Posts Tagged ‘luật sư doanh nghiệp’

BAN KIỂM SOÁT TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN

29/10/2013

Công ty cổ phần chính là mô hình kinh tế tiến bộ của xã hội văn minh loài người hiện nay, để hiểu một cách đơn giản nhất thì chúng ta hiểu Công ty cổ phần chính là một “nhà nước” thu nhỏ và ở đó Đại hội đồng cổ đông Công ty đóng vai trò như là cơ quan lập pháp, là cơ quan quyết định phương hướng phát triển và những vấn đề trọng đại khác của công ty; Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc được coi là cơ quan hành pháp, cơ quan điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của Công ty; còn Ban Kiểm soát đóng vai trò của cơ quan tư pháp, cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc Công ty.

Thực tế cho thấy, Ban Kiểm soát trong Công ty cổ phần ở Việt Nam được “thiết kế” là một cơ quan (có thể hiểu đơn giản là “tư pháp”) riêng trong cơ cấu quản trị nội bộ của Công ty cổ phần, cơ quan này có nhiệm vụ chuyên trách giám sát và đánh giá Hội đồng quản trị và những người quản lý điều hành nhân danh cổ đông, vì lợi ích của cổ đông và của Công ty cổ phần.

Cách hiểu đơn giản nhất này có thể giúp chúng ta dễ dàng mường tượng ra vai trò của Ban Kiểm soát trong mối quan hệ với các bộ phận khác trong Công ty cổ phần như Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, nhất là trong hoạt động của Công ty cổ phần thì Ban Kiểm soát trong vai trò kiểm tra, giám sát và kiềm chế, đối trọng với Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc để các hoạt động của Công ty được hoạt động minh bạch vì lợi ích của các cổ đông Công ty.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Ban Kiểm soát, trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu đó là:

Thứ nhất, sự phức tạp trong quá trình quản lý công ty và quan hệ giữa các cổ đông. Thực tế cho thấy trong Công ty cổ phần thì phức tạp trong quá trình quản lý, đan xen giữa lợi ích của các cổ đông, người chủ sở hữu thực sự và người điều hành các hoạt động hàng ngày của Công ty, vì trên thực tế mô hình các Công ty lớn thì chủ sở hữu là các cổ đông và người quản lý công ty nhiều khi khác nhau về lợi ích, nhiều công ty có thể thuê Giám đốc điều hành và trả lương theo một mức nhất định. Còn về phía cổ đông do có nhiều thành phần cổ đông cũng như số lượng các cổ đông của Công ty cổ phần, có những công ty cổ phần có hàng trăm cổ đông với các thành phần khác nhau như trí thức, người buôn bán, người lao động…

Thứ hai, sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người điều hành trực tiếp Công ty cổ phần. Sự tách bạch này để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các cổ đông, cơ quan thực hiện là Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc nhiều lúc không vì lợi ích của các cổ đông nên cần có sự tách bạnh, giám sát để làm rõ mối quan hệ rõ ràng giữa chủ sở hữu và người điều hành, trong nhiều trường hợp, người điều hành có thể không phải là chủ sở hữu và ngược lại chủ sở hữu có thể không phải là người điều hành.

Khi quy mô các Công ty cổ phần nhỏ, số lượng cổ đông ít, có công ty cổ phần chỉ có 3 cổ đông thì thường không có sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người điều hành trực tiếp, mà các cổ đông thường đồng thời là người điều hành công ty, tức là Đại hội cổ đông sẽ đồng thời là thành viên của Hội đồng quản trị. Ví dụ, hiện nay ở Việt Nam có nhiều Công ty cổ phần chỉ có 3 cổ đông, 3 người này cũng là 3 thành viên Hội đồng quản trị, 1 người là Chủ tịch Hội đồng quản trị và thường kiêm luôn Giám đốc, người kia là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và còn 1 người nữa thường là cổ đông cho đủ số lượng để thành lập mô hình công ty cổ phần và thường những Công ty này thì mô hình hoạt động vẫn là các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, khi quy mô công ty lớn hơn, số lượng cổ đông nhiều hơn, có những công ty có hàng chục cổ đông, cá biệt có những Công ty cổ phần lớn trên thế giới có hàng ngàn cổ đông thì sự điều hành và quản lý công ty trở nên phức tạp và do đó, cần có một đội ngũ quản trị chuyên nghiệp. Từ đây, người điều hành trực tiếp công ty có thể không đồng thời là chủ sở hữu công ty nữa.

Mối lo ngại của các cổ đông với tư cách là người sở hữu thực sự của công ty về việc điều hành Công ty cổ phần của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc là một mối lo ngại chính đáng và có cơ sở. Đây là một trong những lý do dẫn đến sự ra đời của Ban Kiểm soát. Theo Điều 95, Luật Doanh nghiệp hiện hành, Ban Kiểm soát sẽ phải được thành lập khi công ty có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty.

1. Cơ cấu Ban kiểm soát Công ty cổ phần: cơ cấu Ban kiểm soát thường bao gồm:

– Trưởng ban Kiểm soát.

– Thành viên Ban kiểm soát chuyên trách.

– Thành viên Ban kiểm soát không chuyên trách.

Ban Kiểm soát gồm từ 3 đến 5 thành viên với các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

– Từ 21 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật như: Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản.

– Không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác.

Theo quy định của pháp luật, thành viên Ban kiểm soát không được giữ các chức vụ quản lý công ty. Thành viên Ban kiểm soát không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty.

2. Việc bầu Ban kiểm soát: Như đã nêu ở trên, với chức năng là một “cơ quan tư pháp” trong một “nhà nước thu nhỏ”, để có thể giám sát Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, Ban kiểm soát cần phải độc lập. Sự độc lập này cần được thể hiện trong việc thành lập và hoạt động của Ban kiểm soát. Thông qua việc thực hiện chức năng của mình, Ban kiểm soát sẽ đảm bảo rằng các quyết định của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc là phù hợp với pháp luật, với các nghị quyết của Đại hội cổ đông và bảo vệ lợi ích của các cổ đông. Chính vai trò bảo vệ cổ đông, bảo vệ nhà đầu tư là lý do cho sự ra đời, tồn tại và hoạt động của Ban kiểm soát.

Các chức danh của Ban kiểm soát thường có nhiệm kỳ từ 3 – 5 năm trùng với nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị và phải doĐại hội cổ đông bầu ra. Chu trình thực hiện là Đại hội cổ đông bầu ra Ban kiểm soát. Ban kiểm soát bầu các chức danh cụ thể trong nội bộ ban. Thông thường, trong ban, dù ít người cũng phải có ít nhất một thành viên có trình độ chuyên môn về kế toán, kiểm toán.

Thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Ban kiểm soát: thành viên Ban kiểm soát bị miễn nhiệm, bãi nhiệm trong các trường hợp sau đây:

– Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Ban kiểm soát theo quy định nêu trên;

– Không thực hiện quyền và nhiệm vụ của mình trong sáu tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

– Có đơn xin từ chức;

– Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

Ngoài các trường hợp quy định nêu trên, thành viên Ban kiểm soát có thể bị miễn nhiệm bất cứ khi nào theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Trường hợp Ban kiểm soát vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình có nguy cơ gây thiệt hại cho công ty thì Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội đồng cổ đông để xem xét và miễn nhiệm Ban kiểm soát đương nhiệm và bầu Ban kiểm soát mới thay thế.

3. Các quyền hạn và nhiệm vụ của Ban kiểm soát

– Kiểm soát toàn bộ hệ thống tài chính và việc thực hiện các quy chế của công ty: Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.Thẩm định báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính theo các định kỳ của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị lên Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.

Xem xét sổ kế toán và các tài liệu khác của Công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của Công ty bất cứ khi nào nếu xét thấy cần thiết hoặc theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông.

– Kiểm tra bất thường: Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông, Ban Kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn mười lăm ngày,kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông và nhóm cổ đông có yêu cầu .

– Can thiệp vào hoạt động công ty khi cần: Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại Hội đồng Cổ đông các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

– Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng Cổ đông, Tổng Giám đốc vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty phải thông báo ngay bằng văn bản với Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.

Cụ thể, theo quy định của Điều 123 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định quyền và nhiệm vụ của Ban kiểm soát như sau:

– Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

– Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.

– Thẩm định báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và sáu tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị.

Trình báo cáo thẩm định báo cáo tài chính, báo cáo tình hình kinh doanh hằng năm của công ty và báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị lên Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.

– Xem xét sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty bất cứ khi nào nếu xét thấy cần thiết hoặc theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 79 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 là Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.

– Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty, Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu.

Việc kiểm tra của Ban kiểm soát quy định trên không được cản trở hoạt động bình thường của Hội đồng quản trị, không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

– Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

– Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty theo quy định dưới đây thì phải thông báo ngay bằng văn bản với Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả, cụ thể như sau:

+ Thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao không theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, pháp luật có liên quan, Điều lệ công ty, quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

+ Không thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và cổ đông của công ty;

+ Không trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông của công ty; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

+ Không thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về các doanh nghiệp mà họ và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có phần vốn góp, cổ phần chi phối; thông báo này được niêm yết tại trụ sở chính và chi nhánh của công ty.

+ Không thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

– Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, Điều lệ công ty và quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

– Ban kiểm soát có quyền sử dụng tư vấn độc lập để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông.

4. Vị thế của Ban kiểm soát trong công ty

Theo các quy chế mới nhất, Ban kiểm soát có vị thế tương đối độc lập. Về mô hình, Ban kiểm soát có thể ngang cấp với Hội đồng quản trị và trên cả Ban giám đốc. Song trên thực tê, Ban kiểm soát còn rất nhiều khó khăn để đạt được vị trí chỉ ngang bằng so với cả Ban giám đốc.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song chủ yếu do các thành viên Ban kiểm soát thường là những người nắm giữ ít cổ phiếu của công ty. Họ gần như không bao giờ là đại diện quyền lợi của cổ đông của công ty.

5. Quyền, nghĩa vụ và thù lao của Ban kiểm soát

a. Quyền được cung cấp thông tin của Ban kiểm soát

Thông báo mời họp, phiếu lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị và các tài liệu kèm theo phải được gửi đến thành viên Ban kiểm soát cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.

Báo cáo của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị hoặc tài liệu khác do công ty phát hành được gửi đến thành viên Ban kiểm soát cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.

Thành viên Ban kiểm soát có quyền tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của công ty lưu giữ tại trụ sở chính, chi nhánh và địa điểm khác; có quyền đến các địa điểm nơi người quản lý và nhân viên của công ty làm việc.

Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của Ban kiểm soát.

b. Nghĩa vụ của thành viên Ban kiểm soát

Tuân thủ đúng pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của Đại hội đồng cổ đông và đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

Thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và cổ đông của công ty.

Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông công ty; không được sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ công ty.

Trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định nêu trên mà gây thiệt hại cho công ty hoặc người khác thì các thành viên Ban kiểm soát phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó.

Mọi thu nhập và lợi ích khác mà thành viên Ban kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp có được do vi phạm nghĩa vụ quy định nêu trên đều thuộc sở hữu của công ty.

Trường hợp phát hiện có thành viên Ban kiểm soát vi phạm nghĩa vụ trong thực hiện quyền và nhiệm vụ được giao thì Hội đồng quản trị phải thông báo bằng văn bản đến Ban kiểm soát; yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.

c. Vấn đề thù lao và lợi ích khác của thành viên Ban kiểm soát

Trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định thì thù lao và lợi ích khác của thành viên Ban kiểm soát được thực hiện theo quy định sau đây:

– Thành viên Ban kiểm soát được trả thù lao theo công việc và được hưởng các lợi ích khác theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Đại hội đồng cổ đông quyết định tổng mức thù lao và ngân sách hoạt động hằng năm của Ban kiểm soát căn cứ vào số ngày làm việc dự tính, số lượng và tính chất của công việc và mức thù lao bình quân hằng ngày của thành viên;

– Thành viên Ban kiểm soát được thanh toán chi phí ăn, ở, đi lại, chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn độc lập với mức hợp lý. Tổng mức thù lao và chi phí này không vượt quá tổng ngân sách hoạt động hằng năm của Ban kiểm soát đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có quyết định khác;

– Thù lao và chi phí hoạt động của Ban kiểm soát được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và phải được lập thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty.

6. Thực trạng hoạt động của Ban Kiểm soát trong các Công ty cổ phần ở Việt Nam

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam cho thấy Ban kiểm soát đã chưa thể hiện đầy đủ vai trò bảo vệ cổ đông và nhà đầu tư. Do đó, rủi ro mà nhà đầu tư và cổ đông phải gánh chịu từ “sự lép vế” của Ban kiểm soát là rất lớn.

Đọc báo cáo của Ban kiểm soát trong các kỳ đại hội, cổ đông thường có cảm giác rằng các báo cáo này chỉ là bản sao các báo cáo của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc. Nội dung chủ yếu là “khen” Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, rất ít thông tin có ích cho cổ đông. Trong một số trường hợp, những vấn đề cần đưa vào báo cáo của Ban kiểm soát đã được thống nhất trước với Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc trong phiên họp “trù bị” trước đó rồi. Do đó, tại đại hội, vai trò của Ban kiểm soát chỉ là ngồi cho đủ ban bệ.

Trong thời gian qua, có rất nhiều việc làm sai trái của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cổ đông nhưng không hề có tiếng nói cảnh báo nào từ Ban kiểm soát cho đến khi sự việc bị phát hiện. Với tư cách là chủ sở hữu công ty và là người bầu ra Ban kiểm soát, chắc chắn cổ đông có lý do để bất bình về vai trò và chức năng của Ban kiểm soát.

Bên cạnh đó, mặc dù các quy định pháp luật đã trao cho Ban kiểm soát quyền được triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông khi Hội đòng quản trị không triệu tập họp hoặc có vi phạm nghĩa vụ quản lý, nhưng trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, thực tế cho thấy, rất hiếm trường hợp Ban kiểm soát thực thi quyền hạn này.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Ban kiểm soát chưa thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình đối với các cổ đông. Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc thường không ưa Ban kiểm soát vì nếu có họ, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc sẽ không thể quyết định các vấn đề theo theo kiểu “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” mà phải luôn dè chừng Ban kiểm soát với tư cách là cơ quan tư pháp có thể “thổi còi”. Vì thế, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc luôn tìm cách để tránh khỏi sự kiểm soát đó. Đây là nguyên nhân khiến hoạt động của Ban kiểm soát không hiệu quả.

Lập ra Ban kiểm soát để bảo vệ lợi ích cho mình nhưng đôi khi chính cổ đông lại không hiểu đúng vai trò của họ. Đại hội đồng cổ đông chỉ họp một, hai lần trong một năm và mỗi phiên họp thường diễn ra trong một ngày. Do đó, có trường hợp, do thời gian quá gấp rút, Đại hội đồng cổ đông chỉ kịp bầu ra Ban kiểm soát, và trao quyền cho Chủ tịch Hội đồng quản trị ban hành quy chế hoạt động của Ban kiểm soát! Được trao quyền này, lẽ dĩ nhiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ giới hạn quyền của Ban kiểm soát tới mức có thể nhằm mở rộng quyền của mình. Thậm chí, tại một số công ty, cổ đông còn chấp thuận cho Hội đồng quản trị bổ nhiệm thành viên Ban kiểm soát, và tất nhiên là Hội đồng quản trị sẽ bổ nhiệm “người trong nhà” để tăng thêm quyền lực cho mình và để “cùng hội cùng thuyền”. Ngoài ra, tại một số công ty, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc nhiều khi cũng không rõ vai trò của Ban kiểm soát, coi Ban kiểm soát chỉ là một phòng Ban trong công ty, thậm chí ngay cả Ban kiểm soát cũng không rõ vai trò và quyền hạn của mình. Vì thế sự tồn tại của Ban kiểm soát nhiều khi mang nặng tính hình thức.

Theo luật định, thành viên Ban kiểm soát không được giữ các chức vụ quản lý công ty. Nghĩa là thành viên Ban kiểm soát sẽ chỉ là một người lao động bình thường, một nhân viên cấp thấp trong công ty. Trong vai trò kiểm soát viên, họ cần độc lập với Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, còn trong vai trò người lao động, họ chịu sự quản lý của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc. Một câu hỏi đơn giản là trong hoàn cảnh này, Ban kiểm soát có thể độc lập kiểm soát hoạt động của công ty được không? Chắc chắn là không. Chính mâu thuẫn giữa hai vai trò này khiến cho thành viên Ban kiểm soát cùng lúc chịu nhiều áp lực và thông thường, họ sẽ chọn lựa vai trò người lao động vì dẫu sao, hàng tháng họ vẫn phải nhận tiền lương của công ty.

Ngoài tâm lý “dĩ hòa vi quý” của các thành viên Ban kiểm soát, trong nhiều trường hợp, các thành viên Ban kiểm soát còn có sự câu kết với Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc để hưởng lợi bất chính.Vai trò của Ban kiểm soát chưa được các văn bản luật đề cao. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, văn bản do Ban kiểm soát ban hành về việc kiểm tra, giám sát chỉ có ý nghĩa cảnh báo. Ngay cả khi phát hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ quản lý công ty của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, Ban kiểm soát chỉ có quyền yêu cầu các cá nhân liên quan chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả. Ban kiểm soát không có quyền sa thải người lao động nếu họ sai phạm. Tại Việt Nam, các cơ quan nhà nước, hoặc bên thứ ba chỉ quan tâm đến người nào là đại diện theo pháp luật của công ty chứ không quan tâm ai là thành viên hoặc trưởng Ban kiểm soát của công ty.

Báo cáo của Ban kiểm soát thường được trình cho Đại hội cổ đông vào mỗi kỳ họp. Thời gian giữa các kỳ họp lại quá xa và như vậy, báo cáo của Ban kiểm soát không còn tính thời sự. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành về chế độ kế toán, các báo cáo hàng năm của Công ty cổ phần phải nộp cho cơ quan thuế chỉ gồm bản cân đối kế toán; báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Trong quy định về công bố thông tin của công ty đại chúng, nội dung công bố thông tin về báo cáo tài chính năm cũng chỉ bao gồm các tài liệu trên.

Như vậy, báo cáo của Ban kiểm soát không phải là tài liệu bắt buộc phải nộp cho cơ quan quản lý hoặc công bố thông tin theo quy định. Như đã nêu ở trên, báo cáo của Ban kiểm soát là một tài liệu quan trọng, giúp nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có được cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp từ góc độ mà các bản báo cáo tài chính không đề cập đến. Thông tin trong báo cáo của Ban kiểm soát có tầm quan trọng không kém các báo cáo tài chính. Do đó, cần phải xem xét việc yêu cầu Công ty cổ phần, nhất là công ty đại chúng, phải công bố báo cáo của Ban kiểm soát cùng với báo cáo tài chính.

Nếu toàn bộ quyền lực trong Công ty cổ phần đều tập trung vào Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, thì không ai dám khẳng định rằng họ không lạm quyền và khi đó cổ đông sẽ không được bảo vệ. Ban kiểm soát là một cơ chế phù hợp để cổ đông tự bảo vệ mình. Muốn như thế, hoạt động của Ban kiểm soát cần được điều chỉnh bởi một khung pháp lý rõ ràng hơn, đồng thời chính cổ đông phải hiểu rõ và sử dụng vai trò của Ban kiểm soát một cách thông minh và phù hợp. Ngoài ra, khi được cổ đông tin tưởng và trao quyền, Ban kiểm soát phải có đủ khả năng và dũng khí thực thi nhiệm vụ, các báo cáo của Ban kiểm soát phải thể hiện được tính độc lập và chính xác. Chỉ có như vậy quyền lợi của cổ đông mới được bảo vệ và xã hội mới tránh được những thiệt hại từ sự sụp đổ của các Công ty cổ phần.

Nguồn: Vibonline

Ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008

03/06/2013

1. Đặt vấn đề

Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (Luật thuế TNDN năm 2008) được Quốc hội thông qua ngày 03/06/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Đến nay, sau 4 năm thực hiện, bên cạnh việc góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Luật đã trở thành một trong những công cụ để Nhà nước điều tiết các chính sách kinh tế – xã hội và “cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng”[1]. Số liệu thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký thuế và đang hoạt động (tính đến ngày 31/12 mỗi năm) hàng năm đều tăng so với năm trước, cụ thể: năm 2008 là 286.401 doanh nghiệp; năm 2009 là 348.421 doanh nghiệp; năm 2010 là 423.073 doanh nghiệp; năm 2011 là 464.190 doanh nghiệp; năm 2011 là 440.763 là doanh nghiệp, năm 2012 là 461.134 doanh nghiệp[2]… Có được những kết quả như trên là nhờ Luật thuế TNDN năm 2008 đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong Luật thuế TNDN năm 2003, trong đó có các quy định về ưu đãi thuế (ƯĐT) TNDN.

Các quy định về ƯĐT TNDN trong Luật thuế TNDN năm 2008 và trong các văn bản hướng dẫn đã góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và một số ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà mức độ hội nhập của nền kinh tế nước ta với kinh tế khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh cần phải được tiếp tục cải thiện… thì các quy định về ƯĐT TNDN của Luật thuế TNDN năm 2008 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, để khắc phục những tồn tại và hạn chế phát sinh, đồng thời triển khai một cách có hiệu quả Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 và cũng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn tới theo hướng đảm bảo đơn giản hoá chính sách, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế và thực hiện giảm dần mức động viên, thì việc tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN năm 2008 là hết sức cần thiết, trong đó có những quy định về ƯĐT TNDN. Hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN[3] (Dự thảo) đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong công chúng. Trong bài viết này, chúng tôi muốn làm rõ và trao đổi một số ý kiến liên quan đến những quy định về ƯĐT TNDN trong Dự thảo.

2. Khái quát chung về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế TNDN là một loại thuế có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các doanh nghiệp. Chính vì thế Nhà nước sử dụng các chính sách ưu đãi về thuế suất (ƯĐVTS) và ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế nhằm tác động đến hoạt động đầu tư vốn và tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xem chính sách ưu đãi về thuế TNDN là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu điều tiết kinh tế – xã hội của mình. Việt Nam là một quốc gia có các điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù, đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, các điều kiện phát triển và nguồn lực về vốn được phân bổ không đồng đều giữa các vùng, miền trong khi mục tiêu chiến lược được đặt ra là xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì các chính sách, pháp luật về ƯĐT nói chung và ƯĐT TNDN nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

 Về mặt lý luận, ƯĐT TNDN là việc Nhà nước dành cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ trong những lĩnh vực, địa bàn, loại hình mà Nhà nước khuyến khích phát triển những điều kiện thuận lợi hơn về thuế suất, về thời gian miễn, giảm thuế và những vấn đề khác nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp đó trong quá trình họat động, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội[4]. Với tư cách là một chế định pháp luật, pháp luật về ƯĐT TNDN là tổng hợp các quy định do Nhà nước ban hành về các biện pháp, lợi thế nhằm giảm bớt gánh nặng về thuế thu nhập cho những doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp dưới hình thức các ƯĐVTS, thời gian miễn giảm thuế và các hình thức khác trong những điều kiện nhất định so với các doanh nghiệp khác, qua đó nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn nhất định.

Với tư cách là một công cụ góp phần điều tiết các chính sách kinh tế – xã hội, các quy định của pháp luật về ƯĐT TNDN đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các vùng, miền và giữa các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Nhà nước thông qua các quy định pháp luật về ƯĐT tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; thực hiện giảm mức thuế suất chung (TSC) để khuyến khích doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các quy định về ƯĐT TNDN còn góp phần điều hòa thu nhập, thực hiện công bằng xã hội.

Do tính chất có chọn lọc của chế độ ưu đãi về thuế TNDN nên chỉ những doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nhất định mới được hưởng ưu đãi. Tại Việt Nam, doanh nghiệp muốn hưởng những ưu đãi về thuế TNDN phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 18 Luật thuế TNDN năm 2008. Theo đó, các ưu đãi về thuế TNDN chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định và đăng ký, nộp thuế TNDN theo kê khai. Đồng thời, doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ƯĐT; trường hợp không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ƯĐT được xác định theo tỉ lệ doanh thu giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh được ƯĐT trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Riêng đối với ƯĐVTS và thời gian miễn giảm thuế TNDN không áp dụng đối với: thu nhập khác của doanh nghiệp; thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác; thu nhập từ kinh doanh trò chơi có thưởng, cá cược theo quy định của pháp luật và trường hợp khác được Chính phủ quy định.

Có hai hình thức ƯĐT TNDN phổ biến là ƯĐVTS và ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế. ƯĐVTS là việc doanh nghiệp được hưởng ưu đãi dưới hình thức áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức TSC trong một hời hạn nhất định. Điều 13 Luật thuế TNDN năm 2008 liệt kê 6 trường hợp được hưởng ƯĐVTS áp dụng cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong những lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước muốn khuyến khích đầu tư với hai mức thuế ưu ưu đãi là 20% và 10% (trong khi mức thuế suất áp dụng chung là 25%) và với thời hạn ưu đãi là 10 năm và 15 năm. Bên cạnh đó, ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế cũng được xem là một biện pháp để khuyến khích đầu tư và điều tiết thu nhập của doanh nghiệp. Theo hình thức ưu đãi này, doanh nghiệp thuộc đối tượng có thu nhập chịu thuế không phải nộp hoặc nộp ít hơn số thuế tương ứng với mức thuế suất đang áp dụng theo một tỷ lệ và trong một thời hạn nhất định. Theo quy định tại Điều 14 Luật thuế TNDN năm 2008, có hai nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế. Nhóm thứ nhất bao gồm: “Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo”. Nhóm thứ hai là: “Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo”.

Ngoài hai hình thức ưu đãi nêu trên, Luật thuế TNDN năm 2008 còn quy định một số hình thức khác như: chuyển lỗ (Điều 16) và trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 17). Đồng thời, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ và lao động là người dân tộc thiểu số, Luật thuế TNDN năm 2008 cũng có điều khoản mở cho phép áp dụng một số ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ đối với các doanh nghiệp có sử dụng nhiều đối tượng lao động nêu trên.

3. Những điểm mới về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong Dự thảo

Có thể nói, Ban soạn thảo đã dành sự quan tâm đáng kể cho vấn đề ƯĐT TNDN. Bên cạnh việc điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%, Dự thảo đã bổ sung thêm những điều, khoản quy định về chế độ ƯĐT TNDN theo hướng mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi được tập hợp từ các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nhằm đảm bảo tính thống nhất và tập trung của các quy định pháp luật về ƯĐT TNDN trên cơ sở vẫn giữ nguyên mức thuế suất ưu đãi (TSƯĐ) quy định tại Luật thuế TNDN năm 2008. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính[5], những điểm mới cơ bản bao gồm:

Thứ nhất, bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với một số đối tượng: doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển công nghệ sinh hoạt; bảo vệ môi trường; doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư hoặc doanh nghiệp có dự án đầu tư mới có quy mô đầu tư và phạm vi tác động rộng lớn đến kinh tế -xã hội đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai, bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% đối với doanh nghiệp có thu nhập từ việc thực hiện dự án nghiên cứu phát triển, bao gồm: dự án ứng dụng công nghệ cao; dự án ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư -kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí; thu nhập từ hoạt động xuất bản của cơ quan xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án, như trồng, chăm sóc rừng, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản trên đất hoang hóa hoặc vùng nước chưa được khai thác, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản xuất, khai thác và tinh chế muối, đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ.

Thứ ba, bổ sung áp dụng thuế suất 20% đối với: tổ chức tài chính vi mô; doanh nghiệp có thu nhập từ việc thực hiện các dự án, như trồng cây dược liệu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; dịch vụ kỹ thuật trồng cây công nghiệp và cây lâm nghiệp, bảo vệ cây trồng và vật nuôi, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm; phát triển ngành nghề truyền thống.

Thứ tư, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về thuế TNDN đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư mới ở những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Dự thảo cũng bổ sung quy định dành những ưu đãi về miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp trên địa bàn các thành phố trực thuộc trung ương).

Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung quy định áp dụng mức TSƯĐ 20% áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng (điểm 1 khoản 6 Điều 1 Dự thảo). Quy định này là muốn chia sẻ khó khăn tài chính cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt trong giai đoạn có những bất ổn của kinh tế vĩ mô hiện nay.

4. Một số nhận định và kiến nghị

Qua phân tích những điểm mới về ƯĐT TNDN trong Dự thảo, chúng tôi nhận thấy rằng, nhìn chung Dự thảo đã bám sát và quán triệt quan điểm, mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trên cơ sở tổng hợp và đúc rút những kinh nghiệm và vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật về thuế TNDN trong thực tế. Ban soạn thảo đã có những nỗ lực rất lớn trong việc tập hợp và thống nhất các quy định về ƯĐT TNDN nằm rải rác ở những văn bản pháp luật ở những cấp độ khác nhau và trong những lĩnh vực pháp luật chuyên ngành khác nhau vào trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật để đảm bảo tính thống nhất và tính đồng bộ, loại bỏ những mâu thuẫn, bất cập để tạo điều kiện cho việc thực thi một cách hiệu quả. Qua đó, giúp cho các chính sách và pháp luật về ƯĐT TNDN được ổn định và ngày càng phát huy vai trò là một trong các công cụ để Nhà nước thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, điều tiết thu nhập và thực hiện công bằng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các quy định trong Dự thảo về ƯĐT TNDN cũng tạo ra không ít băn khoăn, những vấn đề cần trao đổi, góp ý thêm để hoàn thiện.

Một là, Dự thảo giảm mức TSC từ 25% theo quy định của Luật thuế TNDN năm 2008 xuống còn 23% trong khi vẫn giữ nguyên mức TSƯĐ là 10% và 20 % là chưa thật sự hợp lý và công bằng. Như vậy, chỉ có các doanh nghiệp thuộc diện không được ưu đãi mới thụ hưởng những lợi ích của mức thuế suất mới, trong khi các doanh nghiệp thuộc diện được hưởng ưu đãi thì vẫn hưởng mức TSƯĐ. Từ đó cho thấy, khoảng cách về lợi thế ưu đãi trong nghĩa vụ nộp thuế giữa các doanh nghiệp thông thường và các doanh nghiệp thuộc diện được hưởng ƯĐVTS đã được rút ngắn đáng kể. Điều này ít nhiều làm giảm tính hấp dẫn của chính sách ƯĐT TNDN, ảnh hưởng đến mục tiêu khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế của Nhà nước. Chúng tôi đề nghị cần xem xét điều chỉnh giảm mức TSƯĐ tương ứng với mức giảm xuống của mức TSC.

Hai là, cần cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất 20% đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng. Liên quan đến vấn đề này, hiện nay có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý áp dụng mức thuế suất 20% cho các doanh nghiệp có quy mô nêu trên với lập luận “nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư”. Ý kiến này còn đề xuất một lộ trình cụ thể về việc áp dụng và cắt giảm mức lãi suất ưu đãi cho đối tượng này trong từng giai đoạn[6]. Loại ý kiến thứ hai phản đối việc áp dụng mức TSƯĐ theo như đề xuất của Dự thảo. Họ cho rằng, mặc dù chính sách này là đáng hoan nghênh và phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng trong điều kiện của Việt Nam hiện nay thì việc áp dụng mức TSƯĐ này đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể gây ra tình trạng “bất bình đẳng” giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực ngành nghề hoặc trên cùng một địa bàn. Mặt khác, việc ưu đãi này có thể dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp lớn sẽ “lách luật” để trốn thuế bằng cách tự chia thành các doanh nghiệp nhỏ, gây thất thu về thuế và như vậy có nghĩa là quy định trên không những không phát huy tác dụng mà còn mang tính “khuyến khích ngược”[7]. Chúng tôi cho rằng, vấn đề này cần tiếp tục có những trao đổi, thảo luận một cách thấu đáo nhằm đảo bảo tính hiệu quả của pháp luật.

Ba là, việc Dự thảo mở rộng địa bàn ưu đãi đầu tư bao gồm cả khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp trên địa bàn các thành phố trực thuộc trung ương) và tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi đầu tư đối với các khu kinh tế (KTT) là chưa thuyết phục. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khi cho rằng, “số lượng các KKT được thành lập trong thời gian qua tương đối lớn[8], thuộc địa bàn có điều kiện thuận lợi, được Nhà nước đầu tư khá lớn về hạ tầng song vẫn được hưởng mức ƯĐT cao nhất là chưa thật hợp lý”[9]. Theo các đại biểu, Chính phủ cần rà soát, khảo sát, đánh giá chi tiết về tính hiệu quả của việc áp dụng chính sách ƯĐT đối với các KKT để sửa đổi quy định trên theo hướng các doanh nghiệp trong các KKT sẽ hưởng ưu đãi theo địa bàn mà KKT đó tọa lạc. Đây là một đề xuất rất đáng được nghiên cứu và xem xét một cách nghiêm túc. Riêng đối với quy định về áp dụng ƯĐT cho các khu công nghiệp cũng cần xem xét, cân nhắc một cách thận trọng. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân mà các khu công nghiệp đã bị đưa ra khỏi danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư trong Luật thuế TNDN năm 2008 là tình trạng ưu đãi tràn lan, thiếu trọng tâm trong khi các khu công nghiệp thường đặt ở những địa bàn thuận lợi như gần bến cảng, gần thành phố, điều kiện giao thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi… Từ đó, tạo ra một bất hợp lý là các doanh nghiệp nước ngoài thường chọn các khu công nghiệp để thành lập và thực hiện dự án đầu tư với những thuận lợi nhất định nhưng vẫn được hưởng những ưu đãi về thuế. Trong giai đoạn đầu khi chúng ta sử dụng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thì việc ƯĐT cho các khu công nghiệp là có thể hiểu được. Nhưng hiện nay, chúng ta đang thực hiện chính sách thuế công bằng và không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thì việc quay trở lại áp dụng ưu đãi về thuế cho các khu công nghiệp là không phù hợp với tiến trình đó.

Bốn là, Dự thảo tiếp tục duy trì hai hình thức ƯĐT TNDN là ƯĐVTS và ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế. Điều này một mặt, có thể dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp “lách luật” bằng cách sau khi thời gian miễn, giảm thuế kết thúc sẽ tìm cách kê khai lỗ (hoặc thực hiện các thủ đoạn như chuyển giá chẳng hạn) hoặc tiến hành giải thể để thành lập doanh nghiệp mới; mặt khác, sẽ dẫn đến tình trạng chồng lấn giữa chế độ ƯĐVTS và thời gian miễn, giảm thuế. Vì vậy, Ban soạn thảo cần xem xét để chọn một trong hai hình thức ưu đãi: hoặc là ưu đãi theo thuế suất hoặc là ưu đãi theo thời gian miễn, giảm thuế./.

 


[1] Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN số 1121/BC-UBTCNS13 ngày 15/03/2013 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

[2] Xem: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế TNDN: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tại: http://tintuc.vibonline.com.vn/Home/Xay-dung-phap-luat/10314/Luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-Luat-Thue-TNDNTao-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-thuan-loi-cho. Truy cập ngày 04/04/2013.

[3] Toàn văn của Dự thảo  xem tại:http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=744&TabIndex=1. Truy cập ngày 04/04/2013.

[4] Xem thêm: Nguyễn Thị Tú Nguyệt (2012), Pháp luật về ƯĐT TNDN (Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh), tr. 5.

[5] Xem: Bộ Tài chính giới thiệu một số nội dung cơ bản về Dự thảo tại: http://www.tapchitaichinh.vn/Phan-tich-Binh-luan/Bo-Tai-chinh-gioi-thieu-mot-so-noi-dung-co-ban-ve-Du-an-Luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-Luat-Thue-TNDN/23952.tctc. Truy cập ngày 05/04/2013.

 [6] Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự thảo ngày 15/03/2013 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

 [7] Xem thêm: Vũ Xuân Tiền, “Thuế thu nhập doanh nghiệp: Đừng vội phân biệt đối xử!”, tại:http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=1000. Truy cập ngày 05/04/2013.

 [8] nước ta có 3 loại hình KKT đó là: KKT ven biển, KKT cửa khẩu và KKT quốc phòng. Hầu hết các địa phương ven biển đều thành lập KKTTừ năm 2001 đến nay tính trên cả nước đã có khoảng 28 KKT cửa khẩuđược thành lập.

[9] Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự thảo ngày 15/03/2013 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, tr. 7.

 Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Mùa đại hội cổ đông 2013: Hàng loạt công ty sẽ tăng vốn

14/03/2013
Các Cty niêm yết đang công bố rộng rãi kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm nay, theo đó hé lộ một đợt huy động vốn mới.

Trong bối cảnh khó khăn kéo dài mấy năm nay, việc huy động vốn trên kênh TTCK rơi vào bế tắc thì việc hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành để gọi vốn được coi là tín hiệu tích cực đối với thị trường và cả doanh nghiệp.

Nhiều kế hoạch gọi vốn khủng

HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) vừa thông qua phương án chào bán tối đa 15 triệu CP với giá bán trong khoảng 20.638 đồng/CP – 25.000 đồng/CP. Tổng số tiền dự kiến huy động được khoảng 309,57 tỉ đồng.

Ngày 12.4 tới, khi diễn ra Đại hội cổ đông 2013, Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) cũng sẽ trình các cổ đông phương án phát hành 10.512.754 CP với giá phát hành là 20.000 đồng/CP. Nếu phát hành thành công theo kế hoạch này thì Cty sẽ thu về số tiền hơn 210,2 tỉ đồng. Được biết, tỉ lệ thực hiện là 2:1.

Một đại gia trên sàn là Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng vừa công bố thông tin trên HSX ngày 12.3 về việc sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về hai nội dung. Thứ nhất là việc hợp nhất với Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Xanh và thứ hai là nội dung xin tăng VĐL Cty thêm tới 650 tỉ đồng so với VĐL hiện có. So với mức VĐL hiện nay của Cty là trên 1.270 tỉ đồng, thì con số tăng thêm mới tương đương hơn 50% mức VĐL hiện có.

Trong Đại hội cổ đông sắp tới, Công ty cổ phần SXKD XNK Bình Thạnh (GIL) cho biết sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua chủ trương phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi. Chi tiết của đợt phát hành này hiện chưa được công bố.

Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT) trong Đại hội cổ đông sắp tới cũng sẽ trình đại hội thông qua việc phát hành thêm CP theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong Cty. Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ (DVP) cũng đã hé lộ kế hoạch tăng vốn gấp đôi từ 200 tỉ đồng lên 400 tỉ đồng. Chi tiết đợt phát hành cũng chưa được Cty công bố…

Vẫn chọn kênh riêng lẻ

Trong hai năm trở lại đây, việc phát hành huy động vốn của các doanh nghiệp niêm yết rơi vào bế tắc do thị trường trầm lắng, giá CP giảm mạnh, nguồn tiền vào thị trường giảm sút nghiêm trọng…

Cũng chính vì thế, khi các doanh nghiệp kêu gọi các cổ đông hiện hữu góp thêm vốn thông qua kênh phát hành thêm CP đều không được đồng tình. NĐT ở thời điểm đó một mặt không muốn nắm giữ thêm CP, một mặt họ cũng không còn tiền để mua CP phát hành thêm. Chính điều này đã khiến vai trò dẫn vốn của TTCK không được phát huy.

Trong mùa Đại hội cổ đông 2013, đã có khá nhiều doanh nghiệp đặc biệt là có nhiều doanh nghiệp lớn lên kế hoạch phát hành tăng vốn. Điều này thể hiện sự tích cực ở chỗ doanh nghiệp đã nhìn thấy những cơ hội kinh doanh khi kinh tế có sự chuyển biến.

Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng nhìn thấy khả năng thành công khi lên kế hoạch phát hành. Tuy nhiên nếu để ý sẽ thấy rằng với các kế hoạch phát hành này thì các doanh nghiệp ít nhiều cũng đã tìm được đối tác.

Đơn cử như với phương án huy động vốn thông qua phát hành tới 15 triệu CP của HBC thì Cty cũng đã có được danh sách NĐT chiến lược. Dự kiến tham dự đợt phát hành có những cái tên như Chip Eng Seng Corporation Ltd, PT. Nikko Securites Indonesia, Japan Asia Investment Co., Ltd., Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ). Hay như với QCG, trong số 650 tỉ đồng VĐL sẽ tăng thêm thì đã có 136,5 tỉ đồng là vốn chuyển đổi trái phiếu cho NĐT VOF PE Holding 5 Limited. Số còn lại 513,5 tỉ đồng Cty sẽ phát hành CP riêng lẻ cho NĐT để huy động vốn.

Tới nay, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp chọn phát hành qua cổ đông hiện hữu như VTF. Chốt phiên giao dịch ngày 12.3, giá CP này chốt ở 26.000 đồng/CP. Do đó, nếu giá CP VTF cho tới ngày chốt quyền là 18.3 không biến động mạnh theo hướng tiêu cực thì đợt phát hành mới có khả năng thành công.

Với các đợt phát hành này, một điều khác biệt và hết sức tích cực là các doanh nghiệp trên sàn đã có khả năng huy động thêm vốn mới. Tức là doanh nghiệp có thể huy động thêm tiền từ các NĐT. Điều này hoàn toàn khác với các đợt phát hành của năm 2012. Khi đó, các doanh nghiệp phát hành tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại. Trường hợp này chỉ là sự điều chuyển nguồn tiền trong bản thân doanh nghiệp.

Hy vọng các đợt phát hành năm nay của các doanh nghiệp thành công.
(Theo LĐ)

Thực trạng pháp luật về giấy phép kinh doanh

11/03/2013

1. Giấy phép kinh doanh – công cụ quan trọng của Nhà nước để quản lý doanh nghiệp và nền kinh tế

Trong bất kỳ nền kinh tế hàng hóa nào cũng tồn tại nhu cầu tự do kinh doanh và trong các xã hội khác nhau thì mức độ bảo đảm việc thực hiện nhu cầu tự do kinh doanh đó cũng khác nhau[1]. Có thể nói, tự do kinh doanh là quyền năng quan trọng nhất của con người trong lĩnh vực kinh tế và là sự quan tâm hàng đầu của các quốc gia khi ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Ở Việt Nam, quyền tự do kinh doanh cho người dân đã chính thức được ghi nhận tại Điều 57 Hiến pháp 1992. Theo đó, bất kỳ cá nhân, tổ chức không thuộc các trường hợp pháp luật cấm đoán đều có quyền gia nhập thị trường bằng cách thành lập doanh nghiệp kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Suốt hơn 20 năm đổi mới kinh tế, Nhà nước ta đã ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, Luật Công ty 1990, Luật Doanh nghiệp 1999, sau này là Luật Doanh nghiệp 2005 với những quy định ngày càng hoàn thiện và thông thoáng hơn, nhằm khuyến khích người dân đầu tư thành lập doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, dù quyền tự do kinh doanh đã được luật hóa nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra trong bất kỳ ngành, nghề kinh doanh nào cũng được. Ngược lại, trong một số ngành nghề kinh doanh đặc thù thì Nhà nước vẫn phải duy trì cơ chế cấp phép kinh doanh với mục đích duy trì và kiểm soát nền kinh tế, quản lý hoạt động của doanh nghiệp, đó là điều hết sức bình thường mà pháp luật doanh nghiệp nhiều quốc gia trên thế giới cũng có quy định tương đồng. Vì dù dưới góc độ nào, Nhà nước vẫn giữ một vai trò nhất định trong đời sống kinh tế – xã hội, vì kinh tế là nền tảng có ảnh hưởng quyết định nhất đối với mọi thời đại, mọi chế độ xã hội[2]. Theo quan điểm của Sabine G. Persson và Camilla Steinby (2006) thì để thâm nhập vào một thị trường có tính bảo hộ cao thì các công ty phải có và duy trì được giấy phép kinh doanh (GPKD) do Nhà nước cấp. Nghĩa là các công ty phải chứng minh sự tồn tại và hoạt động của họ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà Nhà nước đặt ra[3].

Trên thế giới, người ta phân biệt rõ hai loại cơ chế kiểm soát thủ tục hình thành của doanh nghiệp:[4] (i) cơ chế đăng ký  (Registration hoặc Notification), theo đó, Nhà nước yêu cầu nhà đầu tư (NĐT) phải cung cấp các thông tin cụ thể của họ để được phép hoạt động kinh doanh; (ii) cơ chế cấp phép (License) nhằm kiểm tra sự đáp ứng của NĐT đối với các điều kiện thực tế mà có thể có độ khó và tính cụ thể nhiều hơn hoặc ít hơn trong các quy định pháp luật đang tác động đến thành lập doanh nghiệp[5]. Nói cách khác, doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường thì bị chi phối bởi hai loại giấy phép: giấy phép thành lập (Entry Licensing) và giấy phép hoạt động (Operation Licensing)[6]. Đối với giấy phép thành lập thì một doanh nghiệp không thể hoạt động hợp pháp trong bất kỳ lĩnh vực nào trừ phi được cấp phép thành lập. Còn giấy phép hoạt động thì đòi hỏi sự cấp phép của Nhà nước cho các hoạt động kinh doanh đặc thù nhưng không ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp[7], đôi khi người ta còn gọi giấy phép này là giấy phép tiêu cực (Negative Licensing)[8].

Ở Việt Nam, hiện chưa có một định nghĩa chính thức nào về giấy phép kinh doanh (GPKD) trong luật. Thực tế, doanh nghiệp gọi GPKD là giấy phép “con”. Trần Hữu Huỳnh cho rằng GPKD là các loại giấy tờ, chấp thuận bằng văn bản hoặc dưới hình thức khác mà doanh nghiệp phải xin cơ quan quản lý nhà nước trước khi có thể tiến hành hoạt động kinh doanh, ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập ban đầu[9]. Bùi Huy Cường lại có quan niệm khác khi cho rằng, GPKD là chứng thư pháp lý do Nhà nước cấp cho một số chủ thể nhất định khi có đủ điều kiện mà Nhà nước đặt ra[10].

Về vai trò của GPKD, theo Anthony Ogus (2005) thì cơ chế cấp phép có thể được sử dụng để giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước[11]. Thậm chí, ở các nước Châu Phi nói tiếng Anh thì họ sử dụng các biện pháp kiểm soát  “đầu vào” của doanh nghiệp như là công cụ cơ bản trong công tác thuế[12], điều này thường xảy ra là do mục đích của chính quyền địa phương[13]. Erik Lenntorp (2009) cho rằng GPKD là công cụ pháp lý được sử dụng rộng rãi để nhằm cân bằng giữa chi phí và lợi ích cho hoạt động của doanh nghiệp[14]. Còn Pinson (2006) khẳng định GPKD được xem như là một phương tiện để quản lý các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề nhất định[15].

Ở Việt Nam, trong điều kiện kinh tế thị trường, doanh nghiệp có quyền chủ động đăng ký  và hoạt động kinh doanh mà không cần phải xin phép, xin chấp thuận, hỏi ý kiến cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) nếu ngành, nghề kinh doanh đó: (i) không thuộc ngành, nghề cấm kinh doanh;[16] (ii) không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện luật định. Quy định này là cần thiết nhằm giúp Nhà nước Việt Nam kiểm soát tốt hơn nền kinh tế, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp trong khuôn khổ luật định, không làm rối loạn nền kinh tế. Ở Trung Quốc, thậm chí sau nhiều lần cải cách thì hiện tại trong hơn 146 lĩnh vực của nền kinh tế thì họ vẫn đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận được sự chấp thuận của Nhà nước rồi mới được phép hoạt động[17].

2. Thực trạng giấy phép kinh doanh ở Việt Nam: những kết quả đạt trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính

Trước năm 2000, ở Việt Nam, GPKD tồn tại rất nhiều trong nền kinh tế[18]. Theo ước tính có khoảng 500 GPKD tất cả[19]. Chính GPKD tồn tại quá nhiều, trên mức cần thiết cộng với thủ tục thành lập doanh nghiệp nhiêu khê, phức tạp trong giai đoạn này đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư có dự định ra thương trường và chúng đã tạo lực cản cho cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Ngày 03/02/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg và Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2000/NĐ-CP ngày 11/08/2000 để bãi bỏ GPKD không phù hợp và chuyển một số GPKD thành điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Thi hành các văn bản này, đã có khoảng 145 GPKD bị bãi bỏ. Trong năm 2007, 289 GPKD đã được rà soát và hàng chục giấy phép đã được kiến nghị bãi bỏ. Đến thời điểm năm 2009, Chính phủ đã bãi bỏ được 316 giấy phép và chuyển 44 giấy phép khác thành ĐKKD[20]. Theo thống kê, chỉ riêng Quyết định 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ 84 GPKD đã tiết kiệm cho mỗi doanh nghiệp trung bình hàng năm khoảng 4,5 triệu đồng và 21 ngày đối với người điều hành doanh nghiệp[21]. Việc giảm bớt số lượng GPKD là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, đem lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội hơn trong hoạt động kinh doanh, vì một khi rào cản GPKD giảm bớt thì năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới thực sự được phát huy. Chẳng hạn, thi hành Quyết định 19/2000/QĐ-TTg, quy định Sở Giao thông vận tải cấp GPKD vận tải hàng hoá và hành khách bằng đường bộ được bãi bỏ, nên đã tạo điều kiện cho hàng vạn doanh nghiệp vận tải chất lượng cao ra đời, đem lại nhiều đột phá trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần loại bỏ được tình trạng xe dù, bến cóc từng tồn tại dai dẳng, gây nhiều bức xúc cho xã hội

Hiện tại, thẩm quyền đặt ra GPKD được xác định chặt chẽ về mặt pháp lý theo đó, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD áp dụng theo các quy định của các luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ[22]. Các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD tại các văn bản QPPL khác không có hiệu lực thi hành[23]. Điều này có nghĩa là, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quy định việc ĐKKD, còn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không có thẩm quyền đặt ra ĐKKD và GPKD đối với doanh nghiệp. Cùng với đó, để hạn chế tình trạng GPKD bùng phát thì trách nhiệm của Chính phủ là phải định kỳ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoặc một phần các ĐKKD; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp; sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các điều kiện bất hợp lý; ban hành hoặc kiến nghị ban hành ĐKKD mới theo yêu cầu QLNN[24]. Như vậy, kể từ thời điểm áp dụng Luật Doanh nghiệp 2005 về sau thì GPKD khó có điều kiện phát triển trong nền kinh tế, ít nhất là về mặt pháp lý, do chính sách của Nhà nước ta nỗ lực xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, loại bỏ các rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp.

Kiểm soát tốt ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cũng là nội dung quan trọng hàng đầu của chương trình cải cách TTHC ở nước  ta “TTHC sẽ phải tiếp tục được cải cách mạnh. Tất cả những giấy phép con, ĐKKD nào ban hành không hợp lý đều phải được xóa bỏ. Nếu năm nay chưa làm hết thì năm sau tiếp tục làm”[25]. Khi ban hành Nghị quyết số 25/2010/NQ-CP ngày 02/06/2010 về đơn giản hoá 258 TTHC thuộc chức năng quản lý của các Bộ, ngành, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, bãi bỏ các TTHC gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó việc giảm bớt các loại GPKD là một trong những ưu tiên được Chính phủ nhắc đến, nhằm giảm bớt số lượng GPKD hoặc nếu có duy trì thì phải cải tiến theo hướng tiện lợi hơn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn việc gộp hai thủ tục cấp mới Giấy phép hành nghề vận chuyển chất thải nguy hại và thủ tục cấp mới Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu huỷ chất thải nguy hại lại thành một, đồng thời nâng thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu từ 12 tháng lên thành 36 tháng đã làm giảm tốn kém cho doanh nghiệp khi phải làm thủ tục cấp lại giấy phép này[26].

3. Những tồn tại và hạn chế của pháp luật về giấy phép kinh doanh

Khi luận bàn về mặt trái của GPKD, nhiều nhà kinh doanh nhấn mạnh rằng, đây là lực cản chủ yếu đến hoạt động đầu tư và sự mạo hiểm mới của họ[27]. Ở các nước Đông – Nam Âu (SEE) trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, họ cũng xém xét lại các thủ tục và điều kiện cấp phép kinh doanh và công tác cấp phép dưới chuẩn quốc gia để đảm bảo tất cả đều minh bạch[28]. Ở Việt Nam, dù trải qua nhiều lần cải cách TTHC, với những kết quả đạt được đáng khích lệ nhưng vấn đề GPKD trong pháp luật doanh nghiệp vẫn cần phải được xem xét lại dưới các góc độ sau :

Thứ nhất, số lượng ngành, nghề kinh doanh phải có GPKD vẫn còn nhiều, gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp khi thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tính đến đến thời điểm 03/2010, cả nước có 315 GPKD các loại tồn tại trong nền kinh tế[29]. Đành rằng, GPKD cũng rất cần thiết, thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước trong một số ngành, nghề kinh doanh đặc thù.   GPKD cũng là phương tiện để Nhà nước đặt ra các điều kiện cho các công ty và tác động đến chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế[30]. Duy có điều, số lượng GPKD đó tồn tại bao nhiêu là điều các nước thường cân nhắc kỹ trước khi đặt ra chúng, nếu không khéo sẽ tạo “chướng ngại vật” trên con đường kinh doanh cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ở Singapore, quốc gia này cũng duy trì cơ chế cấp GPKD nhập khẩu xăng dầu cho doanh nghiệp, họ quản lý ngành nghề này chặt chẽ, không cho phát triển tràn lan, đó cũng là điểm tương đồng với Việt Nam chúng ta. Ngay cả Trung Quốc – nơi có số lượng doanh nghiệp lớn hơn hẳn Việt Nam thì họ cũng chỉ có khoảng 180 GPKD các loại tồn tại trong nền kinh tế. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc buộc cơ quan đăng ký kinh doanh phải công bố tất cả các loại giấy phép và chỉ khi công bố thì chúng mới có hiệu lực[31]. Đối với Việt Nam, số lượng  315 GPKD là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Cũng theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một doanh nghiệp vẫn cần đến bình quân 4,14 GPKD các loại, và 14,56% doanh nghiệp đánh giá rằng, rất khó khăn để có đủ các loại giấy phép cần thiết này[32]. Đặc biệt những năm gần đây, số lượng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nói chung và GPKD nói riêng ở Việt Nam đã không ngừng gia tăng theo nhiều cách thức khác nhau, đi ngược lại chủ trương kiềm chế chúng mà Quốc hội đã đề ra tại Luật Doanh nghiệp 2005[33]. Nếu như vào thời điểm năm 1999, cả nước chỉ có 29 loại hàng hoá, dịch vụ bị đặt vào diện cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì đến thời điểm năm 2010, con số đó đã lên đến 157, tức là gấp khoảng 5 lần so với 10 năm trước![34] Nhìn vào số liệu đó, chúng ta có thể hình dung những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với TTHC phát sinh từ GPKD. Đa số các điều kiện kinh doanh lại phát sinh từ các văn bản dưới luật do Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc do UBND, HĐND ban hành cũng có, trong khi, như đã nói, các cơ quan trên không có quyền đặt ra ĐKKD[35]. GPKD thường có chung một điểm “sinh ra thì dễ nhưng khai tử thì cực khó”. Năm 2000, để loại bỏ hơn 100 GPKD các loại, Nhà nước ta phải sử dụng đến các văn bản pháp luật do Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành. Năm 2010, Chính phủ phải ban hành Nghị quyết 25/2010/NQ-CP để chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ cắt giảm số lượng TTHC trong đó có GPKD thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong khi phần lớn các nước công nghiệp phát triển họ áp dụng cơ chế cấp phép trong 3 lĩnh vực cơ bản (là quy hoạch sử dụng đất, quản lý chất thải môi trường và vấn đề an toàn trong xây dựng)[36] thì việc duy trì một số lượng lớn GPKD mang tính đại trà trong nền kinh tế đã khiến Việt Nam đi ngược lại với xu thế chung của thế giới, điều này sẽ làm bào mòn lòng tin của NĐT và vô hiệu hoá chương trình cải cách TTHC mà Nhà nước đang tiến hành.

Điều đáng lo là trong giai đoạn 2009 – 2010, các GPKD xuất hiện trở lại trong bối cảnh Đề án 30 của Chính phủ về cải cách TTHC đang được triển khai một cách quyết liệt chưa từng có.     Một số lượng lớn GPKD ra đời mang tính cục bộ, đã làm cho nạn tham nhũng, sách nhiễu doanh nghiệp có điều kiện phát triển và cơ chế xin – cho sẽ có đất sống hơn bao giờ hết[37]. Điều đó tất yếu làm tăng gánh nặng TTHC cho doanh nghiệp mà thường thì các thủ tục này có “độ khó” cao, khiến cho con đường kinh doanh cho doanh nghiệp ngày càng chông gai hơn. Theo kết quả rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành trên 37 loại GPKD của một số ngành cho thấy, 100% số giấy phép được đánh giá là có điều kiện cấp phép không hợp lý; 89% số giấy phép được rà soát có vấn đề về thủ tục cấp phép[38].

Có thể nói, GPKD là đỉnh cao của sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, là biểu hiện của sự hạn chế quyền tự do kinh doanh[39]. Nó là một trong những “kẻ can thiệp” nhiều nhất vào các thủ tục pháp lý[40]. Một cơ quan nhà nước nắm quyền cấp GPKD có thể quyết định con đường kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua việc họ có quyền cấp hay không cấp giấy phép, có quyền gia hạn hay không gia hạn GPKD. Chẳng hạn, ngành công thương hiện sở hữu nhiều GPKD quan trọng như GPKD nhập khẩu xăng dầu, giấy phép bán lẻ xăng dầu, giấy phép sản xuất rượu, giấy phép xuất khẩu gạo, giấy phép cho thương nhân nước ngoài bán lẻ hàng hoá tại Việt Nam, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp… Có gì đảm bảo rằng tất cả các loại GPKD hiện thuộc thẩm quyền của ngành công thương đều hữu ích cho công tác QLNN và không gây tiêu cực đến lợi ích của doanh nghiệp? Bài học của vụ “chạy quota” xảy ra tại Bộ Công thương vào năm 2005 vẫn còn nóng hổi. Vì vậy, một trong những thách thức lớn của công cuộc cải cách TTHC là Nhà nước có “đại phẫu” vấn đề GPKD dư thừa được không? Tại sao sự phát triển bất thường của GPKD được cho là “căn bệnh trầm kha” của nền kinh tế, dứt khoát phải “trị” nhưng khi “kê thuốc trị” bằng các quy định pháp lý mạnh mẽ suốt nhiều năm qua thì lại không giảm, không dứt, trái lại còn gia tăng? Đó là những câu hỏi mà các doanh nghiệp đang rất cần câu trả lời từ phía nhà nước, từ chính cơ quan đặt ra GPKD, đang sở hữu GPKD.

 Thứ hai, các điều kiện để được cấp GPKD ngày càng khắt khe hơn, khiến việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Bên cạnh nỗi lo về số lượng GPKD nhiều, buộc doanh nghiệp phải “cõng” thêm TTHC đã đành, doanh nghiệp còn có nỗi lo khác lớn không kém, đó là các quy định về ĐKKD ngày càng ngặt nghèo hơn khiến cho quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh của doanh nghiệp bị chặn lại bởi các “rào cản” pháp lý, hệ quả là các điều kiện hình thành của doanh nghiệp càng khắt khe và chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra ngày càng cao[41].

Đơn cử, theo Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009, thì muốn có được GPKD vũ trường hay karaoke, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện rất khó như kinh doanh karaoke trong khu dân cư thì doanh nghiệp phải có sự đồng ‎ý bằng văn bản của các hộ liền kề hoặc là địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hoá, cơ quan hành chính ít nhất là 200m[42]. Thử hỏi những điều kiện trên có được bao doanh nghiệp đáp ứng, nhất là ở đô thị lớn như các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ… Hơn nữa, việc yêu cầu các hộ liền kề phải đồng y bằng văn bản có thêm xác nhận của UBND cấp xã chỉ khiến doanh nghiệp lâm vào bế tắc[43]. Ngoài ra, yêu cầu mỗi phòng karaoke chỉ được bố trí 01 nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên[44] là hết sức khắt khe, can thiệp trực tiếp vào hoạt động cụ thể của doanh nghiệp, buộc nhiều doanh nghiệp phải vi phạm để tồn tại!

Chỉ vì sự khắt khe đó mà tại thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 544 cơ sở kinh doanh karaoke nhưng đối chiếu với các điều kiện đặt ra thì có đến 124 cơ sở phải ngừng hoạt động hoặc phải di dời![45] Do điều kiện cấp phép kinh doanh karaoke quá khó trong khi nhu cầu của xã hội lớn, nên đã xuất hiện tình trạng nhiều chủ thể kinh doanh lặng lẽ rút lui để hình thành cơ sở kinh doanh “chui” tồn tại dưới các hình thức khác mà vẫn được coi là hợp pháp như karaoke gia đình, câu lạc bộ hát với nhau, phòng thu âm giọng hát… Khi đó, họ không cần đến GPKD karaoke nữa mà doanh thu vẫn không bị suy giảm![46] Điều đó cho thấy, ĐKKD trong lĩnh vực này đang tiếp tục làm khổ doanh nghiệp, dù Chính phủ đã “cách tân” bằng Nghị định 103/2009/NĐ-CP.

Thứ ba, GPKD nhiều nhưng hiệu quả QLNN từ các loại giấy phép này chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra

Ở Việt Nam, hiệu quả của công tác cấp GPKD cũng cần được xét lại trong nhiều trường hợp. Hầu hết các cơ quan có thẩm quyền giải thích là do xuất phát từ yêu cầu QLNN để đặt ra ĐKKD, nhưng hiệu quả về mặt QLNN đến nay vẫn chưa rõ ràng. Đơn cử như trong lĩnh vực chứng khoán, việc cấp giấy phép cho niêm yết cổ phiếu lên Sàn giao dịch của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng còn có những bất cập trong công tác thẩm định. Hàng loạt công ty cổ phần đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép cho niêm yết cổ phiếu tại HNX và HOSE sau khi đã tiến hành thẩm định hồ sơ trong thời hạn từ 3 – 6 tháng, nhưng có quá nhiều công ty trong số đó cổ phiếu phát hành trên sàn chỉ phục vụ cho mục đích lãnh đạo công ty bán cổ phiếu thu tiền, làm giá cổ phiếu, tính thanh khoản của cổ phiếu rất kém[47]… Nhà đầu tư vẫn bị lừa, bị lỗ vì những nguồn cung kém chất lượng mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước không thể kiểm soát được, vì vậy việc thẩm định hồ sơ để cấp phép từ 3 – 6 tháng là hoàn toàn vô nghĩa. Thực tế này cần phải cải tổ chính sách phát hành cổ phiếu ra công chúng và đánh giá lại hiệu quả của các loại Giấy phép mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang cấp[48] để có những thay đổi kịp thời, nhằm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh, thực sự là phong vũ biểu của nền kinh tế, làm cho TTHC trong lĩnh vực này có ý nghĩa tích cực về mặt QLNN.

Thứ tư, GPKD phần lớn có thời hạn, tạo thêm thủ tục gia hạn giấy phép, gây tốn kém tiền của và công sức cho doanh nghiệp

Theo quy định pháp luật hiện hành, GPKD được ghi thời hạn. Quy định này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với thủ tục gia hạn giấy phép, vì nếu không được gia hạn giấy phép, doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động trong ngành nghề đó. Thời hạn của GPKD ở Việt Nam rất đa dạng, có loại giấy phép có thời hạn từ vài tháng đến vài năm, nhưng cũng có loại không ghi thời hạn… Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP do Chính phủ ban hành vào ngày 23/04/2009 về vật liệu nổ công nghiệp thì GPKD vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ khai thác khoáng sản chỉ có thời hạn tối đa là 5 năm, còn Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ thi công công trình, nghiên cứu, thử nghiệm, hoạt động dầu khí và Giấy phép dịch vụ nổ mìn thì Nhà nước cấp theo thời hạn công trình nhưng không quá 02 năm; Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thì theo thời hạn đề nghị trong hồ sơ nhưng không quá 03 tháng; Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp thì cũng cấp theo thời hạn đề nghị trong hồ sơ nhưng không quá 06 tháng. Trường hợp các loại giấy phép này mà hết hạn thì 01 tháng trước khi hết hạn, doanh nghiệp buộc phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép như lần xin cấp mới ban đầu tại Sở Công thương. Hoặc Nghị định số 84/2009/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/10/2009 quy định: GPKD xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu do Bộ Công thương cấp và Giấy chứng nhận đủ ĐKKD xăng dầu do Sở Công thương cấp chỉ có hiệu lực 5 năm, kể từ ngày cấp. Thiết nghĩ, kinh doanh nhập khẩu xăng dầu là ngành nghề Nhà nước hạn chế kinh doanh, hiện cả nước chỉ có 11 đầu mối doanh nghiệp được quyền nhập khẩu xăng dầu[49]. Để có được giấy phép này, doanh nghiệp phải có sự đầu tư cơ sở vật chất rất lớn, phải trải qua các TTHC với các ĐKKD có “độ khó” rất cao mới được Bộ Công thương cấp phép, nhưng chúng chỉ có thời hạn 5 năm là không hợp lý, dẫn đến việc “trói” doanh nghiệp với thủ  tục gia hạn giấy phép và dễ làm phát sinh tiêu cực trong công tác cấp phép./.

 


[1] Xem TS. Bùi Ngọc Cường, “Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành của Việt Nam” Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tháng 4/2004, tr 7.

[2] Xem GS.TSKH Từ Điển, “Một số vấn đề về quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tháng 07/2009, tr 7.

[3]XemSabine G. Persson and Camilla Steinby,Networks in a protected business: Licenses as restraints and facilitators”, Journal of industrial marketing management”, Volume 35, Issue 07/10/2006, Pages 870-880.

[4] Xem Bureau of Industrial Economics (Australia), Business Licence: International Bechmarking (Report 96/9, 1996, Pages: 10-14); N.Devas and R.Kelly “Regulation or Revenue? Implementing local government business licence reform in Kenya” 2001, 21 Public Administration and Development, Page 381, 383.

[5] Xem Anthony Ogus and Qing Zhang “Licensing regimes East and West”, International Review of Law and Economics, Volume 25 (2005), Page 126.

[6] Xem The distinction is made in J.Morisset and O.L.Neso, “Administrative barriers to foreigners in developing countries” World Bank Policy Research, Working Paper No 2848 (2002).

[7] Xem Anthony Ogus and Qing Zhang: “Licensing regimes East and West”, International Review of Law and Economics, Volume 25 (2005), Page 126.

[8] Xem C.Scott and J.Blake, Cranston’s Consumer and the Law, (The Third edition,  Butterworths, 2000), Page 460

[9] Xem Trần Hữu Huỳnh,“Cải cách hệ thống GPKD ở Việt Nam trong giai đoạn hậu WTO”, Tạp chí Khoa học Pháp lý, Số 2 (39) 2007.

[10] Xem TS. Bùi Ngọc Cường,“Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành ở Việt Nam”, Sách chuyên khảo,  Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tháng 04/2004, tr 106.

[11] Xem Anthony Ogus and Qing Zhang “Licensing regimes East and West”, International Review of Law and Economics, Volume 25 (2005), Page 138.

[12] Xem e.g ., R.Kelly, et all “Improving Revenue Mobilization in Malawi: Study in Business Licensing and Property rates”, Report prepared for Government and UNCDF (2001).

[13] Xem N.Devas and R.Kelly “Regulation or Revenue ? Implementing Local Government Business License Reform in Kenya”, Journal of  Public Administration and Development, Volume 21, 2001, Page 381, 383.

[14] Xem Erik Lenntorp, “On the Joint Use of Licensing and Liability” International Review of Law and Economics”, 2009, Volume 29, Page 244.

[15] Xem Pinson, Linda Jinnett, Jerry, “Step to small Business start-up: Everything you need to know to turn your idea into a successful Business”, Publisher: Dearborn Trade, A.Kaplan Professional Company, 2006, Page 89.

[16] Danh mục ngành nghề cấm kinh doanh hiện được xác định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP, Nghị định 108/2006/NĐ-CP, Nghị định 59/2006/NĐ-CP cũng như trong các quy định pháp luật chuyên ngành khác có liên quan. Ngoại trừ ngành nghề cấm kinh doanh, doanh nghiệp được kinh doanh các ngành nghề còn lại, kể cả các ngành nghề đó không nằm trong danh mục ngành, nghề có mã số được liệt kê tại Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 337/QĐ-BKHĐT ngày 10/04/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

[17] Xem The Enterprise Registration of Bureau of National Industrial and Commerce of Administration of P.R.C: “Collection of Laws and Regulations Concerning  Prior Approvals for Enterprises’ Registry”, (2000), Page 712.

[18] Trước năm 2000, trung bình mỗi doanh nghiệp cần đến 4-5 giấy phép, có khi trên 10 giấy! Chưa kể thủ tục về con dấu, đăng ký thuế, hoá đơn,…rất phức tạp. Trích từ “Một số điểm mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp” do TS. Hoàng Thế Liên (Chủ biên), Thông tin Khoa học Pháp lý của Viện Nghiên cứu khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp (2000) tr 31.

[19] Số liệu trên do Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương và Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam phối hợp rà soát, được TS. Vũ Thị Hoài Phương trích dẫn trong bài viết “Hoàn thiện pháp luật về TTHC trong đầu tư”, Tạp chí Quản lý Kinh tế số ra tháng 03/2010.

[20]Xem “Cải cách TTHC  từ khi Việt Nam gia nhập WTO” của TS. Hà Quang Ngọc, Tạp chí Cộng sản điện tử, số 3 (171) năm 2009.

[21] Học viện Hành chính Quốc gia: “Một số giải pháp hoàn thiện QLNN đối với doanh nghiệp”, Trang Thị Tuyết (Chủ biên), NXB Chính trị Quốc gia, 06/2006, tr 153 và 154.

[22] Xem Khoản 5 Điều 7 của Luật Doanh nghiệp 2005 và Khoản 1 Điều 8 Nghị định 102/2010/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 01/10/2010.

[23] Xem Khoản 3 Điều 8 Nghị định 102/2010/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 01/10/2010.

[24] Xem Khoản 4 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005.

[25] Phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị “Phát triển doanh nghiệp dân doanh” tổ chức tại Hà Nội vào ngày 07/09/2007.  

[26] Nguồn: Mục IX.A.6 ban hành kèm theo Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 02/06/2010 của Chính phủ.

[27] Xem K.Schwab, et al., The Global Competitiveness Report 2001, Oxford University Press, 2001.

[28] Xem OECD (2010): “Investment Reform Index 2010: Key Findings and Recommendation” in Monitoring Policies and Institutions for Direct Investment in South-East Europe, Page 1.

[29] Xem“Hoàn thiện pháp luật về TTHC  trong đầu tư” của TS. Vũ Thị Hoài Phương, Tạp chí Tổ chức Nhà nước số ra tháng 03/2010.

[30] Xem Sabine G. Persson and Camilla Steinby Networks in a protected business: Licenses as restraints and facilitators”, Journal of industrial marketing management”, Volume 35, Issue 07/10/2006, Page 872.

[31] Xem PGS.TS Phạm Duy Nghĩa “Giấc mơ về nửa triệu doanh nghiệp và một đạo luật chung: Luật Doanh nghiệp 2005 từ một góc nhìn so sánh”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7 (219) năm 2006, Trang 52.

[32]  Phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đăng tải tại www.vneconomy.vn , ngày 25/9/2007

[33] TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương trong phát biểu với Phóng viên Báo Tiền Phong tại Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 5 về kinh tế tư nhân tổ chức vào tháng 04/2010 tại Hà Nội đã khẳng định: “Luật Doanh nghiệp khi ra đời đã xóa bỏ được 180 giấy phép con, chuyển đổi 286 giấy phép khác. Nhưng đến năm 2010, giấy phép đã mọc thêm hơn 400 cái. Những giấy phép này được quy định trong luật, nghị định” (http://www.baobacgiang.com.vn/PrintPreview/55117/).

 

[34] Tài liệu Hội thảo sửa đổi Nghị định 59/2006/NĐ-CP do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội ngày 10/08/2010.

[35] Theo số liệu tổng hợp bước đầu của Chính phủ, từ tháng 11/2003 đến 05/2005, các bộ ngành đã tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền được 3632 văn bản, bước đầu đã phát hiện trên 400 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Trong đó văn bản có nội dung trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, sai thẩm quyền cần huỷ bỏ, bãi bỏ chiếm 4-5%, không đảm bảo về căn cứ pháp lý trên 20% (Xem“Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới” TS. Nguyễn Văn Hậu và TS. Nguyễn Thị Như Hà (đồng chủ biên), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 10/2009, tr 88).

[36] Xem Bureau of Industrial Economics (Australia), Business Licence: International Bechmarking (Report 96/9, 1996, Pages: 10-14); N.Devas and R.Kelly: “Regulation or Revenue? Implementing local government business licence reform in Kenya” 2001, 21 Public Administration and Development, Page 21 – 24.

[37] Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổng hợp từ 16.200 doanh nghiệp trên 42 tỉnh, thành, chi phí tiêu cực trong cấp phép kinh doanh là rất lớn. Để thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký kinh doanh phải mất 45 ngày, ở những tỉnh nhanh nhất cũng phải mất 30 ngày (33% số doanh nghiệp); 20% số doanh nghiệp phải mất ba tháng mới xong thủ tục đăng ký kinh doanh để đi vào hoạt động (Nguồn: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”, TS. Nguyễn Văn Hậu và TS. Nguyễn Thị Như Hà (đồng chủ biên), NXB Chính trị Quốc gia, tháng 10/2009, tr 123).

[38] Phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đăng tải tại www.vneconomy, 25/09/2007.

[39] Xem TS. Bùi Ngọc Cường, “Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành ở Việt Nam”, Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tháng 04/2004, tr 106.

[40] Xem: Anthony Ogus: “Evaluating Alternative Regulatory Regimes: The contribution of  Law and Economics”, Geoforum, Volume 30, 1999, Page 224.

[41] Xem: Anthony Ogus and Qing Zhang: “Licensing regimes East and West”, International Review of Law and Economics, Volume 25 (2005), Page 139.

[42] Điều 24 và Điều 30 của Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009.

[43] Điểm c, Khoản 4, Điều 12 Thông tư số 04/2009/TT-BVTTTDL ngày 16/12/2009.

[44] Khoản 6 Điều 32 Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009.

[46] Đến 09/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cấp khoảng 1.300 giấy chứng nhận đăng ký “hoạt động ghi âm” hoặc “dịch vụ phòng thu âm”. Đa số điểm “hoạt động ghi âm” hoặc “dịch vụ phòng thu âm” đều chuyển sang kinh doanh dưới tên gọi thu âm trên nền nhạc karaoke, tập trung nhiều ở các quận: 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh,… (Nguồn: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, số ra  ngày 07/09/2010, có thể truy cập vào địa chỉ http://phapluattp.vn/20100906112249474p0c1021/nhieu-loi-chao-moi-bangiay-phep-karaoke.htm).

[47] Trường hợp của CTCP Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán là CAP) được UBCKNN cấp phép lên sàn HNX và chính thức giao dịch vào ngày 09/01/2008, vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn khoảng 10 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/01/2011, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất chỉ có 430 cổ phiếu/phiên, thanh khoản quá kém. Trong các phiên giao dịch vào ngày 17/01/2011, 19/01/2011 và 20/01/2011 cổ phiếu CAP hoàn toàn không có giao dịch dù mang tiếng là công ty đại chúng (http://cafef.vn/hastc/CAP-cong-ty-co-phan-lam-nong-san-thuc-pham-yen-bai-yfaco.chn)

[48] Trong năm 2010, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã “ách lại” 20 hồ sơ của các công ty cổ phần xin niêm yết cổ phiếu lên HNX và HOSE mà lẽ ra các doanh nghiệp này phải được lên Sàn giao dịch vì lý do không đáng có đó là vướng mắc về TTHC giữa Uỷ ban Chứng khoán nhà nước và Sở Kế hoạch & Đầu tư xoay quanh quy định tại Nghị định 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính phủ. Điều này đã gây bất bình cho các doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết trên HNX và HOSE, khiến nhiều người đặt nghi vấn về năng lực của cơ quan QLNN này (Anh Phương “Uỷ ban Chứng khoán làm khó cho doanh nghiệp?” http://www.phapluatvn.vn/  ngày 25/01/2011).

[49] Trong 11 doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu thì Petrolimex chiếm giữ đến 60% thị phần tại Việt Nam (Số liệu do Bộ Công thương công bố).

 

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Định vị hình ảnh – bước chuyển marketing

16/02/2013

Hơn ba mươi năm trước, hai tác giả Al Ries và Jack Trout đã cho ra đời cuốn sách marketing kinh điển “Định vị, cuộc chiến trong tâm trí” (Positioning, the Battle for your Mind. Cuốn sách đã khơi dậy lý thuyết “định vị” và mới được tờ Advertising Age bình chọn vào danh sách 10 cuốn sách marketing hay nhất mọi thời đại.

Tuy nhiên, liệu rằng lý thuyết định vị của Al Ries và Jack Trout có thiếu sót?

Định vị: Ngôn từ hay hình ảnh

Định vị là gì? Một cách ngắn gọn nhất, đó chính là sở hữu được một từ ngữ trong tâm trí khách hàng.

Một doanh nghiệp khi tạo ra sản phẩm cần phải nhanh chóng chiến lĩnh một vị trí đắc địa không phải chỉ riêng trên thương trường mà còn phải ở trong tâm trí khách hàng. Với vô số doanh nghiệp trên một thị trường cạnh tranh cực kỳ sôi động, để có được điều đó, doanh nghiệp cần phải tìm ra một từ thật “đắt”, gắn liền với sản phẩm của mình và dễ đi vào bộ nhớ của khách hàng.

Trong hơn một thế kỷ phát triển của mình, Coca Cola đã tung ra vô số chiến dịch quảng bá với những slogan khác nhau. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn gắn Coca Cola với một chiến dịch: “Đồ thứ thiệt” (It’s a real thing).

“Thứ thiệt” là một định vị tốt dành cho Coca Cola, bởi nó là loại nước uống đầu tiên khai sinh ra dòng sản phẩm nước cola. “Thứ thiệt” cũng nhắc nhở mọi người về vị trí tiên phong, khai sáng và tái định vị đối thủ Pepsi là thứ đồ “không thứ thiệt”.

TH True Milk có thể gặp khó khăn về việc mở rộng hệ thống phân phối, về việc phải đổ đi một lượng lớn sữa tươi nếu hệ thống tiêu dùng không đáp ứng được sản lượng từ trang trại bò lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, TH True Milk đã rất thành công khi định vị từ “sữa sạch” vào tâm trí người tiêu dùng. Và “sữa sạch” với slogan “Thật sự thiên nhiên” là một định vị sáng giá!

Kangaroo sau định vị về sản phẩm “Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam” đã trở nên quá tham lam khi tung ra một loạt sản phẩm khác, từ bình nóng lạnh đến điện thoại di động gắn với định vị “hàng đầu Việt Nam”. Cùng một nhãn hiệu với đa chủng loại sản phẩm mà cái nào cũng là “hàng đầu Việt Nam” là điều thiếu thuyết phục. Thiếu thuyết phục hơn nữa khi Kangaroo tiếp tục dấn thêm một bước nữa với định vị “hàng đầu châu Á”. Với những bước chuyển marketing như vậy, con đường để đóng đinh sản phẩm với hình ảnh rõ nét vào tâm trí khách hàng của Kangaroo sẽ rất khó khăn.

Lý thuyết định vị dĩ nhiên đã có những đóng góp to lớn đối với giới marketing nói riêng và giới quản trị nói chung. Tuy nhiên, sau ba mươi năm, lý thuyết định vị cần được bổ sung. Bởi lý thuyết định vị có điểm yếu.

Điểm yếu lớn nhất của lý thuyết định vị do Al Ries và Jack Trout khởi xướng là sự tập trung vào ngôn từ. Dĩ nhiên, không ai có thể phủ nhận sức mạnh của ngôn từ. Nhưng sản phẩm hoàn toàn có thể đi vào tâm trí khách hàng với một vũ khí khác: hình ảnh.

Đó chính là phần bổ sung rất lý thú dành cho thuyết định vị được marketing guru trẻ tuổi Laura Ries giải thích trong cuốn sách mới của mình: “Visual Hammer” (Chiếc búa hình ảnh).

Chiếc búa hình ảnh

Tâm trí người tiêu dùng bị cái gì thu hút nhất – Hình ảnh hay ngôn từ?

Nếu so sánh từ ngữ đứa trẻ và hình ảnh đứa trẻ, rõ ràng hình ảnh một đứa trẻ sẽ có sự liên kết mạnh về tình cảm hơn đối với từ ngữ đứa trẻ. Không chỉ tạo ra liên kết tình cảm, hình ảnh còn được khách hàng nhớ lâu hơn.

Theo nghiên cứu của trường ĐH Harvard, các nhà nghiên cứu cho người ta xem qua 10.000 hình ảnh. Sau năm ngày, người xem được xem lại 10.000 hình ảnh đó và trả lời hình ảnh nào họ đã xem qua. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trả lời đúng lên tới 70%.

Hãy thử tưởng tượng bạn đưa cho một người 10.000 câu slogan và sau năm ngày bạn gặp lại. Liệu có bao nhiêu hi vọng về 70% câu slogan được ghi nhớ?

Trong thế giới marketing hiện đại, các doanh nghiệp đều đã có ý thức ít mạnh mẽ về việc định vị cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, định vị này chủ yếu nằm ở ngôn từ, ở những câu slogan, ở những từ ngữ mà doanh nghiệp muốn sản phẩm mình chiếm lĩnh trong tâm trí người tiêu dùng.

Trong khi đó, định vị bằng hình ảnh tuy hiệu quả hơn nhưng còn ít được sử dụng.

Nhìn lại lịch sử kinh doanh, những doanh nghiệp đáng giá và thành công nhất đều biết định vị bằng hình ảnh. Theo ngôn ngữ của Laura Ries thì tìm ra “chiếc búa hình ảnh” để đóng ghim vào tâm trí khách hàng!

Những chiếc búa hình ảnh tiêu biểu

Loại thuốc lá nổi tiếng và bán chạy nhất thế giới? Malboro! Nhắc đến Malboro, người ta lập tức liên tưởng đến hình ảnh chàng cao bồi. Thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng Malboro đã in hình ảnh chàng cao bồi lên trên bao thuốc lá! Thực ra không phải vậy. Hình ảnh chàng cao bồi Malboro chỉ xuất hiện trên các đoạn phim quảng cáo và poster quảng cáo mà thôi.

Dĩ nhiên, không phải chỉ vì định vị hình ảnh chàng cao bồi mà Malboro có thể thành công đến vậy. Ban đầu, Malboro là loại thuốc lá dành cho mọi người. Sau này, hãng đã có quyết định táo bạo, thu hẹp tập khách hàng của mình dành riêng cho nam giới. Cực đoan hơn nữa, hãng cho gắn định vị thuốc lá dành riêng cho nam giới của mình với hình ảnh “nam giới” nhất của “nam giới”, đó là chàng cao bồi. Kết quả, Malboro hiện nay là nhãn hiệu thuốc lá có giá trị nhất thế giới, chiếm tới 43% thị phần tại Mỹ.

Thương hiệu có giá trị nhất thế giới Coca Cola có chiếc búa hình ảnh của riêng mình không? Dĩ nhiên! Đó chính là hình chiếc chai uốn cong được gọi là contour được thiết kế khác biệt hoàn toàn so với những loại chai của các nhãn hàng đồ uống cùng thời. Sau này, Coca Cola đã nhận ra sức mạnh của “chiếc búa hình ảnh” này và lập tức đăng ký bản quyền hình dáng của chai, thậm chí trên những lon Coca Cola, cốc giấy Coca Cola, hãng cũng cho in chai hình contour màu trắng trên nền đỏ in dấu trong tâm trí khách hàng. Pepsi không đuổi kịp được Coca Cola, một phần vì Coca Cola là “đồ thứ thiệt”, một phần khác nữa chính là định vị hình ảnh lợi hại của Coca Cola.

Một trong những thương hiệu bán lẻ “sinh sau đẻ muộn” nhưng gặt hái được thành công lớn phải kể đến chuỗi Target. Target có hai chiến lược thông minh, đó là định vị “cheap chic” – là nhãn hàng thời trang được thế kế năng động và trẻ trung nhưng có mức giá rẻ dành cho những cô gái mới lớn, một thị trường ngách mà nhiều ông lớn bỏ quên. Chưa hết, Target còn sử dụng định vị hình ảnh rất tốt, đó chính là vòng đồng tâm mục tiêu (Target trong tiếng Anh nghĩa là mục tiêu). Hình ảnh vòng tròn trắng đỏ mục tiêu xuất hiện khắp nơi, trên biển hiệu, túi xách và trên cả mắt chú chó trắng trong các chiến dịch quảng bá.

Ngành công nghiệp ăn nhanh cũng chứng kiến những thương hiệu hàng đầu xây dựng cho mình những định vị hình ảnh. Định vị hình ảnh của Mc Donald’s không phải là chú hề (đó là linh vật của thương hiệu) mà chính là chữ M màu vàng to lớn được gắn trên nóc các nhà hàng Mc Donald’s trên khắp thế giới. Nó còn có tên riêng: Cánh cổng vàng (Golden Arches). Với KFC, định vị hình ảnh của KFC không gì khác ngoài chính hình ảnh người sáng lập ra thương hiệu gà rán này – đại tá Salder!

Đó không phải là những trường hợp lẻ loi. Trước khi trở thành một thương hiệu đáng kể trong lĩnh vực bảo hiểm, Aflac ở đâu? Trước đó, chỉ 12% khách hàng nhận biết được thương hiệu Aflac. Sau khi thêm “chiếc búa hình ảnh” – chú vịt vào logo, tỷ lệ nhận biết thương hiệu của Aflac là 94%, một bước dịch chuyển đáng kinh ngạc.

Apple thì sao? Apple đã biết cách cải tiến chiếc búa hình ảnh của mình để định vị mạnh hơn. Từ một logo nhiều màu, Steve Jobs huyền thoại đã chuyển trái táo cắn dở thành một màu đơn, sang trọng và dễ nhớ.

Corona Extra đã biết khác biệt hóa với định vị hình ảnh của mình bằng cách gắn một miếng chanh lên miệng chai. Và Corona Extra đang đứng ở vị trí đầu bảng trong các loại bia nhập khẩu tại thị trường Mỹ.

Tropicana thể hiện độ tươi của mình bằng hình ảnh một cái cam mọng với chiếc ống hút xuyên vào.

Định vị hình ảnh là một hoạt động hoàn toàn khác biệt đối với việc tạo dựng logo. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp logo của thương hiệu cũng chính là định vị hình ảnh của thương hiệu. Nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra cho mình định vị hình ảnh mới mẻ để tận dụng thêm sức mạnh của “chiếc búa hình ảnh” nhằm đóng đinh đặc điểm thương hiệu của mình vào tâm trí khách hàng.

Đây có vẻ là một hoạt động marketing rất cần thiết nhưng chưa được các doanh nghiệp Việt chú ý đúng mức!

(Theo Doanhnhansaigon)

Sửa đổi Luật Doanh nghiệp để bảo đảm an toàn tài chính công ty cổ phần, lợi ích của cổ đông và chủ nợ

11/02/2013

Công ty cổ phần (CTCP) nói riêng và doanh nghiệp nói chung không thể tồn tại và hoạt động lâu dài, hiệu quả nếu thiếu sự hợp tác của chủ sở hữu (CSH), chủ nợ và người quản lý, điều hành. Để điều chỉnh quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong quá trình quản lý, sử dụng vốn và tài sản của CTCP, không chỉ giải quyết hậu quả phát sinh mà phải ngăn ngừa nguy cơ xảy ra vi phạm hoặc hạn chế tối đa thiệt hại có khả năng xảy ra. Bài viết phân tích những bất cập của các chế định pháp luật về bảo đảm an toàn tài chính CTCP, lợi ích của cổ đông và chủ nợ; kiến nghị sửa đổi một số nội dung Luật Doanh nghiệp (Luật DN). 

1. Bất cập của các chế định pháp luật về bảo đảm an toàn tài chính công ty cổ phần, lợi ích của cổ đông và chủ nợ

1.1. Bảo đảm quyền được biết thông tin về hợp đồng vay và mua, bán tài sản

Quan hệ hợp đồng vay tạo cho chủ nợ có quyền lợi ưu tiên hơn so với cổ đông. Về nguyên tắc, khi công ty không trả được nợ, chủ nợ sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Trong trường hợp thỏa thuận vay không có tài sản bảo đảm thì chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án tuyên bố phá sản công ty để thu hồi nợ.

Sự thỏa thuận thu hồi nợ trong hợp đồng và sử dụng quyền lực của Tòa án để thu hồi nợ đặt các công ty vào tình trạng bất ổn khi không thanh toán được các khoản nợ đến hạn. Trong hàng loạt các giao dịch của mình, không phải giao dịch nào cũng mang lại lợi nhuận cho công ty, rủi ro trong thực hiện dự án có thể dẫn tới đổ bể công ty nếu không kịp thời giải quyết vấn đề nợ.

Không phải tất cả cổ đông đều có cơ hội như nhau trong nắm bắt các thông tin về đầu tư, vay nợ và mua bán tài sản. Trên thực tế, các cổ đông lớn là cá nhân và người đại diện ủy quyền của cổ đông pháp nhân thường tham gia vào bộ máy quản lý, điều hành công ty. Theo Luật DN, cổ đông có thể tiếp cận thông tin tài chính thông qua báo cáo tình hình kinh doanh của công ty hàng năm, hoặc kết quả trả lời của Ban kiểm soát (BKS) về kiểm tra, xem xét các vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành công ty. Đối với việc quyết định kinh doanh, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) chỉ quyết định khi đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu điều lệ công ty không quy định một tỉ lệ khác (điểm d khoản 2 Điều 96); còn hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất thuộc thẩm quyền thông qua của Hội đồng quản trị (HĐQT – điểm g khoản 2 Điều 108). Ngoài ra, HĐQT còn có thẩm quyền chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 50% tổng giá trị tài sản (khoản 2 Điều 120). Hơn thế nữa, nhằm hạn chế giao dịch tư lợi, khoản 1 Điều 120 quy định các giao dịch phải được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT chấp thuận: (i) Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 35% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người liên quan đến họ; (ii) Thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; (iii) Doanh nghiệp có liên quan đến việc sở hữu của thành viên HĐQT, thành viên BKS, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; doanh nghiệp mà những người liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần hoặc phần vốn góp trên 35% vốn điều lệ. Theo quy định này, thẩm quyền quyết định để kiểm soát xung đột lợi ích chưa chắc đã thuộc về ĐHĐCĐ khi điều lệ công ty ghi nhận thẩm quyền này thuộc HĐQT. Như vậy, quyền quyết định kinh doanh trong CTCP chủ yếu tập trung cho HĐQT.

Ngoài ra, Luật DN cũng quy định về chế độ công khai thông tin về CTCP khá đơn giản. Điều 129 quy định: CTCP phải gửi báo cáo tài chính hàng năm đã được ĐHĐCĐ thông qua đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tóm tắt nội dung báo cáo tài chính hàng năm phải được thông báo đến tất cả cổ đông; mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền xem hoặc sao chép báo cáo tài chính hàng năm của CTCP tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền. Như vậy, theo cơ chế này, thông thường khi cổ đông và chủ nợ tiếp cận được thông tin kết quả hoạt động kinh doanh thua lỗ thì cũng đã quá muộn để giúp họ tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Sự phát triển của CTCP về quy mô và cơ cấu cổ đông đã buộc các CTCP đại chúng phải tuân thủ Luật Chứng khoán (Luật CK) về nội dung, yêu cầu, trình tự, thủ tục công bố thông tin. Điều 10 Thông tư 52/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 5/4/2012 hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cũng quy định cụ thể về việc CTCP niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét, báo cáo tài chính quý. Ngoài ra, Điều 101 Luật CK sửa đổi năm 2010 đã bổ sung về các trường hợp giao dịch vốn và tổn thất tài sản phải công bố thông tin bất thường. Cụ thể là trong trường hợp: (i) Góp vốn có giá trị từ 10% trở lên tổng tài sản của công ty vào một tổ chức khác, góp vốn có giá trị từ 50% trở lên tổng vốn góp của công ty nhận vốn góp; (ii) Mua, bán tài sản có giá trị lớn hơn 15% tổng tài sản của công ty tính theo bảng cân đối kế toán được kiểm toán gần nhất; (iii) Quyết định vay hoặc phát hành trái phiếu có giá trị từ 30% vốn CSH tại thời điểm báo cáo gần nhất trở lên; và (iv) Bị tổn thất tài sản có giá trị từ 10% vốn của CSH trở lên. Có thể thấy, quy định trên giúp các nhà đầu tư phán đoán khả năng sinh lợi của cổ phần và quyết định đầu tư, còn cổ đông thông qua đó nắm được các hoạt động đầu tư chủ yếu để yêu cầu BKS thực hiện quyền kiểm tra, giám sát. So sánh với Luật DN, Luật CK có sự phát triển vượt bậc, bảo đảm minh bạch thông tin của công ty đại chúng làm cơ sở kiểm tra, giám sát hành vi quản lý vốn và tài sản của những người quản lý, điều hành.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít các trường hợp CTCP rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán với lý do hàng tồn kho, đầu tư thất bại… nhưng ẩn chứa trong đó là sự tập trung quyền lực cho HĐQT hoặc người điều hành cùng với hành vi lạm dụng tài sản công ty với mục đích tư lợi, dẫn tới kết quả công ty kinh doanh thua lỗ và không có khả năng thu hồi vốn đầu tư[1]. Với chế độ công bố thông tin bất thường theo Luật CK, cổ đông thiểu số và chủ nợ cũng chỉ có quyền tiếp cận thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng mà không có quyền yêu cầu chi tiết về nội dung thông tin công bố nên khó có thể kiểm soát được hành vi tư lợi trong giao dịch vốn và tài sản gắn với các thông tin công bố. Ngoài ra, cơ chế hậu kiểm soát công bố thông tin định kỳ tạo cho HĐQT và Tổng giám đốc thuận lợi trong quyết định kinh doanh nhưng lại tạo ra rủi ro cho cổ đông và chủ nợ khi người quản lý, điều hành thiếu trách nhiệm và không kiểm soát chặt chẽ sử dụng vốn và tài sản cũng như công khai, minh bạch kết quả kinh doanh.

1.2. Sử dụng thặng dư vốn của chủ sở hữu và bảo vệ quyền lợi của các chủ thể liên quan

Vốn điều lệ CTCP được hình thành bằng đóng góp của cổ đông. Thông thường, tăng vốn điều lệ nhằm bổ sung vốn để thực hiện các dự án đầu tư, so với vay vốn ngân hàng thì tăng vốn điều lệ thường được công ty sử dụng để tiết kiệm chi phí và tạo ra lợi nhuận cho cổ đông, đặc biệt đối với công ty có lợi thế chiếm lĩnh thị trường. Ngoài ra, đối với công ty huy động vốn bằng phát hành trái phiếu chào bán ra công chúng, thì đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu là một điều kiện bắt buộc. Ở các nước Anh, Mỹ, vốn của công ty được coi là phương tiện trả nợ[2]. Quan điểm này cũng giống với ý tưởng lập pháp trong Luật DN nước ta là ưu tiên thanh toán các khoản nợ đến hạn khi ĐHĐCĐ quyết định chi trả cổ tức. Tuy nhiên, giao dịch vốn của CSH có ảnh hưởng đến lợi ích của chủ nợ thì chưa được quy định cụ thể trong Luật DN.

Trên thực tế, nhiều CTCP phân chia thặng dư vốn dưới hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tuy tạo lợi ích cho cổ đông nhưng lại làm giảm giá trị vốn khả dụng của công ty trên sổ sách kế toán. Ngày 10/8/2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 130/2012/TT-BTC[3] (Thông tư 130) thay thế Thông tư 18/2007/TT-BTC ngày 13/3/2007 (Thông tư 18) có quy định tổng số cổ phiếu thưởng được phát hành theo chương trình lựa chọn trong mỗi 12 tháng không được vượt quá 5% số cổ phần đang lưu hành của công ty và mục đích phát hành cổ phiếu thưởng được chỉ định phân chia cho người lao động, trong khi phát hành cổ phiếu thưởng theo Thông tư 18 nhằm phân phối cho cổ đông hiện hữu. So với Thông tư 18, Thông tư 130 quy định không rõ về nguồn vốn được sử dụng để phát hành cổ phiếu thưởng mà chỉ quy định điều kiện là “công ty phải có đủ nguồn vốn thực hiện căn cứ báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán từ các nguồn: thặng dư vốn, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ”. Vấn đề đặt ra là cần phải xác định thế nào là “đủ nguồn vốn” và làm thế nào để bảo đảm an toàn tài chính của công ty khi sử dụng thặng dư vốn và lợi nhuận chưa phân phối để phát hành cổ phiếu thưởng. Ngoài ra, Thông tư 130 tạo ra khả năng xung đột lợi ích giữa cổ đông hiện hữu không phải là người lao động và người lao động không phải là cổ đông. Đây là vấn đề cần thiết phải làm rõ trong Thông tư 130 cũng như xác định quyền lợi của người lao động trong Luật DN.

Nhìn chung, khi duy trì chế độ phát hành cổ phiếu thưởng thì quy định giới hạn an toàn trong sử dụng thặng dư vốn và lợi nhuận chưa phân phối là cần thiết, giới hạn này chính là bảo đảm an toàn vốn của công ty và bảo đảm quyền lợi của chủ nợ, bởi chủ nợ chỉ có quyền yêu cầu công ty trả nợ chứ không có quyền yêu cầu cổ đông trả nợ.

Ngoài ra, CTCP có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần đã phát hành. Khi CTCP mua lại cổ phần về thực chất là làm giảm vốn CSH trong tương quan với vốn nợ. Cũng giống như trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng, công ty quyết định mua lại cổ phần phải đáp ứng điều kiện “đủ nguồn vốn để mua lại cổ phiếu căn cứ vào báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán. Trong trường hợp là công ty mẹ phải đảm bảo đủ nguồn vốn thuộc quyền sở hữu và sử dụng công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán” (Điều 3 Thông tư 30). Quy định này tuy xác định nghĩa vụ của CTCP là phải đảm bảo đủ nguồn vốn nhưng giới hạn nào là đủ cũng chưa rõ ràng.

Việc mua lại cổ phần thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ và HĐQT, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chỉ xem xét tính đầy đủ và hợp lệ của tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu của công ty đại chúng, còn công ty đại chúng sẽ công bố thông tin khi UBCK nhận đủ tài liệu báo cáo (Điều 6 Thông tư 30). Điều này có nghĩa là công bố thông tin chưa chắc đã đảm bảo tuyệt đối an toàn tài chính của CTCP. Bởi vậy, Luật DN cần bổ sung quy định về giới hạn an toàn cho các giao dịch vốn của CSH trong CTCP.

1.3. Trách nhiệm quản lý tài chính trong công ty cổ phần

Về mặt kế toán, các khoản vốn của CSH, vốn vay, các khoản doanh thu, chi phí trong hoạt động kinh doanh được phản ánh trên hệ thống tài khoản kế toán và được tổng hợp trong bảng cân đối kế toán khi kết thúc năm tài chính.

Về nguyên tắc, cổ đông ủy quyền quản lý kinh doanh cho HĐQT và xác định các điều kiện để HĐQT bầu ra Tổng giám đốc hoặc Giám đốc. Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Chủ tịch HĐQT là người có khả năng nắm bắt được thông tin về lợi nhuận thông qua theo dõi giao kết hợp đồng, thực hiện các dự án đầu tư, báo cáo kết quả hạch toán kinh doanh trong nội bộ công ty. Bởi vậy, có thể thấy quyền lợi của cổ đông và chủ nợ có được bảo đảm hay không phụ thuộc vào thực hiện nghĩa vụ trung thực và cẩn trọng của chính những người quản lý và điều hành.

Thông thường, báo cáo của HĐQT và Tổng giám đốc tại ĐHĐCĐ chỉ đề cập đến những nội dung tổng thể, còn kết quả ghi nhận trên bảng cân đối kế toán là những “con số tổng” được phân loại theo nguồn vốn, tài sản đầu tư, lợi nhuận đầu tư trong khi tổng hợp dữ liệu này lại phụ thuộc vào tính trung thực trong tổ chức hạch toán kế toán và lập bảng cân đối kế toán trong nội bộ công ty. Việc kiểm tra, xác nhận thông tin trong bảng cân đối kế toán bởi công ty kiểm toán có ý nghĩa bảo đảm mức độ tin cậy về thông tin tài chính của CTCP, nhưng trên thực tế, kết quả kiểm toán chưa chắc được tin cậy khi có hành vi thông đồng gian lận số liệu kế toán giữa CTCP và công ty kiểm toán. Ngoài ra, chưa kể việc gian lận các số liệu kế toán từ [V1] phía CTCP mà chưa được phát hiện bởi công ty kiểm toán. Năm 2011, thị trường chứng khoán bị “sốc” bởi thông tin chủ nợ nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản CTCP Dược Viễn đông (DVD) cũng như thông tin nguyên Tổng giám đốc Lê Văn Dũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thao túng giá chứng khoán. Vụ việc này có liên quan đến hàng loạt hành vi vi phạm tài chính như kinh doanh lòng vòng tạo doanh thu ảo, cung cấp thông tin không đúng về các hợp đồng có giá trị lớn và doanh thu trong quá trình DVD[V2]  chào bán cổ phiếu ra công chúng nhưng công ty kiểm toán không phát hiện được sai phạm[4]. Từ đó có thể thấy rủi ro thông tin khiến cho cả cổ đông và chủ nợ đều có thể bị thiệt hại và có khả năng mất vốn.

Thông thường, thông tin về vốn của CSH, tổng giá trị tài sản của công ty và các thông tin về phù hợp giữa tài sản dài hạn và nợ dài hạn, tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn trong bảng cân đối kế toán là căn cứ đánh giá mức độ an toàn tài chính của công ty. Tuy nhiên, tại thời điểm cho vay, chủ nợ không thể biết hết các thông tin tài chính như tình trạng biến động về tài sản, cơ cấu nợ trong công ty, bởi vậy, khi ngân hàng cho vay vốn hoặc công ty cho mua chịu vật tư, hàng hóa phải có thỏa thuận về bảo đảm tài sản để tự bảo vệ chính mình.

Trong thời gian qua, không ít trường hợp HĐQT và Tổng giám đốc các CTCP đề xuất ĐHĐCĐ quyết định chi trả cổ tức, nhưng việc chi trả lại không được thực hiện. HĐQT và Tổng giám đốc nhiều công ty dựa vào nhiều lý do khác nhau như thiếu hụt vốn lưu động, khách hàng chậm trả nợ… để hoãn trả cổ tức cho cổ đông, thậm chí còn trả chậm một vài năm[5]. Lý do chậm trả cổ tức do các công ty đưa ra dường như có vẻ chính đáng và cổ đông “bất đắc dĩ” phải chấp nhận thiệt hại để ưu tiên duy trì hoạt động của công ty, tuy nhiên, “hậu trường” của việc chưa trả cổ tức cho thấy, còn có nhiều nghi vấn về kết quả kinh doanh trên bảng cân đối kế toán. Tình trạng này xuất hiện do kết quả kinh doanh và đầu tư chưa được hạch toán đầy đủ và chính xác trong đó phải kể đến trách nhiệm của Tổng giám đốc và Kế toán trưởng[6]. Trong khi đó, Luật DN chưa xác định vị trí của Kế toán trưởng trong bộ máy quản trị nội bộ CTCP.

Vì vậy, cần sửa đổi Luật DN một cách tổng thể, nhằm minh bạch hóa hoạt động quản lý và điều hành trong CTCP giúp cho cổ đông cũng như chủ nợ tự bảo vệ quyền lợi của mình.

2. Một số đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp

2.1. Bảo đảm an toàn tài chính của công ty cổ phần

Thua lỗ, phá sản là người bạn đồng hành của doanh nghiệp, chủ nợ có thể yêu cầu thu hồi vốn trước thời hạn khi phát hiện việc doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích hoặc yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn. Điều 16 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế; thời hạn chuyển lỗ không quá 5 năm kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ. Quy định này cho phép công ty kinh doanh thua lỗ vẫn được tồn tại. Thực chất, khi CTCP kinh doanh không có lãi, cổ đông là người bị ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp vừa không được nhận cổ tức, vừa có khả năng mất vốn nếu công ty bị tuyên bố phá sản. Bảo đảm an toàn tài chính CTCP cũng chính là bảo vệ cổ đông và uy tín của công ty trên thị trường. Luật DN cần bổ sung quy định về nghĩa vụ và nguyên tắc trích lập các quỹ trong CTCP bằng lợi nhuận sau thuế và mức tối thiểu trích lập, giới hạn an toàn sử dụng thặng dư vốn và lợi nhuận chưa phân phối để tạo cơ sở pháp lý cho cổ đông, chủ nợ bảo vệ quyền của mình cũng như làm căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các hành vi vi phạm của thành viên HĐQT, Tổng giám đốc và Kế toán trưởng.

2.2. Sửa đổi quy định nghĩa vụ công khai thông tin và quyền yêu cầu thông tin trong Luật Doanh nghiệp

Như đề cập ở trên, Luật DN hiện hành chỉ quy định sơ lược về nghĩa vụ công khai thông tin của CTCP và thiếu những quy định về nội dung thông tin công bố và quyền yêu cầu thông tin của chủ nợ.

Với cơ chế công bố thông tin hiện nay, cổ đông và chủ nợ khó có thể nắm bắt chính xác thực trạng tài chính của công ty để quyết định mua, bán cổ phần để đầu tư hoặc thu hồi vốn vay trước thời hạn khi nhận thấy tình trạng không an toàn về tài chính của công ty.

Vì vậy, Luật DN cần quy định nội dung công bố thông tin góp vốn của CTCP theo tỉ lệ vốn góp/vốn điều lệ mà không nên quy định tỉ lệ vốn góp/tổng tài sản như trong Luật CK 2010, bởi lẽ giới hạn an toàn tài chính cần xác định dựa trên vốn thực có của công ty. Đồng thời, Luật DN cần bổ sung quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của chủ nợ liên quan đến hoạt động đầu tư, vay vốn để thực hiện dự án, thông tin về phát hành cổ phiếu thưởng và mua lại cổ phần có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của công ty.

2.3. Quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và hoàn thiện cơ chế giám sát trong công ty cổ phần

Buộc chấm dứt hành vi vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại là một trong những nguyên tắc bảo vệ quyền dân sự được ghi nhận trong Điều 9 Bộ luật Dân sự. Luật DN cũng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với công ty trong trường hợp hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu khi được giao kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận (khoản 4 Điều 120). Ngoài ra, Điều 165 quy định áp dụng chung đối với người vi phạm các quy định của Luật DN, theo đó, tùy tính chất và mức độ vi phạm mà người vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông, chủ nợ của doanh nghiệp hoặc người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Những quy định trên có ý nghĩa xác định trách nhiệm trong quản lý điều hành của thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc… khi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm dân sự trong Luật DN chưa đề cập đến bảo vệ lợi ích của bên thứ ba khi có các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động tài chính của CTCP, chẳng hạn: vi phạm do các thành viên HĐQT, Tổng giám đốc đề xuất chia cổ tức dựa trên báo cáo tài chính không trung thực hoặc là gian lận thông tin tài chính để ký kết các hợp đồng vay dẫn đến tình trạng công ty không trả được khoản nợ đến hạn… Bởi vậy, Luật DN cần quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người quản lý, điều hành và các thành viên khác trong tổ chức nội bộ công ty thành một điều khoản bao quát đầy đủ các trường hợp vi phạm sẽ có ý nghĩa phòng ngừa cũng như khôi phục các thiệt hại về tài sản xảy ra đối với công ty, cổ đông và chủ nợ.

Hơn thế nữa, trong hoạt động công ty, Kế toán trưởng có vai trò quan trọng trong tổ chức kế toán và xem xét tính hợp lý, hợp pháp của các khoản thu, chi được HĐQT và Tổng giám đốc quyết định. Theo ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội kế toán, kiểm toán Việt Nam thì “hiện tượng người làm kế toán trưởng phải chấp nhận một chứng từ kế toán không đúng nguyên tắc hoặc bị vô hiệu hóa để phục vụ cho lợi ích nhóm là khá phổ biến”[7]. Trong tình trạng này, nếu BKS không kiểm tra xem xét kịp thời sẽ khó có thể phát hiện vi phạm khi có sự thông đồng giữa HĐQT, Tổng giám đốc và Kế toán trưởng. Bởi vậy, Luật DN cần quy định nghĩa vụ bắt buộc thành lập tổ chức kiểm toán nội bộ trong CTCP quy mô lớn để kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn và tài sản theo cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm. Ngoài ra, Luật DN cần sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện để trở thành thành viên BKS để tất cả các thành viên BKS phải có chuyên môn về kế toán, kiểm toán nhằm nâng cao trách nhiệm chuyên môn trong kiểm tra, giám sát tài chính trong CTCP.

CTCP có quy mô và đặc trưng khác nhau nên dẫn tới sự khác biệt trong hình thành tổ chức quản trị nội bộ, Luật DN cần quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát tài chính phù hợp với quy mô vốn hoặc yêu cầu về công khai thông tin để các CTCP có thể lựa chọn tổ chức phù hợp với khả năng đáp ứng về chi phí trong CTCP quy mô nhỏ – CTCP phi đại chúng cũng như yêu cầu bảo vệ quyền lợi của cổ đông và chủ nợ trong CTCP đại chúng.

An toàn tài chính của công ty không chỉ là sự mong đợi của cổ đông, chủ nợ mà còn là sự mong đợi các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nói chung. Sự tồn tại của CTCP vượt ra khỏi mục đích ban đầu là phương tiện để huy động vốn giúp tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông, nó đã trở thành tập hợp tài sản ràng buộc lợi ích của công ty với CSH, chủ nợ, Nhà nước, người tiêu dùng và người lao động. Pháp luật ghi nhận quyền tự do kinh doanh nhằm hướng các doanh nghiệp hoạt động tạo ra lợi ích cho các chủ thể. Khi các quy định pháp luật chưa đầy đủ, thiết chế giám sát chưa đủ mạnh thì khó có thể ngăn ngừa vi phạm pháp luật của người quản lý, điều hành. Bởi vậy, cần đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích cổ đông và chủ nợ song hành cùng với bảo vệ tài sản của công ty. Sửa đổi các quy định trong Luật DN thực sự là cần thiết giúp cho cổ đông và chủ nợ có thể bảo vệ quyền của mình, nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật của người quản lý điều hành, giúp cho CTCP khẳng định vị trí ưu việt và tạo niềm tin đối với xã hội nói chung./.

 


 

[1] Năm 2010, CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic) phát hành cổ phần mới bằng chào bán ra công chúng và đã được công khai mục đích sử dụng. Trong khi vốn CSH là 364 tỉ đồng và tổng tài sản là 590 tỉ đồng nhưng đã cho vay với công ty Beta trong hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổng giá trị cho vay hơn 100% vốn điều lệ và bằng 64,3% tổng tài sản nhưng không được ĐHĐCĐ chấp thuận. Sau khi xuất hiện tình trạng không thu hồi được nợ, Hanic mới giải trình cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tham khảo thêm: Uyên Phạm “Hanic bên bờ vực phá sản: Lãnh đạo doanh nghiệp vô can”, Đầu tư chứng khoán 21/3/2012 tr 8,18.

[2] Tham khảo thêm Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung: Công ty – vốn, quản lý và tranh chấp theo Luật DN 2005. NXB Tri thức 2009, tr 130.

[3] Thông tư hướng dẫn việc mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng.

[4] Xem thêm Nhật Minh: Ủy ban Chứng khoán; “Thủ đoạn làm giá DVD quá tinh vi”, ngày 13/9/2011 tải từ http://vnexpress.net.

[5] CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố lùi thời hạn chi trả cổ tức năm 2011 từ quý II năm 2012 sang  6 tháng cuối năm 2012 do cổ tức được chi trả bằng cổ phiếu, Tổng công ty Sông Đà 7 (SD7) và CTCP chiếu xạ An Phú (APC) nợ cổ tức do thiếu hụt vốn huy động với tình trạng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.

[6] Kế toán trưởng với tư cách là người giám đốc tài chính, vừa là người tổ chức hệ thống thông tin tài chính đồng thời là người tổ chức và kiểm soát các nguồn lực tài chính.

[7] Thy Nga, “Cần trao quyền phủ quyết cho Kế toán trưởng”, Thời báo Tài chính  ngày 26/9/2012 tr 13.  

 

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Bài học về cứu trợ doanh nghiệp thời khủng hoảng của Mỹ

09/01/2013
Bằng cách đảm bảo rằng các chủ nợ, cùng những người gửi tiền, được thanh toán đầy đủ, Mỹ đã thúc đẩy kỳ vọng của thị trường về sự can thiệp của chính phủ trong tương lai. Chương trình giải quyết nợ xấu của Bộ Tài chính Mỹ (TARP) đã bộc lộ nhiều yếu điểm cùng như những bài học dành cho các nhà lập pháp Mỹ.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner đang kêu gọi kết thúc Chương trình giải quyết nợ xấu (TARP) trị giá 418 tỷ USD dành cho các ngân hàng, các hãng ô tô và nhiều doanh nghiệp khác trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính.

Thời kỳ “đen tối” đã qua ?

Trong thông báo sẽ bán số dứt điểm số cổ phần còn lại trong các doanh nghiệp như General Motor (GM), American International Group (AIG) cùng 218 ngân hàng nhỏ khác, Bộ Tài chính Mỹ về cơ bản muốn kết thúc gói cứu trợ gây tranh cãi, được sử dụng để giúp hệ thống tài chính khỏi sụp đổ bằng mọi giá với chi phí thấp trong những ngày đen tối nhất của năm 2018.

Hầu hết các ngân hàng đã hồi phục trở lại sau khi được hỗ trợ hàng tỷ USD tiền vốn. Ngành công nghiệp ô tô Mỹ cũng phát triển trở lại. Thậm chí AIG cũng rao bán các tài sản từng khiến hệ thống tài chính toàn cầu sụp đổ năm 2008. Số tiền thu về dự kiến sẽ dao động từ 24 tỷ USD đến 60 tỷ USD, tương đương gần 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ thời điểm trước khi nổ ra thảm họa tài chính.

Tuy nhiên, đằng sau sự thành công đó, TARP không thực sự hoàn hảo. Lý do là vì chương trình này quá hào phóng với các doanh nghiệp được cứu trợ, trong khi lại làm trầm trọng thêm vấn đề rủi ro đạo đức. Chẳng những thế, nó còn làm được quá ít nhằm cứu vãn sự tan chảy của thị trường nhà đất Mỹ, cội nguồn của khủng hoảng tài chính 2008.

Mục đích chính của TARP là ổn định hệ thống tài chính bằng cách bơm vốn vào hơn 700 ngân hàng và các công ty khác có khả năng tàn phá kinh tế Mỹ nếu sụp đổ. 19 ngân hàng lớn nhất bị buộc phải trải qua các bài kiểm tra căng thẳng và nâng vốn dự trữ để có thể chịu đựng được những thiệt hại nếu một cuộc suy thoái khác nổ ra. Đổi lại, chính phủ Mỹ nhận được cổ phiếu ưu đãi, khoản nợ hoặc chứng chỉ đảm bảo từ phía các doanh nghiệp này. Hầu hết trong số cứu trợ đã được mua lại hoặc hoàn trả cho Bộ Tài chính. Ước tính, bộ đã thu hồi được khoảng 375 tỷ USD trong tổng số 418 tỷ USD cứu trợ.

Tuy nhiên, thực tế số tiền trả về này có thể còn lớn hơn nữa. Khi triển khai TARP, các tổ chức và doanh nghiệp đều được áp dụng các điều khoản cứu trợ như nhau, bất kể tình trạng sức khỏe hoặc rủi ro từ đối tượng đóng thuế. Lý do cơ bản của việc làm này là nếu Bộ Tài chính xếp hạng 1 ngân hàng vào mức yếu, điều đó có thể gây ra đổ vỡ hàng loạt, song thị trường tài chính đều nắm rõ độ mạnh yếu của từng doanh nghiệp nhận cứu trợ.

Kết quả là, các tổ chức khỏe mạnh, bao gồm Goldman Sachs, JPMorgan, hoàn trả 5% cổ tức hàng hàng năm đối số cổ phiếu ưu đãi mà Bộ Tài chính nắm giữ, và các tổ chức yếu cũng phải hoàn trả tỷ lệ cổ tức tương đương. Có thể nói, con số 5% là một tỷ lệ quá thấp, bởi tỷ phú đầu tư Warrent Buffett từng nhận cổ tức 10% từ Goldman Sachs khi ông đầu tư 5 tỷ USD vào ngân hàng trong thời khủng hoảng. Kết quả, chủ tịch Berkshire Hathaway đã thu về 3,7 tỷ USD lợi nhuận, Bloomberg cho biết. Trong khi đó, Bộ tài chính đầu tư 10 tỷ USD vào Goldman song chỉ thu về 1,1 tỷ USD.

Tiếp đó là câu hỏi về rủi ro đạo đức. Bằng cách đảm bảo rằng các chủ nợ, cùng những người gửi tiền, được thanh toán đầy đủ, Mỹ đã thúc đẩy kỳ vọng của thị trường về sự can thiệp của chính phủ trong tương lai.

Đạo luật tài chính Dodd-Frank được đưa ra với nỗ lực phá bỏ ấn tượng này bằng cách ngăn cấm các khoản cứu trợ từ tiền của người đóng thuế, đồng thời tạo ra 1 hệ thống giúp loại bỏ bỏ những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Tuy nhiên, phố Wall rõ ràng không tin vào điều này, bởi các ngân hàng thuộc nhóm “quá lớn để sụp đổ” (too big to fail) vẫn có thể vay vốn với giả rẻ hơn so với các ngân hàng nhỏ hơn. Các nhà kinh tế tại Cục dự trữ liên bang New York cũng cho biết các ngân hàng có thể nhận được các khoản vay ưu đãi nếu có được sự hỗ trợ từ chính phủ.

Cuối cùng, TARP không thể vực dậy thị trường nhà đất Mỹ. 2 chương trình chính của chính phủ chỉ giúp được chưa đầy 3 triệu chủ nhà ở gặp khó khăn, 1 con số thấp hơn nhiều so với mục tiêu 9 triệu đã đề ra. Mặc dù thị trường nhà đất cuối cùng cũng đã phục hồi, song rõ ràng không phải nhờ TARP.

Vậy đâu là bài học có thể rút ra từ TARP?

Trên thực tế, TARP có thể giúp hạn chế một số sự hỗn loạn bởi đây là 1 kế hoạch ứng cứu khẩn cấp có tác dụng vào một thời điểm nhất định khi thị trường bị xáo trộn. Tuy nhiên, điểm yếu của nó cũng là những bài học quý báu cho các nhà lập pháp và quản lý, những người đang phải vật lộn với vấn đề rủi ro đạo đức và các “ngân hàng quá lớn để sụp đổ”.

Bên cạnh đó, có một vài cách tiếp cận cần được lưu tâm, đó là: Yêu cầu các ngân hàng lớn nhất nắm nhiều vốn hơn, hạn chế sự độc quyền của các ngân hàng và hạn chế quy mô các khoản nợ phải trả không phải tiền gửi của họ, như các thỏa thuận mua lại qua đêm.

Các gói cứu trợ tương lai cũng nên cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho các chủ nhà ở, đồng thời tập trung làm giảm vốn thế chấp cũng như bớt để tâm vào việc giảm các khoản thành toán hàng tháng. Chỉ đến khi đó, ác cảm của công chúng với các kế hoạch giải cứu mới có thể giảm bớt.

(Theo Gafin.vn)