợp đồng.

Khi soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp thường không bảo đảm các yếu tố như:

– Về mặt hình thức của hợp đồng

Trong trường hợp nào mà pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được lập thành văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thi phải tuân theo các quy định đó.

Đối với một số loại hợp đồng mà pháp luật yêu cầu phải công chứng, chứng thực thì những loại hợp đồng đó phải được đem đi công chứng hoặc chứng thực thì mới có hiệu lực pháp.

– Về mặt nội dung của hợp đồng

Về nguyên tắc, nội dung của hợp đồng có các bên tự thoả thuận theo nguyên tắc tự do ý chí, bình đẳng và thiện chí với nhau. Tuy nhiên, Pháp luật cũng yêu cầu nội dung của hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

– Đảm bảo đối tượng của hợp đồng là những hàng hoá mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội.

– Đảm bảo người tham gia giao dịch phải hoàn toàn tự nguyện

– Đảm bảo người tham gia hợp đồng có năng lực hành vi dân sự.

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân: căn cứ vào các Điều 17, 18 và 19 của BLDS thì người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên và người thanh niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Như vậy, theo quy định này thì chỉ có người nào có đủ từ 18 tuổi trở lên mới bằng chính hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Còn những trường hợp khác chưa đủ 18 tuổi thì khi giao kết, xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự nào đó phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Quy định này nhằm bảo vệ các giao dịch khi được xác lập phải được xác lập bởi những người có đủ khả năng để tự nhân danh mình quyết định mọi hành vi của mình, đảm bảo không gây thiệt hại cho người khác.

Trong trường hợp người đã đủ 18 tuổi nhưng lại mắc bệnh như bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác gây ra tình trạng mất năng lực hành vi thì cũng không được tự mình giao kết hợp đồng mà phải có đại diện pháp luật.

Tương tự như vậy, đối với những người từ 6 tuổi đến duới 18 tuổi khi giao kết hợp đồng cũng phải có người đại diện theo pháp luật đồng ý.

+ Năng lực hành vi dân sự của pháp nhân:

Về nguyên tắc, thời điểm tổ chức, doanh nghiệp hay pháp nhân được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Pháp luật doanh nghiệp được coi là nguồn pháp lý chủ yếu điều chỉnh/quy định năng lực hành vi dân sự của tổ chức/doanh nghiệp/pháp nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp/tổ chức đó hoạt động trong lĩnh vực nào thì sẽ chịu thêm sự điều chỉnh của văn bản pháp luật của lĩnh vực đó, ví dụ pháp luật về doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, ngân hàng tín dụng, bảo hiểm v.v..

Thông thường năng lực hành vi của pháp nhân hay tổ chức được tính kể từ thời điểm doanh nghiệp đó được thành lập về mặt pháp lý/thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý, ví dụ như kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép thành lập hoặc ngày mà pháp luật quy định phải khai trương hoặc phải đăng ký thì mới được coi là đã thành lập. Và chỉ khi các doanh nghiệp, tổ chức hoặc pháp nhân được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân. Theo quy định của BLDS thì năng lực dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm pháp nhân được thành lập và chấm dứt từ thời điểm chấm dứt pháp nhân. Quy định này có nghĩa rằng sự hình thành pháp luật và được pháp luật công nhận thì pháp nhân đó có năng lực dân sự đầy đủ, có các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình.

+ Đại diện cho tổ chức/ pháp nhân và đại diện uỷ quyền

Đây là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến vị trí pháp lý của các bên cũng như đến hiệu lực của hợp đồng. Theo quy định tại khoản 5 Điều 139 thì người đại diện phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Đại diện cho tổ chức/pháp nhân thông thường được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập của pháp nhân.

Trong thực tiễn, việc uỷ quyền cũng được ghi nhận trong một loạt các tài liệu có giá trị chứng cứ khác như quy chế hoạt động của tổ chức đó, quyết định quy định trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lãnh đạo và thành viên của doanh nghiệp và kể cả trong thông báo chào hàng v.v… Và những giấy tờ này, về nguyên tắc có giá trị hợp lệ để chứng minh cho việc phân công của lãnh đạo doanh nghiệp/tổ chức đối với các lãnh đạo và thành viên khác của tổ chức/doanh nghiệp đó.

Khi tham gia soạn thảo, ký kết hợp đồng, các bên trong hợp đồng phải hết sức lưu ý đến địa vị pháp lý của người được đại diện uỷ quyền, phạm vi được uỷ quyền nhằm tránh tình trạng có tranh chấp sau này do việc ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền hoặc vượt quá phạm vi đại diện uỷ quyền.

2. Các lưu ý cụ thể khác

a) Giải thích thuật ngữ: Hợp đồng thương mại là một dạng hợp đồng không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật mà còn bị ảnh hưởng bởi các thói quen thương mại, thông lệ, tập quán và pháp luật quốc tế, có nhiều nội dung hợp đồng như hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng thuê hàng hoá v.v… là những hợp đồng mang tính chất chuyên ngành cao, nội dung phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành đặc thù. Để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng một cách thuận lợi, thì việc đưa ra các khái niệm cho những nội dung cần được hiểu và áp dụng thống nhất, khoa học là rất quan trọng. Việc làm này là cần thiết nhằm tránh tình trạng có phát sinh xung đột, tranh cãi giữa các bên về cách hiểu của nội dung đó cũng như kiểm soát được tình trạng áp dụng tuỳ tiện các điều khoản của hợp đồng gây ra tình trạng phá vỡ hợp đồng.

b) Mục lục hợp đồng

Tuỳ thuộc vào từng loại hợp đồng, nội dung, quy mô và tính chất của hợp đồng mà các hợp đồng ngoài bản chất thì còn có các mục lục hợp đồng. Mục lục hợp đồng là cần thiết và hỗ trợ đắc lực cho quá trình soạn thảo, đàm phán và thực thi hợp đồng.

c) Điều khoản về cách thức giải thích hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng không có các điều khoản về khái niệm, giải thích thuật ngữ và khi điều khoản của hợp đồng có thể giải thích theo nhiều cách khách nhau thì phải chọn cách giải thích phù hợp nhất, khoa học nhất để giải thích cho từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: giải thích theo tập quán; giải thích đặc trong mối liên hệ tổng thể của hợp đồng; giải thích có lợi cho bên yếu thế v.v…

d) Trong quan hệ làm ăn, chữ “tín” là một trong những tiêu chí tối cao mà các bên đều hướng tới nhằm xây dựng các mối quan hệ thương mại lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, tiêu chí “tin tưởng nhau” để phục vụ cho mục đích “ sinh lợi” của hoạt động thương mại không chỉ phải được thể hiện bằng số lượng giao dịch, thời gian làm ăn với nhau, giá trị hợp đồng mà càng tin nhau thì các bên càng phải rõ ràng, sòng phẳng về các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhau trong bản hợp đồng. Như đã đề cập rất nhiều lần trong phạm vi bài viết này đó là hợp đồng có chức năng rất quan trọng trong việc giúp các bên dự liệu, dự báo và tính toán được lợi nhuận và rủi ro của mình. Hợp đồng giúp các bên gia tăng lợi nhuận và cũng giúp các bên hạn chế, kiểm soát được rủi ro mà trong quá trình kinh doanh có thể gặp phải. Xuất phát từ quan điểm đó, trong quá trình soạn thảo, đàm phán, tư vấn hợp đồng cũng như tùy thuộc vào từng hợp đồng cụ thể, các nội dung như (i) Quy định điều khoản về sửa đổi, bổ sung hợp đồng; (ii) Quy định rõ về thời hiệu của hợp đồng;(iii) Lưu ý về các điều khoản bồi thường thiệt hại; (iv) Quy đinh cụ thể tên, địa chỉ, số giấy phép kinh doanh, đại diện có thẩm quyền và số tài khoản giao dịch của đối tác tham gia hợp đồng; (v) Điều khoản mang tính mô tả đối tượng hợp đồng; (vi) thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; (vii) thời điểm chuyển quyền sở hữu;(viii) thời điểm chuyển rủi ro; (ix) ngôn ngữ sử dụng trong họp đồng; (x) các điều khoản về giải quyết tranh chấp, về bất khả kháng phải được coi là những điều khoản quan trọng, cần được lưu ý và thỏa thuận kỹ lưỡng.

II. Những lỗi thường gặp khi đàm phán, giao kết hợp đồng thương mại quốc tế

So với hợp đồng thương mại trong nước, việc đàm phán để giao kết hợp đồng thương mại quốc tế thực chất là đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải những vấn đề sau đây:

1. Lỗi do không biết ngoại ngữ

Đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế có thông qua nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc … tuỳ theo đối tác ký kết hợp đồng sử dụng loại ngôn ngữ nào.Vì vậy, để có thể đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế thành công, các doanh nghiệp Việt Nam phải có các chuyên gia về ngôn ngữ.

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hoá, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp cũng như trong quá trình đàm phán hợp đồng. Vì vậy, việc sử dụng tốt tiếng Anh sẽ là thế mạnh của những doanh nghiệp muốn hoạt động và phát triển trong thương trường quốc tế nói chung và trong đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tự tin, chủ động, độc lập trong đàm phán mà còn tiết kiệm được chi phí (ví dụ chi phí thuê phiên dịch, chi phí dịch tài liệu liên quan đến hợp đồng…), giữ được bí mật nghề nghiệp, tạo sự nể trọng từ phía đối tác … và nhất là tránh được các lỗi trong nội dung hợp đồng do không biết ngoại ngữ nên không hiểu hết ý của đối tác.

2. Không biết sử dụng nghệ thuật đàm phán

Nghệ thuật đàm phán thể hiện ở sự chuẩn bị tốt các phương án đàm phán để dễ dàng đối phó với mọi yêu cầu của phía đối tác. Một sự chủ quan, bất cẩn sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế bị động. Trong trường hợp như vậy sẽ khó có được những hợp đồng thương mại có lợi cho mình.

Nghệ thuật đàm phán với đối tác nước ngoài đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có sự hiểu biết về phong tục, tập quán, thói quen của nước đối tác cũng như môi trường kinh doanh của nước họ.Sự hiểu biết về tập quán kinh doanh của nước đối tác sẽ tạo cho doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng chia sẻ nhiều vướng mắc trong đàm phán, từ dó tạo thuận lợi khi đàm phán về từng điều khoản cụ thể trong hợp đồng.

Nghệ thuật đàm phán cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải vừa có sự cương quyết, vừa có sự nhân nhượng với bàn hàng nước ngoài khi đàm phán về tưng điều khoản cụ thể trong hợp đồng

3. Không am hiểu luật pháp của nước bạn hàng và luật pháp quốc tế

Để tiết kiệm thời gian, việc nghiên cứu trước pháp luật nước ngoài, đặc biệt là pháp luật của nước bạn hàng cũng như pháp luật hoặc tập quán quốc tế là hết sức cần thiết. Sự hiểu biết này sẽ giảm thiểu được những sự bất đồng ý kiến và tiết kiệm thời gian đàm phán.

4. Không biết về nghiệp vụ buôn bán quốc tế

Điều này đòi hỏi người đi đàm phán phải có kiến thức tốt, chuyên sâu về nghiệp vụ thương mại quốc tế. Nói cách khác, những nguời đi đàm phán để ký kết hợp đồng thương mại quốc tế phải là các nhà chuyên nghiệp về lĩnh vực thương mại quốc tế cụ thể mà họ chuẩn bị đàm phán. Ví dụ, đàm phán để ký kết hợp đồng thương mại quốc tế mà đối tượng mua bán là những thiết bị phức tạp như máy bay, cột thu phát sóng truyền hình … sẽ hoàn toàn khác với mua bán gạo, than đá, sắt thép. Hợp đồng vận chuyển hàng hoá XNK bằng đường biển cũng sẽ có những tiêu chí kỹ thuật khác so với hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vận hành một nhà máy lọc dầu …

III. Một số lỗi thường gặp đối với hợp đồng trong lĩnh vực đầu tư

1. Hợp đồng góp vốn

Trên thực tế, Hợp đồng góp vốn rất ít khi được sử dụng bởi các nhà đầu tư khi chuẩn bị thành lập một doanh nghiệp, vì lý do đã có điều lệ doanh nghiệp. Việc sử dụng điều lệ có thể đáp ứng được vai trò của một hợp đồng góp vốn trên một số khía cạnh, nhưng về bản chất điều lệ và hợp đồng góp vốn có vai trò khác nhau. Điều lệ với tư cách là một “hiến pháp” của doanh nghiệp, chủ yếu để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quản trị và hoạt động doanh nghiệp. Trong khi đó, hợp đồng góp vốn có ý nghĩa nhiều hơn trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các cổ đông/thành viên sáng lập, các điều kiện tiên quyết cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp và các điều kiện ràng buộc giữa các cổ đông/thành viên sáng lập trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Nếu kết hợp tốt, điều lệ cũng có thể quy định các điều khoản của một hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, điều lệ mẫu theo các quy định của pháp luật hiện hành hoặc điều lệ mà các cổ đông/thành viên sáng lập sử dụng thường không có đầy đủ các quy định cần thiết của một hợp đồng góp vốn. Chính vì vậy, hợp đồng góp vốn là cần thiết, đặc biệt là đối với những dự án thành lập doanh nghiệp có quy mô vốn lớn hoặc có những giao dịch phức tạp.

Lưu ý trong trường hợp góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thì pháp luật Việt Nam bắt buộc phải ký hợp đồng, hợp đồng phải được lập theo mẫu theo quy định của pháp luật, và phải được công chứng. Nếu hợp đồng không được lập theo mẫu thì có thể sẽ gặp khó khăn nhất định khi công chứng, công chứng viên có thể sẽ từ chối công chứng. Các nhà đầu tư cần lưu ý rằng mẫu hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo quy định của pháp luật là rất đơn giản và không có đầy đủ các nội dung chi tiết hoặc nội dung thoả thuận riêng biệt. Trong những trường hợp cần thiết, các bên có thể cân nhắc bổ sung thêm các điều khoản vào hợp đồng mẫu nhưng nên tham khảo ý kiến của luật sư và công chứng viên, tránh trường hợp hợp đồng bị từ chối công chứng vì lý do nó phá vỡ cơ bản cấu trúc của hợp đồng mẫu.

2. Hợp đồng Liên doanh

Hợp đồng liên doanh phải do đại diện có thẩm quyền của các bên liên doanh ký vào từng trang và ký đầy đủ vào cuối hợp đồng. Hợp đồng liên doanh có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư chứ không phải kể từ ngày ký hợp đồng liên doanh.

Trên thực tế, khi soạn thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng liên doanh các nhà đầu tư và doanh nghiệp thường mắc lỗi sau:

– Thường soạn thảo nội dung của hợp đồng liên doanh và nội dung của Điều lệ liên doanh giống hệt nhau. Hậu quả của việc này là cả 2 tài liệu đều rất dài dòng và lặp lại các nội dung như sau, nhưng lại không điều chỉnh toàn diện hết các vấn đề. Các nhà đầu tư nên soạn thảo hợp đồng liên doanh theo hướng tạp trung điều chỉnh mối quan hệ của các bên trong liên doanh; và điều lệ liên doanh nên tập trung hơn vào việc điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp liên doanh;

– Việc dung hoà lợi ích giữa bên bỏ vốn đầu tư lớn (cổ đông lớn) và bên bỏ vốn đầu tư ít (cổ đông nhỏ) là rất khó và cần có sự đàm phán khéo léo, kiên trì. Thông thường, cổ đông lớn (thường là bên nước ngoài) muốn có nhiều quyền hơn và có thể chủ động trong việc ra quyết định hoặc phê chuẩn các vấn đề hoạt động của doanh nghiệp liên doanh. Cổ đông nhỏ (thường là bên Việt Nam) cũng cần phải bảo vệ mình và dành lấy một số quyền nhất định, nếu không có thể dẫn tới tình trạng bị cổ đông lớn “xử ép”, “ép lỗ” buộc bên đầu tư nhỏ phải rút khỏi liên doanh và giao lại liên doanh cho cổ đông lớn. Để dung hoà lợi ích và đi đến liên doanh thành công, các bên cần hiểu rõ vai trò của mình gắn với tỷ lệ góp vốn. Cách bảo vệ tốt nhất cho bên đầu tư nhỏ là quy định quyền phủ quyết của bên đầu tư nhỏ cho những vấn đề quan trọng;

– Trên thực tế các doanh nghiệp trong nước rất ít khi để ý đưa điều khoản giải quyết bế tắc (deadlock) vào hợp đồng liên doanh. Bế tắc trong liên doanh xảy ra khi các bên không thể đi đến thống nhất biểu quyết về một vấn đề nào đó; điều này thường xảy ra đối với những hợp đồng liên doanh có quy định về các vấn đề cần biểu quyết đồng thuận, hoặc một bên có quyền phủ quyết đối với một số vấn đề. Hậu quả là có thể dẫn tới liên doanh không thể tiếp tục hoạt động hoặc không thể chuyển hướng hoạt động và phát triển được. Cách khắc phục nhược điểm này là quy định về cách thức giải quyết bế tắc một cách cụ thể và triệt để trên tinh thần vì lợi ích của liên doanh để tối thiểu là nó có thể duy trì tiếp tục hoạt động (ví dụ như một bên sẽ chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho bên kia, hoặc yêu cầu mua lại phần vốn góp của phía bên kia);

– Bên nước ngoài thường ưu tiên lựa chọn luật pháp nước ngoài để điều chỉnh giao dịch hợp đồng liên doanh. Tuy nhiên, điều này là không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, bắt buộc các bên phải lựa chọn pháp luật Việt Nam để điều chỉnh hợp đồng liên doanh;

– Pháp luật Việt Nam cho phép lựa chọn cơ quan tài phán nước ngoài để phân xử trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Bên nước ngoài thường thích lựa chọn cơ quan tài phán ở nước ngoài vì theo quan điểm của họ cơ quan tài phán nước ngoài sẽ đảm bảo tính minh bạch và công bằng tốt hơn. Bên nước ngoài thường đánh giá thấp vấn đề rằng phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài trên thực tế rất khó và rất ít khi được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Bên Việt Nam cần lưu ý về chi phí rất tốn kém khi tham gia phân xử tại cơ quan tài phán nước ngoài và nên lựa chọn cơ quan tài phán tại Việt Nam.

3. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)

Hợp đồng hợp tác kinh doanh phải do đại diện có thẩm quyền của các bên hợp doanh ký vào từng trang và ký đầy đủ vào cuối hợp đồng. Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư chứ không phải từ ngày ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài.

Khi soạn thảo, đàm phán hợp đồng hợp tác kinh doanh mà các doanh nghiệp hay mắc phải là rất ít khi các bên quan tâm đúng mức đến điều khoản về cơ chế điều hành và quản lý hoạt động hợp tác, và vấn đề giải quyết, xử lý tài sản khi chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh. Cơ chế điều hành và quản lý hoạt động hợp tác thường rất quan trọng để tạo sự minh bạch và tạo hành lang cho việc hợp tác thành công và có hiệu quả. Mặt khác, vào thời điểm ký kết hợp đồng, các bên thường quan tâm nhiều hơn đến sự bắt đầu của một hoạt động hợp tác mới, mà ít quan tâm đầy đủ đến cơ chế giải quyết triệt để khi chấm dứt hoạt động hợp tác. Trên thực tế có rất nhiều tranh chấp xảy ra trong quá trình hợp tác và việc thiếu các điều khoản rõ ràng về cơ chế giải quyết tranh chấp và giải quyết việc chấm dứt có thể dẫn tới bế tắc hoặc thiệt hại cho một bên.

4. Hợp đồng mua bán/chuyển nhượng cổ phần/vốn góp

Vấn đề lưu ý quan trọng đối với các doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch hợp đồng mua cổ phần/vốn góp là việc kiểm tra tình hình pháp lý (legal due diligence) và tình hình tài chính (financial due diligence) của doanh nghiệp. Việc kiểm tra tình hình pháp lý và tài chính của doanh nghiệp là hết sức cần thiết khi mua cổ phần đặc biệt là những giao dịch có giá trị lớn hoặc mua cổ phần/phần vốn góp để trở thành cổ đông chiến lược hoặc để kiểm soát công ty. Trên thực tế, nhiều trường hợp trước khi ký hợp đồng bên mua không thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng, sau khi ký hợp đồng và vào tiếp quản quyền quản lý công ty thì bên mua mới phát hiện ra các khoản nợ xấu và các giao dịch bất hợp pháp; lúc đó bên mua sẽ phải gánh chịu những rủi ro lớn do các cổ đông/thành viên chuyển nhượng cổ phần đã rút khỏi công ty.

5. Hợp đồng chuyển nhượng dự án

Lưu ý rằng hợp đồng chuyển nhượng dự án cần phải được đăng ký với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư để phê chuẩn. Vì vậy, các bên nên quy định rõ thời điểm có hiệu lực đầy đủ của hợp đồng chuyển nhượng dự án phụ thuộc vào thời điểm các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn.

Trường hợp chuyển nhượng dự án có gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thì các bên nên lập bổ sung hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất riêng kèm theo hợp đồng chuyển nhượng dự án, làm cơ sở để thực hiện việc công chứng, tính toán các khoản thuế, phí, lệ phí trước bạ.

Khi chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý nhà đầu tư nước ngoài không được phép trực tiếp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì vậy, phạm vi chuyển nhượng dự án không được bao gồm chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau khi việc chuyển nhượng được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, doanh nghiệp trong nước phải trả lại đất cho nhà nước để nhà nước cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê để tiếp tục thực hiện dự án.

6. Lỗi chung khác

Khi đàm phán các giao dịch đầu tư, kinh nghiệm thực tế mà các luật sư chuyên nghiệp đã gặp phải và các nhà đầu tư và các doanh nghiệp cần lưu ý như sau:

6.1. Đối với các giao dịch giữa các nhà đầu tư trong nước, thông thường các nhà đầu tư thường hay dễ tính một cách thiếu chuyên nghiệp trong việc soạn thảo và ký kết hợp đồng có nội dung đơn giản nhằm nhanh chóng thực hiện giao dịch đầu tư. Điều này sẽ tạo cơ hội cho việc phát sinh những tranh chấp tiềm ẩn thiếu cơ chế giải quyết rõ ràng về sau. Lời khuyên cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư là nên lưu tâm hơn trong các quy định hết sức chi tiết và cụ thể của hợp đồng về cơ chế điều hành và quản lý đầu tư, cũng như cơ chế giải quyết tận gốc các tranh chấp và các vấn đề phát sinh trong hợp đồng. Các doanh nghiệp phải hết sức kiên trì trong quá trình soạn thảo và đàm phán, ngay cả khi việc đó có thể kéo dài hơn dự kiến để đi đến ký kết thành công giao dịch, nhưng nó lại tạo điều kiện rất thuận lợi cho quá trình thực hiện hợp đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài rất hiếm khi ký kết một hợp đồng đầu tư quan trọng có nội dung sơ sài khoảng 10 trang như các doanh nghiệp trong nước thường hay sử dụng;

6.2. Các doanh nghiệp nên lưu ý về đặc điểm khác nhau của các nhà đầu tư thuộc quốc tịch khác nhau để hoạch định chiến lược đàm phán hợp đồng phù hợp nhất và để đạt được kết quả tốt nhất cho mình. Ví dụ:

6.2.1. Đối với các nhà đầu tư Hoa kỳ, thông thường phong cách làm việc của họ là ra quyết định rất nhanh và áp đặt theo các điều kiện của họ. Các nhà đầu tư trong nước phải phản ứng rất nhanh theo các yêu cầu của họ, không thể chậm trễ và trì hoãn lâu. Để phản ứng nhanh thì các doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó và vạch ra nhiều kịch bản khác nhau trước mỗi buổi đàm phán;

6.2.2. Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản thì thông thường lại theo xu hướng đối nghịch với nhà đầu tư Hoa kỳ. Các đối tác Nhật Bản thường làm việc rất tỉ mỉ, chi tiết, kỹ tính và đảm bảo tính tuân thủ. Đôi khi việc tỉ mỉ và kỹ tính của họ làm cho cuộc đàm phán có thể kéo dài quá sức chịu đựng của đối tác trong nước. Các thủ tục lấy ý kiến và phê chuẩn của họ cũng rất kỹ và hầu như không thể làm trái. Các nhà đầu tư Nhật Bản thường đàm phán theo chiến lược “từ mặt đất đi lên”, có nghĩa rằng họ đàm phán trong khả năng tối đa để đạt được lợi ích tốt nhất cho phía họ, và kiên trì để giữ chiến lược đó. Ưu điểm của các nhà đầu tư Nhật Bản là khi đã ký kết hợp đồng, họ sẽ làm việc rất nghiêm túc và đảm bảo tính tuân thủ cao theo các quy định của hợp đồng. Khi đàm phán với các đối tác Nhật Bản, các doanh nghiệp trong nước cần phải hết sức kiên trì;

6.2.3. Các nhà đầu tư Hàn Quốc thì theo xu hướng dung hoà hơn giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Họ không quá kỹ tính như Nhật Bản nhưng không quá nhanh và áp đặt như Hoà Kỳ. Văn hoá kinh doanh của người Hàn Quốc cũng tương đồng nhiều hơn với văn hoá kinh doanh của người Việt Nam. Đàm phán với đối tác Hàn Quốc, các doanh nghiệp trong nước nên lưu ý nhiều hơn đến việc thẩm định năng lực và mục tiêu thực chất của đối tác, cũng như hạn chế khả năng chuyển nhượng dự án của đối tác.

6.3. Khi soạn thảo và đàm phán hợp đồng, các doanh nghiệp nên lưu tâm trong việc giữ phong cách làm việc và đàm phán chuyên nghiệp và chính xác, và giữ thói quen sử dụng ý kiến tư vấn của bộ phận pháp chế hoặc luật sư để đảm bảo tính an toàn trong giao dịch. Các đối tác nước ngoài thường thực hiện và tuân thủ rất tốt hai yếu tố này.

IV. Các lỗi thường gặp trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng

*Về giao kết hợp đồng tín dụng:

Doanh nghiệp cần nhận thức rằng giao kết hợp đồng tín dụng là một quá trình bao gồm nhiều khâu: (1) Đề nghị vay vốn và lập hồ sơ tín dụng, (2) Thẩm định hồ sơ tín dụng, (3) Quyết định cho vay, (4) Đàm phán các điều khoản trong hợp đồng và ký kết hợp đồng. Trong đó, khâu thứ (1) và (2) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp. Hồ sơ tín dụng thể hiện mối quan hệ tổng thể giữa doanh nghiệp và ngân hàng, minh chứng cho doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn. Sự hoàn chỉnh và chính xác của hồ sơ tín dụng, kết quả thẩm định hồ sơ (chính là việc thẩm định các điều kiện vay vốn của doanh nghiệp) là cơ sở, căn cứ để doanh nghiệp có thể được vay vốn ở ngân hàng.

Dựa vào hồ sơ tín dụng nêu trên, ngân hàng có thể thu thập được đầy đủ các thông tin cần thiết về quá khứ cũng như hiện tại của doanh nghiệp, có thể xác định khả năng trả nợ của doanh nghiệp đối với nguồn vốn vay ở ngân hàng trong thời hạn nhất định. Trong trường hợp cần thiết, ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thêm tài sản bảo đảm để hạn chế rủi ro cho ngân hàng.

Trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ tín dụng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đời sống và khả năng hoàn trả của doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) phải ra quyết định và thông báo cho doanh nghiệp về quyết định cho vay của mình. Trong trường hợp quyết định không cho vay, TCTD phải nêu rõ lý do từ chối cho vay.

Quyết định cho vay của TCTD không đồng nghĩa với việc hợp đồng tín dụng đã được ký kết. Quyết định trên chỉ là cơ sở để đàm phán, thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng và ký kết hợp đồng tín dụng. Về nguyên tắc, hợp đồng tín dụng phát sinh hiệu lực kể từ khi đại diện hai bên tham gia quan hệ hợp đồng (TCTD và doanh nghiệp) đã ký vào văn bản hợp đồng và các bên cũng không có thoả thuận về thời hạn bắt đầu có hiệu lực của đồng.

* Về chủ thể ký kết hợp đồng tín dụng:

Doanh nghiệp cần lưu ý người ký kết hợp đồng phải có thẩm quyền ký kết, có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền. Người đại diện này cũng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Việc xem xét tư cách chủ thể của bên vay vốn là một vấn đề quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực của hợp đồng tín dụng. Trên thực tế, nếu tổ chức tín dụng xem nhẹ vấn đề này, không xác định đúng tư cách chủ thể (đặc biệt là trường hợp khách hàng vay là tổ chức, doanh nghiệp) dẫn đến việc ký hợp đồng tín dụng với chủ thể không có thẩm quyền ký kết. Hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu gây thiệt hại nặng nề cho các tổ chức tín dụng.

Việc xem xét tư cách chủ thể của bên vay vốn – doanh nghiệp là rất quan trọng. Đây chính là cơ sở để các thẩm phán, trọng tài xem xét tính hiệu lực của hợp đồng tín dụng. Việc xác định sai tư cách của chủ thể vay vốn dẫn đến hợp đồng vô hiệu, tổ chức tín dụng không thu hồi được lãi, gây thiệt hại nặng nề cho các tổ chức tín dụng.

* Về số tiền vay:

Số tiền vay hoàn toàn phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên. Trong hợp đồng tín dụng, sự thoả thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng về số tiền vay bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật. Số tiền vay được hình thành trên cơ sở mức cho vay của tổ chức tín dụng và sự đồng ý của khách hàng vay đối với quyết định cho vay đó (Điều 13 – 18 Quy chế cho vay). Để quyết định mức cho vay đối với khách hàng, tổ chức tín dụng phải dựa trên các căn cứ sau:

– Nhu cầu vay vốn của khách hàng.

– Căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng.

– Căn cứ vào giá trị tài sản bảo đảm.

– Căn cứ vào nguồn vốn của tổ chức tín dụng cho vay.

Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay vượt quá mức giới hạn cho vay theo quy định trên khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép đối với từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động cho vay, tránh hành vi trục lợi từ hoạt động cho vay, pháp luật của hầu hết pháp luật của các nước trên thế giới đều giới hạn cho vay ở mức thấp hơn đối với một số đối tượng cụ thể. Theo Điều 78 Luật các tổ chức tín dụng thì: Tổ chức tín dụng không được phép cho vay vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng đối với các đối tượng sau:

– Tổ chức kiểm toán, Kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng; Kế toán trưởng, thanh tra viên.

– Các cổ đông lớn của tổ chức tín dụng

Đối với cho vay để đầu tư chứng khoán: đầu tư, kinh doanh chứng khoán luôn tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán ở Việt Nam, các nhà đầu tư chủ yếu là các nhà đầu tư không chuyên nghiệp chạy theo tâm lý bầy đàn càng làm tăng tính rủi ro trên thị trường chứng khoán. Rủi ro của các nhà đầu tư ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ không thu hồi được vốn của các ngân hàng, gây sụp đổ hệ thống ngân hàng. Do đó, nhằm hạn chế một lượng vốn của ngân hàng bị đổ sang thị trường chứng khoán và kiểm soát chất lượng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định số 03/2008/QĐ – NHNN về việc tổ chức tín dụng cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán. Theo đó tổng dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán phải bảo đảm mức tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng dưới 5%. Như vậy, cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng bị khống chế bởi mức vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, khi doanh nghiệp vay vốn với mục đích để đầu tư vào chứng khoán cần xem xét đến nguồn vốn điều lệ của TCTD và các khoản tín dụng trong lĩnh vực này đã được cấp cho khách hàng. Vốn điều lệ càng lớn, mức cho vay càng cao.

* Về các biện pháp bảo đảm tiền vay tại tổ chức tín dụng:

– Hiện nay có các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp bằng tài sản của khách hàng vay hoặc bằng tài sản của bên thứ ba, đặt cọc, ký cược, kỹ quỹ, tín chấp. Trong đó, cầm cố, thế chấp là biện pháp hay được áp dụng. Các ngân hàng thường muốn doanh nghiệp vay vốn dùng chính tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình để bảo đảm cho khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng. Các tài sản này phải thoả mãn những điều kiện nhất định như phải có tính thanh khoản, pháp luật cho phép chuyển nhượng, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bảo đảm và thường không bị tranh chấp khi đưa ra làm bảo đảm. Đối với cầm cố, bên bảo đảm phải chuyển giao tài sản cho ngân hàng cho vay, đối với thế chấp bên bảo đảm chỉ chuyển giao các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản đó. Tuy nhiên, trên thực tế một số tài sản chỉ có thể là đối tượng của thế chấp như: nhà, đất đai, tàu biển, tàu đánh cá, tàu bay, một số tài sản chỉ có thể là đối tượng của cầm cố như thẻ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác.

Trong số các điều kiện đối với tài sản bảo đảm, đặc biệt cần lưu ý khách hàng phải có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó.

– Đối với tài sản có giá trị lớn, có thể đưa ra bảo đảm cho nhiều khoản vay ở các ngân hàng khác nhau, tuy nhiên trong trường hợp này, các bên nhận bảo đảm (các TCTD) phải đăng ký giao dịch bảo đảm và phải cử ra một TCTD làm đầu mối giữ các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản bảo đảm nói trên.

– Về xử lý tài sản bảo đảm: hiện nay có hai phương thức xử lý tài sản bảo đảm sau: do các bên thoả thuận và bán đấu giá. Việc thoả thuận của các bên cũng có thể xảy ra theo các cách thức (tự bán, hoặc uỷ quyền cho người thứ ba bán), bên bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm, bên bảo đảm nhận tiền hoặc tài sản (trường hợp thế chấp quyền đòi nợ); phương thức khác do các bên thỏa thuận. Vấn đề là sự thoả thuận của các bên được xác định tại thời điểm nào: thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm hay thời điểm xử lý tài sản bảo đảm? Trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ trả nợ và phương thức xử lý tài sản được thoả thuận khác nhau thì vấn đề lại trở nên phức tạp.

* Về hiệu lực của hợp đồng tín dụng

Khi xem xét hiệu lực pháp lý của hợp đồng tín dụng, ngoài việc xem xét các yếu tố liên quan đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng nói chung thì cần thiết chú ý đến các qui định áp dụng riêng đối với hợp đồng tín dụng. Hợp đồng tín dụng bị tuyên bố vô hiệu khi hợp đồng được ký không thoả mãn các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng như về năng lực chủ thể, về điều kiện tự nguyện, về mục đích, nội dung của hợp đồng không được trái luật và đạo đức xã hội.

Một trong các nguyên nhân dẫn tới hợp đồng tín dụng vô hiệu là người ký kết không đúng thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền.

Về nguyên tắc, người đại diện hợp pháp của tổ chức là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng tín dụng. Người đại diện hợp pháp có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc là người đại diện theo uỷ quyền. Việc ủy quyền phải được thực hiện trước khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của các bên, hạn chế đến mức thấp nhất việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu do người ký kết không đúng thẩm quyền, quy định về uỷ quyền trong pháp luật hiện hành cũng mang tính linh hoạt, mềm dẻo. Theo đó, việc uỷ quyền có thể được thực hiện trước hoặc sau khi ký hợp đồng, có thể bằng văn bản hoặc bằng hình thức nhất định.

Theo Điều 416. BLDS 2005: “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp được người đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối”.

Như vậy, việc người có thẩm quyền chấp nhận sau khi hợp đồng đã được giao kết không làm cho hợp đồng bị vô hiệu. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 04/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao trước đây hướng dẫn một số qui định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế (Nghị quyết 04/2003/NQ – HĐTP). Theo Nghị quyết 04/2003/NQ – HĐTP thì được coi là người có thẩm quyền biết mà không phản đối khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Sau khi hợp đồng đã được ký kết, có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người ký kết hợp đồng đã báo cáo với người có thẩm quyền biết hợp đồng đã được ký kết (Việc báo cáo đó được thực hiện trong biên bản họp giao ban của ban giám đốc, Biên bản cuộc họp của Hội đồng thành viên hay Hội đồng quản trị, có nhiều người khai thống nhất việc báo cáo là có thực…);

– Người có thẩm quyền thông qua các chứng từ, tài kiệu về kế toán, thống kê biết được hợp đồng kinh tế đó đã được ký kết và đang được thực hiện (đã ký trên hoá đơn, phiếu xuất kho, các khoản thu chi của việc thực hiện hợp đồng hoặc trên sổ sách kế toán của pháp nhân…);

– Người có thẩm quyền chứng minh có tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh theo thoả thuận của hợp đồng được ký kết (ký các văn bản xin gia hạn thanh toán, cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng…);

– Người có thẩm quyền đã trực tiếp sử dụng tài sản, lợi nhuận có được do việc ký kết, thực hiện hợp đồng đó mà có (sử dụng ô tô để đi lại, để kinh doanh mà biết do việc ký kết, thực hiện hợp đồng mà có…).

Ngoài ra, hợp đồng tín dụng có thể bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ khi bên vay là đối tượng bị cấm cho vay hoặc trong trường hợp loại cho vay bị cấm. Điều 77 Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam năm 1997 có quy định:

– Tổ chức tín dụng không được phép cho vay đối với những đối tượng sau:

+ Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của tổ chức tín dụng.

+ Người thẩm định, xét duyệt cho vay.

+ Bố, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc).

Các quy định trên không áp dụng đối với tổ chức tín dụng hợp tác.

Thêm vào đó, Điều 78 Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam còn không cho phép tổ chức tín dụng cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với những điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau:

– Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng; Kế toán trưởng, thanh tra viên;

– Các cổ đông lớn của tổ chức tín dụng.

– Doanh nghiệp có một trong các đối tượng cấm cho vay sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó.

Như vậy, nếu tổ chức tín dụng mà cho vay những đối tượng được quy định trong Khoản 1 Điều 77 và cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc với những điều kiện ưu đãi cho các đối tượng quy định trong Khoản 1 Điều 78 Luật các tổ chức tín dụng thì hợp đồng tín dụng đó bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ.

Ngoài ra, hợp đồng tín dụng cũng có thể bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ khi TCTD cho vay các nhu cầu vốn sau đây (Điều 9.1 Quy chế cho vay):

+ Để mua sắm các tài sản và các chi phí hình thành nên tài sản mà pháp luật cấm mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi.

+ Để thanh toán các chi phí cho việc thực hiện các giao dịch mà pháp luật cấm.

Hợp đồng tín dụng có thể bị vô hiệu từng phần khi một phần của hợp đồng vô hiệu không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng. Ví dụ, hợp đồng tín dụng có thể bị vô hiệu một phần do có điều khoản trong hợp đồng được ký kết trái với quy định của pháp luật như: Điều khoản về lãi suất cho vay, điều khoản về bảo đảm tiền vay…Ví dụ: Điều 476 BLDS 2005 quy định: Các bên có thể thoả thuận mức lãi suất cho vay nhưng không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố trong từng giai đoạn nhất định. Do đó, đối với những hợp đồng tín dụng mà các bên thoả thuận mức lãi suất cho vay vượt quá giới hạn trên thì hợp đồng tín dụng đó bị vô hiệu điều khoản về lãi suất.

Mối quan hệ giữa hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay.

Hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay là hai hợp đồng độc lập với nhau. Hợp đồng tín dụng vô hiệu mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì giao dịch bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng tín dụng thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. (Điều 15 Nghị định 163/2006/NĐ – CP về giao dịch bảo đảm).

Như vậy, hiệu lực của hợp đồng tín dụng không phải trong mọi trường hợp đều ảnh hưởng tới hiệu lực của giao dịch bảo đảm. Để xác định xem hiệu lực của hợp đồng tín dụng có ảnh hưởng tới giao dịch bảo đảm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hợp đồng tín dụng đã được thực hiện hay chưa. Nếu các bên chưa thực hiện hợp đồng tín dụng thì khi hợp đồng tín dụng bị vô hiệu, bị huỷ bỏ, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì giao dịch bảo đảm chấm dứt. Trường hợp các bên đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng thì khi hợp đồng tín dụng bị vô hiệu, bị huỷ bỏ, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Đối với hợp đồng bảo lãnh: Khác biệt với các giao dịch bảo đảm khác, chủ thể của hợp đồng bảo lãnh không đồng thời là chủ thể của hợp đồng tín dụng (hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm). Trường hợp mà hợp đồng tín dụng vô hiệu nhưng các bên chưa thực hiện hợp đồng nghĩa là bên tổ chức tín dụng chưa tiến hành giải ngân cho khách hàng thì hợp đồng bảo đảm cũng bị chấm dứt. Trường hợp mà hợp đồng tín dụng bị vô hiệu nhưng các bên đã thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa là khách hàng đã nhận được một phần hoặc toàn bộ số tiền vay thì hợp đồng bảo lãnh không chấm dứt. Do đó, nếu khách hàng vay không hoàn trả lại tiền cho tổ chức tín dụng trong việc xử lý hợp đồng vô hiệu thì lúc này bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình đối với tổ chức tín dụng.

Quy định trên đây là hoàn toàn phù hợp với thực tế quan hệ tín dụng ngân hàng, phản ánh đúng tính chất của giao dịch bảo đảm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên cho vay (tổ chức tín dụng) với tư cách là bên nhận bảo đảm.

Trường hợp TCTD thỏa thuận với khách hàng hợp đồng bảo đảm là bộ phận không thể tách rời của hợp đồng tín dụng thì khi hợp đồng bảo đảm vô hiệu có thể sẽ làm hợp đồng tín dụng vô hiệu theo.

Trên đây là một số vấn đề cơ bản liên quan đến hợp đồng tín dụng mà doanh nghiệp cần biết, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng một cách dễ dàng.

V. Các lỗi thường gặp trong quá trình thương thảo, hoàn thiện, ký kết và thực hiện hợp đồng trong đấu thầu

1. Về giao kết hợp đồng

Doanh nghiệp cần hiểu rằng quá trình giao kết hợp đồng trong đấu thầu bắt đầu ngay từ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ dự thầu bày tỏ nguyện vọng được ký kết hợp đồng với chủ đầu tư. Quá trình đấu thầu đòi hỏi cả chủ đầu tư và nhà thầu phải nghiêm túc tuân thủ các quy định. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ quy trình. Nhà thầu phải ràng buộc trách nhiệm dự thầu bằng bảo đảm dự thầu và trách nhiệm thực hiện hợp đồng bằng bảo đảm thực hiện hợp đồng (trừ đấu thầu tư vấn). Hai thứ cốt yếu của quá trình đấu thầu là hồ sơ mời thầu – văn bản thể hiện tất cả các yêu cầu của chủ đầu tư, và hồ sơ dự thầu – văn bản thể hiện tất cả các nội dung chào của nhà thầu.

Khi đi dự thầu, doanh nghiệp cần hiểu rõ yêu cầu của chủ đầu tư. Trường hợp chưa rõ thì phải thực hiện quyền đề nghị chủ đầu tư làm rõ. Chủ đầu tư có thể tổ chức hội nghị tiền đấu thầu để trực tiếp giải thích cho tất cả các nhà thầu tham gia yêu cầu của mình hoặc gửi văn bản làm rõ hồ sơ mời thầu đến tất cả các nhà thầu tham gia. Tuyệt đối tránh tình trạng “hiểu lờ mờ” hồ sơ mời thầu dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng của hồ sơ dự thầu.

Nội dung hồ sơ dự thầu là không được thay đổi kể từ sau thời điểm đóng thầu. Có nghĩa là sau thời điểm đó, việc thay đổi bất kỳ nội dung nào của hồ sơ dự thầu, kể cả thư giảm giá, là vi phạm pháp luật. Có thể được làm rõ hồ sơ dự thầu (chỉ đối với nhà thầu có hồ sơ dự thầu cần làm rõ) theo yêu cầu bằng văn bản của bên mời thầu, tuy nhiên việc làm rõ này không được làm thay đổi bản chất của hồ sơ dự thầu, không được làm thay đổi giá dự thầu. Quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu của nhà thầu cần được thực hiện thật tỉ mỉ, chu đáo. Đặc biệt lưu ý không để xảy ra lỗi trong hồ sơ pháp lý, không để xảy ra tình trang vi phạm điều kiện tiên quyết của hồ sơ mời thầu. Đảm bảo đầy đủ:

– Tính hợp lệ của đơn dự thầu: Đơn dự thầu phải được điền đầy đủ và có chữ ký của người đại diện hợp pháp của nhà thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

– Có một trong các loại giấy tờ hợp lệ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định thành lập; Giấy đăng ký hoạt động hợp pháp; chứng chỉ chuyên môn phù hợp;

– Số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ đề xuất kỹ thuật;

– Các phụ lục, tài liệu kèm theo hồ sơ dự thầu.

Ba hồ sơ chính thuộc hồ sơ dự thầu:

(1) Hồ sơ năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính và kinh nghiệm – gồm các tài liệu giới thiệu doanh nghiệp, quá trình hoạt động, kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực, số lượng nhân sự, cơ sở vật chất–kỹ thuật, báo cáo tài chính được kiểm toán qua các năm. Nếu chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán thì có thể là tờ khai tự quyết toán thuế đã có xác nhận của cơ quan thuế hoặc biên bản kiểm tra quyết toán thuế. Đây là hồ sơ mà doanh nghiệp nào cũng cần có để quảng bá hoạt động của mình. Thông thường, hồ sơ này luôn được các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng, cập nhật thường xuyên để đến khi chuẩn bị hồ sơ dự thầu không tốn thời gian cho loại hồ sơ này nữa.

(2) Hồ sơ đề xuất kỹ thuật – đây chính là giải pháp kỹ thuật để thực hiện một gói thầu cụ thể. Đối với gói thầu tư vấn, đó là phần trình bày về giải pháp, phương pháp luận, bố trí nhân sự … để thực hiện nhiệm vụ tư vấn nêu trong điều khoản tham chiếu (TOR) của hồ sơ mời thầu. Đối với đấu thầu mua sắm hàng hóa, đó là nội dung đề xuất kế hoạch thực hiện, chứng minh tính đáp ứng của hàng hóa được chào so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu … Đối với đấu thầu xây lắp, đó là những giải pháp kỹ thuật, giải pháp thi công, biện pháp bảo đảm chất lượng, bố trí nhân lực … để hoàn thành công trình theo yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu.

(3) Hồ sơ đề xuất tài chính – hồ sơ đề xuất tài chính phải được thực hiện thống nhất với hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Lưu ý: trong trường hợp có sự khác biệt giữa hai hồ sơ này thì hồ sơ đề xuất kỹ thuật được coi là căn cứ điều chỉnh hồ sơ đề xuất tài chính. Hồ sơ dự thầu bị loại nếu có lỗi số học (phép tính cộng, trừ, nhân, chia không chính xác) với tổng giá trị tuyệt đối lớn hơn 10%; có sai lệch (ví dụ: sai lệch về phạm vi cung cấp …) có tổng giá trị tuyệt đối lớn hơn 10%. Giá dự thầu phải thể hiện được đúng yêu cầu đối với từng hình thức hợp đồng đã nêu ở trên.

2. Về quyền kiến nghị

Các quy định về quyền kiến nghị của nhà thầu được đề cập đến trong Luật Đấu thầu 2005. Đây là một trong những quy định tiên tiến nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong đấu thầu. Kiến nghị trong đấu thầu là việc nhà thầu tham gia đấu thầu đề nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan đến quá trình đấu thầu khi thấy quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng. Có hai loại kiến nghị: (1) kiến nghị về các vấn đề liên quan trong quá trình đấu thầu (ví dụ: kiến nghị về các lỗi trong hồ sơ mời thầu, về thời gian thực hiện của chủ đầu tư …); (2) kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu.

Quy trình giải quyết kiến nghị trong đấu thầu gồm 3 cấp: (1) xử lý của bên mời thầu, (2) trường hợp bên mời thầu không giải quyết được thì xử lý của chủ đầu tư, (3) trường hợp chủ đầu tư không giải quyết được thì xử lý của người có thẩm quyền. Đối với kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu thì người có thẩm quyền lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị. Nhà thầu nếu thấy không thỏa mãn có thể đưa vụ việc ra Tòa kinh tế.

Điều kiện để xem xét, giải quyết một kiến nghị:

– Kiến nghị phải là của nhà thầu tham gia đấu thầu

– Đơn kiến nghị phải là có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu, được đóng dấu

– Thời gian nhận được đơn kiến nghị về các vấn đề liên quan đến quá trình đấu thầu: trước khi có thông báo kết quả đấu thầu. Thời gian nhận được đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu: 10 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu.

– Nội dung kiến nghị chưa đưa ra tòa

– Nộp đủ chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị nếu là kiến nghị liên quan đến kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp nhà thầu có kiến nghị được kết luận là đúng thì chi phí này được hoàn trả cho nhà thầu.

3. Về chủ thể ký kết hợp đồng

Cần tuyệt đối tuân thủ quy định về chủ thể ký kết hợp đồng. Hợp đồng phải được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu. Trong nhiều trường hợp các ban quản lý dự án chỉ có nhiệm vụ giúp việc chủ đầu tư (căn cứ quyết định thành lập ban quản lý dự án) thực hiện dự án, trong đấu thầu đảm nhận vai trò Bên mời thầu, không đủ tư cách ký kết hợp đồng theo quy định.

Lưu ý: nhà thầu liên danh là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp hình thành liên danh (chú ý: không phải là liên doanh có tư cách pháp nhân) hội tụ những năng lực, kinh nghiệm khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Khi đó, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo quy định trong văn bản thoả thuận liên danh. Phải có văn bản thỏa thuận liên danh đảm bảo tính hợp lệ: trong thoả thuận liên danh phải phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, khối lượng công việc phải thực hiện và giá trị tương ứng của từng thành viên trong liên danh, kể cả người đứng đầu liên danh và trách nhiệm của người đứng đầu liên danh, chữ ký của các thành viên, con dấu (nếu có). Hợp đồng phải được ký kết giữa chủ đầu tư với tất cả các thành viên tham gia liên danh.

4. Về điều chỉnh giá hợp đồng

Như đã phân tích ở trên, việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ áp dụng đối với hình thức theo đơn giá, hình thức theo thời gian. Trong hợp đồng cần phải quy định rõ nội dung điều chỉnh (ví dụ: chi phí nhân công, chi phí máy, chi phí vật liệu, …), phương pháp và thời gian tính điều chỉnh, cơ sở dữ liệu đầu vào để tính điều chỉnh giá.

Phương pháp điều chỉnh giá quy định trong hợp đồng phải bảo đảm phù hợp với tính chất công việc nêu trong hợp đồng. Các cơ sở dữ liệu đầu vào để tính toán điều chỉnh giá phải phù hợp với nội dung công việc. Trong hợp đồng cần quy định sử dụng báo giá, hoặc chỉ số giá của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, trung ương hoặc cơ quan chuyên ngành độc lập của nước ngoài ban hành đối với các chi phí có nguồn gốc từ nước ngoài.

Trường hợp giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị nêu trong hợp đồng do Nhà nước kiểm soát (do Nhà nước định giá) biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng mà trong hợp đồng thỏa thuận có điều chỉnh thì chủ đầu tư phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc thực hiện điều chỉnh theo nguyên tắc áp dụng giá mới đối với những phần công việc được thực hiện vào thời điểm có biến động giá theo công bố giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng thì thực hiện điều chỉnh theo các chính sách này kể từ thời điểm các chính sách này có hiệu lực.

5. Về điều chỉnh hợp đồng (kể cả hình thức trọn gói)

Trường hợp có phát sinh hợp lý những công việc ngoài quy định trong hợp đồng mà không làm thay đổi mục tiêu đầu tư hoặc tổng mức đầu tư (đối với công việc xây lắp áp dụng hình thức trọn gói là ngoài khối lượng công việc phải thực hiện theo thiết kế, đối với công việc xây lắp áp dụng hình thức theo đơn giá là ngoài khối lượng công việc trong hợp đồng), thì chủ đầu tư thỏa thuận với nhà thầu để tính toán bổ sung các công việc phát sinh và báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp thỏa thuận không thành thì nội dung công việc phát sinh đó hình thành một gói thầu mới và tiến hành lựa chọn nhà thầu đúng quy định. Trường hợp bổ sung công việc phát sinh thì chủ đầu tư và nhà thầu phải ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng theo nguyên tắc:

– Trường hợp khối lượng công việc phát sinh này nhỏ hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng mà đã có đơn giá trong hợp đồng thì sử dụng đơn giá đã ghi trong hợp đồng để thanh toán;

– Trường hợp khối lượng công việc phát sinh này từ 20% khối lượng công việc tương ứng trở lên ghi trong hợp đồng hoặc khối lượng công việc phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng thì chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất xác định đơn giá mới theo các nguyên tắc quy định trong hợp đồng về đơn giá các khối lượng phát sinh. Nếu là phần việc xây lắp thì trước khi ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng phải có dự toán được duyệt theo quy định.

6. Về hồ sơ thanh toán

Việc thanh toán thực hiện tại Kho bạc Nhà nước các cấp trên cơ sở tuân thủ các điều khoản thanh toán đã được quy định trong hợp đồng. Trường hợp cá nhân gây khó khăn trong quá trình thanh toán sẽ bị xử lý theo quy định. Để tạo thuận lợi cho việc thanh toán, hồ sơ thanh toán theo mỗi hình thức hợp đồng cần được các bên thống nhất quy định trong hợp đồng.

Đối với phần công việc xây lắp áp dụng hình thức theo đơn giá:

+ Biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát (nếu có);

+ Bản xác nhận khối lượng điều chỉnh tăng hoặc giảm so với hợp đồng có xác nhận của đại diện nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát (nếu có);

+ Bảng tính giá trị đề nghị thanh toán trên cơ sở khối lượng công việc hoàn thành đã được xác nhận và đơn giá ghi trong hợp đồng;

+ Đề nghị thanh toán của nhà thầu, trong đó nêu rõ khối lượng đã hoàn thành và giá trị hoàn thành, giá trị tăng (giảm) so với hợp đồng, giá trị đã tạm ứng, giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn thanh toán.

Đối với phần công việc xây lắp áp dụng hình thức trọn gói:

+ Biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát (nếu có). Biên bản xác nhận khối lượng này là xác nhận hoàn thành công trình, hạng mục công trình, công việc của công trình phù hợp với thiết kế mà không cần xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết;

+ Bản xác nhận khối lượng điều chỉnh tăng hoặc giảm so với hợp đồng có xác nhận của đại diện nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát (nếu có);

+ Bảng tính giá trị đề nghị thanh toán trên cơ sở khối lượng công việc hoàn thành đã được xác nhận và đơn giá ghi trong hợp đồng;

+ Đề nghị thanh toán của nhà thầu, trong đó nêu rõ khối lượng đã hoàn thành và giá trị hoàn thành, giá trị tăng (giảm) so với hợp đồng, giá trị đã tạm ứng, giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn thanh toán.

Đối với công việc mua sắm hàng hóa:

Tùy tính chất của hàng hóa để quy định hồ sơ thanh toán cho phù hợp như hóa đơn của nhà thầu, danh mục hàng hóa đóng gói, chứng từ vận tải, đơn bảo hiểm, Giấy chứng nhận chất lượng, biên bản nghiệm thu hàng hóa, Giấy chứng nhận xuất xứ và các tài liệu, chứng từ khác liên quan.

Đối với công việc áp dụng hình thức theo thời gian và hình thức theo tỷ lệ phần trăm: Tùy tính chất của công việc tư vấn để quy định hồ sơ thanh toán cho phù hợp như biên bản nghiệm thu kết quả của công việc tư vấn, tài liệu xác nhận tiến độ thực hiện hợp đồng và các tài liệu, chứng từ khác liên quan.

Đối với công việc xây lắp và công việc mua sắm hàng hóa, trừ trường hợp điều khoản điều chỉnh giá hợp đồng quy định rõ chủ đầu tư và nhà thầu thỏa thuận áp dụng đơn giá nêu trong hóa đơn đầu vào (đối với yếu tố như máy móc, vật tư, thiết bị và các yếu tố đầu vào khác) làm căn cứ điều chỉnh giá, việc yêu cầu nhà thầu xuất trình hóa đơn đầu vào chỉ nhằm xác định xuất xứ và các thông tin liên quan khác mà không căn cứ đơn giá nêu trong hóa đơn đầu vào để thanh toán cho nhà thầu. Việc thanh toán phải căn cứ vào giá hợp đồng và các điều khoản thanh toán nêu trong hợp đồng, không căn cứ theo dự toán cũng như các quy định, hướng dẫn hiện hành của Nhà nước về định mức, đơn giá, trừ trường hợp đối với nhà thầu được chỉ định thầu.

VI. Các lỗi thường gặp trong giao kết hợp đồng lao động

1. Giao kết hợp đồng lao động

Việc giao kết hợp đồng lao động được tiến hành trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, trong thực tế không hoàn toàn là như vậy. Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động có thể uỷ quyền cho người khác giao kết hợp đồng lao động để tuyển lao động. Nhưng đối với người sử dụng lao động là cá nhân thì phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động mà không thể uỷ quyền cho người khác (Thông tư số 21/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003).

Người lao động trực tiếp giao kết là chủ yếu, bởi vì việc tham gia hợp đồng lao động có tư cách cá nhân. Nhưng một nhóm người lao động nhất định cũng có thể uỷ quyền cho một người lao động (cùng nhóm) giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên việc uỷ quyền của một nhóm người lao động cho một người lao động giao kết hợp đồng lao động chỉ áp dụng đối với hợp đồng lao động có xác định thời hạn. Trong trường hợp đó phải có văn bản uỷ quyền hợp pháp theo quy định của pháp lụât.

Những người lao động dưới 15 tuổi vẫn có thể tự mình giao kết hợp đồng lao động nhưng phải có sự xác nhận bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp mới có giá trị.

Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng lao động:

Hợp đồng lao động có hiệu lực ở những thời điểm khác nhau tuỳ thuộc vào ý chí, hành vi của các bên.

+ Nếu hợp đồng lao động do các bên thoả thuận, các bên có thể ấn định thời điểm có hiệu lực (ví dụ: hợp đồng lao động này có hiệu lực từ ngày 22 tháng 6 năm 2008);

+ Nếu đó là hợp đồng lao động theo mùa, vụ, công việc nhất định, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng lao động là ngày người lao động bắt đầu làm việc. Trong thực tế người ta có thể tính chính xác thời điểm (ví dụ: người lao động bắt đầu làm việc từ 13 giờ ngày 22 tháng 6 năm 2008);

+ Đối với trường hợp trước đó các bên đã có một hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động đó đã chấm dứt nhưng người lao động vẫn tiếp tục làm việc và người sử dụng lao động vẫn mặc nhiên chấp nhận thì coi như giữa các bên đã tồn tại một quan hệ lao động theo hợp đồng lao động và đó là hợp đồng lao động bằng hành vi. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng lao động kế tiếp hợp đồng lao động cũ được tính từ thời điểm người lao động bắt đầu làm việc.

2. Thực hiện hợp đồng lao động

Sau khi giao kết, quá trình duy trì mối quan hệ lao động được tiến hành trước hết qua việc thực hiện hợp đồng lao động.

Về mặt nguyên tắc, hợp đồng lao động phải được cả hai bên thực hiện. Các bên có nghĩa vụ tuân thủ các cam kết. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ đảm bảo các điều kiện lao động để người lao động có thể hoàn thành nghĩa vụ lao động. Người lao động phải tự mình thực hiện công việc đã cam kết (Điều 30 Bộ luật Lao động). Các quyền lợi theo hợp đồng lao động phải được tôn trọng và thực thi đầy đủ.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Lao động, trong trường hợp gặp khó khăn đột xuất (do khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; áp dụng cỏc biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; sự cố điện, nước…) hoặc do nhu cầu sản xuất kinh doanh người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày trong một năm. Khi tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất ba ngày, phải báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ và giới tính của người lao động. Người lao động tạm thời làm công việc khác được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 70% mức tiền lương cũ nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Quy định trên coi như là một “ngoại lệ pháp lý” đối với việc thực hiện hợp đồng lao động. Bởi vì nó trái với nguyên tắc thực hiện đúng. Nhưng bởi vì đây là quy định của Bộ luật Lao động nên người lao động có trách nhiệm tuân theo pháp luật và sự quyết định mang tính đơn phương của người sử dụng lao động.

Trong trường hợp bị điều chuyển mà người lao động không chấp hành thì người sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, bởi vì đó được coi là vi phạm kỷ luật lao động.

Tuy nhiên, nếu vượt quá thời gian quy định (tức là vượt quá 60 ngày theo Bộ luật Lao động) thì người sử dụng lao động không còn quyền đơn phương này. Nếu người sử dụng lao động cố tình điều chuyển người lao động thì người lao động có quyền không tuân theo. Người lao động có quyền không thực hiện công việc mà người sử dụng lao động điều động sang làm mà vẫn có quyền được hưởng lương ngừng việc và coi đó là ngừng việc không do lỗi của bản thân.

Trong trường hợp điều chuyển vượt thời gian quy định đó, muốn đảm bảo tính hợp pháp thì hai bên phải tiến hành thoả thuận về việc điều chuyển tạm thời hoặc vĩnh viễn theo quy tắc “thay đổi hợp đồng lao động”.

3.Thay đổi hợp đồng lao động

Thay đổi hợp đồng lao động là việc các bên cùng nhau thoả thụân về việc thay đổi một hoặc nhiều nội dung của hợp đồng lao động đang còn hiệu lực. Về mặt nguyên tắc, việc thay đổi hợp đồng lao động không chấp nhận việc một bên đơn phương quyết định mà phải là sự đồng thuận mới có giá trị.

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là việc ngừng lại không thực hiện hợp đồng lao động trong một khoảng thời gian nhất định trong những trường hợp do pháp luật quy định.

Việc tạm hoãn hợp đồng lao động tạo ra những hệ luận pháp lý sau đây:

Một là, mặc dù hợp đồng lao động bì ngừng thi hành nhưng giá trị pháp lý của hợp đồng lao động vẫn giữ nguyên như cũ. Các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng lao động coi như bị “đóng băng” và được “bảo quản”;

Hai là, vì người lao động không làm việc nên không được hưởng lương. Việc trả lương cho người lao động bị tạm giữ, tạm giam là chủ ý của nhà nước (mặc dù việc này chỉ nên coi là khoản đảm bảo chứ không hoàn toàn là tiền lương theo đúng nghĩa của nó).

Ba là, việc tạm hoãn không làm mất đi thời gian còn lại của hợp đồng lao động đã xác định nếu đó là hợp đồng lao động xác định thời hạn. Ví dụ: Nguyễn Văn K ký kết hợp đồng lao động 3 năm làm việc cho Công ty P. Sau khi làm việc được một năm Nguyễn Văn K được gọi đi làm nghĩa vụ quân sự 18 tháng. Khi Nguyễn Văn K tạm hoãn hợp đồng lao động đi làm nghĩa vụ quân sự thì thời gian từ khi nhập ngũ đến khi xuất ngũ không được trừ vào thời gian của hợp đồng lao động.

Bốn là, mặc dù người lao động không thực hiện nghĩa vụ lao động nhưng người sử dụng lao động vẫn có quyền xử lý đối với người lao động có hành vi vi phạm, kể cả sa thải.

Năm là, hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động người lao động phải có mặt để tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động. Trong trường hợp không đến đúng thời điểm bắt đầu làm việc thì có thể bị xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp có lý do chính đáng. Nếu vắng mặt không có lý do chính đáng, cộng dồn 5 ngày trở lên trong một tháng, từ 20 ngày trở lên trong một năm thì có thể bị xử lý theo hình thức sa thải.

Sáu là, trong trường hợp người lao động trở lại làm việc đúng thời gian, người sử dụng lao động “phải nhận người lao động trở lại làm việc” (Điều 35.2 Bộ luật Lao động).

Bảy là, trong trường hợp người lao động bị tạm giữ, tạm giam thì tuân theo quy tắc sau:[5]

+ Nếu việc tạm giữ, tạm giam hình sự có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thì khi hết hạn tạm giữ, tạm giam hoặc khi Toà án kết luận là người lao động bị oan thì người sử dụng lao động phải nhận họ trở lại làm việc cũ, trả đủ tiền lương và các quyền lợi khác trong thời gian người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

+ Trường hợp người lao động là người phạm pháp, nhưng Toà án xét xử cho miễn tố, không bị tù giam hoặc không bị toà án cấm làm công việc cũ, thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm, người sử dụng lao động bố trí cho người đó làm việc cũ hoặc sắp xếp cụng việc mới.

+ Trong trường hợp người lao động bị tạm giữ, tạm giam hình sự không liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động, thì khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam người sử dụng lao động bố trí cho người lao động làm việc cũ hoặc sắp xếp công việc mới.

4. Chấm dứt hợp đồng lao động

(a) Chấm dứt hợp đồng lao động đương nhiên

Pháp luật không quy định như thế nào là đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động. Nhưng theo cách hiểu chung, hợp đồng lao động được coi là đương nhiên chấm dứt khi rơi vào một trong những trường hợp sau đây:

– Thời hạn thoả thuận theo hợp đồng lao động đã kết thúc (đối với hợp đồng lao động với thời hạn xác định);

– Công việc theo hợp đồng lao động đã được hoạ thành (đối với hợp đồng lao động theo mùa, vụ, công việc nhất định);

– Người lao động chết;

Các trường hợp chấm dứt đương nhiên thể hiện rõ rằng không có sự can thiệp của bất kỳ chủ thể nào đối với sự chấm dứt đó. Những sự kiện khách quan xảy ra làm cho hợp đồng lao động tự động kết thúc.

(b). Thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động

Các bên có quyền cùng nhau thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động đang còn hiệu lực miễn là ý chí chấm dứt là biểu hiện của sự tự nguyện, nhất trí giữa các bên.

Việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động có thể có trước hoặc xuất hiện trong quá trình duy trì mối quan hệ hợp đồng lao động.

– Thoả thuận chấm dứt có trước:

Đó là trường hợp hai bên thỏa thuận về một hoặc những điều kiện mà hai bên cùng đặt cơ sở cho sự chấm dứt trong tương lai. Ví dụ: Trong bản hợp đồng lao động ký giữa Trần Văn K với công ty TN có ghi: “Người lao động có nghĩa vụ tuân theo các cam kết trong hợp đồng lao động này. Trong trường hợp người lao động có hành vi vô lễ đối với người lãnh đạo trực tiếp 2 lần trở lên thì hợp đồng lao động này sẽ chấm dứt ngay sau khi người sử dụng lao động thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Sự thông báo này không được hiểu là sự báo trước theo quy định của pháp luật”.

– Thoả thuận chấm dứt khi đang thực hiện hợp đồng lao động:

Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động nếu một trong hai bên hoặc cả hai bên không muốn tiếp tục duy trì quan hệ lao động thì có thể cùng nhau thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động đó. Việc chấm dứt diễn ra khi hợp đồng lao động đó vẫn còn giá trị pháp lý. Có thể không bên nào có lỗi trong việc chấm dứt hợp đồng lao động đó.

Nói chung, các trường hợp chấm dứt do có sự thỏa thuận đều đảm bảo yếu tố hợp pháp, trừ trường hợp thỏa thuận đó vi phạm pháp luật.

(c). Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Là việc một bên tự ý chấm dứt hợp đồng lao động không có sự đồng ý của phía bên kia.

Việc chấm dứt đơn phương có thể là hợp pháp, cũng có thể là bất hợp pháp.

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có thể do người sử dụng lao động thực hiện hoặc do người lao động thực hiện.

(d). Chấm dứt hợp đồng lao động bất hợp pháp

Chấm dứt hợp đồng lao động bất hợp pháp là việc chấm dứt hợp đồng lao động không tuân theo các quy định của pháp luật hoặc có thể xác định đó là trái pháp luật. Tuy nhiên, việc xác định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động bất hợp pháp từ phía người lao động không hoàn toàn giống các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật từ phía người sử dụng lao động.

 


[1] Khoản 1 Điều 124 Bộ luật Dân sự 2005

[2] Điều 404 Bộ luật Dân sự 2005

[3] Các điều từ 143 đến 148 BLDS 2005

[4] Điều 427 BLDS 2005

[5] Điều 10.2 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003

@NPKlaw.com

ÁP DỤNG PHÁP LUẬT GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ TÀI SẢN KHI TUYÊN BỐ KHÔNG CÔNG NHẬN LÀ VỢ CHỒNG

29/10/2013

Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Luật HN & GĐ) và hướng dẫn tại Mục 2 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã quy định trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không được pháp luật thừa nhận là hôn nhân hợp pháp. Tại mục 5.4.1.4, khoản 5, điểm C, phần thứ 3 của “Sổ tay Thẩm phán” cũng nêu rất rõ văn bản án dụng và các trường hợp không được công nhận là vợ chồng. Luật HN & GĐ có chương III quy định về quan hệ giữa vợ và chồng (trong đó có quy định về chế độ tài sản chung vợ chồng, việc đại diện cho nhau, trách nhiệm liên đới của một bên đối với giao dịch do bên kia thực hiện, tài sản riêng…) và chương X quy định về giải quyết các vấn đề về ly hôn (con cái, tài sản…).


Tuy nhiên, giải quyết các vấn đề về tài sản đối với trường hợp hôn nhân không hợp pháp (hủy hôn nhân trái pháp luật, không công nhận là vợ chồng) thì lại chỉ được quy định tại điểm c mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình (Nghị Quyết 35/2000/QH10): “Kể từ ngày 01 tháng 1 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu cóyêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng;nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết”. Điều 17 Luật HN & GĐ quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau: “…3. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con”.

Thông qua công tác Giám đốc thẩm các vụ án dân sự, chúng tôi thấy rằng các Tòa án địa phương đã vận dụng pháp luật tương đối tốt để xác định hôn nhân hợp pháp (công nhận thuận tình ly hôn hoặc cho ly hôn) hay hủy hôn nhân trái pháp luật, không công nhận là vợ chồng; việc áp dụng các quy định của Luật HN & GĐ khi giải quyết các vụ án ly hôn (xác định tài sản chung, tài sản riêng, nợ chung, nợ riêng…) là tương đối tốt. Tuy nhiên, đối với các vụ án hủy hôn nhân trái pháp luật, không công nhận hôn nhân hợp pháp lại rất lúng túng khi phải giải quyết các vấn đề tranh chấp về tài sản chung, tài sản riêng, nợ chung, nợ riêng. Nhiều bản án phần xét thấy có lập luận không công nhận là vợ chồng, nhưng vẫn sử dụng cụm từ vợ chồng, ly hôn, thời kỳ hôn nhân khi phân tích các sự kiện; vẫn trích dẫn điều luật quy định giải quyết về tài sản chung vợ chồng trong Luật HN & GĐ để giải quyết, hoặc không nắm rõ được các quy định của Bộ luật dân sự để xác định tài sản chung, tài sản riêng, nợ chung, nợ riêng và cách phân chia để bảo đảm quy định tại Điều 17 Luật HN & GĐ.

Ví dụ: Năm 1990 bà Phấn và ông Cầu được gia đình hai bên tổ chức lễ cưới nhưng hai bên không đăng ký kết hôn và sau đó cũng không thực hiện việc đăng ký kết hôn theo Nghị Quyết 35/2000/QH10. Quá trình chung sống hai bên đã có 2 con chung. Năm 1992 gia đình ông Cầu cho ông bà ra ở riêng trên một mảnh đất của gia đình và ông bà dựng nhà lá để ở, quá trình chung sống có cải tạo nhà, trồng cây ăn trái, mua sắm vật dụng gia đình. Năm 2009, do mâu thuẫn trầm trọng, ông bà có đơn xin ly hônnhưng không thống nhất được việc phân chia tài sản là nhà, đất nêu trên (ông Cầu cho rằng là tài sản riêng của ông vì cha mẹ cho riêng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2004 đứng tên ông, không có tên bà Phấn; còn bà Phấn xác định là được cha mẹ ông Cầu cho chung nên là tài sản chung và yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bản án sơ thẩm quyết định không công nhận là vợ chồng, nhưng phần xét thấy của bản án lại vẫn sử dụng cụm từ vợ chồng, ly hôn như: “Về phần nợ: trong thời gian chung sống vợ chồng…” ;“Xét thấy khi ly hôn đất vườn anh Cầu được quản lý sử dụng”; vẫn vận dụng các quy định giải quyết về tài sản chung, tài sản riêng của trường hợp ly hôn trong Luật HN & GĐ như “…Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định tài sản riêng của vợ chồng bao gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân…”. Bản án nhận xét vì không được công nhận là vợ chồng nên đất là cha mẹ ông Cầu cho riêng ông Cầu, không phải tài sản chung của vợ chồng nên ông được sở hữu nhà (do 2 bên xây, nên là tài sản chung và mỗi bên được ½) và thanh toán cho bà Phấn ½ giá trị nhà.

Bản án phúc thẩm phần trích yếu vẫn ghi “V/v xin ly hôn”; phần xét thấy nhận xét “Tòa án cấp sơ thẩm không công nhận là vợ chồng là có căn cứ”, nhưng lại ghi “…Xét thấy đây là tài sản chung được cha mẹ ông Cầu cho vợ chồng ông trong thời kỳ hôn nhânnên được xem là tài sản của vợ chồng. Ông Cầu cho rằng đây là tài sản được cha mẹ cho riêng nhưng ông không chứng minh được việc cho riêng trong thời kỳ hôn nhânnên không có cơ sở chấp nhận vì theo quy đinh tại khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ…Ông Cầu cũng không chứng minh được phần đất trong GCNQSD đất cho ông là tài sản riêng nên căn cứ và Điều 27 Luật HN & GĐ thì quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung vợ chồng…”.

Trong vụ án trên, theo chúng tôi, khi đã xác định quan hệ của họ không được công nhận là vợ chồng, thì bản án không nên sử dụng từ vợ chồng, thời kỳ hôn nhân… nữa, mà có thể sử dụng cách viết khác như ông bà, thời gian cùng chung sống, tài sản tạo lập trong thời gian sống chung,…Về tài sản chung, không phải trường hợp áp dụng Điều 27 Luật HN & GĐ xác định tài sản tranh chấp có phải tài sản chung của vợ chồng hay không cũng như các Điều luật khác để xác định tài sản chung, tài sản riêng…; mà chỉ có căn cứ theo các quy định tại Bộ luật dân sự về sở hữu chung (căn cứ xác lập tài sản chung như được tặng cho chung, cùng đóng góp công sức để tạo lập… Điều 214, 215, 216 Bộ luật dân sự năm 2005) và phân chia tài sản chung theo các quy định của Bộ luật dân sự (Điều 224) và Điều 17 Luật HN &GĐ mà thôi. Trong vụ án trên, bản án phúc thẩm viện dẫn không chính xác Điều luật áp dụng, như hồ sơ thể hiện đã thu thập chứng cứ về việc cho chung là lời khai của mẹ ông Cầu thừa nhận khi tổ chức lễ cưới có tuyên bố cho ông Cầu, bà Phấn mảnh đất này và đã không có ý kiến gì phản đối khi ông Cầu kê khai, làm thủ tục tách thửa và được cấp GCNQSD đất. Tòa án cấp phúc thẩm cũng thu thập chứng cứ về hồ sơ ông Cầu kê khai xin cấp GCN, trong đó ông có ghi cả tên ông và tên bà Phấn là đồng sử dụng; việc GCN chỉ ghi tên ông Cầu là thiếu sót của UBND. Vì vậy, có căn cứ xác định thửa đất là tài sản do ông Cầu, bà Phấn được cha, mẹ ông Cầu tặng cho chung và việc tặng cho đã hoàn thành (đã nhận tài sản sử dụng, đã đứng tên trên giấy tờ) nên cấp phúc thẩm xác định là tài sản chung và chia cho 2 bên sử dụng, là phù hợp.

Mặc dù để thực hiện Nghị quyết 35/2000/QH, ngày 22/10/2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2001/NĐ-CP quy định chi tiết về đăng ký kết hôn có quy định chi tiết về đăng ký kết hôn đối với các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn, tuy nhiên trên thực tế, số cặp nam nữ đến thực hiện việc đăng ký kết hôn lại không nhiều. Do đó, từ sau ngày 01/1/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì cho dù họ có thừa nhận là vợ chồng đi nữa, khi thụ lý giải quyết Tòa án vẫn phải tuyên bố không công nhận là vợ chồng và theo thống kê thì loại án này ngày càng tăng và chiếm khoảng 10% số vụ án về hôn nhân và gia đình. Không ít vụ đương sự có tranh chấp về tài sản chung, tài sản riêng, nợ chung, nợ riêng…như tranh chấp trong các vụ án ly hôn, thì Tòa án vẫn phải giải quyết và gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc khi áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ. Nhiều bản án vẫn viện dẫn các quy định của Luật HN & GĐ để giải quyết các quan hệ này và về cơ bản, chúng tôi thấy trong nhiều vụ án việc áp dụng Luật HN & GĐ giải quyết cũng đã bảo đảm được quyền lợi của người phụ nữ hơn là áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự.

Luật HN & GĐ năm 2000 đang trong quá trình nghiên cứu toàn diện để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Để bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất pháp luật, đồng thời bổ sung hoàn thiện các quy định của Luật HN & GĐ, chúng tôi đề nghị ngành Tòa án cần có nghiên cứu tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ án không công nhận là vợ chồng và việc giải quyết về tài sản chung-riêng, nợ chung-riêng…và những vấn đề liên quan đến Điều 17 Luật HN & GĐ.

Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM LÀ QUYỀN ĐÒI NỢ

22/06/2013

Thế chấp quyền đòi nợ trao cho bên nhận thế chấp quyền ưu tiên thanh toán đối với khoản nợ được thế chấp. Việc thực hiện quyền ưu tiên thanh toán của bên nhận thế chấp quyền đòi nợ phải được đặt trong mối liên hệ giữa thời điểm đến hạn của nghĩa vụ được bảo đảm và thời điểm đến hạn của quyền đòi nợ được thế chấp. Dù pháp luật về giao dịch bảo đảm đã có các quy định riêng điều chỉnh việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ (khoản 3 điều 59 và điều 66 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm được bổ sung, sửa đổi năm 2012) song nhìn chung các quy định này vẫn chưa đề cập được một cách triệt để số phận của bên nhận thế chấp quyền đòi nợ trong mối tương quan này.

1. Nguyên tắc chung về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ 

Do quyền đòi nợ là một loại tài sản đặc biệt, điều 59 của Nghị định 163 về các phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận dành riêng khoản 3 để quy định về phương thức xử lý tài sản bảo đảm này. Theo đó, bên nhận thế chấp quyền đòi nợ nhận các khoản tiền (được hiểu là giá trị của khoản nợ đến hạn) hoặc tài sản từ người thứ ba. Theo quy định tại khoản 1, điều 66, người thứ ba ở đây là người có nghĩa vụ trả nợ.

Như vậy, phương thức bán trực tiếp tài sản bảo đảm vốn được áp dụng rất phổ biến cho các loại tài sản thế chấp khác không được áp dụng để xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ, bởi vì dù tài sản là quyền đòi nợ được thế chấp nhưng chính đối tượng của quyền đòi nợ tức là khoản tiền sẽ thu được trong tương lai khi đến hạn mới là cái mà bên nhận thế chấp quyền đòi nợ hướng tới và là chất của tài sản bảo đảm. Cách thức liệt kê tại điều 59 này được hiểu là đối với thế chấp quyền đòi nợ, trong hợp đồng các bên có thể thỏa thuận các phương thức xử lý tài sản bảo đảm nêu trên. Điều 66, Nghị định 163 khi đề cập tới việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ một lần nữa nhắc lại nguyên tắc này, theo đó, bên nhận bảo đảm (bên nhận thế chấp quyền đòi nợ) có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ trả nợ chuyển giao các khoản tiền hoặc tài sản khác cho mình hoặc cho người được ủy quyền.

 

Dù khoản 1 và khoản 2 điều 58 của Nghị định 163 đưa ra một nguyên tắc chung là trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các điều từ 65 đến 68 của Nghị định 163 đưa ra phương thức xử lý một số tài sản bảo đảm đặc biệt (bao gồm động sản, quyền đòi nợ, giấy tờ có giá, vận đơn, thẻ tiết kiệm, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất) trong đó có nêu các trường hợp có thể áp dụng phương thức đấu giá để xử lý tài sản bảo đảm (chẳng hạn đối với động sản – điều 65 – hay quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất – điều 68). Nếu đọc kết hợp các điều này có thể suy luận rằng cơ chế bán đấu giá không được áp dụng để xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ. Đây là cách tiếp cận hợp lý của nhà làm luật bởi vì bán đấu giá không phù hợp hay nói cách khác không có nghĩa lý gì đối với một khoản nợ và giả sử nếu bán đấu giá khoản nợ được thực hiện thì người mua dường như cũng chỉ có ý định đầu cơ mà thôi.

Tuy vậy, hạn chế dễ nhận thấy của khoản 3, điều 59, Nghị định 163 nằm ở phương thức nhận tài sản khác từ bên có nghĩa vụ trả nợ. Như phân tích ở trên, bên nhận thế chấp quyền đòi nợ có thể yêu cầu người có nghĩa vụ trả nợ chuyển giao tài sản khác cho mình hoặc cho người được ủy quyền khi xử lý tài sản thế chấp. Tài sản khác ở đây được hiểu là tài sản không phải là khoản tiền tức là vật, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản (điều 163, Bộ luật dân sự). Thực ra, giải pháp nhận tài sản khác từ người có nghĩa vụ trả nợ là không khả thi vì nhiều lý do. Thứ nhất, bên nhận thế chấp có thể nhận tài sản nào từ bên có nghĩa vụ trả nợ để thay thế cho giá trị của khoản nợ khi mà khái niệm tài sản khác có nội hàm quá rộng? Có thể các bên đã thỏa thuận về tài sản này trong hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ nhưng nếu vậy việc thế chấp quyền đòi nợ không còn ý nghĩa nữa bởi vì trong trường hợp này tại sao lại không thế chấp trực tiếp tài sản này mà phải thế chấp quyền đòi nợ? Hơn nữa, quyền đòi nợ về bản chất khi đến hạn sẽ trở thành một khoản tiền và giải pháp tốt nhất cho bên nhận thế chấp là được nhận chính khoản tiền đó thay vì phải nhận một tài sản sau đó phải đem bán mà trong thực tế việc định giá tài sản được dùng để thay thế giá trị quyền đòi nợ là một vấn đề nhạy cảm, trong nhiều trường hợp là yếu tố gây khó khăn cho việc xử lý tài sản bảo đảm. Cuối cùng, nếu như theo câu chữ của các điều 59 và 66 của Nghị định 163, bên nhận thế chấp có hai lựa chọn để xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ thì ngược lại khi phải xử lý tài sản bảo đảm, bên thế chấp có cũng có thể đưa ra lập luận là bên thế chấp có thể thay thế khoản tiền là giá trị của quyền đòi nợ bằng một tài sản khác và đây là điều rất bất lợi cho bên nhận thế chấp quyền đòi nợ.

2. Quyền đòi nợ được thế chấp đến hạn trước nghĩa vụ được bảo đảm

Tình huống được đặt ra ở đây là quyền đòi nợ được thế chấp đến hạn trước nghĩa vụ được bảo đảm. Điểm b, khoản 3, điều 22, Nghị định 163 quy định bên có nghĩa vụ trả nợ có quyền từ chối thanh toán cho bên nhận thế chấp nếu bên nhận thế chấp không cung cấp thông tin về việc thế chấp quyền đòi nợ cho bên có nghĩa vụ trả nợ. Như vậy, nếu bên nhận thế chấp thận trọng và đã thực hiện việc thông báo này thì sẽ được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán cho mình. Tuy vậy, điểm a, khoản 2, điều 22, Nghị định 163 lại giới hạn việc thực hiện quyền ưu tiên thanh toán này của bên nhận thế chấp quyền đòi nợ ở mỗi một trường hợp là khi đến hạn mà bên có nghĩa vụ trả nợ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Nhà làm luật chưa tính đến trường hợp mà quyền đòi nợ đã đến hạn khi nghĩa vụ được bảo đảm chưa đến hạn trong khi đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong thực tế. Đây là một tình huống nhạy cảm, chứa đựng rủi ro đối với cả bên thế chấp và bên nhận thế chấp. Thực vậy, nếu bên nhận thế chấp đứng ra nhận thanh toán từ bên có nghĩa vụ trả nợ khi nghĩa vụ được bảo đảm chưa đến hạn và sau đó bên nhận thế chấp có thể không hoàn trả lại khoản tiền này khi mà nghĩa vụ được bảo đảm khi đến hạn được bên thế chấp thực hiện đúng theo thỏa thuận. Hơn nữa trong thời gian chờ đợi nghĩa vụ được bảo đảm đến hạn, bên nhận thế chấp quyền đòi nợ có thể lâm vào tình trạng phá sản và bên thế chấp đứng trước nguy cơ khó truy đòi lại khoản tiền mà bên nhận thế chấp quyền đòi nợ đã thu. Về phần mình, bên nhận thế chấp đứng trước nguy cơ bên thế chấp thu khoản nợ và sử dụng khoản tiền thu được và do vậy sẽ làm mất tài sản bảo đảm.

Để cân bằng được lợi ích của cả hai bên, hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ có thể quy định bên nhận thế chấp quyền đòi nợ được quyền nhận thanh toán từ bên có nghĩa vụ trả nợ nhưng có nghĩa vụ phải chuyển số tiền thu được vào một tài khoản mà bên nhận thế chấp quyền đòi nợ đã mở và đứng tên làm chủ tài khoản và tài khoản này bị phong tỏa cho đến khi nghĩa vụ được bảo đảm đến hạn. Như vậy, lúc này tài sản thế chấp không còn là quyền đòi nợ nữa mà đã trở thành khoản tiền thu được từ bên có nghĩa vụ trả nợ. Nếu khi nghĩa vụ được bảo đảm đến hạn mà bên thế chấp không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận thế chấp quyền đòi nợ có quyền dùng số tiền có trên tài khoản để thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm và chỉ phải hoàn trả cho bên thế chấp khoản tiền thừa nếu có. Hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ cũng nên quy định nghĩa vụ của bên nhận thế chấp quyền đòi nợ phải hoàn trả khoản tiền đã nhận và đã được chuyển vào tài khoản trong trường hợp bên thế chấp thực hiện đúng nghĩa vụ được bảo đảm.

Một tình huống khác cũng cần được xem xét là do bên có nghĩa vụ được trả nợ không được thông báo về việc thế chấp quyền đòi nợ nên khi quyền đòi nợ đến hạn đã thực hiện việc thanh toán cho bên thế chấp. Nghĩa vụ trả tiền của bên có nghĩa vụ trả nợ được xem như chấm dứt bởi bên có nghĩa trả nợ đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán này (điều 374 và điều 375, Bộ luật dân sự). Do quy định pháp luật còn bỏ ngỏ trường hợp này, nên ngay từ khi xác lập hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ, các bên nên quy định số tiền thu được sẽ ở vị trí thay thế cho quyền đòi nợ được thế chấp và bên thế chấp có nghĩa vụ phải bảo toàn giá trị của số tiền này. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là trong trường hợp này bên nhận thế chấp đứng trước nguy cơ không kiểm soát được số tiền trên và khó thực hiện được quyền truy đòi nếu như bên thế chấp mất khả năng thanh toán. Điều đó một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của việc thực hiện thông báo về giao dịch thế chấp quyền đòi nợ cho bên có nghĩa vụ trả nợ. Nếu bên có nghĩa vụ trả nợ không thực hiện quyền từ chối thanh toán cho bên nhận thế chấp khi chưa được thông báo về giao dịch thế chấp quyền đòi nợ được quy định tại điểm b, khoản 3, điều 22, Nghị định 163, tức là vẫn thực hiện việc thanh toán cho bên nhận thế chấp, thì việc thanh toán này có giá trị pháp lý hay không hay nói cách khác có làm chấm dứt nghĩa vụ trả tiền của bên này (tức là quyền đòi nợ được thế chấp) hay không ? Thực ra, cần hiểu việc thanh toán của bên có nghĩa vụ trả nợ cho bên nhận thế chấp không phải là việc thanh toán cho bên có quyền (chủ nợ) mà là việc thanh toán cho bên thứ ba có một quyền được nhận thanh toán phát sinh từ hợp đồng thế chấp đã được ký với bên có quyền ban đầu. Nói cách khác, việc thanh toán này làm chấm dứt nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ trả nợ và bên này không phải thực hiện thanh toán một lần nữa cho bên thế chấp.

3. Nghĩa vụ được bảo đảm đến hạn trước quyền đòi nợ được thế chấp

Điểm a, khoản 2 điều 22, Nghị định 163 quy định bên nhận thế chấp quyền đòi nợ có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán cho mình khi đến hạn mà bên có nghĩa vụ (tức là bên thế chấp) không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ và điểm a, khoản 3 của điều 22 cũng quy định bên có nghĩa vụ trả nợ phải thực hiện việc thanh toán cho bên nhận thế chấp. Trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm và quyền đòi nợ được thế chấp đến hạn cùng một lúc thì đương nhiên việc áp dụng quy định này không đặt ra vấn đề gì. Tuy vậy không phải lúc nào thời điểm đến hạn của nghĩa vụ được bảo đảm và thời điểm đến hạn của quyền đòi nợ cũng trùng nhau và có vẻ nhà làm luật chưa tính đến trường hợp này. Thực vậy, liệu khi nghĩa vụ được bảo đảm đã đến hạn nhưng quyền đòi nợ chưa đến hạn và bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải lập tức thanh toán cho mình hay không ? Giao dịch thế chấp quyền đòi nợ không làm gián đoạn, chấm dứt hay thay đổi mối quan hệ hợp đồng ban đầu giữa bên có quyền (bên thế chấp) và bên có nghĩa vụ trả nợ, nói cách khác mối quan hệ hợp đồng này vẫn duy trì bình thường duy chỉ có việc thanh toán khoản nợ là được thực hiện vào tay bên nhận thế chấp chứ không phải bên thế chấp nữa. Điều đó có nghĩa là giao dịch bảo đảm này không thể làm thay đổi thời hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán quyền đòi nợ của bên có nghĩa vụ trả nợ đã được quy định trong hợp đồng. Cho nên, về nguyên tắc, bên nhận thế chấp quyền đòi nợ không thể yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán khi quyền đòi nợ chưa đến hạn mà phải đợi đến thời điểm quyền đòi nợ đến hạn thì mới được nhận thanh toán từ bên có nghĩa vụ trả nợ. Về điểm này, điều 355 của Bộ luật dân sự về xử lý tài sản thế chấp nói chung dẫn chiếu tới việc áp dụng điều 338 về xử lý tài sản cầm cố của bộ luật này. Theo đó, tài sản bảo đảm được xử lý và thanh toán cho bên nhận bảo đảm và nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phải trả lại cho bên bảo đảm, còn nếu thiếu thì bên bảo đảm phải trả tiếp phần còn thiếu đó. Áp dụng nguyên tắc này vào giao dịch thế chấp quyền đòi nợ, nếu các khoản tiền mà bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán cho bên nhận thế chấp quyền đòi nợ lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận thế chấp quyền đòi nợ phải hoàn trả phần chênh lệch cho bên thế chấp quyền đòi nợ bởi vì bên nhận thế chấp quyền đòi nợ không thể được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật[2]. Việc đợi quyền đòi nợ đến hạn để yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán được xem là cách thức đơn giản nhất để xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ.

Tuy nhiên điều gì xảy ra nếu trong quá trình chờ đợi này, bên thế chấp lâm vào tình trạng phá sản? Khoản 3, điều 27 của Luật phá sản quy định kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, việc xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp đối với các chủ nợ có bảo đảm phải tạm thời đình chỉ, trừ trường hợp được Tòa án cho phép. Về lý thuyết, quyền đòi nợ thuộc khối tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản (khoản 1, điều 49, Luật phá sản) nên việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ cũng chịu sự hạn chế này. Tuy nhiên xử lý tài sản bảo đảm được hiểu là việc bên nhận thế chấp thực hiện quyền ưu tiên thanh toán của mình đối với tài sản thế chấp theo các căn cứ nêu trong hợp đồng thế chấp. Điều 56, Nghị định 163 nêu hai trường hợp xử lý tài sản phổ biến đó là :

– Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ,

– Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hay theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp chúng ta đang xét, có thể lập luận rằng khi bên thế chấp quyền đòi nợ không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ, bên nhận thế chấp có quyền thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm và do quyền đòi nợ chưa đến hạn nên thời gian chờ đợi quyền đòi nợ đến hạn được hiểu là thuộc quá trình xử lý tài sản thế chấp. Nói cách khác quá trình xử lý tài sản thế chấp đã bắt đầu trước khi bên thế chấp lâm vào tình trạng phá sản nên không phải chịu việc tạm hoãn xử lý tài sản bảo đảm nêu trên. Tuy vậy, cách hiểu này cũng khá mong manh bởi vì thực chất đây là quá trình chờ xử lý tài sản bảo đảm, tức là chưa xử lý tài sản bảo đảm nên nhiều khả năng vẫn bị áp dụng nguyên tắc tạm hoãn xử lý tài sản bảo đảm nhất là khi bên thế chấp vẫn là chủ sở hữu của quyền đòi nợ được thế chấp. Có thể thấy trong trường hợp này rủi ro vẫn thuộc về bên nhận thế chấp.

Điều 58 của Nghị định 163 quy định việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo thỏa thuận của các bên và khoản 4, điều 59 cũng quy định mở là ngoài các phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận được liệt kê thì các bên vẫn có thể thỏa thuận phương thức xử lý tài sản bảo đảm khác. Do vậy, khi xác lập hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ, các bên có thể quy định việc bên nhận thế chấp nhận chính quyền đòi nợ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp. Tức là bên nhận thế chấp quyền đòi nợ có thể trở thành chủ sở hữu mới của quyền đòi nợ. Giải pháp này có một số ưu điểm như sau :

– Bên nhận thế chấp không phải chịu sự ràng buộc của nguyên tắc tạm hoãn xử lý tài sản bảo đảm của bên thế chấp lâm vào tình trạng phá sản bởi vì quyền đòi nợ không còn thuộc khối tài sản của bên thế chấp nữa ;

– Do bên nhận thế chấp đã trở thành chủ sở hữu mới của quyền đòi nợ nên có thể thực hiện việc định đoạt quyền đòi nợ (điều 197, Bộ luật dân sự) thông qua việc chuyển giao quyền yêu cầu, đề nghị ngân hàng bao thanh toán để huy động giá trị của quyền đòi nợ trước thời điểm đến hạn.

Một cách xử lý tài sản thế chấp khác mà nhà làm luật có thể tính đến đó là cho phép bên nhận thế chấp được yêu cầu Tòa án trao quyền sở hữu quyền đòi nợ cho mình trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về việc nhận chính quyền đòi nợ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo đảm (foreclosure). Phương thức xử lý tài sản bảo đảm này giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bên nhận thế chấp quyền đòi nợ.

Dù bên nhận thế chấp có thể trở thành chủ sở hữu của khoản nợ thông qua thỏa thuận hay quyết định của Tòa án thì vẫn phải đối diện với nguy cơ bên có nghĩa vụ trả nợ lâm vào tình trạng phá sản và có thể chỉ được nhận thanh toán một phần quyền đòi nợ hoặc thậm chí không được thanh toán khi bên có nghĩa vụ trả nợ không còn tài sản nào. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu bên thế chấp có phải chịu trách nhiệm thanh toán cho bên nhận thế chấp trong các trường hợp này không? Có thể lập luận rằng việc bên nhận thế chấp quyền đòi nợ nhận quyền đòi nợ được thế chấp đồng nghĩa với việc nhận chuyển giao quyền đòi nợ này và do đó phải chịu rủi ro gắn liền với việc chuyển giao theo quy định tại điều 312 của Bộ luật dân sự về không chịu trách nhiệm sau khi chuyển giao quyền yêu cầu. Dù vậy, cần phải nhìn nhận rằng trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ, bên nhận thế chấp không có ý định nhận chuyển giao quyền đòi nợ để đầu cơ hay vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa giá mua và giá trị danh nghĩa của quyền đòi nợ như trong trường hợp mua bán nợ mà chỉ hướng tới mục đích duy nhất là để được đảm bảo thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm. Hơn nữa, chính điều 312 của Bộ luật dân sự vừa nêu cũng cho phép các bên có thể thỏa thuận về việc bên chuyển giao quyền yêu cầu phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Tuy thế, hiện nay chưa có quy định nào trong pháp luật về giao dịch bảo đảm giải quyết vấn đề này. Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình, bên nhận thế chấp nên tính đến trường hợp này và đưa vào hợp đồng thế chấp một điều khoản buộc bên thế chấp quyền đòi nợ phải thanh toán giá trị quyền đòi nợ khi bên có nghĩa vụ trả nợ mất khả năng thanh toán.

4. Xử lý lãi phát sinh từ quyền đòi nợ được thế chấp 

Khoản 2, điều 176 định nghĩa vật phụ « là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính ». Có vẻ như trong định nghĩa này nhà làm luật chỉ hướng tới vật phụ của các tài sản hữu hình chứ chưa thực sự đề cập tới vật phụ của các tài sản vô hình như quyền đòi nợ. Thực ra, vật phụ của một quyền đòi nợ bao gồm các biện pháp bảo đảm việc thanh toán quyền đòi nợ và lãi suất phát sinh trên giá trị gốc của quyền đòi nợ này.

Theo quy định tại khoản 1, điều 342 của Bộ luật dân sự, trong trường hợp thế chấp toàn bộ động sản, bất động sản có vật phụ thì vật phụ cũng thuộc tài sản thế chấp và trong trường hợp thế chấp một phần động sản, bất động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tuy pháp luật Việt Nam không đặt ra nguyên tắc theo đó mọi tài sản phải là động sản hoặc bất động sản, nhưng điều 174 của Bộ luật dân sự lại đi theo hướng liệt kê một loạt danh sách các tài sản là bất động sản (đất đai, nhà, công trình gắn liền với đất đai, các tài sản khác gắn liền với đất đai và các tài sản khác do pháp luật quy định là bất động sản[3]) và kết luận rằng mọi tài sản không phải là bất động sản thì sẽ là động sản. Nói cách khác, dường như nhà làm luật muốn áp dụng cách phân chia tài sản thành động sản và bất động sản cho mọi tài sản chứ không chỉ riêng cho các tài sản hữu hình. Theo hướng này, do không có quyền tài sản nào được ghi nhận trong danh sách bất động sản nêu tại khoản 1 điều 174 của Bộ luật dân sự, nên về cơ bản các quyền tài sản (trong đó có quyền đòi nợ) về nguyên tắc đều là động sản vì theo khoản 2 của điều này động sản là những tài sản không phải là bất động sản.

Như vậy, khi áp dụng khoản 1, điều 342 của Bộ luật dân sự nêu trên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên nhận thế chấp sẽ được nhận cả nợ gốc và tiền lãi của quyền đòi nợ (chẳng hạn nợ gốc và nợ lãi của một khoản vay, hay tiền bán hàng và lãi suất chậm trả nếu có trong khuôn khổ một quyền đòi nợ phát sinh từ một hợp đồng mua, bán hàng hóa) nhằm thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm. Khi quy định về việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền, điều 290 của Bộ luật dân sự không quy định rõ thứ tự việc thanh toán khoản gốc và khoản lãi của nghĩa vụ được bảo đảm trong trường hợp thanh toán từng phần tức là các khoản tiền thu được từ việc xử lý quyền đòi nợ không đủ để thanh toán toàn bộ nghĩa vụ được bảo đảm. Điều 338 của Bộ luật dân sự (được áp dụng cho cả việc xử lý tài sản thế chấp theo quy định tại điều 355, Bộ luật dân sự) quy định trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận bảo đảm theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có. Có thể bù trừ giữa lợi tức phát sinh từ quyền đòi nợ và khoản lãi của nghĩa vụ được bảo đảm.

Các phân tích nêu trên cho thấy quy định hiện hành về xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ còn khá sơ lược, chưa xử lý được triệt để các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm đặt ra trong thực tế. Tất nhiên, về lý thuyết, các bên có thể khắc phục các thiếu hụt pháp lý bằng thỏa thuận của mình. Song trong thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có đội ngũ pháp chế đủ mạnh hay có khả năng tài chính để tiếp cận với dịch vụ pháp lý của các công ty luật nhằm soạn thảo các hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ với các điều khoản chặt chẽ để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình. Thiết nghĩ, nhà làm luật cần hoàn thiện quy định hiện hành, tạo cơ sở pháp lý chắc chắn cho loại hình giao dịch bảo đảm đối với tài sản đặc biệt là quyền đòi nợ vốn ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo

1. Laurent Aynès et Pierre Crocq, Les sûretés – La publicité foncière, Defrénois, 6èédition, 2012.

2. Philippe Simler et Philippe Delebecque, Les sûretés – La publicité foncière, Dalloz, 6è édition, 2012.

3. Ross Gilbert Anderson and Jan W.A. Biemans, Reform of assignation in security: lessons from the Netherlands, Edinburgh Law Review 2012.


[2] Về nguyên tắc, theo quy định tại điều 256, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật (unjust enrichment) phải trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu tài sản.

[3] Chẳng hạn, điểm b, khoản 1, điều 6, Luật kinh doanh bất động sản coi quyền sử dụng đất là một bất động sản.

Nguồn: TẠP CHÍ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT SỐ 5 

Ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008

03/06/2013

1. Đặt vấn đề

Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (Luật thuế TNDN năm 2008) được Quốc hội thông qua ngày 03/06/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Đến nay, sau 4 năm thực hiện, bên cạnh việc góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Luật đã trở thành một trong những công cụ để Nhà nước điều tiết các chính sách kinh tế – xã hội và “cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng”[1]. Số liệu thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký thuế và đang hoạt động (tính đến ngày 31/12 mỗi năm) hàng năm đều tăng so với năm trước, cụ thể: năm 2008 là 286.401 doanh nghiệp; năm 2009 là 348.421 doanh nghiệp; năm 2010 là 423.073 doanh nghiệp; năm 2011 là 464.190 doanh nghiệp; năm 2011 là 440.763 là doanh nghiệp, năm 2012 là 461.134 doanh nghiệp[2]… Có được những kết quả như trên là nhờ Luật thuế TNDN năm 2008 đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong Luật thuế TNDN năm 2003, trong đó có các quy định về ưu đãi thuế (ƯĐT) TNDN.

Các quy định về ƯĐT TNDN trong Luật thuế TNDN năm 2008 và trong các văn bản hướng dẫn đã góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và một số ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà mức độ hội nhập của nền kinh tế nước ta với kinh tế khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh cần phải được tiếp tục cải thiện… thì các quy định về ƯĐT TNDN của Luật thuế TNDN năm 2008 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, để khắc phục những tồn tại và hạn chế phát sinh, đồng thời triển khai một cách có hiệu quả Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 và cũng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn tới theo hướng đảm bảo đơn giản hoá chính sách, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế và thực hiện giảm dần mức động viên, thì việc tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN năm 2008 là hết sức cần thiết, trong đó có những quy định về ƯĐT TNDN. Hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN[3] (Dự thảo) đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong công chúng. Trong bài viết này, chúng tôi muốn làm rõ và trao đổi một số ý kiến liên quan đến những quy định về ƯĐT TNDN trong Dự thảo.

2. Khái quát chung về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế TNDN là một loại thuế có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các doanh nghiệp. Chính vì thế Nhà nước sử dụng các chính sách ưu đãi về thuế suất (ƯĐVTS) và ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế nhằm tác động đến hoạt động đầu tư vốn và tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xem chính sách ưu đãi về thuế TNDN là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu điều tiết kinh tế – xã hội của mình. Việt Nam là một quốc gia có các điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù, đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, các điều kiện phát triển và nguồn lực về vốn được phân bổ không đồng đều giữa các vùng, miền trong khi mục tiêu chiến lược được đặt ra là xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì các chính sách, pháp luật về ƯĐT nói chung và ƯĐT TNDN nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

 Về mặt lý luận, ƯĐT TNDN là việc Nhà nước dành cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ trong những lĩnh vực, địa bàn, loại hình mà Nhà nước khuyến khích phát triển những điều kiện thuận lợi hơn về thuế suất, về thời gian miễn, giảm thuế và những vấn đề khác nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp đó trong quá trình họat động, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội[4]. Với tư cách là một chế định pháp luật, pháp luật về ƯĐT TNDN là tổng hợp các quy định do Nhà nước ban hành về các biện pháp, lợi thế nhằm giảm bớt gánh nặng về thuế thu nhập cho những doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp dưới hình thức các ƯĐVTS, thời gian miễn giảm thuế và các hình thức khác trong những điều kiện nhất định so với các doanh nghiệp khác, qua đó nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn nhất định.

Với tư cách là một công cụ góp phần điều tiết các chính sách kinh tế – xã hội, các quy định của pháp luật về ƯĐT TNDN đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các vùng, miền và giữa các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Nhà nước thông qua các quy định pháp luật về ƯĐT tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; thực hiện giảm mức thuế suất chung (TSC) để khuyến khích doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các quy định về ƯĐT TNDN còn góp phần điều hòa thu nhập, thực hiện công bằng xã hội.

Do tính chất có chọn lọc của chế độ ưu đãi về thuế TNDN nên chỉ những doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nhất định mới được hưởng ưu đãi. Tại Việt Nam, doanh nghiệp muốn hưởng những ưu đãi về thuế TNDN phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 18 Luật thuế TNDN năm 2008. Theo đó, các ưu đãi về thuế TNDN chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định và đăng ký, nộp thuế TNDN theo kê khai. Đồng thời, doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ƯĐT; trường hợp không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ƯĐT được xác định theo tỉ lệ doanh thu giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh được ƯĐT trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Riêng đối với ƯĐVTS và thời gian miễn giảm thuế TNDN không áp dụng đối với: thu nhập khác của doanh nghiệp; thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác; thu nhập từ kinh doanh trò chơi có thưởng, cá cược theo quy định của pháp luật và trường hợp khác được Chính phủ quy định.

Có hai hình thức ƯĐT TNDN phổ biến là ƯĐVTS và ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế. ƯĐVTS là việc doanh nghiệp được hưởng ưu đãi dưới hình thức áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức TSC trong một hời hạn nhất định. Điều 13 Luật thuế TNDN năm 2008 liệt kê 6 trường hợp được hưởng ƯĐVTS áp dụng cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong những lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước muốn khuyến khích đầu tư với hai mức thuế ưu ưu đãi là 20% và 10% (trong khi mức thuế suất áp dụng chung là 25%) và với thời hạn ưu đãi là 10 năm và 15 năm. Bên cạnh đó, ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế cũng được xem là một biện pháp để khuyến khích đầu tư và điều tiết thu nhập của doanh nghiệp. Theo hình thức ưu đãi này, doanh nghiệp thuộc đối tượng có thu nhập chịu thuế không phải nộp hoặc nộp ít hơn số thuế tương ứng với mức thuế suất đang áp dụng theo một tỷ lệ và trong một thời hạn nhất định. Theo quy định tại Điều 14 Luật thuế TNDN năm 2008, có hai nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế. Nhóm thứ nhất bao gồm: “Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo”. Nhóm thứ hai là: “Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo”.

Ngoài hai hình thức ưu đãi nêu trên, Luật thuế TNDN năm 2008 còn quy định một số hình thức khác như: chuyển lỗ (Điều 16) và trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 17). Đồng thời, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ và lao động là người dân tộc thiểu số, Luật thuế TNDN năm 2008 cũng có điều khoản mở cho phép áp dụng một số ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ đối với các doanh nghiệp có sử dụng nhiều đối tượng lao động nêu trên.

3. Những điểm mới về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong Dự thảo

Có thể nói, Ban soạn thảo đã dành sự quan tâm đáng kể cho vấn đề ƯĐT TNDN. Bên cạnh việc điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%, Dự thảo đã bổ sung thêm những điều, khoản quy định về chế độ ƯĐT TNDN theo hướng mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi được tập hợp từ các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nhằm đảm bảo tính thống nhất và tập trung của các quy định pháp luật về ƯĐT TNDN trên cơ sở vẫn giữ nguyên mức thuế suất ưu đãi (TSƯĐ) quy định tại Luật thuế TNDN năm 2008. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính[5], những điểm mới cơ bản bao gồm:

Thứ nhất, bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với một số đối tượng: doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển công nghệ sinh hoạt; bảo vệ môi trường; doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư hoặc doanh nghiệp có dự án đầu tư mới có quy mô đầu tư và phạm vi tác động rộng lớn đến kinh tế -xã hội đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai, bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% đối với doanh nghiệp có thu nhập từ việc thực hiện dự án nghiên cứu phát triển, bao gồm: dự án ứng dụng công nghệ cao; dự án ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư -kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí; thu nhập từ hoạt động xuất bản của cơ quan xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án, như trồng, chăm sóc rừng, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản trên đất hoang hóa hoặc vùng nước chưa được khai thác, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản xuất, khai thác và tinh chế muối, đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ.

Thứ ba, bổ sung áp dụng thuế suất 20% đối với: tổ chức tài chính vi mô; doanh nghiệp có thu nhập từ việc thực hiện các dự án, như trồng cây dược liệu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; dịch vụ kỹ thuật trồng cây công nghiệp và cây lâm nghiệp, bảo vệ cây trồng và vật nuôi, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm; phát triển ngành nghề truyền thống.

Thứ tư, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về thuế TNDN đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư mới ở những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Dự thảo cũng bổ sung quy định dành những ưu đãi về miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp trên địa bàn các thành phố trực thuộc trung ương).

Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung quy định áp dụng mức TSƯĐ 20% áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng (điểm 1 khoản 6 Điều 1 Dự thảo). Quy định này là muốn chia sẻ khó khăn tài chính cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt trong giai đoạn có những bất ổn của kinh tế vĩ mô hiện nay.

4. Một số nhận định và kiến nghị

Qua phân tích những điểm mới về ƯĐT TNDN trong Dự thảo, chúng tôi nhận thấy rằng, nhìn chung Dự thảo đã bám sát và quán triệt quan điểm, mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trên cơ sở tổng hợp và đúc rút những kinh nghiệm và vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật về thuế TNDN trong thực tế. Ban soạn thảo đã có những nỗ lực rất lớn trong việc tập hợp và thống nhất các quy định về ƯĐT TNDN nằm rải rác ở những văn bản pháp luật ở những cấp độ khác nhau và trong những lĩnh vực pháp luật chuyên ngành khác nhau vào trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật để đảm bảo tính thống nhất và tính đồng bộ, loại bỏ những mâu thuẫn, bất cập để tạo điều kiện cho việc thực thi một cách hiệu quả. Qua đó, giúp cho các chính sách và pháp luật về ƯĐT TNDN được ổn định và ngày càng phát huy vai trò là một trong các công cụ để Nhà nước thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, điều tiết thu nhập và thực hiện công bằng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các quy định trong Dự thảo về ƯĐT TNDN cũng tạo ra không ít băn khoăn, những vấn đề cần trao đổi, góp ý thêm để hoàn thiện.

Một là, Dự thảo giảm mức TSC từ 25% theo quy định của Luật thuế TNDN năm 2008 xuống còn 23% trong khi vẫn giữ nguyên mức TSƯĐ là 10% và 20 % là chưa thật sự hợp lý và công bằng. Như vậy, chỉ có các doanh nghiệp thuộc diện không được ưu đãi mới thụ hưởng những lợi ích của mức thuế suất mới, trong khi các doanh nghiệp thuộc diện được hưởng ưu đãi thì vẫn hưởng mức TSƯĐ. Từ đó cho thấy, khoảng cách về lợi thế ưu đãi trong nghĩa vụ nộp thuế giữa các doanh nghiệp thông thường và các doanh nghiệp thuộc diện được hưởng ƯĐVTS đã được rút ngắn đáng kể. Điều này ít nhiều làm giảm tính hấp dẫn của chính sách ƯĐT TNDN, ảnh hưởng đến mục tiêu khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế của Nhà nước. Chúng tôi đề nghị cần xem xét điều chỉnh giảm mức TSƯĐ tương ứng với mức giảm xuống của mức TSC.

Hai là, cần cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất 20% đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng. Liên quan đến vấn đề này, hiện nay có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý áp dụng mức thuế suất 20% cho các doanh nghiệp có quy mô nêu trên với lập luận “nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư”. Ý kiến này còn đề xuất một lộ trình cụ thể về việc áp dụng và cắt giảm mức lãi suất ưu đãi cho đối tượng này trong từng giai đoạn[6]. Loại ý kiến thứ hai phản đối việc áp dụng mức TSƯĐ theo như đề xuất của Dự thảo. Họ cho rằng, mặc dù chính sách này là đáng hoan nghênh và phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng trong điều kiện của Việt Nam hiện nay thì việc áp dụng mức TSƯĐ này đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể gây ra tình trạng “bất bình đẳng” giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực ngành nghề hoặc trên cùng một địa bàn. Mặt khác, việc ưu đãi này có thể dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp lớn sẽ “lách luật” để trốn thuế bằng cách tự chia thành các doanh nghiệp nhỏ, gây thất thu về thuế và như vậy có nghĩa là quy định trên không những không phát huy tác dụng mà còn mang tính “khuyến khích ngược”[7]. Chúng tôi cho rằng, vấn đề này cần tiếp tục có những trao đổi, thảo luận một cách thấu đáo nhằm đảo bảo tính hiệu quả của pháp luật.

Ba là, việc Dự thảo mở rộng địa bàn ưu đãi đầu tư bao gồm cả khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp trên địa bàn các thành phố trực thuộc trung ương) và tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi đầu tư đối với các khu kinh tế (KTT) là chưa thuyết phục. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khi cho rằng, “số lượng các KKT được thành lập trong thời gian qua tương đối lớn[8], thuộc địa bàn có điều kiện thuận lợi, được Nhà nước đầu tư khá lớn về hạ tầng song vẫn được hưởng mức ƯĐT cao nhất là chưa thật hợp lý”[9]. Theo các đại biểu, Chính phủ cần rà soát, khảo sát, đánh giá chi tiết về tính hiệu quả của việc áp dụng chính sách ƯĐT đối với các KKT để sửa đổi quy định trên theo hướng các doanh nghiệp trong các KKT sẽ hưởng ưu đãi theo địa bàn mà KKT đó tọa lạc. Đây là một đề xuất rất đáng được nghiên cứu và xem xét một cách nghiêm túc. Riêng đối với quy định về áp dụng ƯĐT cho các khu công nghiệp cũng cần xem xét, cân nhắc một cách thận trọng. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân mà các khu công nghiệp đã bị đưa ra khỏi danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư trong Luật thuế TNDN năm 2008 là tình trạng ưu đãi tràn lan, thiếu trọng tâm trong khi các khu công nghiệp thường đặt ở những địa bàn thuận lợi như gần bến cảng, gần thành phố, điều kiện giao thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi… Từ đó, tạo ra một bất hợp lý là các doanh nghiệp nước ngoài thường chọn các khu công nghiệp để thành lập và thực hiện dự án đầu tư với những thuận lợi nhất định nhưng vẫn được hưởng những ưu đãi về thuế. Trong giai đoạn đầu khi chúng ta sử dụng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thì việc ƯĐT cho các khu công nghiệp là có thể hiểu được. Nhưng hiện nay, chúng ta đang thực hiện chính sách thuế công bằng và không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thì việc quay trở lại áp dụng ưu đãi về thuế cho các khu công nghiệp là không phù hợp với tiến trình đó.

Bốn là, Dự thảo tiếp tục duy trì hai hình thức ƯĐT TNDN là ƯĐVTS và ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế. Điều này một mặt, có thể dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp “lách luật” bằng cách sau khi thời gian miễn, giảm thuế kết thúc sẽ tìm cách kê khai lỗ (hoặc thực hiện các thủ đoạn như chuyển giá chẳng hạn) hoặc tiến hành giải thể để thành lập doanh nghiệp mới; mặt khác, sẽ dẫn đến tình trạng chồng lấn giữa chế độ ƯĐVTS và thời gian miễn, giảm thuế. Vì vậy, Ban soạn thảo cần xem xét để chọn một trong hai hình thức ưu đãi: hoặc là ưu đãi theo thuế suất hoặc là ưu đãi theo thời gian miễn, giảm thuế./.

 


[1] Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN số 1121/BC-UBTCNS13 ngày 15/03/2013 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

[2] Xem: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế TNDN: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tại: http://tintuc.vibonline.com.vn/Home/Xay-dung-phap-luat/10314/Luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-Luat-Thue-TNDNTao-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-thuan-loi-cho. Truy cập ngày 04/04/2013.

[3] Toàn văn của Dự thảo  xem tại:http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=744&TabIndex=1. Truy cập ngày 04/04/2013.

[4] Xem thêm: Nguyễn Thị Tú Nguyệt (2012), Pháp luật về ƯĐT TNDN (Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh), tr. 5.

[5] Xem: Bộ Tài chính giới thiệu một số nội dung cơ bản về Dự thảo tại: http://www.tapchitaichinh.vn/Phan-tich-Binh-luan/Bo-Tai-chinh-gioi-thieu-mot-so-noi-dung-co-ban-ve-Du-an-Luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-Luat-Thue-TNDN/23952.tctc. Truy cập ngày 05/04/2013.

 [6] Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự thảo ngày 15/03/2013 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

 [7] Xem thêm: Vũ Xuân Tiền, “Thuế thu nhập doanh nghiệp: Đừng vội phân biệt đối xử!”, tại:http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=1000. Truy cập ngày 05/04/2013.

 [8] nước ta có 3 loại hình KKT đó là: KKT ven biển, KKT cửa khẩu và KKT quốc phòng. Hầu hết các địa phương ven biển đều thành lập KKTTừ năm 2001 đến nay tính trên cả nước đã có khoảng 28 KKT cửa khẩuđược thành lập.

[9] Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự thảo ngày 15/03/2013 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, tr. 7.

 Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ QUYỀN TÁC GIẢ TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006–2012 VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ THỰC THI VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

03/06/2013

Luật sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và sửa đổi, bố sung năm 2009 đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, trong đó có tranh chấp về tác quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi đạo Luật này có hiệu lực thi đến nay, tình hình giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại Tòa án chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng và yêu cầu của xã hội.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao từ tháng 7-2006 cho đến tháng 6-2012 các Tòa án chỉ thụ lý được 92 vụ án tranh chấp về quyền tác giả. Số vụ việc còn quá hạn chế này cho thấy, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ còn e ngại việc khởi kiện ra Tòa án mà thay vào đó, họ chọn việc xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính. Xuất phát từ (i) tính mất cân xứng của luật nội dung về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp, (ii) những bất cập của pháp luật về tố tụng đối với việc giải quyết các vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, và (iii) sự non kém về năng lực chuyên môn của các cán bộ xét xử, hệ quả là tòa án chưa thực sự trở thành kênh giải quyết thuyết phục, ưa chuộng đối với các tranh chấp về tác quyền. Tác giả đã nêu một số đề xuất, bao gồm xây dựng luật riêng về quyền tác giả; thiết lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ, thiết lập cơ quan đầu mối phối hợp trong phòng chống, xử lí có hiệu quả các hành vi xâm phạm tác quyền v.v. nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và tăng hiệu lực thực thi trong thời gian tới ở Việt Nam.

1. Khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan và các tranh chấp phát sinh

1.1 Khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định tác giả có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra. Khi tác giả sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ được giao, theo hợp đồng hoặc chuyển giao quyền tác giả cho tổ chức, cá nhân khác thì tác giả chỉ còn giữ quyền nhân thân, bao gồm quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên tác giả của tác phẩm và quyền phản đối các hành vi cắt xén, bóp méo hoặc sửa đổi đối với tác phẩm có thể gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

 

Chủ sở hữu tác phẩm có quyền cho phép hoặc phản đối việc khai thác sử dụng tác phẩm mà không được phép chủ sở hữu, dưới các hình thức sao chép, phân phối, nhập khẩu, cho thuê, biểu diễn công cộng, phát sóng và truyền đạt đến công chúng, làm tác phẩm phái sinh. Chủ sở hữu tác phẩm còn có quyền liên quan, bao gồm quyền của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn của mình; quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình đối với các bản ghi âm, ghi hình của mình; quyền của tổ chức phát sóng đối với các chương trình phát sóng của mình.

Quyền tác giả, bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản, được xác lập ngay khi tác phẩm được sáng tạo và định hình dưới một hình hình thức vật chất nhất định. Quyền liên quan (quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, quyền của tổ chức phát sóng) được xác lập ngay khi đối tượng quyền liên quan được sáng tạo và định hình dưới một hình hình thức vật chất nhất định.

Thực tiễn hoạt động khai thác, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ) ở Việt Nam thể hiện qua các mặt như sau:

– Đăng ký, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan của chủ sở hữu quyền

Sau khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được ban hành, số lượng tác phẩm, đối tượng quyền liên quan được chuyển giao phổ biến đến công chúng được tăng lên theo từng năm Năm 2007, có 3230 tác phẩm và đối tượng quyền liên quan được đăng ký cấp Giấy chứng nhận. Năm 2008, có 4922 tác phẩm và đối tượng quyền liên quan được đăng ký cấp Giấy chứng nhận. Số lượng tác phẩm, đối tượng quyền liên quan được chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đến đăng ký ước tính chiếm khoảng 70%. Các tác phẩm đã và đang được khai thác, chuyển giao một cách có hiệu quả, thông qua đó mang lại lợi ích đáng kể cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức cá nhân khai thác sử dụng và công chúng hưởng thụ, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hoá phát triển.

– Việc uỷ thác của chủ sở hữu quyền cho các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan

Hiện nay, hệ thống tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam đã được hình thành và đang đi vào hoạt động có hiệu quả. Hiện có các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan đáng chú ý là: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt nam và Trung tâm quyền tác giả văn học. Đến năm 2009, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã có 1300 thành viên uỷ thác cho Trung tâm quản lý, thu tiền bản quyền từ việc khai thác sử dụng các tác phẩm của thành viên. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam đã có 35 thành viên uỷ thác cho Hiệp hội quản lý, thu tiền bản quyền từ việc khai thác sử dụng các bản ghi âm, ghi hình của thành viên. Trung tâm quyền tác giả văn học đã có 2040 thành viên uỷ thác cho Trung tâm quản lý, thu tiền từ việc khai thác sử dụng tác phẩm văn học của các thành viên [1].

– Chuyển giao quyền sử dụng tác phẩm cho các nhà xuất bản

Hiện nay, đã có một số lượng khá lớn đầu sách của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao cho nhà xuất bản khai thác sử dụng để xuất bản, công bố phổ biến đến công chúng. Năm 2007 có gần 27 ngàn đầu sách được xuất bản, công bố; năm 2008 có gần 19 ngàn đầu sách được xuất bản, công bố.

1.2 Các tranh chấp, vi phạm tác quyền phát sinh trong khai thác, sử dụng QTG, QLQ và một số nguyên nhân

Tuy nhiên, hoạt động khai thác, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan cũng đang gặp những khó khăn, chủ yếu do việc nhiều tác phẩm bị sử dụng trái phép, hoặc chủ sở hữu tác phẩm khó xác định giá cả, thoả thuận mức tiền bản quyền khi khai thác, chuyển giao, thu tiền bản quyền của các đối tượng sử dụng. Thực tế đã có rất nhiều vụ vi phạm quyền tác giả như: tái bản sách, biểu diễn sân khấu, thu băng đĩa nhạc, băng hình… không xin phép tác giả, không trả nhuận bút cho tác giả.

Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng vẫn còn phổ biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi, mà các hành vi xâm phạm này lại chưa bị xử lý một cách đúng mức.

Một số vụ điển hình về khiếu nại, khởi kiện vi phạm bản quyền tác giả đáng chú ý như:

– Vụ khiếu nại đến Cục Bản quyền tác giả về tác giả của bài “Tiến Quân Ca”;

– Vụ phát hành bộ phim nhựa “Vị đắng tình yêu” Tập 2, người được uỷ nhiệm phát hành đã in trái phép một bản phim nhựa đem đi chiếu thu lơi.

– Vụ ông Nguyễn Quảng Tuân kiện ông Đào Thái Tôn vi phạm quyền tác giả [2].

– Vụ Nguyên đơn Phạm Thị Hà, nhà báo công tác tại “Thời báo kinh tế Việt Nam” khởi kiện Bị đơn – Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin vi phạm quyền tác giả [3].

– Vụ Nguyên đơn – Công ty cổ phần Phần Mềm Hà Nội (Hanoi Software JSC) khởi kiện Bị đơn -Công ty cổ phần Thương Mại Số (Digital Trade) vi phạm quyền tác giả phần mềm máy tính.

– Vụ Nguyên đơn – Công ty CP Làng mộc Văn Hà, Quảng Nam khởi kiện Bị đơn – Công ty CP tư vấn đầu tư & xây dựng Tường Phát, Đà Nẵng vi phạm quyền tác giả bản vẽ kiến trúc.

– Vụ Nguyên đơn – Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) khởi kiện bị đơn – Công ty TNHH Hội Việt Úc do vi phạm quyền tác giả đối với giáo trình, tài liệu giảng dạy Anh ngữ.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng các tranh chấp, vi phạm quyền tác giả ngày một gia tăng. Một là, hành vi xâm phạm quyền tác giả luôn tạo ra “siêu lợi nhuận” nên hấp dẫn nhiều đối tượng tham gia trên nhiều địa bàn và nhiều lĩnh vực khác nhau. Hai là, trong quá trình hội nhập, nhiều người tiêu dùng ưa lựa chọn những tác phẩm giả “như thật” mà lại có giá bán thấp. Lợi dụng tình trạng này, việc có không ít chủ thể thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, sao chụp, mô phỏng, giành giật thị truờng trở thành hiện tuợng phổ biến. Đó cũng là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tranh chấp quyền tác giả. Ba là, phần lớn các chủ sở hữu trí tuệ chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa chủ động đăng ký bảo hộ quyền tác giả để dễ dàng bảo vệ lợi ích của mình. Bốn là, các quy định về sở hữu trí tuệ và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ còn chưa tập trung

2. Thực tiễn giải quyết tranh chấp, vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn từ 2004 đến nay:

2.1 Xử lý hành chính các vi phạm về QTG, QLQ

Các quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan đã được ban hành trong Nghị định số Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa – thông tin (“NĐ 56”). Tuy nhiên, các quy định này chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đối với việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực liên quan. Ngày 13/05/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định 47 là các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan trên lãnh thổ Việt Nam. Nghị định 47 quy định về hình thức phạt tiền, tùy tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm, mức phạt tiền có thể tới 500 triệu đồng.

Năm 2006, Thanh tra chuyên ngành Văn hóa – Thông tin kiểm tra 20.414 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa đã phát hiện 5.647 cơ sở vi phạm. Các đoàn kiểm tra đã cảnh cáo 519 cơ sở, đình chỉ hoạt động 289 cơ sở, tạm giữ giấy phép kinh doanh của 160 cơ sở, chuyển xử lý hình sự 9 trường hợp. Năm 2010, lực lượng thanh tra liên ngành đã tổ chức thanh tra tại 60 doanh nghiệp, kiểm tra 2361 máy tính. Hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm sử dụng phần mềm máy tính không hợp pháp và đã bị xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu dừng sử dụng phần mềm bất hợp pháp [4].

Thực tiễn cho thấy, hầu hết các vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan chủ yếu đã và sẽ được xử lý bằng con đường hành chính. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hầu hết các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Điều này đã dẫn đến tình trạng “hành chính hoá” các quan hệ dân sự. Một số trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tuy thuộc lĩnh vực dân sự, lẽ ra cần được giải quyết theo thủ tục dân sự tại toà án nhưng lại được xử lý bằng biện pháp hành chính cho đơn giản và đỡ tốn kém. Tuy nhiên, tố tụng tư pháp tại tòa án vẫn là một kênh riêng để giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam.

2.2 Giải quyết các tranh chấp về QTG, QLQ tại Tòa án: tóm tắt một số vụ việc điển hình

– 2.2.1 Vụ Nguyên đơn Phạm Thị Hà, nhà báo công tác tại “Thời báo kinh tế Việt Nam” khởi kiện bị đơn – Nhà xuất bản Văn hoá thông tin.

NXB Văn hóa thông tin, vào quí IV năm 2004, đã xuất bản cuốn sách “Doanh nhân thành đạt và bài học kinh nghiệm thương trường” do Nhà xuất bản Văn hoá – thông tin liên kết với nhà sách Hương Thuỷ của công ty văn hoá Phương Bắc có sử dụng 8 bài viết của tác giả đã đăng tải trên chuyên mục Doanh nhân thế giới của Thời báo kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2003 đến 2006 không được phép tác giả. Tám bài viết của tác giả Phạm Thị Hà trong xuất bản phẩm nêu trên còn bị thay đổi nhan đề, đảo các đoạn văn trong bài viết; cắt bớt một số câu trong bài viết v.v…. Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2005/DSST ngày 26/6/2006, và Bản án dân sự phúc thẩm số 237/2006/DSPT ngày 17/11/2006 đều đã quyết định chấp nhận một phần yêu cầu kiện vi phạm quyền tác giả của nguyên đơn, buộc bị đơn phải công khai xin lỗi tác giả Phạm Thị Hà trong 3 số báo liên tiếp của Báo Nhân dân; không được tái bản cuốn sách “Doanh nhân thành đạt và bài học kinh nghiệm thương trường” nếu không được sự đồng ý của tác giả.

– 2.2.2 Vụ ông Nguyễn Quảng Tuân kiện ông Đào Thái Tôn vi phạm quyền tác giả do đã trích dẫn không phép nguyên văn bốn bài viết của tác giả vào tác phẩm “Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và thảo luận”.

Tại Bản án số 68/2006/DSST ngày 25, 26-12-2006, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội chấp nhận yêu cầu kiện xâm phạm quyền tác giả của ông Nguyễn Quảng Tuân đối với ông Đào Thái Tôn, tuyên buộc ông Đào Thái Tôn phải tổ chức xin lỗi ông Nguyễn Quảng Tuân ở nơi ông Tuân đang cư trú; buộc ông Tôn phải thanh toán tiền nhuận bút cho ông Tuân số tiền là 1.040.400 đồng; buộc ông Tôn phải bồi thường về vật chất và tinh thần cho ông Tuân là 25.000.000 đồng. Tổng cộng các khoản ông Tôn phải thanh toán và bồi thường cho ông Tuân là: 26.040.400 đồng.

– 2.2.3 Vụ Công ty cổ phần Phần Mềm Hà Nội (Hanoi Software JSC). Khởi kiện Công ty cổ phần Thương Mại Số (Digital Trade).

Ngày 17/1/2007, tòa Kinh Tế, Tòa Án Nhân Dân TP.Hà Nội đã thụ lý vụ kiện vi phạm bản quyền phần mềm giữa Nguyên đơn – Công ty cổ phần Phần Mềm Hà Nội (Hanoi Software JSC) và Bị đơn – Công ty cổ phần Thương Mại Số (Digital Trade). Đây là vụ giải quyết bản quyền phần mềm thứ hai ở Việt Nam bằng con đường tòa án.

Công ty Hanoi Software JSC (HNS) từ năm 2003, được cho là đã nghiên cứu và phát triển ra một phần mềm quản trị website và đặt tên là WEB++. Từ tháng 9/2006, công ty biết được Digital Trade đã giới thiệu, kinh doanh sản phẩm I-Web có các tính năng giống hệt sản phẩm WEB++ mà Hanoi Software JSC kinh doanh từ 3 năm qua. Hanoi Software đã nhanh chóng xác minh và có được các bằng chứng chứng tỏ Digital Trade vi phạm quyền tác giả sản phẩm WEB++ thông qua một nhân viên cũ của Hanoi Software là Hoàng Tùng, nay đang công tác tại công ty Digital Trade. Hanoi Software đã thuê luật sư hỗ trợ xử lý vụ việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Ngày 24/10/2006, Digital Trade đã thừa nhận sản phẩm I-Web là WEB++ do chính nhân viên cũ của Hanoi Software đem về sử dụng và phát triển, thừa nhận bằng văn bản đó là hành vi sử dụng bất hợp pháp, hủy bỏ các mã nguồn WEB++ đang có, cam kết dừng việc kinh doanh sản phẩm này và đền bù thiệt hại vật chất. Như vậy, I-Web chỉ là tên của sản phẩm WEB++ bị đổi một cách trái phép. Công ty Hanoi Software cũng tạo điều kiện để Digital Trade thay thế hoặc dỡ bỏ sản phẩm trái phép đã bán trong vòng 03 tháng. Tuy nhiên, Digital Trade vẫn tiếp tục kinh doanh trái phép mặc dù đã được tạo điều kiện xử lý tranh chấp hợp lý. Ngày 25/12/2006, công ty Hanoi Software JSC đã chính thức gửi đơn kiện công ty Digital Trade ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

– 2.2.4 Vụ Nguyên đơn – Công ty CP Làng mộc Văn Hà, trụ sở tại thị trấn Vĩnh Điện, Huyện Điện Bàn, Quảng Nam khởi kiện Bị đơn là Công ty CP tư vấn đầu tư & xây dựng Tường Phát, trụ sở tại 92 Trần Xuân Lê, QuậnThanh Khê, Đà Nẵng.

Tháng 3/2011, Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) TP Đà Nẵng liên hệ với Công ty CP Làng mộc Văn Hà để lập hồ sơ thiết kế – dự toán công trình “Nhà ăn bằng gỗ – Sân vườn khu nhà ăn – Hồ nước – Hòn non bộ”. Công ty CP Làng mộc Văn Hà lập và hoàn thiện toàn bộ hồ sơ thi công (hồ sơ thiết kế – kiến trúc) và đã bàn giao toàn bộ hồ sơ cho Ban Doanh trại BCHQS TP Đà Nẵng để xét duyệt giao thầu.

Bị đơn – Công ty CP tư vấn đầu tư & xây dựng Tường Phát được yêu cầu phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc do đã sử dụng nguyên mẫu bản vẽ thiết kế – kiến trúc mà Công ty CP Làng mộc Văn Hà đã giao, là bản vẽ thiết kế khu nhà rường Việt Nam, Nhà ngũ gian tứ hạ đã được Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền, phải tháo dỡ các hạng mục công trình Nhà vọng nguyệt lục giác, Cổng tam quan cổ lầu, Nhà ngũ gian tứ hạ đã và đang thi công tại Doanh trại Ban Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng tại số 38 Trần Phú – Đà Nẵng.

Tháng 9/2011, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã tiến hành phiên hòa giải giữa các bên liên quan, nhưng không thành. Tòa án đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả giám định đối với các bản vẽ thiết kế liên quan [5]. Tuy nhiên, Bản giám định gửi kèm công văn số 22/CV-LHH ngày 29/03/2012 của Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật thành phố Đà Nẵng với kết quả chung chung, không có phần kết luận, chưa trở thành căn cứ vững chắc để Nguyên đơn có thể thắng Bị đơn trong vụ kiện hy hữu này.

– 2.2.5 Vụ Nguyên đơn – Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Việt (First News) khởi kiện bị đơn – Công ty TNHH Hội Việt Úc do trung tâm Anh ngữ của bị đơn có hành vi sao chép sách, đĩa CD các giáo trình TOEIC, TOEFL iBT mà Nguyên đơn nắm giữ bản quyền tại Việt Nam để bán trái phép cho các học viên.

Tháng 10/2011, First News yêu cầu Bộ công an và sở Văn hóa thông tin và truyền thông tiến hành khám xét và xử phạt các đối tượng nêu trên. Tháng 12/2011, Bộ Công An kết hợp với Sở Văn hóa thông tin và truyền thông tiến hành khám xét các trung tâm ngoại ngữ thuộc Công ty TNHH Hội Việt Úc, và một số cơ sở khác, tịch thu hàng loạt sách vi phạm bản quyền.

Ngày 21/2/2012 tại Hội Nhà Báo Việt nam, Công ty First News – Trí Việt đã lên tiếng về việc các trường ngoại ngữ vi phạm bản quyền sách các tựa sách (600 Toeic essential For The TOEIC Test, TOEIC Analyst, Stater TOEIC, Target TOEIC, Very Easy TOEIC, Building Skills for the TOEFL Ibt, Developing Skills for the TOEFL Ibt, Mastering Skills for the TOEFL Ibt) và khởi kiện nếu các trường cố tình tái phạm. Tháng 3/2012, sau khi thu thập đầy đủ tang chứng, vật chứng vi phạm bản quyền của 10 trường ngoại ngữ, Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News cùng Văn phòng Luật sư Người nghèo khởi kiện Công ty TNHH Hội Việt Úc (Trung tâm Anh ngữ Quốc Tế Úc Châu và trường Anh Văn Hội Việt Úc) ra Tòa án Nhân dân TP HCM [6].

Sau ba lần hòa giải trước tòa án kéo dài trong 3 tháng, tại buổi họp báo 14/6/2012 do First News tổ chức, Công ty TNHH Hội Việt Úc, trường Quốc Tế Úc Châu đã thừa nhận hành vi sai trái, chấp nhận bồi thường với mức phạt 380 triệu và ký kết hợp đồng sẽ mua sách của First News.

2.3 Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi (tội phạm) xâm phạm quyền tác giả

Theo Điều 212 Luật SHTT năm 2005, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi 2009, có một số điều quy định về các tội phạm có liên quan.

Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, các hành vi sau đây nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm: (1) chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; (2) mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; (3) sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình và (4) công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình.

Tuy nhiên, cho đến năm 2012, chưa có hành vi vi phạm quyền tác giả nào được truy tố và xét xử theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngày 12/11/2011, Phòng PC 46 kết hợp với Đội quản lý thị trường số 15 đã khám xét, kiểm tra khẩn cấp và thu giữ gần 10.000 cuốn sách lậu (thành phẩm và bán thành phẩm) tại cơ sở Huy Thi – Khu tập thể Nhà máy in Bộ Tổng tham mưu (Ngọc Hồi, Hà Nội). Hai tựa sách bị in lậu bao gồm: “Quẳng gánh lo âu & vui sống”: 1.040 cuốn + 120 kg ruột sách; “7 thói quen của bạn trẻ thành đạt”: 812 cuốn + 10.000 bìa sách + 325 kg ruột sách. Sách vi phạm được scan toàn bộ từ nội dung đến hình thức của sách thật, có đầy đủ trang bản quyền, logo First News và NXB, ruột sách được in ấn cẩu thả, chữ mờ, giấy mỏng, các trang có hình, trang bản quyền không rõ nét, bìa cán láng trên giấy mềm, dễ nhận biết. Giá sách vi phạm được in với giá bìa cao hơn sách thật từ 20% đến 72%. Sách vi phạm để giá cao hơn nhằm giảm giá ngược lại cho người mua 30 – 40%, thực chất sách vi phạm vẫn bán giá cao hơn sách thật nhưng chất lượng kém hơn so với sách thật.

Ngày 15/11/2011, Công ty First News tuyên bố sẽ yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với cơ sở Huy Thi về hành vi làm hàng giả và xâm phạm quyền tác giả [7]. Tuy nhiên, đến tháng 10/2012 cơ sở Huy Thi vẫn chưa bị cơ quan điều tra khởi tố bị can sau hơn một năm bị phát giác hành vi vi phạm quyền tác giả.

3. Vài nhận xét về việc giải quyết tranh chấp về QTG, QLQ tại Việt Nam và một số đề xuất bước đầu:

Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực kể từ 01/7/2006, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và xâm phạm quyền tác giả vẫn có chiều hướng gia tăng, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là pháp luật về SHTT vẫn còn nhiều điểm bất cập [8]. Bạn đọc có thể xem thêm về các bất cập này tại Tạp chí Luật học, số 7, (122) năm 2010.

Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao, kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2006) thì tình hình giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án cũng không có sự tăng lên một cách đáng kể. Từ 01/7/2006 cho đến ngày 22/6/2009 toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý được 108 vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ (trong đó chiếm đa số là tranh chấp về quyền tác giả với 90 vụ; tranh chấp về hợp đồng sử dụng tác phẩm chiếm 5 vụ. Nếu chỉ tính riêng đối với Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội thì từ ngày 01/7/2006 đến năm 2009, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội mới chỉ thụ lý giải quyết có 7 vụ án, nhưng thực chất chỉ là 5 vụ án, vì có 2 vụ án phải xét xử xử phúc

thẩm lần thứ 2 [9].

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bất cập giữa thực trạng tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ với số lượng thấp về vụ án tranh chấp về quyền tác giả được giải quyết như trên? Có thể nhận thấy một số nguyên nhân chủ yếu là:

– Bản thân hệ thống toà án chưa đủ năng lực xét xử và thực thi [10] về quyền tác giả. Kinh nghiệm xét xử và kiến thức chuyên môn về tác giả của các thẩm phán còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến cho một số bản án của toà án chưa đảm bảo chất lượng như kỳ vọng. Có trường hợp Tòa án còn phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do cần chờ kết quả trả lời của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và các cơ quan chuyên môn (xem Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 08/2010/QĐST-DS ngày 18-3-2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đối với vụ án dân sự thụ lý số 59/2009/TLST-DS ngày 02-10-2009 về tranh chấp quyền tác giả giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Khoan, trú tại Số 2 ngõ 219/18 tổ 25 đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội với bị đơn – Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam).

– Thủ tục xét xử tại toà án còn rườm rà và kéo dài, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức của người theo đuổi vụ kiện. Điều này cũng gây ra tâm lý của người dân e ngại không muốn khởi kiện các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại toà án.

– Một số quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa cụ thể, rõ ràng khiến cho các thẩm phán gặp khó khăn, lúng túng khi xét xử, chẳng hạn như chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về cách tính mức bồi thường thiệt hại trong các vụ xâm phạm, tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Để hướng tới việc tòa án thực sự trở thành kênh giải quyết thuyết phục, ưa chuộng đối với các tranh chấp về tác quyền tác giả, một số đề xuất bước đầu cần được các cấp có thẩm quyền lưu ý như sau:

– Sớm thiết lập cơ quan đầu mối phối hợp trong phòng chống, xử lí có hiệu quả các hành vi xâm phạm tác quyền, trong đó Cục bn quyền tác giả và ngành tòa án giữ vai trò phối hợp quan trọng. Tăng cường quyền hạn của cơ quan thanh tra chuyên ngành trong xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả,

– Lập kế hoạch rà soát và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, thẩm phán theo hướng chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, đa số cán bộ, Thẩm phán của các Tòa án còn thiếu kiến thức có hệ thống về sở hữu trí tuệ, số cán bộ, Thẩm phán được đào tạo về sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Do vậy, cần chú trọng xây dựng các mục tiêu và chương trình đào tạo có hệ thống để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán ở các Tòa án hiện nay.

– Trước mắt, tập trung thẩm quyền xét xử tại Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội và Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời nghiên cứu, chuẩn bị cho việc thành lập Toà chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

– Tài sản quyền tác giả và quyền liên quan là loại tài sản đặc thù, khác biệt với các tài sản sở hữu công nghiệp của sở hữu trí tuệ, trong đó đặc biệt khác về cơ chế xác lập, thực thi bảo hộ…. Do vậy, về lâu dài cần tổ chức nghiên cứu xây dựng và ban hành riêng biệt Luật quyền tác giả, quyền liên quan.

CHÚ THÍCH:

[1] Bùi Nguyên Hùng; Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan ở nước ta hiện nay (Chuyên đề số 6, Đề tài NCKH về tài sản ảo, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, 2009)

[2] Bùi Nguyên Hùng, tài liệu đã dẫn

[3] Bản án số 68/2006/DSST ngày 25, 26/12/2006 của Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội, về việc xâm phạm quyền tác giả và yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự và uy tín bị xâm phạm

[4] Bản án số 237/2006/DSPT Ngày 17/11/2006, bản án dân sự sơ thẩm số 27/2005/DSST ngày 26/6/2006, của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội

[5] Cổng thông tin Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Việt Nam nghiêm khắc xử lý vi phạm bản quyền phần mềm trong nước, đăng ngày 17/10/2011

[6] Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 23/10/2011, Hầu tòa vì nhà cổ

[7 ] Thông báo số 2483/KDTMST ngày 01/12/2011 của Tòa án ND TP Hồ Chí Minh gửi Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo Trí Việt

[8] Bản Tóm tắt quá trình khởi kiện, do Công ty First News gửi cho tác giả tháng 11/2011

[9] Những bất cập trong quy định của pháp luật SHTT Việt Nam hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan, Tạp chí Luật học, số 7, (122) năm 2010

[10] Nguyễn Văn Tiến, Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân, tại trang http://www.toaan.gov.vn

[11] Mạc Minh Quang, Nâng cao năng lực của các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Luận văn Thạc sĩ Quản lý Khoa học và Công nghệ, VNU 2007, trang 81

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alan Latman, Robert A. Gorman, Jane C. Ginsburg; Copyright for the nineties: cases and materials; 3rd ed. Charlottesville, Michie Co., 1989, 857 p.

2. Glenn A. Woroch. The economics of intellectual property protection for software: the proper role for copyright. Published by Department of Economics University of California – Berkeley, 1994

3. Lei Sun ; Li Zhao ; Xin Tong và W. Clock Carey, The legal envỉonment for copyright Protection and Trust management in China [i]

4. Trần Văn Nam, Về khai thác khía cạnh thương mại của quyền tác giả thông qua các tổ chức quản lý tập thể tại Việt Nam; Tạp chí kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân, số 147, tháng 9/2009

[*] Bài viết đăng kỷ yếu và trình bày tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV ngày 26-28/11/2012 tại Hà Nội; Tiểu ban số 7: Pháp luật Việt Nam trong thời đại pháp quyền vì mục tiêu phát triển bên vững.


Nguồn: Tham luận tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV ngày 26-28/11/2012 tại Hà Nội; Tiểu ban số 7: Pháp luật Việt Nam trong thời đại pháp quyền vì mục tiêu phát triển bên vững.

Phá sản ngân hàng: Có hay không?

26/03/2013

Từ năm 1975 đến nay, ở Việt Nam chưa có ngân hàng thương mại nào tuyên bố phá sản. Và cả thị trường dường như đều có chung niềm tin rằng sẽ không bao giờ có chuyện này xảy ra. Nhưng niềm tin đó liệu có còn đúng, khi trong Thông tư 07/2013 của Ngân hàng Nhà nước mới đây đã xuất hiện cụm từ “phá sản”?

 3 con đường cứu ngân hàng

Việc Ngân hàng Nhà nước chấp nhận đưa thêm cụm từ “phá sản” vào Thông tư 07 đã tạo ra bất ngờ, bởi chỉ nửa năm trước, sau sự cố Bầu Kiên, chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định “sẽ không để ngân hàng nào đổ vỡ”.

Trong lịch sử, đây cũng không phải là lần đầu Ngân hàng Nhà nước xử lý các ngân hàng yếu kém. Quay ngược trở lại giai đoạn khủng hoảng ngân hàng vào những năm 1990, có khá nhiều ngân hàng thương mại đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nhiều ngân hàng tiến hành sáp nhập, hợp nhất, mua lại đổi tên, thậm chí giải thể. Kết quả là số lượng ngân hàng thương mại cổ phần giảm từ 51 (năm 1997) xuống còn 39 (năm 2001). Ngược lại, cũng không ít ngân hàng được vực dậy và phát triển trở lại sau cuộc khủng hoảng như Eximbank, VP Bank hay Maritime.

Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa hai giai đoạn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã mở lối cho những ngân hàng yếu kém không thể tái cấu trúc được, cho dù có sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, thì buộc phải phá sản.

Phá sản một ngân hàng thường không đơn giản. Bởi điều khác biệt lớn nhất giữa một ngân hàng và doanh nghiệp phi tài chính là hệ thống người gửi tiền và sự liên hệ chặt chẽ giữa các ngân hàng với nhau. Vì thế, phá sản ngân hàng là lựa chọn cuối cùng, khi những nỗ lực xử lý trước đó của ngân hàng trung ương không thành công.

Bước đi đầu tiên và dễ dàng nhất là bơm tiền để các ngân hàng yếu kém duy trì hoạt động với hy vọng chúng sẽ cải thiện được tình hình. Tuy nhiên, đây là biện pháp tốn kém và khó giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Một phương pháp ưa thích của các ngân hàng trung ương là khuyến khích hoặc ép buộc các thương vụ mua bán sáp nhập. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, quan trọng nhất là tìm được một ngân hàng khác chịu ôm phần nợ của ngân hàng yếu kém. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm được một khoản tiền mặt khổng lồ.

Đây cũng chính là con đường Việt Nam đang đi, với thương vụ điển hình là Habubank sáp nhập vào SHB. Với khả năng thanh toán gần như bằng 0, vốn chủ sở hữu giảm chỉ còn gần 200 tỉ đồng, Habubank được xem là gặp may khi có SHB đứng ra bảo lãnh mọi khoản nợ. Đối với Ngân hàng Nhà nước, đây là một thành công khi có thể bảo toàn được khoản tiền gửi của người dân tại Habubank trị giá 18.700 tỉ đồng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành công với thương vụ hợp nhất đình đám giữa 3 ngân hàng ở trong tình trạng mất thanh khoản trầm trọng SCB, FicomBank và TinnghiaBank trong năm 2011. Trong cuộc hợp nhất này, Ngân hàng Nhà nước đã dùng 2 công cụ để xử lý: thứ nhất là tái cấp vốn cho ngân hàng dưới sự tài trợ vốn của BIDV và thứ hai là buộc 3 ngân hàng tự hợp nhất với nhau. “Chi phí xử lý không lớn vì tài sản và nợ hầu như không đổi, chỉ có vốn chủ sở hữu là bị mất bớt”, Tiến sĩ Giang cho biết.

Biện pháp cuối cùng để xử lý ngân hàng yếu kém chính là quốc hữu hóa. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ được sử dụng khi ngân hàng đó “quá lớn để sụp đổ”, tức có quá nhiều mối liên kết chằng chịt và to lớn trong hệ thống tài chính. Đây cũng là biện pháp tốn kém nhất. Bài học từ Thái Lan cho thấy, để có tiền hỗ trợ hệ thống ngân hàng, ngoài việc phát hành một lượng trái phiếu khổng lồ, Thái Lan đã 2 lần vay mượn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tới 20 tỉ USD. Kết quả, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã thực hiện sáp nhập và quốc hữu hóa 6 ngân hàng thương mại, 12 công ty tài chính, đồng thời đóng cửa 1 ngân hàng thương mại và 56 công ty tài chính.

Với biện pháp này, ngân hàng trung ương sẽ cử người ngồi vào ghế quản trị ngân hàng, trực tiếp điều hành và thực hiện công việc tái cấu trúc, cải thiện hoạt động kinh doanh. Sau khi đã ổn định mọi thứ, ngân hàng trung ương sẽ bán cổ phần trở lại cho tư nhân và thậm chí còn có thể thu lời để bù đắp cho chi phí tái cấu trúc.

Tiêu biểu cho phương pháp này là Tập đoàn Bảo hiểm AIG. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, AIG được Chính phủ Mỹ quốc hữu hóa vì họ là đầu mối của các hợp đồng bảo hiểm phá sản tín dụng của các tổ chức tài chính trên toàn cầu, trị giá tới hơn 50.000 tỉ USD.

Mọi chuyện sẽ rất tốt đẹp nếu như xử lý thành công các tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán bằng những con đường nói trên; nếu không, chính phủ cũng phải chấp nhận để ngân hàng phá sản. Và ở Việt Nam, với Thông tư mở đường cho việc để ngân hàng phá sản, phải chăng Ngân hàng Nhà nước đã hết chiêu để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém?

 Đường nào cho Việt Nam?

Khi một ngân hàng nộp thủ tục xin phá sản, phần tiền thu được từ việc thanh lý tài sản sẽ được trả cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên: cơ quan thuế, người gửi tiền, các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, người sở hữu trái phiếu của ngân hàng, các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là cổ đông của ngân hàng.

Về mặt lý thuyết, các ông chủ ngân hàng sẽ phải chịu thiệt nhiều nhất, nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, thành viên Hội đồng Quản trị ABBank, trong một số trường hợp, cổ đông ngân hàng chưa chắc đã mất hết tiền nếu ngân hàng có nhiều tài sản có giá trị cao, chẳng hạn như bất động sản.

Đó là chưa kể các chiêu tẩu tán tài sản của các ông chủ ngân hàng. Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), cho biết, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nhiều ông chủ ngân hàng ở các quốc gia khủng hoảng đã tăng cường cho các đối tác nước ngoài hoặc công ty sân sau do chính họ lập ra vay. Các khoản vay này được ghi vào nợ xấu và trong trường hợp ngân hàng phá sản hay được giải cứu, chúng đều được xóa bỏ. Vào thời điểm đó, giá trị các khoản tẩu tán lên đến hàng tỉ USD.

Ở đây, có một khái niệm cần làm rõ là cụm từ “ông chủ ngân hàng”. Những lợi thế nói trên chỉ thuộc về cổ đông lớn, có thể là những người đang trực tiếp điều hành ngân hàng và nắm trước những thông tin quan trọng. Cổ đông nhỏ tất nhiên không thể có được cơ hội đó.

Câu chuyện của Habubank là một ví dụ. Chỉ khi đến Đại hội Cổ đông vào tháng 4.2012, cổ đông Habubank mới vỡ lẽ rằng sau báo cáo giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước vốn chủ sở hữu của ngân hàng mình chỉ còn hơn 195 tỉ đồng, trong khi báo cáo tài chính (đã được kiểm toán) năm 2011 ghi rằng, vốn chủ sở hữu của Habubank là hơn 4.051 tỉ đồng.

Trở lại với vấn đề bảo vệ người gửi tiền, cổ đông lớn ở những ngân hàng yếu kém chưa kịp tẩu tán tài sản thường có xu hướng trì hoãn sự can thiệp của Nhà nước hoặc yêu cầu hỗ trợ thanh khoản, với lý do đảm bảo các khoản tiền gửi cho dân chúng. Lý do này có hoàn toàn thuyết phục?

Hãy xem xét Habubank trước khi sáp nhập. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2012 cho thấy ngân hàng này có tổng tài sản hơn 34.600 tỉ đồng. Như vậy, trong trường hợp phá sản, giả định tài sản của Habubank được thanh lý với mức giá chiết khấu 50%, số tiền thu về đã đủ để chi trả cho người gửi tiền, mà chưa cần sử dụng đến phần bảo hiểm tiền gửi 50 triệu đồng/tài khoản.

Tất nhiên, những phân tích này đều dựa trên giả định đơn giản, bởi thực tế Habubank phá sản còn ảnh hưởng tới thanh khoản của các ngân hàng khác, do liên quan đến các khoản tiền gửi, tiền vay trên thị trường liên ngân hàng và tác động tâm lý đến thị trường. Điều đáng nói ở đây là lý do bảo đảm tiền gửi là chưa hợp lý. Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đứng ra cam kết trả lại toàn bộ tiền gửi cho người dân, sau khi đã bán xong Habubank, tương tự như cách Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) đã làm với các ngân hàng của nước này.

Quan trọng hơn, dù có cho phá sản ngân hàng hay không thì một bài học lớn từ các nước đi trước là Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ các khoản ra vào của một ngân hàng đã nằm trong danh sách giám sát, thậm chí phải phong tỏa tài sản.

Ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị TienphongBank, cho rằng, ở Việt Nam khó xảy ra chuyện phá sản ngân hàng. Việt Nam vẫn sẽ tập trung giảm số lượng ngân hàng yếu kém bằng cách hợp nhất và sáp nhập, thay vì cho phá sản. Và theo ông, quá trình này sẽ diễn ra chậm chạp, bởi các ngân hàng vẫn có tâm lý chờ đợi Nhà nước rót vốn, thay vì bán mình với giá rẻ.

Hơn nữa, không ít ông chủ ngân hàng tin rằng, trong trường hợp xấu nhất, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn một biện pháp cuối cùng trước khi cho phá sản, đó là quốc hữu hóa. Trên thực tế, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa sử dụng đến biện pháp này và có lẽ không ít ông chủ ngân hàng vẫn trông chờ cơ hội được cứu vớt.

Tuy nhiên, còn một ý kiến khác cho rằng không hề có chuyện ngân hàng phá sản. Theo ông Sơn, Quỹ Đầu tư VCP, trong khoảng 150 năm trở lại đây, thế giới chưa từng có vụ phá sản ngân hàng nào.

Người ta thường cho rằng Thái Lan, trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997, đã cho phá sản nhiều ngân hàng. Theo ông Sơn, bản chất sự việc không phải như vậy. Một số ngân hàng mất khả năng chi trả được sáp nhập vào các ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ. “Nói chính xác là có những ngân hàng đóng cửa và thương hiệu biến mất”, ông nói.

Tương tự như việc phá sản ở Mỹ. Giai đoạn 2008 – 2012, FDIC đã cho đóng cửa 465 tổ chức tín dụng, phần lớn có quy mô nhỏ. Các khoản tiền gửi, tiền vay, chi nhánh đều được nhập vào một ngân hàng khác và FDIC chấp nhận hứng chịu một phần lỗ.

Việc phá sản ngân hàng, vì thế, có thể sẽ không dễ nhìn thấy như việc phá sản một doanh nghiệp thông thường. Chẳng hạn, bình luận về thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng Việt Nam ở trên, Tiến sĩ Lê Hồng Giang cho rằng về bản chất thì 3 ngân hàng này đã phá sản, sau đó BIDV đứng ra mua lại và lập ra một ngân hàng mới.

 

Theo NCĐT

 

Tăng tốc IPO, thị trường liệu có bội thực cổ phiếu?

18/03/2013

Trong năm 2013, dự kiến có ít nhất 7 tổng công ty hoàn thành cổ phần hóa và sẽ lên sàn chứng khoán.

Năm 2013, dự kiến có 7 tổng công ty nhà nước thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và lên sàn chứng khoán với tổng trị giá niêm yết dự kiến lên tới 25.000 tỷ đồng. Thị trường chứng khoán đang ấm dần trong năm 2013 cùng với dự thảo mới về cổ phần hóa sắp ban hành, việc tăng tốc IPO sẽ thuận lợi hơn, nhưng với khối lượng lớn cổ phiếu tung ra, thị trường liệu có bội thực?
Ngày 5 và 6/3, hai tổng công ty đầu tiên IPO với kết quả không được tốt lắm: một tổng công ty ế ẩm và một tổng công ty bán được hơn một nửa.
Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam đưa ra đấu giá 26.696.000 cổ phần, số cổ phần chào bán thành công 13.531.300 cổ phần (chiếm 50,68% cổ phần). Giá đấu thành công bình quân là 10.100 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị cổ phần bán được đạt 136,67 tỷ đồng.
Tổng công ty mía đường II đấu giá 16.765.900 cổ phần nhưng lượng chào bán thành công chỉ đạt 775.600 cổ phần (4,6% tổng số chào bán), giá đấu thành công bình quân 10.101 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị thu về sau khi IPO đạt 7,83 tỷ đồng.
Đáng chú ý là hầu hết người tham gia đấu giá là cá nhân trong khi nhà đầu tư tổ chức khá thờ ơ. Tổng công ty mía đường I cũng sẽ IPO trong năm 2013.
Sự kiện đáng quan tâm nhất là IPO Vietnam Airlines. Bộ Giao thông Vận tải đã buộc Vietnam Airlines phải hoàn tất cổ phần hóa trong nửa cuối năm 2013. Theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012- 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vietnam Airlines sẽ IPO với tỉ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ là 65-75% vốn điều lệ (8.942 tỷ đồng).
Sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines có quy mô 1 công ty mẹ, 9 đơn vị phụ thuộc và 26 công ty con hạch toán độc lập và hoàn thành thoái toàn bộ vốn trong giai đoạn 2012-2015 tại 9 doanh nghiệp và tại Techcombank.
Dự kiến trong tháng 4/2013, Vietnam Airlines sẽ thực hiện IPO khoảng 383 triệu cổ phiếu và hãng kỳ vọng sẽ thu được 200 triệu USD, tương đương mức giá trung bình là khoảng 10.920 đồng/cổ phiếu.
Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng dự kiến IPO vào ngày 1/7/2013. Hiện tại tập đoàn này đang đàm phán chọn đối tác chiến lược nước ngoài, trong đó, một số nhà đầu tư từ Nhật Bản đang có ý định tham gia góp vốn vào tập đoàn.
Tổng công ty Viglacera dự kiến sẽ IPO muộn nhất vào tháng 9/2013 và bán ra công chúng khoảng 20% vốn.
Năm 2013, Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu. Trong đó, đối với công ty mẹ – tổng công ty sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2013.
Năm 2012, thị trường chứng khoán giảm sâu đã kéo thị giá cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp xuống dưới mệnh giá khiến giá rất rẻ nhưng đấu giá cổ phiếu vẫn ế. Tuy nhiên, năm 2013, nhiều dự báo cho rằng thị trường chứng khoán sẽ ấm lên, thị trường đấu giá IPO sẽ thuận lợi hơn nhiều năm 2012.
Một điểm mới trong việc tạo đà cho doanh nghiệp tham gia đấu giá và IPO, đó chính là nghị định mới về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dự kiến được ban hành trong năm 2013. Nghị định mới sẽ giải tỏa hai vấn đề lớn gồm: xử lý đất đai trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp và cơ chế thu hút cổ đông chiến lược. Theo dự thảo nghị định, các doanh nghiệp có thể đàm phán với nhà đầu tư chiến lược, bán một phần vốn cho họ theo giá thỏa thuận, nhà đầu tư chiến lược có thể tham gia vào doanh nghiệp, hỗ trợ, tái cơ cấu để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, có hiệu quả hơn sau đó mới tiến hành IPO.
Như vậy, quy định mới sẽ tăng tính chủ động và quyền lợi cho nhà đầu tư chiến lược, khuyến khích họ bỏ vốn tỷ lệ lớn vào doanh nghiệp so với quy định hiện hành. Điều này làm giảm bớt thủ tục, thời gian cũng như tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
Dự thảo sẽ được Bộ Tài chính công khai rộng rãi để lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp và dự kiến ban hành trong quý 2/2013. Điểm đáng chú ý trong phương án cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty năm 2013 là dành tỷ lệ cổ phần bán ra bên ngoài khá lớn và hình thức thuê đất được phần lớn các doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa lựa chọn.
Như vậy, trong năm 2013, sẽ có ít nhất 7 tổng công ty nhà nước hoàn thành cổ phần hóa và sẽ lên sàn chứng khoán, chưa kể khoảng 20 doanh nghiệp nhà nước thuộc các bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán cùng với 2 “ông lớn” ngành bia (Sabeco và Habeco) có thể sẽ bị buộc lên sàn sau hơn 2 năm hứa cuội.
Một số nhà đầu tư lo ngại thị trường chứng khoán sẽ không “hấp thụ” nổi một lượng cung cổ phiếu rất lớn. Tuy nhiên, nếu Chính phủ quyết định nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài vượt mức cho phép hiện nay đối với ngành bia, dệt may và hàng không thì khối ngoại có thể “ôm” phần lớn lượng cổ phiếu sắp đưa ra thị trường chứng khoán trong năm 2013 và thị trường không thể xảy ra hiện thực “bội thực”.
(Theo VnEconomy)

Những bất cập và các kiến nghị hoàn thiện pháp luật đấu thầu

20/01/2013

Luật Đấu thầu ban hành năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu đã thể hiện rõ mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong quá trình lựa chọn nhà thầu và tăng cường hiệu quả kinh tế trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng pháp luật đấu thầu trong cả nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn và không hiệu quả. Bài viết chỉ ra một số bất cập và kiến nghị hướng sửa đổi những bất cập đó trong pháp luật đấu thầu hiện hành.

1. Phạm vi áp dụng chưa rõ ràng, chưa tạo được môi trường pháp lý thống nhất

Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu[1] quy định: “Luật này quy định về các hoạt động đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp đối với gói thầu thuộc các dự án sau đây: 1. Dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển, bao gồm:

a) Dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các dự án đã đầu tư xây dựng;

b) Dự án đầu tư để mua sắm tài sản kể cả thiết bị, máy móc không cần lắp đặt;

c) Dự án quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn;

d) Dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật;

đ) Các dự án khác cho mục tiêu đầu tư phát triển”.

Nhưng vấn đề đặt ra là, Luật chưa định nghĩa rõ ràng, chưa xác định thế nào là “dự án đầu tư phát triển”. Bên cạnh đó, điểm đ khoản 1 lại sử dụng cụm từ “Các dự án khác cho mục tiêu đầu tư phát triển”. Đây là một cụm từ rộng và không thể xác định được cụ thể phạm vi áp dụng, nó mâu thuẫn trong chính nội tại của văn bản pháp luật, dẫn đến việc thực thi lúng túng, thiếu thống nhất trong thực tiễn. Thực chất về “vốn nhà nước” cũng không được pháp luật định nghĩa rõ ràng, thậm chí cho phép hiểu là nó quá rộng, bao gồm một số nguồn vốn cụ thể và “các vốn khác do Nhà nước quản lý”[2]. Trong các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không ghi rõ thế nào là “các vốn khác do Nhà nước quản lý” và do vậy, rất khó để xác định một số nguồn vốn cụ thể có được coi là vốn do Nhà nước quản lý hay không. Ví dụ, một dự án được cấp vốn vay bởi các ngân hàng quốc doanh thì có bị coi là sử dụng vốn nhà nước hay không?

Luật Đấu thầu cũng chưa quy định rõ cách xác định về phần vốn nhà nước tham gia từ 30% trở lên. Tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 85/2009/NĐ-CP – văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu – chỉ nêu đơn giản là việc xác định sẽ dựa trên phần vốn nhà nước tham gia trong tổng mức đầu tư hoặc tổng vốn đầu tư của dự án đã phê duyệt. Nghị định này cũng không quy định rõ để xác định thì phải làm như thế nào, nếu doanh nghiệp nhà nước thành lập công ty con và công ty con này dùng vốn chủ sở hữu của mình để thực hiện dự án đầu tư phát triển, thì có thể coi dự án của công ty con này có sử dụng 100% vốn nhà nước hay không? Câu trả lời sẽ thay đổi như thế nào nếu trong vốn chủ sở hữu của công ty con có cả vốn góp của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh? Hay nói một cách khác, nếu trong một công ty có doanh nghiệp nhà nước góp 30% vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp khối tư nhân góp 70% vốn chủ sở hữu, và khi công ty này dùng vốn chủ sở hữu của mình đầu tư vào một dự án, thì dự án đó có chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu hay không? Tiếp theo nữa, nếu sau này vốn chủ sở hữu của công ty được bổ sung từ các nguồn khác – có thể là vốn thuộc lợi nhuận kinh doanh do công ty để lại – thì việc xác định vốn nhà nước thực hiện như thế nào?

Việc chưa tạo được môi trường pháp lý thống nhất để áp dụng và vận dụng trong công tác đấu thầu là do các quy định về đấu thầu có liên quan đến sử dụng vốn nhà nước còn tản mạn, không tập trung, thiếu sự thống nhất. Các quy định về đấu thầu hiện hành nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như: đấu thầu lựa chọn nhà thầu được quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật số 38/2009/QH12[3]; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất; thực hiện hợp đồng BOT, BTO, BT được quy định tại Luật Đầu tư 2005; đấu thầu theo phương thức mua sắm tập trung được quy định tại Quyết định 179/2007/QĐ-TTg, Thông tư 22/2008/TT-BTC; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, dạy nghề, y tế, thể thao, môi trường được quy định tại Nghị định 69/2008/NĐ-CP; đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công được quy định tại Quyết định 39/2008/QĐ-TTg; đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được quy định tại Quyết định 256/2006/QĐ-TTg. Thực trạng này gây tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản và gây khó khăn cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân khi triển khai thực hiện, vì vậy, việc thống nhất các quy định về đấu thầu trong một luật chung là rất cần thiết.

Có thể nói, ngoài việc sử dụng vốn ngân sách, đầu tư có sử dụng tài sản công như đất đai, nước, biển… đã được xác định rõ và yêu cầu đương nhiên phải áp dụng Luật Đấu thầu, các quy định của Nhà nước, còn các nguồn vốn và tiền chi khác đều có những đối tượng cụ thể khác quản lý như lĩnh vực ngân hàng, cơ quan quản lý bảo lãnh vay, đơn vị tài trợ tiền, vốn… nhưng hình thức quản lý lại rất đa dạng phụ thuộc vào nguồn tiền huy động và mục tiêu đầu tư, chi tiền cho mỗi đối tượng. Ví dụ như các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã ban hành các quy chế và quy định nội bộ trong đó có quy chế về đấu thầu bao trùm toàn bộ việc sử dụng tất cả các nguồn vốn, kể cả mục đích đầu tư và chi tiêu cho hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Để xác định phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu một cách rõ ràng, mang tính khoa học cao, thúc đẩy công tác đấu thầu có hiệu quả, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu theo hướng:

Đưa ra một danh sách rõ ràng các dự án được coi là cho mục tiêu đầu tư phát triển và bỏ đi các từ chung chung như “các dự án khác cho mục tiêu đầu tư phát triển” tại khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu.

Điều 4.1 của Luật Đấu thầu nên liệt kê các nguồn vốn được coi là “vốn nhà nước” và bỏ đi các từ chung chung như “các vốn khác do nhà nước quản lý”.

Luật nên quy định rõ làm thế nào để xác định được tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng vốn đầu tư của một dự án, ví dụ trong dự án có doanh nghiệp nhà nước góp vốn liệu có cần truy tìm nguồn gốc của phần vốn do doanh nghiệp nhà nước đó dùng để góp vào dự án hay không (ví dụ doanh nghiệp nhà nước đó dùng nguồn vốn đầu tư phát triển của mình để góp vốn thì sẽ coi là phần vốn nhà nước trong dự án, còn nếu doanh nghiệp dùng vốn vay thương mại để góp vốn thì không), và việc này có khả thi hay không?

Luật cần khẳng định các dự án quy định tại khoản 2 và 3 Điều 1 có luôn phải tuân thủ theo Luật Đấu thầu hay không? Sử dụng vốn nhà nước và vốn tư nhân để cùng đấu thầu chiếm tỷ trọng bao nhiêu phần trăm thì được áp dụng Luật Đấu thầu, hoặc trong trường hợp các dự án không dùng vốn nhà nước thì có được áp dụng luật này để điều chỉnh hay không?

2. Nguyên tắc quản lý hợp đồng và thương thảo hợp đồng không rõ ràng, thiếu sự nhất quán trong nguyên tắc quản lý và quy định thực hiện

Việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu được quy định tại Điều 42 Luật Đấu thầu, phải dựa trên cơ sở: Kết quả đấu thầu được duyệt; Mẫu hợp đồng đã điền đủ các thông tin cụ thể của gói thầu; Các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu; Các nội dung nêu trong hồ sơ dự thầu và giải thích làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu trúng thầu (nếu có); Các nội dung cần được thương thảo, hoàn thiện hợp đồng giữa bên mời thầu và nhà thầu trúng thầu.

Khoản 2 của Điều này cũng chỉ rõ “Kết quả thương thảo, hoàn thiện hợp đồng là cơ sở để chủ đầu tư và nhà thầu tiến hành ký kết hợp đồng”. Song trong trường hợp việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng không thành thì chủ đầu tư phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét việc lựa chọn nhà thầu xếp hạng tiếp theo. Trường hợp các nhà thầu xếp hạng tiếp theo cũng không đáp ứng yêu cầu thì báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định (Khoản 3).

Hợp đồng là văn bản pháp lý quan trọng để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đã cam kết với nhau. Hợp đồng chính là sản phẩm của quá trình đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tuy vậy khi sử dụng vốn sở hữu chung, vốn nhà nước, việc quy định cơ chế kiểm soát, thủ tục trình duyệt rối rắm đã làm cho việc quản lý hợp đồng hiện nay đang là một trong những khâu yếu nhất trong quản lý dự án đầu tư.

Với phạm vi áp dụng nhằm vào việc quản lý vốn nhà nước, cần có sự phân biệt rõ trong quy định Luật Đấu thầu nguyên tắc quản lý liên quan đến 3 cặp khái niệm sau:

Một là, giữa “Quản lý biến đổi, điều chỉnh trong hợp đồng” với “Điều chỉnh, bổ sung hợp đồng”: tức là phân biệt giữa một mảng là các quy định về điều chỉnh trong hợp đồng, gồm những nội dung điều chỉnh đã quy định sẵn trong hợp đồng mà khi thực hiện không cần phải thương thảo, ký kết hoặc xin ý kiến cấp có thẩm quyền nào khác, với mảng vấn đề phát sinh mới, ngoài quy định đã có trong hợp đồng, phải thương thảo để ký phụ lục hiệu chỉnh, bổ sung thì mới có cơ sở thực hiện tiếp theo.

Hai là, giữa dự toán, là ước tính chi phí, tức là trần để quản lý của dự án để chủ đầu tư kiểm soát hiệu quả đầu tư cũng như kiểm soát việc quản lý chi phí của các đơn vị quản lý nhà nước, và phạm trù liên quan giá hợp đồng cùng nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng.

Ba là, giữa quản lý chất lượng, nghiệm thu công việc, với quy định về thanh toán kèm theo hồ sơ, thủ tục thanh toán. Từ yêu cầu quá cụ thể kiểm soát nghiệm thu để thanh toán trước đây, như hóa đơn thực tế, nghiệm thu tất cả các công việc kể cả nội dung biện pháp thi công đơn giản, công trình tạm, đến một thái cực hoàn toàn trái ngược của một số chuyên gia hiện nay đã bộc lộ những quan niệm sai thực tế, cần có phân tích và tiếp cận khoa học hơn là bỏ việc cần thiết phải giám sát, nghiệm thu cụ thể với hợp đồng EPC vì hợp đồng EPC chính là “hợp đồng trọn gói”.

Đối chiếu các quy định có liên quan đến vấn đề này, chúng ta nhận thấy Điều 57 Luật Đấu thầu và Điều 109 Luật Xây dựng đều mang tên “Điều chỉnh hợp đồng…” nhưng nội dung và cách diễn giải không nhất quán, chưa phân biệt được rõ nguyên tắc ký bổ sung, hiệu chỉnh để “Điều chỉnh hợp đồng”. Ví dụ, tại khoản 1 Điều 57 Luật Đấu thầu quy định: Việc điều chỉnh hợp đồng chỉ áp dụng đối với hình thức hợp đồng theo đơn giá, hình thức hợp đồng theo thời gian và được thực hiện theo quy định sau đây: a. Trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách về thuế,… b. Trường hợp có khối lượng, số lượng thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng nhưng trong phạm vi của Hồ sơ mời thầu và không do lỗi của nhà thầu gây ra…

Các nội dung quy định trên đây có cần thiết phải điều chỉnh hợp đồng dưới hình thức phải ký các bổ sung, hiệu chỉnh hợp đồng hay không? Vấn đề này đang là một trong những tranh cãi không thống nhất giữa các nhà tổ chức xét thầu và tham gia đấu thầu, bởi vì thực tế các điều chỉnh trên thường chỉ là những tính toán mang tính kỹ thuật, có thể quy định ngay trong hợp đồng để kiểm soát, không yêu cầu thủ tục ký kết bổ sung hợp đồng. Trong khi đó, tại văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể Điều 52 của Nghị định 85/2010/NĐ-CP và Mục 5 Nghị định 48/2010/NĐ- CP về điều chỉnh giá và điều chỉnh hợp đồng quy định các nội dung hòa trộn giữa các nội dung tính toán điều chỉnh phục vụ cho việc nghiệm thu, thanh toán hợp đồng đã ký với những nội dung cần phải có sự thỏa thuận, ký bổ sung hợp đồng để xác lập cơ sở pháp lý cho các bên được thực hiện và chỉ khi hai bên được bổ sung hợp đồng thì mới có thể thực hiện.

Bên cạnh đó, Điều 37 khoản 1 Nghị định 48/2010/NĐ-CP lại quy định điều chỉnh hợp đồng bao gồm điều chỉnh khối lượng, điều chỉnh giá hợp đồng, điều chỉnh tiến độ thực hiện và các nội dung khác (nếu có) mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Việc các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng thì không cần phải điều chỉnh hợp đồng nữa nếu đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 34 về nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng quy định: “Đối với hợp đồng trọn gói, thì chỉ được điều chỉnh hợp đồng cho những khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng đã ký…” Như vậy, đã có sự thiếu nhất quán trong phân loại vấn đề và cách diễn đạt luật, mặc dù chính Luật 38/2009/QH12 tại khoản 17 Điều 2 đã có điều chỉnh Điều 57 Luật Đấu thầu 61/2005/QH11 bằng bổ sung thêm hai khoản 2 và 3 để làm rõ hơn nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng để ký phụ lục bổ sung hợp đồng nhưng vẫn chưa giải quyết được toàn diện vấn đề.

Có thể viện dẫn một ví dụ tiếp theo để minh họa về điều khoản “biến đổi và điều chỉnh” (Viriations and Ạdjustments) quy định trong mẫu hợp đồng FIDIC theo bản dịch của Nhà xuất bản Xây dựng – Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam 2009, đây là các quy định của điều khoản hợp đồng có thể nói rất khoa học và có tính khả thi cao, gồm có 8 mục: Quyền được biến đổi; Tư vấn giá trị công trình; Thủ tục biến đổi; Thanh toán bằng tiền quy định; Tiền dự chi; Ngày làm việc; Điều chỉnh do các thay đổi luật lệ; Điều chỉnh do thay đổi về cho phí.

Các thủ tục liên quan đến quy định này được thực hiện qua công văn trao đổi hoặc biên bản hiện trường nhằm đơn giản thủ tục và kịp thời xử lý tình huống, nếu không kịp thời có thể sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên. Tuy vậy, trong điều kiện quản lý vốn nhà nước và quy định nhiều cấp kiểm soát, quy định phải phê duyệt trước như hiện nay tại Việt Nam thì một số nội dung trên đã bị lỗi thời do không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là các gói thầu có yếu tố nước ngoài tham gia. Thông thường khi xảy ra sự kiện như quy định tại điều khoản này, các hợp đồng với nhà thầu nước ngoài thường quy định trong vòng 7 ngày chủ đầu tư phải có phản hồi, trả lời chính thức về điều kiện thanh toán và chi phí cho các biến đổi. Nếu không, nhà thầu có quyền từ chối thực hiện hoặc nhà thầu tự thực hiện theo phương án của nhà thầu và thanh toán theo yêu cầu của nhà thầu. Cơ chế yêu cầu Ban quản lý dự án (QLDA) phải trình lên rất nhiều cấp như hiện nay (tuy đã có cải tiến nhờ chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong những năm gần đây) cũng sẽ không thể đáp ứng yêu cầu này.

Vì các quy định chưa rõ ràng nên cần phải bóc tách các trường hợp cụ thể yêu cầu phải phê duyệt của cấp có thẩm quyền để phân loại thành yêu cầu “Điều chỉnh hợp đồng” và thể hiện điều chỉnh này dưới dạng ký “Bổ sung, hiệu chỉnh hợp đồng” để phân biệt với các trường hợp còn lại. Bởi vì, nhà thầu luôn giữ nguyên tắc chỉ tuân thủ theo hợp đồng đã ký và biết đối tác duy nhất làm đầu mối đã ghi trong hợp đồng mà thôi.

Tóm lại, cách diễn đạt trong các luật và văn bản dưới luật không có sự phân loại rõ nội dung và không nhất quán. Việc quản lý vốn nhà nước cần có các cấp phê duyệt kiểm soát nhưng lại không có sự phân loại vấn đề rõ ràng để phân cấp thực hiện sẽ gây khó khăn trong quá trình thực thi đối với các chủ đầu tư, nhiều tình huống bị nhà thầu nước ngoài phạt chỉ do chủ đầu tư Việt Nam lúng túng trong thủ tục quyết định, ai được quyền quyết định. Nếu hiểu điều chỉnh hợp đồng là những điều chỉnh cho những khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết thì cần tách phần này ra để quy định riêng và áp dụng thống nhất cho tất cả các hình thức hợp đồng, tức là quy định sẽ phải thương thảo có cơ chế trình duyệt trước khi ký bổ sung hợp đồng…, các trường hợp còn lại thuộc phạm vi các biến đổi, điều chỉnh được quy định rõ ngay trong hợp đồng để thực hiện. Luật chỉ nên quy định cụ thể cho nội dung điều chỉnh hợp đồng như trên, còn về các biến đổi, điều chỉnh trong hợp đồng thuộc phần kỹ thuật trong soạn thảo, thương thảo hợp đồng. Bởi vì hợp đồng trước khi ký đã có cơ chế kiểm soát thông qua quy trình đấu thầu.

 Để đảm bảo nguyên tắc quản lý hợp đồng, thương thảo hợp đồng rõ ràng và có sự nhất quán trong nguyên tắc quản lý, quy định thực hiện, chúng tôi đề xuất:

Thứ nhất, lấy quy định trong Bộ luật Dân sự là nền tảng cho quy định chung về quản lý hợp đồng. Bằng cách thức tổ chức soạn thảo lại toàn bộ các điều khoản trong Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng liên quan đến hợp đồng để đảm bảo sự thống nhất với Bộ luật Dân sự, giữa các luật với nhau và sao cho phù hợp với nguyên tắc quản lý của cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, cần xác định và phân loại rõ theo hướng “Điều chỉnh hợp đồng” là điều chỉnh đối với những phát sinh ngoài quy định trong hợp đồng đã ký và phải được kiểm soát chặt qua thẩm định, phê duyệt rồi ký bổ sung hợp đồng thì mới đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Tất cả các điều chỉnh khác có thể xác định rõ nguyên tắc quản lý (bao gồm cả quản lý một số rủi ro) có thể phân loại mang tên là “Biến đổi và điều chỉnh” sẽ quy định trong hợp đồng cụ thể kèm theo nguyên tắc quản lý, trao đổi thông tin và thanh toán các chi phí liên quan. Như vậy, hình thức hợp đồng chỉ nên phân thành hai nhóm là “hợp đồng giá trọn gói” và “hợp đồng có giá điều chỉnh”. Tổng giá hợp đồng của hình thức “hợp đồng có điều chỉnh giá” sẽ phải gồm cả phần dự phòng để có nguồn cho công tác thanh toán và kiểm soát mức trần chi phí cho từng gói thầu, hợp đồng.

Thứ hai, các văn bản hướng dẫn dưới luật, trong đó có Nghị định 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng đã có nhiều điều chỉnh phù hợp với thực tiễn cũng như các khiếm khuyết như phân tích ở phần trên, cần phải xem xét để hiệu chỉnh nội dung của Luật mới.

Thứ ba, rà soát, tổng hợp các văn bản hướng dẫn về hợp đồng vào một văn bản luật để thống nhất hướng dẫn thực hiện, ngoài ra khi ban hành văn bản hướng dẫn dưới luật cần chuyển các nội dung mang tính chất kỹ thuật tính toán, xử lý nghiệp vụ thành các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, cẩm nang cho người sử dụng.

3. Tiêu chí xác định tính độc lập của nhà thầu chưa tính tới các nhà thầu nước ngoài

Để hướng dẫn xác định tính độc lập của nhà thầu, Điều 3 Nghị định 85/2009/NĐ-CP chia ra các trường hợp áp dụng cho nhà thầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhà thầu là đơn vị sự nghiệp, nhà thầu là doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi. Điều khoản này không đề cập tới trường hợp các nhà thầu là các tổ chức nước ngoài thì không biết việc xác định tính độc lập sẽ thực hiện như thế nào. Đây rõ ràng là một khiếm khuyết của pháp luật đấu thầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang tính toàn cầu như hiện nay. Tức là khi chúng ta hội nhập, việc cần phải chuẩn bị có tính tiên quyết, đó là tạo hành lang pháp lý đầy đủ bảo đảm cho việc tham gia đấu thầu của các thành phần kinh tế một cách bình đẳng và minh bạch. Bên cạnh đó, trong các quy định này chưa phân biệt rõ được quy định độc lập để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu và độc lập để đảm bảo khách quan trong thực hiện. Việc quy định tư vấn kỹ thuật cũng cần được làm rõ và phân biệt theo 2 mảng công việc ở chỗ:

– Tư vấn kỹ thuật cần khuyến khích tính liên tục, kế thừa nhưng không làm giảm tính cạnh tranh trong trường hợp nhà tư vấn phải thông qua đấu thầu cạnh tranh để chọn.

– Mảng công tác tư vấn thẩm định, giám định, kiểm định yêu cầu tính độc lập hoàn toàn để đảm bảo tính khách quan thực hiện như thẩm định các bước thiết kế, thẩm định dự toán, kiểm định chất lượng chi tiết, hạng mục…

Vấn đề đặt ra ở đây là khái niệm “tham gia đấu thầu” cần đưa vào Luật Đấu thầu như thế nào cho rõ ràng, làm cơ sở pháp lý cho việc tham gia đấu thầu cũng như việc xét chọn nhà thầu mang tính thống nhất cao hơn. Ngoài ra, việc quy định tư vấn lập thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công công trình thì không được giám sát thi công như khoản 7 Điều 36 Nghị định 12/2009/NĐ- CP là chưa hợp lý, cần làm rõ để pháp luật thể hiện sự thông thoáng hơn trong việc quy định các điều kiện về năng lực và hoạt động của các tổ chức, cá nhân tư vấn xây dựng, các nhà thầu hoạt động xây dựng trong phạm vi cả nước, kể cả nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

Chỉ tiêu đánh giá độc lập và quy định về cơ sở, chứng cứ xác định các chỉ tiêu này trong Luật chưa nêu cụ thể và cũng thiếu các tài liệu hướng dẫn chi tiết.

Pháp luật đấu thầu cần có hướng dẫn thêm về tính độc lập giữa các nhà thầu nước ngoài, trong đó chú trọng đến tính độc lập giữa nhà thầu nói chung và chủ đầu tư. Có thể tham khảo ý kiến kiểm soát do WB, ADB đang quy định cho các khoản vay ở Việt Nam để áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài.

Đối với các nhà thầu trong nước, trong điều kiện hiện nay, về cơ bản quy định như hướng dẫn tại Nghị định 85/2009/NĐ-CP là hợp lý. Đồng thời bổ sung điều kiện chỉ định thầu cho các đơn vị có vốn góp trên 50% của nhau mà sản phẩm đầu ra của đơn vị này đang là yêu cầu mua sắm của đơn vị kia.

Phân biệt rõ quy định điều kiện độc lập để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu và quy định độc lập thực hiện công việc để thẩm định, giám sát nhau theo hai nhóm riêng như phân tích ở trên.

4. Cách thức xác định một số gói thầu được phép chỉ định thầu chưa rõ ràng

Trong thực tiễn áp dụng, các công việc không đấu thầu chưa được quy định trong Luật Đấu thầu một cách cụ thể nên khi lập kế hoạch đấu thầu rất lúng túng, từ đó tạo ra cách hiểu không giống nhau, thiếu nhất quán. Các công việc này thường nằm trong phạm vi công việc tự thực hiện hoặc chỉ định thầu cho các đơn vị chuyên ngành thực hiện, nhất là công việc giám định và công tác thẩm định thầu. Nếu như điều kiện chỉ định thầu trong Luật Đấu thầu đưa thêm các đối tượng nêu trên vào để thống nhất quy trình và thủ tục thực hiện thì không còn bàn cãi trong việc thực hiện đối với các đơn vị chuyên ngành tổ chức chỉ định thầu. Như vậy, việc thừa nhận công tác này hiện nay đang gặp một trở ngại không nhỏ, có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện đấu thầu khi mà quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng công trình được chỉ định thầu bao gồm một số mục, trong đó có “gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia; gói thầu thuộc dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia” và “gói thầu do yêu cầu đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ”[4]. Ngoài ra, Điều 40 Nghị định 85/2009/NĐ-CP quy định thêm một trường hợp là “các trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Theo chúng tôi, Luật Đấu thầu chưa có quy định rõ ràng về thủ tục và khung pháp lý kiểm soát để làm cơ sở yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một gói thầu được coi là thuộc vào các trường hợp nêu trên. Do vậy, chủ đầu kiến nghị tràn lan, thủ tục thiếu nhất quán và không phân định rõ được trách nhiệm của từng cấp quyết định. Hạn mức giá gói thầu được chỉ định thầu hiện nay quá cao, cho dù mức giá này luật pháp có tính đến tình huống lạm phát nên một số chủ đầu tư nghĩ ngay đến việc chia nhỏ để chỉ định thầu với số lượng gói thầu rất lớn, một cách lách luật làm lợi cho chủ đầu tư và tất nhiên ảnh hưởng lớn đến việc chỉ định thầu.

Luật Đấu thầu cần có quy định về tiêu chí, thủ tục để xác định một gói thầu được phép chỉ định thầu kể cả khung pháp lý để xác định và kiểm soát trong trường hợp đặc biệt một cách rõ ràng hơn, không nên phiến diện như quy định hiện hành.

Nên giảm mức giá trị gói thầu được chỉ định thầu để việc áp dụng hình thức đấu thầu này được linh hoạt hơn, phù hợp với thực tiễn của nó. Bỏ điều kiện chứng minh chỉ định thầu hiệu quả hơn đấu thầu và thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu phải nhỏ hơn 18 tháng.

Nên bổ sung điều kiện chỉ định thầu cho đơn vị có vốn góp của nhau trên 50% nếu sản phẩm đầu ra của đơn vị này là nhu cầu mua sắm của đơn vị kia.

5. Nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa cụ thể trong hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu EPC

Vấn đề này được đề cập tại khoản 5 Điều 12 Luật Đấu thầu 2005, nếu nhìn nhận vấn đề này ở thực tiễn, chúng ta có thể khẳng định, nó thiếu nhất quán và thiếu đồng bộ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức hoặc tham gia đấu thầu theo các hình thức đấu thầu do chính Luật Đấu thầu đã quy định. Bởi vì, khi tiến hành đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế, việc đưa ra nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá cụ thể trong hồ sơ mời thầu chắc chắn làm cho cuộc đấu thầu mang rõ tính hình thức, mặt khác, nó còn triệt tiêu cơ hội cạnh tranh của các hàng hoá khác. Riêng đối với hình thức chào hàng cạnh tranh thường áp dụng cho hàng hoá sản xuất hàng loạt, ở đó theo thông lệ, việc phân phối thông qua hệ thống đại lý, siêu thị. Vì thế, nếu người mua có yêu cầu mua một mặt hàng nào đó với nhãn mác cụ thể thì vẫn đảm bảo sự cạnh tranh nhất định giữa các đơn vị phân phối nhưng xét về chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật cho sản phẩm hàng hoá nó cũng dễ dàng quản lý hơn.

Đối với đấu thầu cạnh tranh rộng rãi và hạn chế không được phép nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa trừ một số trường hợp đặc biệt nếu nêu nhãn hiệu hàng hóa cụ thể thì phải quy định: (i) nhà thầu được phép chào hàng hóa có nhãn mác khác nhưng phải chứng minh có chất lượng tương đương hoặc cao hơn; (ii) nêu tiêu chí đánh giá cụ thể trong hồ sơ mời thầu.

Đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu khác thì được phép nêu cụ thể nhãn mác, xuất xứ./.

 


[1] Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực ngày 01/7/2006.

[2] Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2005.

[3] Luật số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

[4] Theo Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2005.


Nguồn: TCNCLP

MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ VỀ CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005 VỀ HỢP ĐỒNG

05/01/2013

1. Đánh giá chung

Pháp luật về hợp đồng là một trong những chế định trung tâm của mọi hệ thống pháp luật, là cơ sở pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân sự- kinh tế phát sinh trong đời sống xã hội, dựa vào đó hướng đến việc bảo đảm công bằng, minh bạch và lành mạnh hóa các quan hệ hợp đồng giữa các chủ thể.

Có thể khẳng định, chế định hợp đồng không chỉ là một trong những chế định xương sống của Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005), mà bao gồm cả một số Luật chuyên ngành như Luật Thương mại 2005, Bộ luật Hàng hải, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bất động sản… Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy, các quy định liên quan đến hợp đồng dân sự nói chung và một số loại hợp đồng cụ thể  (mua bán nhà, hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các loại hợp đồng khác…) chưa xứng tầm với vị trí Luật ”cái” của BLDS so với các Luật chuyên ngành khác, làm nảy sinh cuộc tranh luận vể áp dụng BLDS hay Luật chuyên ngành khi xảy ra hiện tượng xung đột pháp luật trong áp dụng pháp luật. Thậm chí, có một vấn đề mắc mứu rất lớn về mặt học lý là trong nhiều trường hợp phát sinh tranh chấp trong quan hệ thương mại- kinh tế, chủ thể áp dụng pháp luật không biết vận dụng BLDS hay luật chuyên ngành, vì kỹ thuật lập quy của các nhà làm luật trong trường hợp này thường hay sử dụng điệp khúc ”trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Chế định hợp đồng được đặt ra trong bối cảnh còn nhiều vướng mắc về phương diện lý luận giữa việc đề cao quyền tự do hợp đồng và giới hạn của quyền tự do ấy, sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi của bên yếu hơn và bảo vệ người trung thực, thiện chí hơn trong quan hệ pháp luật hợp đồng. Chính từ quan niệm này, các nhà nghiên cứu và thực tiễn đều cho rằng, nhu cầu điều chỉnh pháp luật không chỉ dừng lại ở nội dung ghi nhận quyền tự do giao dịch, mà còn phải mở rộng khả năng thực hiện quyền này một cách thuận lợi trên thực tế. Tuy nhiên, chế định hợp đồng trong BLDS 2005 chưa được quy định nhất quán, có nhiều mâu thuẫn chồng chéo, chưa coi chế định hợp đồng có tính bao quát chung đến mọi quan hệ hợp đồng, đến mọi chủ thể, bất kể tính mục đích của quan hệ hợp đồng vì mục đích sinh lợi hay vì mục đích tiêu dùng.

 

Vấn đề vướng mắc và phức tạp là ở chỗ, việc xác định chính xác loại quan hệ này liên quan đến việc xác định thẩm quyền của Tòa án. Mặc dù có thể coi khái niệm về hợp đồng dân sự được quy định tại Điều 388 BLDS 2005 là hiểu khái niệm theo nghĩa rộng, bao hàm cả các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, nhưng thực tế khi giải thích ”hoạt động thương mại” thì điều 3 Luật Thương mại xác định đó là hoạt động ”nhằm mục đích sinh lợi”. Vì thế, theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa kinh tế thuộc hệ thống Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và 30 Bộ luật Tố tụng dân sự; các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận.

Theo quan điểm của chúng tôi, những vướng mắc liên quan việc xác định các tiêu chí phân biệt giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế theo nghĩa xưa cũ vẫn còn tồn tại, làm phát sinh không chỉ vấn đề tranh chấp về thẩm quyền, mà còn cả các vấn đề liên quan cơ hữu như thời hiệu khởi kiện, xác định thời điểm phát sinh tranh chấp, mức phạt vi phạm hợp đồng…

Mặt khác,chế định về quyền sở hữu tài sảncó mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với chế định hợp đồng- được coi là các chế định cơ bản, tạo thành trụ cột của BLDS 2005, là nền tảng xác định địa vị và chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của các chủ thể tham gia các quan hệ, giao dịch về dân sự. Rõ ràng, hiện tồn tại những vướng mắc từ trong luận lý và pháp luật thực định liên quan chế định về sở hữu, trong đó trước hết và quan trọng nhất là chế độ sở hữu đất đai. Có thể nói, chế độ sở hữu đối với đất đai là một pháp trù kinh tế- pháp lý gây nhiều tranh cãi nhất từ trước đến nay. Hiến pháp năm 1992, Điều 5 Luật Đất đai 2003 và Điều 200 BLDS 2005 quy định ”đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, theo chúng tôi vẫn chưa có một văn bản giải thích chính thức của cơ quan có thẩm quyền nào về khái niệm ”sở hữu toàn dân”, kể cả giải thích từ ngữ trong Luật Đất đai 2003. Tại chương XIII của BLDS 2005 quy định về các hình thức sở hữu, chỉ quy định các hình thức sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội và sở hữu của tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, không hề có quy định nào giải thích rõ thế nào là hình thức sở hữu toàn dân ? Trong khi đó, Điều 15 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) lại chỉ quy định 3 chế độ sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Các nhà làm luật đã vô hình trung đánh đồng, tự động chuyển hóa khái niệm ”sở hữu toàn dân” về đất đai thành thuộc ”sở hữu Nhà nước” để đưa vào nội dung BLDS 2005 mà không có bất cứ sự giải thích thỏa đáng nào. Đề cập sâu như vậy để thấy những tác động, ảnh hưởng của chế độ sở hữu đất đai liên quan mật thiết đến các dạng hợp đồng như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà theo BLDS 2005, hợp đồng mua bán các căn hộ chung cư, nhà ở trong các dự án, hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước…

2. Một số vướng mắc, bất cập trong quy định về hợp đồng của BLDS 2005:

2.1 Về hình thức của hợp đồng:

Điều 401 của BLDS 2005 về hình thức hợp đồng dân sự quy định: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”.

Theo kết quả nghiên cứu của Thạc sĩ Lê Minh Hùng (Đại học Luật TPHCM), có hơn 50 loại hợp đồng được pháp luật quy định phải tuân theo hình thức văn bản, trong đó chia ra làm 4 nhóm: (i) Các hợp đồng dân sự thông dụng; (ii) Các hợp đồng bảo đảm; (iii) Các hợp đồng thương mại; và (iv) Các loại hợp đồng khác… Tuy nhiên, vấn đề xác định chính xác nội hàm “bằng văn bản” hiện cũng còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Trong một vụ kiện tranh chấp tại VIAC, đã có một cuộc tranh luận gay gắt về nội hàm “Bằng văn bản” là như thế nào ? Khác với những hợp đồng mua bán hàng hóa, nhất là những hàng hóa đã có tập quán quốc tế hoặc hai bên đã có quan hệ kinh doanh sẵn có, theo yêu cầu và thực tiễn của hợp đồng mua bán công ty của quốc tế cũng như của Việt Nam, không thể có trường hợp ký hợp đồng qua những văn thư trao đổi riêng lẻ, mà phải lập thành văn bản chung do hai bên cùng ký.  Do đó, khi sửa đổi hợp đồng cũng không thể trái với hình thức ban đầu.  Như vậy, “bằng văn bản” nghĩa là các nội dung thay đổi phải được soạn thảo trên một văn bản chung với những điều khoản chi tiết, chặt chẽ được các bên nhất trí, phải được ghi rõ là Thỏa thuận sửa đổi Hợp Đồng; và phải bao gồm: những điều khoản hai bên thỏa thuận sửa đổi và thay thế hoàn toàn các điều khoản cũ; những điều khoản chỉ sửa đổi một phần do liên quan đến những điều khoản đã sửa…

Trong khi đó, mục 15 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam quy định: “Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật” và Khoản 1, Điều 124 BLDS 2005 quy định: “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản”. Các Điều 10, 11, 12, 13 và 14 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 của Việt Nam đều khẳng định giá trị pháp lý của thư điện tử (một hình thức thông điệp dữ liệu trong giao dịch) là giá trị như văn bản, giá trị bản gốc và giá trị chứng cứ.Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý thì “thực hiện bằng văn bản” và “ghi nhận thành một văn bản” là những cụm từ có nội hàm khác nhau. Không phải lúc nào Tòa án hoặc Trọng tài cũng ghi nhận giá trị pháp lý của một số hình thức giao dịch nói trên khi điều kiện công nghệ thông tin hiện nay có thể tạo dựng các hình thức giao dịch bằng phương tiện điện tử một cách dễ dàng…

2.2 Về việc xác định hợp đồng dân sự bị coi là vô hiệu do không tuân thủ điều kiện về mặt hình thức:

Theo quy định tại Điều 134 của BLDS 2005 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức : « Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu ». Thực tiễn xét xử cho thấy, khi phát sinh tranh chấp, hợp đồng bị vi phạm về hình thức thì Tòa án thường không công nhận hiệu lực của hợp đồng, nhưng cũng không tuyên bố vô hiệu ngay, mà quyết định buộc các bên thực hiện đúng hình thức của hợp đồng trong một thời hạn nhất định; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì hợp đồng vô hiệu.

Vấn đề này thể hiện rõ nét nhất trong các tranh chấp chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Do đặc điểm lịch sử, nên có nhiều nhà, đất thuộc diện cải tạo công thương nghiệp, nhà vắng chủ, diện 2/IV… đã được Nhà nước ra quyết định quản lýhoặc trên thực tế đã bố trí cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng. Trong quá trình người thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước nói trên chưa được hóa giá theo Nghị định 61/CP, khi chuyển nhượng cho người khác, đường lối giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc chuyển nhượng trên của Tòa án rất khác nhau, tạo ra sự không nhất quán trong áp dụng pháp luật. Về pháp lý, đã là nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thì không thể được phép chuyển nhượng nếu không được sự đồng ýbằng văn bản của cơ quan quản lýnhà đất vào thời điểm kýkết hợp đồng, trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa), còn nếu không có sự cho phép bằng văn bản thì Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo thủ tục chung.

Tại Mục 3, Nghị quyết số 01 ngày 16/04/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có hướng dẫn về giải quyết tranh chấp chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước như sau:

– Chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước là việc người có hợp đồng thuê nhà ở của Nhà nước do không có nhu cầu sử dụng hoặc vì lý do nào đó nên đã chuyển nhượng lại hợp đồng thuê diện tích nhà ở đó cho người khác. Người được thuê lại nhà ở đó phải trả cho người chuyển nhượng một khoản tiền và được làm thủ tục đăng ký và ký hợp đồng thuê diện tích nhà ở đó với cơ quan quản lý nhà đất.- Việc chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phải được lập thành văn bản.

– Nếu việc chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở được cơ quan quản lý nhà đất cho phép chuyển nhượng bằng văn bản (tại thời điểm ký kết hợp đồng, trước phiên toà hoặc tại phiên toà) thì Toà án công nhận hợp đồng và buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo thoả thuận.

– Nếu việc chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở không được cơ quan quản lý Nhà đất cho phép bằng văn bản (tại thời điểm ký kết hợp đồng, trước phiên toà hoặc tại phiên toà) thì Toà án tuyên hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo thủ tục chung.

– Khi giải quyết loại tranh chấp này, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà Toà án yêu cầu cơ quan quản lý nhà đất tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Như vậy, theo hướng dẫn nêu trên, thì đường lối xử lý quan hệ chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà của Nhà nước là được phép, nhưng về mặt hình thức phải được sự chấp thuận của Cơ quan quản lý nhà (sự chấp thuận bằng văn bản này có thể thể hiện bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giao dịch, ngay cả trường hợp đã phát sinh tranh chấp và có yêu cầu tòa án giải quyết).

Theo hướng dẫn tại mục 2.2.b Nghị quyết số 01 ngày 16/04/2003 nói trên: “Toà án áp dụng Điều 139 BLDS (nay là Điều 134 BLDS năm 2005) để ra quyết định buộc một hoặc các bên phải đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn một tháng, kể từ ngày Toà án ra quyết định thực hiện các thủ tục để hoàn thiện về hình thức của hợp đồng… Quá thời hạn một tháng mà họ không đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục để hoàn thiện về hình thức của hợp đồng thì Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Bên có lỗi làm cho hợp đồng bị vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức vì không thực hiện theo quyết định của Toà án thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 146 BLDS (Điều 137 BLDS năm 2005).

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử của Tòa án lại cho thấy hai cách xử lýtrái ngược nhau. Trong vụ kiện liên quan nhà X. Nguyễn Thị Diệu, trên cơ sở quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã công nhận giao dịch mua bán nhà thuộc trường hợp nhà thuê thuộc sở hữu Nhà nước là giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức, nên sau khi một bên không ra công chứng chứng thực hợp đồng theo quyết định của Tòa án, đã quy buộc lỗi gây ra hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ điều kiện về hình thức thuộc về bên chuyển nhượng, từ đó phải đền bù toàn bộ gấp đôi tiền cọc và thiệt hại phát sinh. Trong khi đó, cũng một trường hợp tương tự mua bán nhà Y. đường Lương Khải Siêu, quận Thủ Đức thuộc diện Nhà nước quản lý, Tòa án mặc dù ban hành quyết định buộc các bên tuân thủ điều kiện về mặt hình thức, nhưng sau đó khi một bên không tuân thủ ra công chứng chứng thực, lại quay trở lại phán quyết hợp đồng nói trên là vô hiệu ”do vi phạm điều cấm của pháp luật” (?).

Như vậy, thực tiễn cho thấy quy định buộc các bên phải tuân thủ hình thức luật định của hợp đồng theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý chỉ kéo dài thêm thời gian, không có ý nghĩa thiết thực và không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của các bên ngay thẳng, trung thực. Mặt khác, phạm vi áp dụng và mức độ vi phạm về hình thức của hợp đồng cũng không được xác định một cách rõ ràng.

2.3 Về một số vướng mắc, bất cập liên quan Hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

Thứ nhất, về xác định thời điểm giao dịch và pháp luật có hiệu lực điều chỉnh.

Do quá trình xây dựng và ban hành pháp luật liên quan đến chế độ quản lýđất đai, xây dựng cơ bản ở nước ta ở trong điều kiện phải liên tục sửa đổi, bổ sung, nên trong giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, việc xác định thời điểm giao dịch và pháp luật có hiệu lực điều chỉnh có ýnghĩa quan trọng trong việc xác định tính hợp pháp của giao dịch đó. Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên chuyển giao đất và chuyển quyền sử dụng đất cho nhau theo quy định của BLDS 2005 và pháp luật về đất đai, khi phát sinh tranh chấp, được phân định theo từng thời điểm, trong đó lấy mốc chủ yếu trước, sau ngày 15/10/1993 là ngày Luật Đất đai 1993 có hiệu lực.

Theo quy định tại Điều 122, Điều 697 BLDS 2005, khoản 2, Điều 3, Điều 30, Điều 31 của Luật Đất đai 1993 và khoản 1, Điều 106, điểm (b) khoản 1, Điều 127, khoản 1, Điều 146 Luật Đất đai 2003 thì Tòa án chỉ công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi hợp đồng có đầy đủ 5 điều kiện, trong đó có điều kiện thứ 4 là ”đất chuyển nhượng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003”. Do thực tế việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất bị chậm trễ, nên ngay trong chính Điều 146 Luật Đất đai năm 2003 quy định cho phép người chuyển nhượng mà chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai thì cũng được quyền chuyển nhượng đất. Tuy nhiên, tại Nghị định 181 ngày 29/10/2004 của Chính phủ thi hành Luật Đất đai 2003 lại quy định từ 01/01/2007, người sử dụng phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được chuyển nhượng.

Điều phức tạp là ở chỗ, về nguyên tắc khi hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thỏa mãn 5 điều kiện chuyển nhượng nêu trên sẽ bị coi là vô hiệu. Tuy nhiên, do những đặc thù trong quản lý đất đai thời gian qua, nên nhìn từ góc độ xét xử của Tòa án, tùy theo từng trường hợp và thời điểm phát sinh giao dịch mà vận dụng các điều kiện công nhận hay không công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất diễn ra trước và sau ngày 01/7/2004 là ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực để cho phù hợp với tình hình thực tiễn và các văn bản mới ban hành.

Từ thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan đến các hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có thể thấy rõ BLDS 2005 đã trao cho người sử dụng đất tới 10 quyền, trong đó có những quyền quan trọng như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh và góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, không phải tất cả các chủ thể sử dụng đều có đầy đủ các quyền trên, mà theo quy định tại khoản 1, Điều 691 BLDS 2005 thì chỉ có các cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và các chủ thể khác sử dụng đất được pháp luật cho phép chuyển nhượng mới có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đồng thời Tòa án luôn phải chú ý xem xét ở thời điểm giao kết hoặc tranh chấp, chủ thể đó có được quyền sử dụng đất hay không ?

Vấn đề vướng mắc là ở chỗ, việc xác định chủ thể nào được quyền chuyển quyền sử dụng đất không chỉ căn cứ vào Luật Đất đai 2003, BLDS 2005, mà còn phải tính đến cả các văn bản pháp luật sẽ ban hành sau này quy định về vấn đề đó như thế nào, từ đó mới có đường lối giải quyết đúng đắn được[1]. Vì thế, để đảm bảo tính ổn định trong các giao dịch liên quan đến chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong khi chờ đợi trình và thông qua dự thảo Luật Đăng ký bất động sản, cần rà soát, sửa đổi những vướng mắc trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các luật có liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nhất thể hóa trình tự, thủ tục đăng ký các nhà đất thuộc sở hữu của các chủ thể trong BLDS 2005 được công khai, hợp pháp, để từng bước loại trừ điều kiện xác định thời điểm giao dịch được quy định rất rối rắm và phức tạp như hiện nay.

Thứ hai, về những vướng mắc liên quan việc xác định nghĩa vụ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất khi ký kết và thực hiện Hợp đồng mua bán căn hộ/nền đất

Đã có nhiều ví dụ điển hình liên quan đến vướng mắc về xác định nghĩa vụ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất thuộc về ai khi ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán căn hộ/nền đất giữa chủ dự án kinh doanh bất động sản với các nhà đầu tư. Các tranh chấp phát sinh từ một khu đô thị lớn tại TPHCM đang diễn biến hết sức phức tạp, vẫn còn nguy cơ tranh chấp lớn gây xáo trộn sinh hoạt ở một khu đô thị được coi là cao cấp, văn minh, hiện đại bậc nhất của Việt Nam, có nguyên nhân xuất phát từ sự không rõ ràng trong chế độ quản lý đất đai được quy định trong BLDS 2005 và Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng… Vấn đề xung đột lợi ích giữa người mua, thuê nhà, nền đất có cơ sở hạ tầng với CTLD, sau đó trở thành xung đột với lợi ích Nhà nước (cơ quan thuế có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất), nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự không rõ ràng trong chế độ sở hữu về đất đai, cũng như quá trình chuyển hóa từ cho thuê đất sang thu hồi, giao đất cho người mua sử dụng.

Theo khoản 1 và 2 Điều 32 Nghị định số 84 ngày 25/5/2007, nhà đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất dưới hình thức nộp tiền thuê một lần, nếu bán nhà thuộc dự án xây dựng, kinh doanh nhà ở thì người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở được sử dụng đất ổn định lâu dài và không phải nộp tiền chênh lệch giữa đất thuê và đất sử dụng ổn định lâu dài. Nói cách khác, nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp này xem như cũng được trả tiền sử dụng đất ngay từ đầu dự án (bằng với tiền thuê đất trọn kỳ) và đến lượt mình, người mua nhà các dự án này không phải đóng tiền sử dụng đất nữa. Trên thực tế, các khách hàng đã phải thanh toán cho CTLD tiền mua nhà hoặc tiền đầu tư cơ sở hạ tầng như là một khoản tiền đền bù cho CTLD, bao gồm quyền sử dụng đất của CTLD, giá trị đầu tư, tài sản trên đất…

Thứ ba, về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở giữa BLDS 2005 với Luật Nhà ở 2005 và góp vốn bằng quyền sử dụng đất với Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Theo quy định tại điều 168 BLDS 2005 quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản, thì việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, khoản 5 điều 93 Luật Nhà ở 2005 quy định về trình tự, thủ tục trong giao dịch về nhà ở lại quy định quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, bên nhận tặng cho, bên thuê mua, bên nhận đổi nhà ởkể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch nhà ở giữa cá nhân với cá nhân hoặc đã giao nhận nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng đối với giao dịch về nhà ở mà một bên là tổ chức kinh doanh nhà ở hoặc từ thời điểm mở thừa kế trong trường hợp nhận thừa kế nhà ở. Tình trạng này dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình thi hành các phán quyết của Tòa án đối với các giao dịch mua, bán giữa các bên và xử lý tài sản bị kê biên, bán đấu giá…

Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay quy định góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong Luật Doanh nghiệp 2005 không thống nhất với quy định về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trong BLDS 2005. Theo các điều 727, điều 730, điều 732 BLDS 2005, quyền sử dụng đất không được chuyển giao cho bên nhận góp vốn, nhưng điều 29 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho Công ty tại cơ quan có thẩm quyền.

Thứ tư, về các Hợp đồng mua bán các căn hộ chung cư, nhà ở trong các dự án:

Hiện nay, phần lớn các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản, xây dựng các chưng cư, khu căn hộ và thương mại cao cấp đều đang giao dịch với các khách hàng với nhiều ”loại hình” hợp đồng hoàn toàn nằm ngoài các quy định tại điều 450 đến 455 BLDS 2005. Chính từ sự mâu thuẫn trong Giấy phép cấp cho nhà đầu tư không được phép xây cụm dân cư, dự án kinh doanh thương mại để cho thuê, nhượng bán…, với việc ”tạo cơ chế” qua Quyết định 112 nói trên, đã dẫn đến một thực trạng giao dịch giữa nhà đầu tư và khách hàng thể hiện qua 3 loại hợp đồng: (1) Hợp đồng giao kết mua bán nhà ban đầu với đối tượng là căn hộ ảo, chưa xây dựng; (2) Hợp đồng mua bán nhà với đối tượng là căn hộ đang xây dựng nhưng chưa hoàn tất thủ tục chuyển     quyền sử dụng đất; và (3) Hợp đồng mua bán qua công chứng… Khi phát sinh tranh chấp, các cơ quan chức năng và Tòa án gặp rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá giá trị pháp lý của từng loại hợp đồng, làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong mối quan hệ với chủ đầu tư.

2.4 Liên quan các giao dịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà, đất tại Việt Nam hoặc nhờ người khác đứng tên hộ:

Do chính sách về nhà đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong một thời gian dài Nhà nước không cho phép họ được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Vì thế, trong thực tiễn có nhiều trường hợp họ phải nhờ người trong nước đứng tên hộ, dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp phải đưa ra Tòa án phân xử. Vào thời điểm thi hành BLDS 1995 thì đa phần các giao dịch nói trên khi xảy ra tranh chấp đều được xác định là vô hiệu, thậm chí căn cứ theo điều 137, điều 146 BLDS 1995 Tòa án có thể tuyên tịch thu phần thu lợi bất chính từ việc mua bán nhà đất. Ngoại trừ các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam được quy định tại các điều 121 Luật đất đai 2003, điều 126 Luật Nhà ở năm 2005, khoản 4 điều 65 Nghị định 90 ngày 9/6/2006 của Chính phủ (sau đó được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII sửa đổi, bổ sung), liên quan các trường hợp không được phép sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, thì việc xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu, theo điều 128, điều 137 BLDS 2005 không quy định phải tịch thu tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức từ các giao dịch bị tuyên bố vô hiệu. Thực tế hiện nay cũng chưa có văn bản pháp quy nào quy định phải tịch thu các tài sản giao dịch và hoa lợi, lợi tức nói trên, nên trong thực tiễn xét xử, một khó khăn đặt ra là để giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu, cần phải tiến hành định giá giá trị quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, nhưng giải quyết phần chênh lệch gia tăng do thời giá thay đổi chưa được thống nhất…


[1]Tưởng Duy Lượng, Một số vấn đề về chuyển quyền sử dụng đất và hướng xử lý tranh chấp quyền sử dụng đất,

Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM